Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Năm 496 TCN, Ngô Vương Hạp Lư nhân lúc nước Việt có quốc tang mà tấn công, bị người kế vị khi đó của nước Việt là Câu Tiễn đánh bại, thân mang trọng thương mà chết. Con trai của ông là Phù Sai để tang 3 năm, mỗi ngày đều trả lời một câu hỏi: “Phù Sai, ngài còn nhớ Việt Vương Câu Tiễn sát hại phụ thân không?”. Phù Sai đã chuẩn bị binh lực trong 3 năm với thái độ khao khát phục thù này. Thế là vào năm 494 TCN, Phù Sai lại phát binh tấn công nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn thất bại, hết đường xoay sở. Đại phu Văn Chủng của nước Việt xung phong đảm nhận đi nước Ngô cầu hòa. Vậy thì Văn Chủng đã làm thế nào để Phù Sai tha thứ mối thù giết cha đây?
Văn Chủng chọn 8 người đẹp, lại mang theo vàng lụa đến gặp Bá Bĩ. Mọi chuyện không hề dễ dàng. Khi đó, Bá Bĩ nghe Văn Chủng đến cầu hòa thì thể hiện bộ dạng rất kiêu ngạo, ở trong đại doanh mà triệu kiến Văn Chủng. Sau khi Bá Bĩ xem xong danh sách lễ vật, câu đầu tiên nói với Văn Chủng là: “Nước Ngô ta lập tức sẽ tiêu diệt nước Việt, khi đó toàn bộ châu báu của nước Việt đều thuộc về chúng ta. Ông đem một chút quà mọn lại muốn mua chuộc ta sao?”.
Bạn hãy chú ý, Bá Bĩ không nói là không thể cầu hòa, ý của ông ta là: lễ vật ông (Văn Chủng) đưa tôi ít quá, tôi muốn nhiều hơn chút. Văn Chủng rất giỏi đối đáp, bèn nói: “Tuy nước Việt thất bại chỉ còn lại 5.000 người, nhưng 5.000 người này đều là những chiến sĩ cảm tử, còn có thể quyết chiến một trận. Nếu chiến không thành, nước Việt sẽ đem toàn bộ lương thực đốt hết, đem toàn bộ tiền tài vứt xuống sông, một chút cũng không lưu lại cho các ông. Hơn nữa, nếu Việt Vương tháo chạy sang nước khác thì cũng giống như Sở Chiêu Vương năm đó, tương lai lại mưu tính phục quốc”. Đây quả thực là lời uy hiếp dành cho nước Ngô: nước Việt hoàn toàn có thể phục quốc nếu bị truy sát đến cùng. Đó là một tầng nghĩa.
Văn Chủng lại nói: “Nếu nước Việt đầu hàng nước Ngô thì toàn bộ vàng bạc châu báu trong phủ khố đều thuộc về Ngô Vương. Ngô Vương chẳng qua chỉ lấy một phần nhỏ đưa cho quan Thái tể là ông mà thôi. Nếu Thái tể là ông mà chủ trì được việc nghị hòa, nước Việt xem ra giống như đầu hàng nước Ngô nhưng thực ra là đầu hàng Thái tể. Như vậy Thái tể như ông là người một mình lấy hết thứ tốt của nước Việt, những người khác không thể chia chác với ông”. Đây đúng là dùng lợi ích để mà dụ dỗ, chính là tầng nghĩa thứ hai.
Tầng nghĩa thứ ba, Văn Chủng lại nói: “Huống chi khi 5.000 quân cảm tử chiến đấu, nói không chừng sẽ xuất hiện điều chẳng lành? Ngộ nhỡ phát sinh tình huống khó lường thì sao? Tất cả họ đã bị dồn vào chân tường”. Đây lại là uy hiếp.
Cuối cùng, Văn Chủng lại đem danh sách lễ vật đến rồi nói: “Đây là 8 mỹ nữ đẹp nhất trong cung nước Việt mà chúng tôi tìm thấy. Nếu dân gian còn có người đẹp hơn thế, chúng tôi còn có thể đem những mỹ nữ ấy đến phủ của Thái tể, số ấy dùng để ‘vẩy nước quét nhà’ cho ông”. Đây lại là một lần lấy lợi dụ dỗ nữa. Lấy lợi mà dụ dỗ, người ta gọi là “lợi dụ”.
