Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Thân Bao Tư quỳ ngoài sân cung Tần khóc lóc bảy ngày bảy đêm khiến Tần Ai Công cảm động, nguyện ý vì ông xuất binh, khôi phục nước Sở. Em trai của Ngô vương là Phu Khái bị liên quân Tần – Sở đánh bại. Tôn Vũ cùng Ngũ Tử Tư đều khuyên Ngô vương lui binh. Bá Bĩ tự phụ, khăng khăng xin được xuất chiến, kết quả đại bại, quân sĩ bỏ mạng vô số. Tôn Vũ khuyên Ngô vương hãy xử trảm Bá Bĩ đúng theo quân lệnh, nhưng Ngũ Tử Tư ra mặt cầu xin. Ngô vương miễn xá cho Bá Bĩ. Giờ tình thế trước mắt vô cùng bất lợi. Ngô vương liệu sẽ tiếp tục chống cự trong thế có thể mất trắng hay sẽ rút quân trở về mà vẫn giữ được cả vốn lẫn lời?
Quân Ngô rơi vào hiểm cảnh
Phu Khái tháo chạy về Dĩnh Đô, tâu lại với Hạp Lư rằng Tần đã liên quân với Sở, khí thế lớn mạnh lắm, e rằng khó lòng chống đỡ. Hạp Lư nghe nói mặt liền biến sắc.
Tôn Vũ liền nói: “Khi trước tôi muốn ngài lập công tử Thắng làm vua Sở chính là lo rằng Sở Chiêu Vương sẽ ngóc đầu trở lại. Giờ thì quả nhiên ta không thể cùng lúc đánh nhau với hai nước Tần, Sở nữa. Quân Ngô đang cảm thấy rất là tự mãn, còn bên kia một lòng liều chết báo thù. Sĩ khí hai bên giờ đã khác nhau một trời một vực. Hơn nữa quân số bên địch lại vô cùng lớn. Nếu đánh thì ta cũng không thắng được, chẳng may nếu thua thì vốn liếng giảng hòa cũng chẳng còn. Chi bằng nhân lúc hiện giờ còn chưa đánh nhau, ta vẫn chưa bị bại trận, vẫn có thể đàm phán điều kiện với họ. Để nước Sở cắt miếng đất ở biên giới phía đông cho nước Ngô, ta sẽ đồng ý cho Sở Chiêu Vương phục quốc. Như vậy, ta có thể mở rộng thêm lãnh thổ nước Ngô, kể ra cũng lợi. Bởi phía đông của nước Sở tiếp giáp với phía tây của nước Ngô. Nước Ngô một khi mở rộng lãnh thổ rồi, nhân khẩu theo đó cũng sẽ tăng lên, có thể thu được nhiều thuế má hơn, quốc lực sẽ theo đó mà trở nên giàu mạnh”.
Tôn Vũ đứng trước tình thế nguy nan nhường vậy mà vẫn tính toán được chu toàn để làm thế nào giành được lợi ích lớn nhất cho nước Ngô. Ngũ Tử Tư biết rằng những gì Tôn Vũ nói đều đúng cả, nên cũng tán thành. Riêng Bá Bĩ lại không đồng ý. Bá Bĩ nói với Hạp Lư rằng: “Quân ta từ khi khai chiến đến giờ, đi đến đâu phá vỡ đến đấy, chỉ đánh năm trận mà lấy được Dĩnh Đô, nay mới trông thấy quân Tần đã toan rút lui về, trước hăng hái thế nào mà tại sao nay lại nhút nhát như vậy? Xin đại vương cứ cấp cho tôi một vạn quân, tôi quyết đánh cho quân Tần chẳng còn một mống nào trở về, nếu không đánh được, xin chịu tội chết!”.
Hạp Lư thấy Bá Bĩ lời lẽ hùng hồn, liền cho ông ta một vạn quân. Kết quả, Bá Bĩ bị đánh cho tơi tả, một vạn quân chỉ còn hai nghìn người sống sót thất thểu trở về. Bá Bĩ lệnh người nhốt mình vào trong xe tù, vào yết kiến Hạp Lư chịu tội. Tôn Vũ nói riêng với Ngũ Tử Tư rằng: “Bá Bĩ là kẻ cậy công mà tự đắc, sau này tất làm tai vạ cho nước Ngô. Chi bằng nhân việc y thua trận này, ta mượn quân pháp chém đi cho rồi”.
Không biết Tôn Vũ có từng nghe Bị Ly nói Bá Bĩ “bản tính tham lam ưa nịnh, lật lọng tráo trở” gì đó hay không mà lại có cùng nhận định như vậy? Nhưng Ngũ Tử Tư lần nữa lại xin Hạp Lư tha tội cho Bá Bĩ, nói Bá Bĩ trước đây đã từng đánh thắng nhiều trận, lập nhiều công trạng, coi như lấy công bù tội. Cuối cùng Hạp Lư đã tha tội cho Bá Bĩ.
Phu Khái làm phản
Hạp Lư cũng đang nghĩ rốt cuộc là hòa hay đánh? Thoạt đầu ông vẫn muốn đánh và lệnh cho em trai mình là Phu Khái ở lại giữ Dĩnh Đô. Phu Khái nghĩ thầm: “Nước Ngô mình từ khi lập quốc đến nay vương vị đều là anh truyền cho em, nhưng giờ Hạp Lư vẫn không lập mình làm thái tử, mà lại lập con trai ông ta là Phù Sai. Như vậy há không phải mình vĩnh viễn không có cơ hội trở thành Ngô Vương nữa hay sao? Giờ chi bằng nhân lúc Hạp Lư đang giao chiến với hai nước Tần – Sở, ta mau chóng lén quay về nước Ngô xưng vương”. Phu Khái bèn dẫn quân trốn về Ngô. Suốt dọc đường ông còn tung tin giả rằng Ngô vương bại trận, giờ không rõ tung tích. Theo thông lệ của nước Ngô, sau khi người anh mất thì người em sẽ kế ngôi, vậy nên hiển nhiên giờ đến lượt Phu Khái trở thành Ngô vương. Đồng thời, ông ta sai sứ sang mượn quân nước Việt, hẹn khi thành sự sẽ biếu năm thành để tạ ơn.
Phu Khái vừa bỏ trốn không được bao lâu thì Hạp Lư đã biết được. Hạp Lư liền hỏi Tôn Vũ cùng Ngũ Tử Tư rằng Phu Khái cớ sao lại bỏ trốn? Ngũ Tử Tư nói: “Phu Khái bỏ trốn lần này, nhất định là muốn tạo phản”. Ngũ Tử Tư chắc hẳn còn nhớ Bị Ly nói Phu Khái “lông tơ mọc ngược, ắt làm chuyện bội quốc phản chủ”. Vậy nên khi Hạp Lư vừa nghe nói trong nước có nội loạn, lập tức cũng dẫn binh về dẹp loạn.
Hạp Lư đã ban bố một mệnh lệnh cho quân sĩ, rằng: “Quả nhân còn đang ở đây, các ngươi chớ nghe tin theo những lời bịa đặt của Phu Khái. Chỉ cần các ngươi chịu quay trở về, dẫu trước đó có đi theo Phu Khái hay không, quả nhân lập tức miễn xá tội cho các ngươi. Còn như các ngươi không chịu quay đầu, Phu Khái một khi bại trận, ta sẽ giết sạch toàn bộ kẻ nào đi theo hắn”.
Chiêu này của Hạp Lư rất cao minh bởi Phu Khái trước đó vốn phao tin vịt rằng Hạp Lư không rõ tung tích. Bây giờ Hạp Lư lại xuất hiện, mọi người nghe nói Ngô vương vẫn còn sống, lại hạ quân lệnh này, vậy nên gần như toàn bộ quân đội của nước Ngô đều chạy về phía Hạp Lư. Phu Khái chỉ còn lại một số ít nhân mã của mình, vừa đánh đã bại. Sau khi bại trận, Phu Khái liền chạy sang nước Việt. Khi đó nước Việt vừa nhìn thấy Phu Khái bại trận, cũng không tiếp tục xuất binh đánh nhau với Ngô nữa.
Bởi trong nước có nội loạn, vậy nên Hạp Lư mau chóng hạ lệnh cho Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư thu quân trở về. Ngũ Tử Tư chuẩn bị thu quân, chưa kịp đàm phán với Sở. Tôn Vũ lại nói: “Ta rút về không thì bị quân Sở cười, chi bằng tâu với đại vương mà xin phong cho công tử Thắng. Nếu chúng ta nhất định phải thu quân, vì sao không nhân lúc chưa đánh nhau, còn chưa bại trận, khi mà bên ta vẫn còn vốn liếng, yêu cầu nước Sở phong cho công tử Thắng một quận lớn, để công tử Thắng làm người đứng đầu đất đó”.
Chúng ta thấy Tôn Vũ thắng mà không bao giờ tỏ ra ngạo mạn. Khi mọi người đều đang uống rượu mừng, ông nghĩ làm sao có thể chiếm lĩnh nước Sở mãi mãi, bèn đưa ra đề nghị lập một “chính phủ bù nhìn”. Khi nhìn thấy bên mình không có cơ hội chiến thắng, ông đề nghị giảng hòa với điều kiện cắt một miếng đất rộng lớn của Sở sáp nhập vào Ngô. Giờ có thể đã không có vốn liếng để đàm phán nữa, ông yêu cầu đưa công tử Thắng trở về Sở. Công tử Thắng vốn là con trai của thái tử Kiến, thái tử quá cố của nước Sở. Sở Chiêu Vương đồng ý triệu công tử Thắng về phong cho đại ấp.
Tôn Vũ và Ngũ Viên liền hạ lệnh rút quân. Phàm những báu vật ở trong kho nước Sở, lương thực tài vật đều chất lên xe chở về. Ngũ Tử Tư lại cho dời dân Sở kể hàng vạn nhà sang ở chỗ đất hoang của nước Ngô. Trong phút chốc, nước Ngô có được rất nhiều tiền tài, lương thực, nhân khẩu, nhờ đó mà trở thành quốc gia vô cùng giàu mạnh.
Có ân phải trả
Ngũ Tử Tư khi rút quân trở về, bảo Tôn Vũ theo đường thuỷ về trước, còn mình theo đường bộ về lại con đường trốn chạy năm xưa, đi qua Lịch Dương Sơn, định tìm Đông Cao Công để trả ơn. Ngũ Tử Tư đến nơi thì chẳng thấy nhà cửa đâu cả. Lại sai người sang Long Động Sơn để tìm Hoàng Phủ Nột, cũng chẳng thấy tung tích Nột ở đâu. Ngũ Tử Tư thở dài mà than rằng: “Thật là những bậc cao sĩ!”. Nói xong, liền đến chỗ hai người ở, sụp lạy rồi đi. Khi đến cửa Chiêu quan, quân Sở đều bỏ trốn hết cả. Ngũ Tử Tư sai phá cửa quan ấy.
Khi qua bến Lại Thuỷ nơi cô gái giặt lụa tự sát năm nào, Ngũ Tử Tư lấy ra một nghìn lạng vàng ném xuống vệ sông mà khấn rằng: “Lòng ta không phụ, nàng có thiêng liêng, xin nàng chứng giám!”. Vậy nên Ngũ Tử Tư ngoài việc báo thù, còn muốn báo ân nữa.
Sau khi Ngũ Tử Tư về đến nước Ngô, Hạp Lư luận công ban thưởng, xem ai là người có công đầu trong việc đánh Sở. Công thần đứng đầu kể ra thì không thể thiếu Phu Khái được, bởi ông vốn là tiên phong. Nhưng Phu Khái đã tạo phản, trốn chạy đến nước Việt rồi. Người có công đầu chính là Tôn Vũ. Ngô Vương Hạp Lư muốn trọng thưởng nhưng Tôn Vũ không nhận, vừa không muốn làm quan, cũng không nhận một đồng xu nào.
Tôn Vũ nói riêng với Ngũ Tử Tư rằng: “Ngài lại còn không biết đạo Trời hay sao? Hè đi thì đông sang, xuân qua thì thu đến. Nay đại vương cậy mình cường thịnh, không có đối thủ, tất sinh lòng kiêu ngạo. Ngài đã công thành mà không thoái thân, thì rồi có hậu họa. Tôi không chỉ muốn bảo toàn cho tôi mà thôi, tôi cũng muốn bảo toàn cho ngài nữa”.
Lời Tôn Vũ nói ở đây là đạo Trời, mùa xuân qua đi thì mùa thu sẽ đến, một quốc gia không thể cứ ở vào trạng thái hưng thịnh mãi được. Bây giờ Ngô sau khi diệt được Sở rồi, chính là đã đạt đến hưng thịnh đỉnh điểm, thế thì đây cũng chính là khởi điểm nước Ngô bắt đầu xuống dốc. Tôn Vũ cũng nói, ngày nay bốn cõi không ai có thể khiêu chiến, quân vương nhất định lòng sinh ngạo mạn, nhất định sẽ bắt đầu ăn chơi hưởng lạc, đây chính là khởi điểm nước Ngô bắt đầu suy bại. Cuối cùng ông nói: “Hôm nay tôi phải rời khỏi nước Ngô, đây không chỉ là muốn bảo toàn cho tôi. Tôi cũng mong ông có thể đi cùng với tôi, tôi cũng muốn bảo toàn cho ông nữa”. Nhưng Ngũ Tử Tư không cho thế là phải. Tôn Vũ liền cáo biệt rời đi. Hạp Lư đưa tặng mấy xe vàng lụa, khi đi đường, Tôn Vũ đều đem ban phát cho những dân nghèo khổ, không giữ lại một xu nào. Ông ung dung trở về núi non, tiếp tục viết bộ binh pháp để đời của mình.
Chúng ta thấy được trong cuộc chiến Ngô – Sở này có rất nhiều tính cách hiển hiện ra vô cùng rõ ràng. Ngũ Tử Tư khổ tâm dày công mưu tính suốt 16 năm trời, cuối cùng đã đạt được tâm nguyện trả thù, cũng là người ân đền oán trả minh bạch. Ta cảm thấy Tôn Vũ là người hiểu sâu đạo Trời, hơn nữa lại vô cùng xem nhẹ danh lợi.
Tấm gương Thân Bao Tư
Sau khi Sở Chiêu Vương phục quốc, cũng tiến hành luận công ban thưởng. Trong đó, người có công lớn nhất hiển nhiên là Thân Bao Tư. Nhưng Thân Bao Tư nhất định từ chối không nhận. Sở Chiêu Vương cứ ép mãi. Thân Bao Tư đành phải đi trốn. Người vợ bảo Thân Bao Tư rằng: “Phu quân đã lập được công lớn như vậy cho xã tắc nước Sở, từ nước Tùy chạy sang nước Tần mượn binh, quỳ mọp ngoài sân cung Tần khóc lóc thảm thương bảy ngày bảy đêm mà cảm động Tần Ai Công. Sau khi về nước lại đánh đuổi được quân Ngô, phu quân nhận thưởng cũng xứng đáng, cớ chi phải trốn?”.
Thân Bao Tư nói: “Ta vốn là kẻ tội đồ của nước Sở, lấy đâu ra công trạng. Trước đây, ta vì thành toàn cái nghĩa của bạn bè, cũng vì để thành toàn cho tấm lòng hiếu nghĩa của Ngũ Tử Tư, mới thả cho Ngũ Tử Tư đi, để ông ta phá được nước Sở. Đó là cái tội của ta. Ta nào dám lấy tội của mình mà đi nhận công. Nhìn vào thì thấy giống ta đã khôi phục nước Sở, nhưng kỳ thực diệt vong của nước Sở trước đó cũng là có quan hệ với ta, vậy nên ta làm chút chuyện cỏn con đó chỉ bù đắp được phần nhỏ sai lầm của mình mà thôi, vốn chẳng có công lao chi cả”.
Thân Bao Tư liền đem vợ con trốn vào rừng núi. Sở Chiêu Vương sai người tìm mãi cũng không được, mới ban khen và yết ở cửa nhà Thân Bao Tư mấy chữ: “Trung thần chi môn” (nhà người trung thần).
Trận chiến Ngô – Sở đã kết thúc như vậy. Ngũ Tử Tư chính là bỏ ra thời gian 16 năm ròng rã mới hoàn thành tâm nguyện báo thù. Nhưng sau khi trận chiến Ngô – Sở kết thúc còn có một người nữa, cũng đã bỏ ra thời gian gần 20 năm tâm huyết để nuôi chí báo thù rửa hận. Người này rốt cuộc là ai đây? Quý độc giả đón đọc ở kỳ sau sẽ rõ…
Vũ Dương
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV