Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 24): Tin vào mệnh Trời có phải là tiêu cực phó mặc cuộc đời?

Qua giải thích của Khổng Tử ta mới thấy rằng, tin vào Thiên mệnh không làm con người tiêu cực, trái lại khiến người ta cởi mở và thông suốt. (Ảnh minh họa).

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Người trong làng đều ưa thích một người, người đó là người tốt chăng?”, Khổng Tử đáp: “Không phải”. Tử Cống lại hỏi: “Người trong làng đều ghét anh ta, thế thì người như vậy lẽ nào là người tốt?”, Khổng Tử nói: “Cũng không phải”. Tử Cống hỏi: “Thế người như thế nào mới là người tốt?”, lúc này Khổng Tử mới trả lời: “Người tốt trong làng ưa thích anh ta, người xấu trong làng căm ghét anh ta, đó mới là người tốt”. 

Do tài năng và khả năng du thuyết tuyệt vời mà Tử Cống nổi danh trong hàng ngũ bậc quyền quý các nước. Trong “Sử ký – Hóa thực liệt truyện” Tư Mã Thiên viết như sau: “Trong khoảng 70 cao đồ của Khổng Tử, Tứ là giàu có nhất. Đến đâu, quân vương các nước đều tôn trọng”. Nhưng có người vì sự giàu có và tài biện luận của Tử Cống cho rằng Tử Cống cao minh hơn cả Khổng Tử. Có Đại phu nước Lỗ đã nói công khai trước triều đình rằng: “Tử Cống cũng là bậc đức hạnh như Trọng Ni (1)”.

Sau khi nghe đánh giá này Tử Cống nói: “Nếu coi học vấn như bức tường nhà, thì chút học vấn bản lĩnh của ta chỉ như bức tường thấp của căn nhà, nhìn một cái là thấy được bên trong. Học vấn bản lĩnh của Phu Tử như bức tường cao vài nhận (2), không thể nào vào được, không thấy được vẻ đẹp cũng như sự giàu có trong cung điện đó. Người như vậy rất ít. Phu Tử chẳng phải là người như thế sao!”. Thế thì rốt cuộc Khổng Tử là người như thế nào?

Khổng Tử là bậc Thánh nhân cũng là người sáng lập học thuyết của Nho gia, rất nhiều người gọi Khổng Tử là nhà giáo dục vĩ đại. Khổng Tử lúc sinh thời có nói: “Ta 15 tuổi chú tâm học hành, 30 tuổi đứng vững, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết mệnh Trời, 60 tuổi nghe gì cũng thuận tai, 70 tuổi làm những gì mình thích nhưng không vượt khuôn phép”. Học thuyết của Khổng Tử rất rộng lớn, nhiều người coi trung tâm học thuyết của Khổng Tử nằm ở lễ và nhạc. Khổng Tử xác thực là rất coi trọng lễ nhạc nhưng thật ra trung tâm học thuyết của ông nằm ở “nhân” (仁, trong nhân nghĩa). Khổng Tử từng giảng: “Người mà bất nhân, lễ có nghĩa gì? Người mà bất nhân, nhạc nghĩa gì đâu!”. Chính là nói, người bất nhân thì lễ và nhạc có tác dụng gì chứ. Vì thời gian có hạn nên chúng ta chỉ giới thiệu giản lược về 3 khái niệm của Nho gia là “nhân”, “nghĩa” và “tri thiên mệnh”.

Nội dung chính

Nhân

Khổng Tử đặt “nhân” ở vị trí đầu tiên. “Nhân” chính là yêu người nhưng loại yêu này không phải là tình yêu đôi lứa mà con người hiện nay lý giải, cũng không phải là dựa vào quan hệ gia đình họ hàng để quyết định là yêu hay không yêu một người. “Ái nhân” của Khổng Tử là bác ái (yêu rộng khắp). Nó bao gồm hai phương diện. Một là “từ bụng ta suy ra bụng người”, nghĩa là chúng ta cảm thấy tốt thì cũng mong muốn người khác đạt được điều tốt. Khổng Tử nói: “Điều mình muốn lập thì cũng nên lập cho người, điều mình muốn đạt cũng nên cho người khác đạt được”, đây là “trung” (tận sức vì người) được nói đến trong Nho gia. Một mặt khác của “từ bụng ta suy ra bụng người” là “điều mình không muốn, chớ làm cho người”, đây là “thứ” (khoan dung tha thứ) trong Nho gia. Vậy nên Khổng Tử giảng “nhân” thì có người cũng nói rằng Khổng Tử chỉ giảng “trung thứ” mà thôi. 