Cho nên, bạn thấy Văn Chủng ban đầu là uy hiếp, tiếp đó là lợi dụ, lại uy hiếp, lại dùng lợi dẫn dụ, nhịp điệu nắm chắc như thế. Sau một hồi nghe nói, Bá Bĩ vuốt râu cười, đêm nay sẽ cho Văn Chủng ở trong đại doanh. Ông nói: “Sáng sớm ngày mai, tôi dẫn ông đi gặp Ngô Vương cầu hòa”.
Bước đầu, Văn Chủng đã thuyết phục được Bá Bĩ. Nhưng Bá Bĩ muốn thuyết phục Ngô Vương đồng ý lại là sự việc rất khó. Bởi vì Phù Sai lập thệ báo thù. Trong suốt 3 năm, mỗi ngày người ta đều hỏi ông rằng có nhớ Việt Vương Câu Tiễn giết cha không. Ông trả lời không dưới nghìn lần, nước mắt chảy dài rồi nói: “Đúng, không thể quên!”. Vậy Bá Bĩ thuyết phục Ngô Vương bằng cách nào đây?
Ngày thứ hai, Bá Bĩ dẫn Văn Chủng gặp Phù Sai. Phù Sai liền hỏi Bá Bĩ: “Quả nhân có thù không đội trời chung với nước Việt, làm sao có thể cầu hòa?”. Bá Bĩ bèn làm Ngô Vương nguôi giận bằng cách nói: “Nỗi oan khuất và tủi nhục, Việt Vương đã chịu nhiều rồi, ông ấy muốn đến nước chúng ta làm nô bộc. Thê tử của ông ấy có thể đến nước Ngô làm thiếp, chính là bản thân ông ấy thỉnh cầu làm bề tôi nước Ngô, vợ ông ấy thỉnh cầu làm thiếp nước Ngô. Đối với ông ta mà nói, điều này là một sự tủi nhục lắm rồi, chẳng qua là họ muốn giữ gìn mạng sống để có thế hệ tiếp theo để thờ tự tông miếu mà thôi”.
Sau đó, Bá Bĩ còn dụ dỗ Ngô Vương rằng: “Ngài cho nước Việt hàng là đạt được lợi ích thực tế, tha tội cho nước Việt là hiển danh. Có danh tiếng lại có lợi ích thực tế, tương lai nước Ngô có thể xưng bá thiên hạ”.
Tiếp đến, Bá Bĩ lại uy hiếp: “Nếu chúng ta nhất định chiến đấu với nước Việt, Câu Tiễn sẽ đốt tông miếu, giết thê tử, lấy vàng bạc châu báu vứt xuống sông, cùng 5.000 binh sĩ liều chết… E rằng chỗ thương tổn sẽ ở tả hữu chúng ta”.
Cuối cùng Bá Bĩ lại dụ dỗ Ngô Vương: “Thay vì giết Câu Tiễn, vì sao không nhận lấy tất cả lợi ích nước họ? Thay vì giết họ để làm vị vua cứng nhắc tuân theo pháp lệnh, chi bằng tha cho họ để trở thành vị vua nhân nghĩa?”.
Cuối cùng, Bá Bĩ đã thuyết phục được Ngô Vương Phù Sai. Ngô Vương hỏi: “Sứ giả của Việt Vương ở đâu?”. Khi đó, Văn Chủng đến diện kiến Phù Sai. Phù Sai hỏi ông: “Việt Vương có thể đến nước chúng ta làm nô bộc không? Thê tử của ông ấy có thể đến không?”. Văn Chủng nói có thể.
Chính lúc Phù Sai chuẩn bị đáp ứng nghị hòa, Ngũ Tử Tư đã đến. Ngũ Tử Tư nghe nói Văn Chủng đến cầu hòa, lo lắng Phù Sai có thể đồng ý, bèn cấp tốc đến nói cho Phù Sai rằng không thể đồng ý. Ông nói: “Hai nước Ngô Việt không thể cùng tồn tại. Không phải nước Việt thôn tính Ngô, thì là nước Ngô thôn tính nước Việt. Bởi vì, trận chiến Ngô – Việt, đã lấy được xe của họ, chúng ta có thể cưỡi; lấy thuyền của họ, chúng ta có thể dùng. Nhưng nếu nước Ngô miễn xá nước Việt, tương lai của nước Ngô sẽ bị uy hiếp cực lớn, nước Ngô có thể bị thôn tính”.
Tiếp đó, Ngũ Tử Tư lại động đến cái tình của Phù Sai: “Hiện nay, nếu ngài tha cho nước Việt, làm thế nào đối diện với lời thề 3 năm, làm thế nào có thể gặp cha ngài dưới suối vàng?”.
Khi đó, trong tâm Phù Sai đã chấp nhận giảng hòa, cũng muốn đồng ý với Văn Chủng, nhưng lại không biết trả lời câu hỏi của Ngũ Tử Tư như thế nào. Ông bèn đưa mắt nhìn Bá Bĩ.
Bá Bĩ nhảy ra nói: “Tướng quốc sai rồi, theo lời ông về tình hình hai nước Ngô – Việt không thể đội trời chung, thì lẽ nào các nước như Tần, Tấn, Lỗ, Vệ không thể dung hợp với nhau, cuối cùng hợp lại thành một nước sao? Thứ hai, nếu nói mối thù của tiên vương chúng ta rất lớn, thì cũng không bằng mối thù của ông với nước Sở. Nhưng ông lại cho Sở Bình Vương phục quốc, mà chỉ thỉnh Mị Thắng (công tử Thắng, con Thái tử Kiến) trở về nước Sở. Chúng ta hiện tại, cả Việt Vương và thê tử đều đến nước Việt xưng thần và làm thiếp. Vì sao ông lại làm một việc khoan dung như vậy cho Sở Bình Vương phục quốc, nhưng lại muốn đại vương đem phu thê Việt Vương giết đi, để lại cái danh hà khắc ư? Bậc trung thần không làm sự việc như thế”.
Lúc đó, Ngũ Tử Tư rất tức giận.
Câu trả lời của Bá Bĩ rất không có đạo lý, bởi vì tình huống không giống nhau. Ngũ Tử Tư cho phép Sở Chiêu Vương phục quốc là có 3 lý do. Thứ nhất, nước Sở chiếm không được. Thứ hai, cuộc chiến không giành được chiến thắng. Thứ ba, có nội loạn trong nước. “Chiếm không được”, là chỉ nước Ngô khi đó là nước nhỏ không thể chiếm toàn bộ nước Sở. Thứ hai, cuộc chiến không giành được thắng lợi, là vì khi đó nước Tần và nước Sở liên minh, nước Ngô căn bản không thắng được. Thứ ba, khi đó trong nước có Phu Khái tạo phản. Cho nên khi ấy Hạp Lư phải bỏ nước Sở để quay về nước Ngô, chứ không phải vì Ngũ Tử Tư khoan hồng độ lượng mà muốn tha cho nước Sở, muốn Sở Chiêu Vương phục quốc.
Nhưng khi Bá Bĩ nói những lời càn quấy, Ngũ Tử Tư rất tức giận. Sau cùng, Bá Bĩ còn nói một câu khích Ngũ Tử Tư: “Tướng quốc ngài làm một việc trung hậu như thế nhưng lại để đại vương chúng ta mang danh hà khắc, trung thần không làm việc như vậy”. Nghe xong, Ngũ Tử Tư tức giận rồi rời đi.
Câu nói của Bá Bĩ khiến Ngũ Tử Tư tức giận bỏ đi, đồng thời củng cố quyết tâm cho nước Việt hòa nghị của Phù Sai. Vì sao vậy? Ông nói với Ngũ Tử Tư: “Tướng quốc làm việc trung hậu như thế”, ý tứ là nếu Phù Sai miễn xá cho nước Việt là mới là biểu hiện của trung hậu. Nếu không tha cho nước Việt, há chẳng phải Ngô Vương mang tiếng khắc bạc sao? Cho nên Phù Sai đồng ý cầu hòa của nước Việt.
Sau khi Ngũ Tử Tư rời khỏi màn trướng gặp được Đại phu Vương Tôn Hùng, ông nói với Vương Tôn Hùng một câu: “Nước Việt 10 năm tích lũy, 10 năm giáo dục huấn luyện, sau 20 năm nữa, cung điện nước Ngô sẽ trở thành đầm lầy”. Ông nói câu này năm 494 TCN, mọi người nhớ kĩ năm này, xem 20 năm sau chuyện gì sẽ xảy ra?
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV