Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 22): Câu Tiễn ‘nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối’

Câu Tiễn "Nếm mật nằm gai" (Ảnh minh họa).

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Văn Chủng dùng lời nói khéo để uy hiếp và dụ dỗ đã giành được sự ủng hộ của Bá Bĩ. Bá Bĩ lại lấy logic nhiễu loạn ấy để thuyết phục Phù Sai đồng ý cho nước Việt cầu hòa. Lần tranh luận giữa Bá Bĩ và Ngũ Tử Tư đã tạo ra rạn nứt giữa Ngũ Tử Tư với Ngô Vương Phù Sai. Sự rạn nứt ấy là bắt đầu mối nghi kỵ của Phù Sai đối với Ngũ Tử Tư, cũng là mầm mống khơi nguồn sự diệt vong của Ngô quốc. Dù Ngô Vương đồng ý cho nước Việt cầu hòa, nhưng Việt Vương phải mang thê tử đến nước Ngô, bắt đầu kiếp sống nô lệ đầy tủi nhục. Làm thế nào mà Câu Tiễn vượt qua năm tháng khó khăn này? 

Việt Vương Câu Tiễn không còn cách nào khác, đành về nước Việt thu dọn tiền bạc châu báu, sau đó đến nước Ngô triều cống và làm nô lệ. Rốt cuộc việc Câu Tiễn có đến nước Ngô làm nô lệ hay không thì trong “Sử ký” nói rất mơ hồ, còn trong “Quốc ngữ” thì ghi chép rõ hơn một chút. “Quốc ngữ” do Tả Khâu Minh viết (ông là sử gia nước Lỗ, thời Xuân Thu), ghi lại rằng: Câu Tiễn cùng quan đại thần Phạm Lãi đến nước Ngô làm nô lệ trong suốt ba năm, để cho Đại phu Văn Chủng trấn thủ nước Việt.

Phù Sai tước bỏ vương vị của Câu Tiễn, đồng thời đày ông, thê tử và Phạm Lãi đến Thạch Thất (tỉnh Sơn Tây). Thạch Thất là nơi đặt mộ phần của Hạp Lư. Câu Tiễn ở đây phải chăn ngựa. Mỗi lần Phù Sai xuất hành, Câu Tiễn phải cầm roi ngựa đứng trước xe của Phù Sai. Khi đó bách tính chỉ chỉ trỏ trỏ, nói rằng người cầm roi kia chính là Việt Vương Câu Tiễn. Câu Tiễn cúi đầu không nói lời nào. Ngô Vương không biết liệu Việt Vương có quyết tâm báo thù rửa nhục không, bèn phái người thường xuyên xem xét Việt Vương làm gì. 

Mỗi sáng sớm Việt Vương thức dậy, chải đầu xong thì bắt đầu cắt cỏ cho ngựa ăn ở trong sân, vợ ông thì vẩy nước quét sân, hót phân ngựa. Buổi sáng mỗi ngày, Phạm Lãi đốn củi ở ngoài, sau đó trở về nấu cơm, hình dáng tiều tụy. Ba người họ làm quần quật từ sáng sớm đến tối khuya, không nói lời nào với nhau, hơn nữa vào ban đêm cũng không nghe thấy tiếng than vắn thở dài. Ngô Vương Phù Sai cho rằng Câu Tiễn đã không còn mong muốn báo thù, ý chí đã mai một nhiều, thế nên không cho người theo dõi Câu Tiễn nữa.

Năm đó Câu Tiễn bao nhiêu tuổi? Chính là 21 tuổi. Nếu chúng ta xét đoạn lịch sử chiến tranh Ngô – Việt trước đó sẽ thấy rằng Câu Tiễn không làm việc gì sai với nước Ngô cả. Tiên vương Hạp Lư đã chết, nhưng đó là do Hạp Lư tấn công nước Việt trước. Mượn cớ nước Việt có tang mà tấn công, nước Việt phòng vệ là chính đáng, đồng thời lúc chiến tranh thì “đao kiếm không có mắt”, giết chết Hạp Lư cũng không phải là bản thân Việt Vương Câu Tiễn, mà là thủ hạ của ông – đại tướng Linh Cô Phù. Cho nên từ những góc độ này mà giảng, Việt Vương Câu Tiễn không làm điều gì sai cả.

Đến nước Ngô làm nô lệ, làm công việc hạ tiện như vậy, còn bị người khác vũ nhục, người bình thường sẽ rất bất bình trong tâm. Nếu không thì anh ta hẳn là người vô tâm, giống như Lưu Thiện năm xưa vui quên cả nước Thục. Nhưng Lưu Thiện “vui quên nước Thục” là vì hưởng lạc, nếu cho ông ta chăm ngựa, hót phân, thì liệu ông ta có nhớ nước Thục không? Có lẽ là nhớ, vì ở đó sướng hơn chăm ngựa. Vậy mà trong tình huống như vậy, Câu Tiễn không có bất kỳ biểu hiện muốn báo thù nào, đến nửa đêm cũng không nghe tiếng than thở. Cho nên người này lòng dạ thâm sâu khó lường.

Ở nước Ngô, Việt Vương đã chăn ngựa trong ba năm, cuối cùng làm thế nào ông có thể về nước? Trong chính sử không hề ghi lại. Nhưng trong “Đông Chu liệt quốc chí” và “Ngô Việt Xuân Thu” có chép. Chúng ta rất khó khảo sát tính chân thực nhưng Câu Tiễn đã làm một việc rất… buồn nôn, cũng là một việc rất hạ tiện, thấp hèn. Phù Sai bị ốm, Câu Tiến đã nếm chất thải của Phù Sai để đoán bệnh. Ngay lập tức chuyện đó làm Ngô Vương Phù Sai rất cảm động. Phù Sai có chút yếu mềm, ông quyết định miễn xá để Việt Vương Câu Tiễn về nước. 

Có thể nói Câu Tiễn đã vô cùng nhẫn nhục, chịu đựng nhưng Ngũ Tử Tư đã nhìn thấu con người này. Ngũ Tử Tư nói với Phù Sai: “Hổ khom thân nó, ắt sẽ tấn công. Báo co thân nó, ắt sẽ vồ mồi. Câu Tiễn lòng dạ hổ báo, bề ngoài ôn nhu cung kính, đã từng nếm phân đại vương, thực ra là muốn ăn tim đại vương. Người này hễ về nước, Ngô quốc như quả trứng đặt dưới ngàn cân đá tảng, có thể bảo toàn không?”. Ngô Vương Phù Sai lại một lần nữa để ngoài tai lời can gián của Ngũ Tử Tư, cuối cùng đã phóng thích Câu Tiễn. Lúc đó là năm 491 TCN.

Năm 491 TCN, Câu Tiễn về nước Việt, khi đó ông nhớ về nỗi hổ thẹn Cối Kê (nơi ông bị Phù Sai vây), thế là xây một tòa thành lớn ở nơi đây. Khi đó người chủ trì việc xây dựng là Phạm Lãi. Câu Tiễn dời đô từ Chư Kỵ (nay gần Hàng Châu và Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang) về Cối Kê (tức Thiệu Hưng ngày nay). Năm đó Câu Tiễn đánh trận, rất nhiều binh sĩ tráng niên đã tử vong, cho nên ông áp dụng kế sách nghỉ ngơi lấy sức. Đồng thời ông khuyến khích người dân sinh con nhiều hơn để trong tương lai nước Việt có nhiều binh sĩ chiến đấu.

Khi đến mùa ông tự mình mang nông cụ cùng với người dân trồng trọt, thê tử tự tay dệt vải may áo cho ông. Câu Tiễn “ăn không trọng thịt, mặc không trọng màu”, khi ăn cơm không ăn hai món, y phục không cần hai màu. Vì để không quên nỗi thẹn Cối Kê, ông không đặt giường nơi ông ở, chỉ “chất cỏ mà nằm”, ngủ trong đám cỏ. Nơi ông ở còn treo một túi mật đắng, mỗi ngày dùng lưỡi mà nếm, để biểu thị mình không quên nỗi nhục ở Thạch Thất chăn ngựa năm xưa. Câu thành ngữ “nếm mật nằm gai” là từ đây mà ra.

Trong bảy năm, Câu Tiễn không tăng thuế, nhưng tháng nào phái sứ thần đến nước Ngô và tặng Ngô Vương rất nhiều tiền và thứ tốt. Vì sao vậy? Bởi ông muốn tránh sự nghi ngờ của Ngô Vương.

Đại thần Văn Chủng hiến cho Câu Tiễn “bảy kế diệt Ngô”. Trong đó bao gồm: “Góp tiền tài, làm quân thần họ vui; coi trọng mua gạo của địch, làm suy yếu tích lũy; để lại mỹ nữ, làm mê hoặc tâm trí; để lại người giỏi thủ công, làm cung điện, khiến họ khánh kiệt tiền tài; để lại nịnh thần, làm loạn mưu tính; ép bề tôi can gián tự sát, làm suy yếu sự hỗ trợ; tích tiền luyện binh, chờ họ sơ sẩy”.

Ý tứ đại khái là đầu tiên để cho nước Ngô xây cung điện. Trong “Lễ ký – Đại học” có một câu: “Giàu có trau chuốt phòng ốc, nhiều đức tu sửa bản thân, lòng dạ thanh thản”. Người hiện đại cũng như thế, có tiền rồi muốn sửa sang, xây dựng nhà lớn. Thời đó nước Ngô cường thịnh, cho nên Việt Vương hy vọng Ngô Vương có thể xây một cung điện đường hoàng. Việt Vương bèn tìm cây lớn trong núi, xem cây nào to nhất tốt nhất, cuối cùng tìm thấy một cây cao 80m, chặt xuống, lại cho thợ thủ công khéo léo vẽ lên đấy nhiều hoa văn rất đẹp. Vì khúc gỗ quá lớn nên không thể vận chuyển trên cạn, phải thả nổi trên sông để đưa về đô thành nước Ngô.

Phù Sai rất kinh ngạc khi thấy khúc gỗ to như thế, với khúc gỗ to như thế này, có thể xây một tòa điện rất cao rồi. Phù Sai vốn dĩ muốn xây cung điện, sau khi thấy khúc gỗ to này, lập tức tăng quy mô cung điện lên nhiều lần. Kết quả khiến bách tính quá nhọc sức, cũng khiến cho nước Ngô tốn rất nhiều tiền.

Khi Phù Sai xây cung điện, Văn Chủng nói với Câu Tiễn rằng: “Sau khi cung điện hoàn thành, Ngô Vương nhất định muốn mỹ nữ tuyệt sắc nhảy múa ca hát cho ông ta. Cho nên nhân lúc cung điện chưa xây xong, chúng ta nhanh chóng tìm kiếm mỹ nữ”. Kết quả Câu Tiễn tìm thấy hai mỹ nữ ở trong nước, một là Tây Thi, một nữa là Trịnh Đán. Sau khi tìm xong, Câu Tiễn không lập tức dâng cho Phù Sai, mà tìm một người thầy rất tốt dạy cho hai mỹ nữ cách ăn mặc xinh đẹp, dạy họ ca vũ, bồi dưỡng kỹ năng, nói cho họ lễ tiết mà phụ nữ cần có. Sau ba năm, khi kỹ thuật của họ đều thành thục, cung điện của nước Ngô cũng xây xong. Câu Tiễn bèn dẫn 2 mỹ nữ đến trước mặt Phù Sai.

Phù Sai cảm thấy 2 mỹ nữ này tựa như Thần Tiên giáng hạ, cảm thấy như hồn phách tiêu biến. Khi đó Ngũ Tử Tư nói rằng, vua Kiệt nhà Hạ vì Muội Hỷ mà diệt, Trụ Vương nhà Thương vì Đát Kỷ mà vong, Tây Chu cũng vì Bao Tự mà mất. Ý của Ngũ Tử Tư là mỹ nữ là họa của quốc gia, không thể lưu lại 2 mỹ nữ này. Kết quả Phù Sai không những không nghe, đối với Ngũ Tử Tư thì càng ngày càng chán ghét. Ông cảm thấy Ngũ Tử Tư luôn nói những lời phản đối ông, kể cả việc xây cung điện, Ngũ Tử Tư cũng ngăn cản ông.

Phù Sai đã tốn rất nhiều tiền để xây dựng cung điện, tiếp đó ông thu nạp Tây Thi. Trong sách sử không nói Tây Thi đã làm gì nhưng Phù Sai đặc biệt yêu thích cô, mỗi ngày lưu luyến đàn sáo cùng cô đến độ bỏ bê cả triều chính. Văn Chủng lại nói với Câu Tiễn: “Chúng ta nên tiến hành thêm một bước nữa, chính là nghĩ biện pháp khiến giá gạo của nước Ngô đắt lên”. Bởi vì Trung Quốc thời đó là quốc gia nông nghiệp, hễ gạo đắt, bách tính sẽ khốn cùng.

Năm đó thu hoạch mùa màng của nước Việt không tốt lắm, Văn Chủng bèn đến nước Ngô thỉnh cầu Phù Sai phân phát một phần gạo trong quốc khố cho dân đói. Ngũ Tử Tư lại xuất hiện để ngăn cản. Ông nói: “Không thể cứu trợ nước Việt, bởi vì nước Việt là kẻ thù. Hễ giúp đỡ họ, bọn họ giàu, chúng ta nghèo, chẳng phải nguy hiểm sao?”. Phù Sai nói: “Việt Vương là người hiếu thuận như thế, sao có thể tạo phản? Con dân nước Việt chính là con dân nước Ngô, nhân dân nước Việt giàu có, chẳng phải họ sẽ có nhiều tiền để tiến cống cho nước Ngô sao? Cho nên nói cứu tế dân đói là việc phải làm”. Thế là Phù Sai đem một lượng lớn gạo từ quốc khố để cứu tế nước Việt. 

Năm sau, nước Ngô gặp nạn đói lớn, trong khi đó nước Việt thu hoạch rất tốt. Ngô Vương bèn phái người đến nước Việt nói rằng: “Năm ngoái chúng tôi cho các ông mượn rất nhiều gạo, năm nay liệu có thể trả cho chúng tôi không? Bởi vì quốc gia chúng tôi gặp thiên tai”. Việt Vương thương lượng với thủ hạ liệu có trả hay không trả. Nếu trả, chẳng phải việc mượn gạo năm ngoái sẽ như không sao? Nếu không trả, họ đánh chúng ta thì làm thế nào?

Văn Chủng nói nên trả, nhưng trước khi hoàn lại cho nước Ngô, ông nói: “Chúng ta phải chọn những hạt thóc to nhất, dùng nước sôi ngâm qua một lượt. Người nước Ngô thấy hạt thóc to căng như thế sẽ cho rằng giống lúa của nước Việt rất tốt. Họ sẽ xem chúng là hạt giống mà trồng xuống đất. Bởi vì đã ngâm no nước nên lúa sẽ không nẩy mầm, nước Ngô sẽ càng đói kém hơn nữa”. Chúng ta thấy Văn Chủng là người có chút nham hiểm, ông ta làm như thế là đã vượt quá giới hạn trong chiến tranh. Làm điều này chính là không có đạo đức, bách tính và người không tham gia chiến đấu phải nhận tình cảnh khó khăn như thế. Đây là vào năm 484 TCN.

Nước Việt khi đó, bắt đầu tìm kiếm cao thủ võ lâm để huấn luyện binh sĩ. Khi đó họ tìm được 2 người, một người là Xử Nữ, một người là Trần Âm. Một người là bậc thầy kiếm thuật, một người là cao thủ bắn tên chính xác. Nước Việt bắt đầu chỉ dạy huấn luyện binh sĩ: kiếm pháp và bắn tên.

Tin tức ấy đã đến nước Ngô. Phù Sai khi nghe nước Việt khẩn trương luyện tập binh sĩ, cảm thấy bản thân bị uy hiếp. Ông muốn nhân lúc nước Việt còn chưa huấn luyện xong, thì tiêu diệt nước Việt trước, giải quyết nỗi lo trong tâm. Khi Ngô Vương chuẩn bị xuất binh, một môn đồ của Khổng Tử đến nước Ngô ngăn trở sự việc này. Người đó là ai? Mời bạn xem tập tiếp theo “Ngô Việt tranh bá”. 

   Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Exit mobile version