Đương nhiên Khổng Tử giảng “ái” không phải là không có nguyên tắc, mà là có sự phân biệt rõ ràng. Ví như Khổng Tử từng nói: “Chỉ có người nhân ái mới có thể thật tâm yêu một người, có thể thật tâm ghét một người”. Trên thực tế, ghét một người là ghét hành vi không chính đáng hoặc đạo đức không lương thiện. Và theo Khổng Tử muốn đạt được đến điểm này cần có phải có nguyên tắc, cũng cần có dũng khí. Bởi vì khi thật tâm ghét một người cũng là đắc tội với người.

Khổng Tử cũng không thích loại người bên ngoài có vẻ trung thực nhưng bên trong không phân biệt được đúng sai, thiện ác. Ông gọi những người này là “hương nguyện” tức kẻ đạo đức giả. Khổng Tử nói “hương nguyện” là “kẻ làm tổn hại đạo đức”. Những người họ trông có vẻ như làm người tốt, có vẻ như không muốn đắc tội với bất kỳ ai, thấy người xấu cũng không dám làm mất lòng, nhưng chính sự chiều chuộng buông lỏng của họ mới khiến những người xấu có “đất dụng võ”.

Khổng Tử rất coi trọng lễ nhạc nhưng trung tâm học thuyết của ông nằm ở “nhân”

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Người trong làng đều ưa thích một người, người đó là người tốt chăng?”, Khổng Tử đáp: “Không phải”. Tử Cống lại hỏi: “Người trong làng đều ghét anh ta, thế thì người như vậy lẽ nào là người tốt?”, Khổng Tử nói: “Cũng không phải”. Tử Cống hỏi: “Thế người như thế nào mới là người tốt?”, lúc này Khổng Tử mới trả lời: “Người tốt trong làng ưa thích anh ta, người xấu trong làng căm ghét anh ta, đó mới là người tốt”.

Tóm lại về chữ “nhân” trong Nho gia bao gồm hai phương diện sau: “điều mình không muốn, chớ làm cho người” và “điều mình muốn lập thì cũng nên lập cho người, điều mình muốn đạt cũng nên cho người khác đạt được”.

Nghĩa

Dưới “nhân” là “nghĩa. Thế nào là “nghĩa”. Trong từ điển Thiều Chửu “nghĩa” được giải thích là “nên”, chính là “một sự việc nên làm”. Vậy thì một sự việc nên hay không nên làm thì dựa vào điều gì để phân định? Ở phương diện này, quân tử và tiểu nhân có sự phân biệt gọi là “quân tử hiểu rõ nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ lợi”. Quân tử dựa vào đạo đức để xem sự việc nên hay không nên làm, còn tiểu nhân dựa vào lợi ích để phán đoán sự việc có nên làm hay không, đây là phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.

“Nghĩa” trong Nho gia chính là một sự việc nếu phù hợp với đạo đức thì nên dốc toàn lực làm. Nếu như một người đã dốc toàn lực làm mà sự việc vẫn không thành, Khổng Tử cho rằng tình huống ấy thuộc về “mệnh Trời”, cũng chính là ý Trời.

Tri thiên mệnh

Một đời Khổng Tử thực hành tư tưởng “nhân”, “nghĩa”, “tri Thiên mệnh”… Ông sống trong một thời kỳ mà xã hội và chính trị có quá nhiều biến động, lễ băng nhạc hoại. Khổng Tử chu du liệt quốc, gặp người ông đều nói, ông hy vọng quân thần phụ tử có thể sống cuộc đời có đạo đức nhưng không có mấy người chấp nhận chủ trương của ông. Dù gặp nhiều trở ngại, chịu rất nhiều khổ nhưng ông không hề hối hận, bởi vì ông làm sự việc này xuất phát từ “nghĩa”, là “làm những việc nên làm (3)”. Trong “Luận ngữ” có câu nói minh chứng rằng ông đã biết kết quả sự việc này: “Quân tử muốn ra ngoài làm quan là vì muốn thực hành lý tưởng, nhưng đạo đức đã không được nữa rồi, và ta đã biết được việc đó”.

Khổng Tử ôm giữ tâm thái như vậy, dù biết ông làm sẽ không thành nhưng ông vẫn tận sức. Quan niệm “Thiên mệnh” được giảng ở đây chính là chỉ Thiên ý, hoặc là quy luật vũ trụ, hoặc là an bài của Thần, và đó là việc vượt ngoài tầm kiểm soát của Khổng Tử.

Có thể ta cho rằng việc tin vào Thiên mệnh sẽ khiến người ta trở nên tiêu cực, nhưng qua giải thích của Khổng Tử về “nghĩa” và “Thiên mệnh” ta mới thấy rằng, tin vào Thiên mệnh không làm con người tiêu cực, trái lại khiến người ta cởi mở và thông suốt. Bởi trong suy nghĩ của Khổng Tử không nói là làm thành công hay không thành công, mà chỉ cần tận sức làm thì sẽ không hối hận điều gì. Cho nên người làm được như vậy vĩnh viễn không có ưu lo, bởi họ làm không phải vì kết quả. Do đó Khổng Tử nói “người quân tử bình thản” và “người nhân không lo lắng buồn rầu” là có nghĩa như vậy.

Khổng Tử cho rằng người hiểu được “nghĩa” và “thiên mệnh” mới là người quân tử thật sự, bởi vì họ làm việc xuất phát từ đạo đức, đối với kết quả hầu như không suy nghĩ quẩn quanh. Cho nên Khổng Tử nói “quân tử hiểu rõ nghĩa” và “không hiểu Thiên mệnh, không tính là người quân tử”.

Mãi cho đến khi 50 tuổi Khổng Tử mới hiểu ý nghĩa của Thiên mệnh. Khi đó ông bắt đầu yêu thích và bỏ công phu đọc “Kinh Dịch“. Như chúng ta biết, Kinh Dịch là cuốn sách nói về quy luật vận động của vũ trụ và biến hóa các việc của con người phát sinh trên thế gian. Những năm cuối Khổng Tử rất thích đọc Kinh Dịch, đến nỗi “ba lần đứt dây bện sách”. Quá khứ sách làm từ thẻ tre, sau đó dùng dây dai để bện lại, Khổng Tử đọc Kinh Dịch nhiều đến nỗi làm đứt dây bện sách ba lần.

Khổng Tử từng học từ Lão Tử, ông rất tôn kính Lão Tử. Về quan hệ giữa Nho gia và Đạo gia, nếu có cơ hội, chúng ta sẽ bàn sâu thêm.

Một đời của Khổng Tử rất gập ghềnh lận đận, lúc nhỏ nhà của ông rất nghèo cho nên Khổng Tử đã nói: “Ta lúc nhỏ cũng nghèo, do đó làm những việc hèn mọn”, nghĩa là lúc nhỏ gia đình Khổng Tử rất nghèo, ông là chức quan nhỏ quản lý kho chứa, cũng trông coi việc chăn thả bò và cừu.

Thân phận của ông là “sĩ” (tức tầng lớp tri thức). Thời Xuân Thu Chiến Quốc, địa vị xã hội cao nhất là Thiên tử nhà Chu, dưới Thiên tử nhà Chu là Chư hầu, dưới Chư hầu là Đại phu, dưới Đại phu mới là sĩ. Bốn giai tầng này là tầng lớp quý tộc. Thời đại của Khổng Tử chỉ có tầng lớp quý tộc mới được nhận sự giáo dục (đi học). Khổng Tử thuộc tầng lớp “sĩ” nên nhận được giáo dục. Còn dưới sĩ là thứ dân thì họ không có quyền lợi đó.

Khổng Tử đã đề xuất một chủ trương rất nổi tiếng gọi là “hữu giáo vô loại”, nghĩa là ông không quan tâm bạn xuất thân là quý tộc hay bình dân, chỉ cần bạn đóng học phí thì Khổng Tử sẽ dạy bạn. Cho nên Khổng Tử đã thay đổi cách dạy học thời đó. Việc dạy học thời đó là do quan phủ độc quyền, nhưng Khổng Tử đã phổ cập việc học đến toàn thể xã hội. Do đó nhiều người cho rằng Khổng Tử là nhà giáo dục bình dân đầu tiên của Trung Quốc.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Exit mobile version