Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Cổ nhân quan niệm: “Công thành thân thoái”, người sáng suốt thì nên biết điểm dừng. Nhưng Ngũ Tử Tư công thành mà thân không thoái, vậy nên khó tránh khỏi hậu hoạ.
Ngũ Tử Tư ở nước Ngô lập được công lao hiển hách, được Ngô Vương tín phục, đối đãi như với bậc đại thần thân tín. Nhưng sau đó ông càng ngày càng gặp thất bại, bị thất sủng rồi bị bức tự sát, đặt dấu chấm tang thương cho một cuộc đời oanh liệt. Hết thảy những điều ấy đã xảy ra như thế nào?
Chúng ta biết, Ngũ Tử Tư kể từ khi trở về nước Ngô, công lao sự nghiệp đã đạt đến đỉnh điểm. Ngô Vương Hạp Lư dành cho ông sự tôn trọng sủng ái như thế nào? Ấy chính là: Gọi bằng ‘tên tự’ là chứ không gọi bằng ‘danh’. Ngũ Tử Tư tên thật là “Ngũ Viên”, còn “Tử Tư” là tên tự của ông.
Việc xưng hô trong thời cổ đại khá là phức tạp. Có người xưng bằng “danh”, cũng có người xưng bằng “tự”, lại có người xưng bằng “hiệu”. “Danh” là cái tên mà phụ thân đặt cho đứa trẻ khi vừa mới sinh ra. “Danh” thường là cấp trên gọi cấp dưới, hoặc là trưởng bối (người lớn) gọi vãn bối (thế hệ sau). Ví như Gia Cát Lượng, thì cái tên “Lượng” chính là danh của ông. Ông tự xưng bằng cách nói khiêm tốn rằng: “Lượng tôi thế này thế này”. Cho nên “danh” là cái tên dùng để tự xưng, là cách trưởng bối gọi vãn bối, cấp trên gọi cấp dưới.
Thế còn “tự”? Ấy là khi một người trưởng thành, họ sẽ lấy một tên tự. “Tự” là dùng để xưng hô giữa bạn bè, là một loại tôn xưng (cách gọi cung kính). Với Gia Cát Lượng thì danh là “Lượng” nhưng tự là “Khổng Minh”. Giữa “danh” và “tự” là có quan hệ, “tự” thông thường dùng để giải thích cho “danh”, cho nên gọi là biểu tự, tức là từ dùng để biểu thị. Danh của Gia Cát Lượng là Lượng (亮), tự Khổng Minh (孔明). Khổng nghĩa là to lớn, do đó Khổng Minh nghĩa là rất sáng. Gia Cát Lượng có tự là Khổng Minh, còn Chu Du có tự là Công Cẩn, chữ “Du” (瑜) và “Cẩn” (瑾) đều là một loại ngọc. Cách dùng danh và tự này được gọi là “đồng nghĩa lặp lại”.
Bên cạnh đó còn có một loại phương thức đặt tên tự nữa, đó là khi tên tự trái ngược với danh, gọi là “phản nghĩa trái ngược”. Ví dụ như vào triều Tống có một nhà Nho lớn tên là Chu Hi, tự là Nguyên Hối. Chữ “Hi” (熹) nghĩa là ánh lửa, còn chữ “Hối” (晦) trong tên tự của ông nghĩa là lờ mờ tối, không sáng rõ. Một học trò xuất sắc của Khổng Tử là Tăng Tử, con trai của Tăng Điểm. Chữ “Điểm” (點) là hơi đen một chút, thứ gì đó hơi đen gọi là “điểm”, còn tên tự của ông là Tử Tích, ở đây “Tích” (皙) nghĩa là rất trắng sáng. Cách dùng danh và tự này gọi là “phản nghĩa trái ngược”.
Ngoài ra còn một loại cách thức đặt tên tự nữa gọi là liên tưởng. Nhà thơ lớn thời Tống tên là Tô Thức, tự Tử Chiêm. Chữ “Thức” (軾) là chỉ chiếc đòn ngang phía trước của xe, còn chữ “Chiêm” (瞻) nghĩa là ngó lên. Bình thường người ta phải vịn đòn ngang để lên xe, đồng thời phải ngước nhìn lên, cho nên tên tự Tử Chiêm cũng có mối liên hệ với cái tên Tô Thức. Cách dùng danh và tự này gọi là “liên tưởng”.
Từ ‘danh’ và ‘tự’, chúng ta cũng có thể suy luận ra tên gọi và tên tự của một người là gì. Ví dụ như con trai của Lưu Bị là “劉禪”, có thể gọi Lưu Thiện hoặc Lưu Thiền, bởi chữ “禪” có hai âm đọc là Thiện và Thiền. Vậy rốt cuộc nên gọi tên ông như thế nào, Lưu Thiện hay Lưu Thiền? Nếu đối chiếu với tên tự, bạn sẽ thấy tên tự của ông là Công Tự. Chữ “Tự” (嗣) là kế thừa, còn chữ “Thiện” (禪) là thiện nhượng, ý chỉ nhường ngôi. Cho nên, từ tên tự có thể suy ra tên gọi của ông là Lưu Thiện chứ không phải Lưu Thiền.
Quay trở lại câu chuyện của chúng ta, Ngô Vương Hạp Lư đối đãi với Ngũ Tử Tư theo cách “gọi tên tự chứ không gọi danh”, tức gọi ông là Tử Tư mà không là Ngũ Viên. Qua đó có thể thấy, Ngô Vương lấy quan hệ bạn bè để xưng hô với Ngũ Tử Tư, chứ không lấy quan hệ giữa quân vương và đại thần để gọi ông.
Hạp Lư từ nước Sở trở về nước Ngô là năm 506 TCN, sau đó không động binh gần 10 năm. Nhưng Ngô Vương Hạp Lư nhớ mãi không quên việc tấn công nước Việt. Vì năm 511 TCN, họ trưng binh nước Việt nhưng nước Việt không phái binh nên sau đó phát sinh một cuộc chiến tranh. Sau này Phu Khái tạo phản và nước Việt lại giúp đỡ Phu Khái, vậy nên Hạp Lư vẫn luôn nuôi ý định công hạ Việt quốc.
Năm 496 TCN, Việt Vương Doãn Thường mắc bệnh mà qua đời, Ngô Vương Hạp Lư bèn nhân lúc Việt quốc có tang sự bèn dự định đem quân chinh phạt Việt. Ngũ Tử Tư ngăn cản ông và nói: “Nhân lúc người ta có tang sự mà phát binh tấn công, đây là một sự việc bất nghĩa, không thể làm”. Nhưng Hạp Lư không nghe. Vì Ngũ Tử Tư phản đối xuất binh, nên lần này Hạp Lư không mang theo Ngũ Tử Tư mà tự thân dẫn binh công hạ Việt quốc, kết quả đã mất mạng trong trận chiến này.
Quân đội hai nước Ngô – Việt gặp nhau ở Tuy Lý, là nơi gần phủ Gia Hưng tỉnh Chiết Giang ngày nay. Quân đội của Hạp Lư đã được Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ huấn luyện nên sức chiến đấu rất mạnh. Vì vậy quân binh nước Việt xông ra ba lần, lần nào cũng không đẩy được tuyến đầu của quân đội nước Ngô.
Sau khi Doãn Thường qua đời, người kế vị mới của nước Việt khi đó là Câu Tiễn. Sau này có người hiến kế cho Việt Vương Câu Tiễn: “Có thể dùng tử tù”. Việt Vương bèn phái 300 tử tù chạy đến trước mặt quân đội nước Ngô, 300 tử tù này cầm kiếm đặt lên cổ và nói: “Vua nước tôi không biết tự lượng sức, đã đắc tội với thượng quốc, nên chúng tôi nguyện ý lấy cái chết để chuộc lại sai lầm của quân vương”. Sau đó từng người từng người tự sát. Binh sỹ nước Ngô ai nấy đều sững sờ, nghiêng đầu ghé tai xì xào bàn tán, kết quả khiến đội hình rối loạn.
Câu Tiễn thừa cơ đánh trống, rồi quân lính nước Việt bắt đầu xông ra, thoáng chốc đã phá tan trung quân của bên Ngô. Hạp Lư thấy quân đội nước Việt xông đến, quay xe định bỏ chạy, kết quả gặp đại tướng Linh Cô Phù của nước Việt. Linh Cô Phù nhìn thấy Hạp Lư đã một đao chém xuống, Hạp Lư ngả về phía sau, thân tránh được nhưng chân lại không tránh được, ngón chân cái của ông bị chặt đứt lìa. Hạp Lư khi đó lui binh không quá bảy dặm, vì tuổi già sức yếu, nên hô to một tiếng rồi tắt thở. Quân đội nước Ngô chịu tang quân vương mà quay về.
Phù Sai thấy phụ thân tử trận, lập tức lên ngôi trở thành Ngô Vương. Ông gọi mười người đến lần lượt đứng trong sân nơi ông ở, mỗi lần ông qua khoảnh sân này, những người đó sẽ hô to một câu: “Phù Sai! Ông đã quên Việt Vương Câu Tiễn giết chết phụ thân ông rồi ư?”. Phù Sai lúc đó nước mắt rơi lã chã nói: “Ta thề không dám quên!”. Cứ như thế, 3 năm đằng đẵng trôi qua trong tiếng thề, người đời sau gọi đó là lời thề đứng ở sân.
Năm 494 TCN, Phù Sai vừa mãn tang liền chuẩn bị báo thù. Các chương các đoạn khác nhau trong Sử Ký ghi chép về việc ai động thủ trước không giống nhau. Chương “Ngô Thái Bá thế gia” trong Sử Ký chép là nước Ngô tấn công nước Việt, còn chương “Việt Vương Câu Tiễn thế gia” ghi chép là nhân lúc nước Ngô chưa động thủ, nước Việt động thủ trước. Đương nhiên, câu chuyện ai ra tay trước đã không còn quan trọng nữa. Dù sao thì quân đội hai bên đã gặp nhau ở núi Phù Tiêu. Núi Phù Tiêu nằm trong Thái Hồ, tên gọi “Thái Hồ” nghĩa là hồ lớn, thuộc thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô ngày nay. Lúc giao chiến, thời tiết không thuận lợi cho nước Việt. Khi ấy trời đột nhiên nổi một trận gió bấc thổi từ phía Ngô sang hướng nước Việt.
Chúng ta ở tập trước đã nói đến rất nhiều câu chuyện liên quan đến những ngọn gió to. Lần này là tác chiến trên nước, thuyền dựa vào lực gió mà đi, cho nên nói trận gió lớn cũng có thể gây bất lợi cho thuỷ binh. Thuyền của nước Việt không thể nào tiến công, bị gió thổi đẩy về phía sau. Quân Ngô theo gió bắn tên, tên bay như châu chấu, kết quả Việt Vương mang theo ba vạn binh thì nay chỉ còn lại năm nghìn. Với thất bại này, Việt Vương phải lui về Cối Kê, Cối Kê là phụ cận với thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang ngày nay.
Việt Vương thấy quân đội của mình không thể chiến đấu với nước Ngô được nữa. Làm thế nào đây? Đại phu Văn Chủng của nước Việt khuyên ông cầu hoà. Việt Vương nói: “Họ sẽ đáp ứng đàm phán hoà bình của chúng ta chứ?”. Văn Chủng đáp: “Để tôi thử xem sao. Vì sao chúng ta còn có cơ hội? Bởi vì Đại phu Bá Bĩ của nước Ngô là người mà Ngô Vương Phù Sai rất tín nhiệm. Nhưng Bá Bĩ lại là kẻ tham lam lại giỏi nịnh hót, cho nên chúng ta có thể mua chuộc ông ta. Ngô Vương Phù Sai rất tin ông ta, lại thích nghe ông ta nói, do đó đây là cơ hội cho chúng ta sử dụng”.
Vậy diễn biến của câu chuyện diễn ra như thế nào, mời quý độc giả đón đợi tập tiếp theo của “Phong vân mạn đàm”.
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV