Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 29): Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ

Dù không báo thù thành công, Dự Nhượng vẫn lưu lại bài học sâu sắc cho hậu nhân (Ảnh minh hoạ).

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

…Triệu Tương Tử giữ lời hứa, cởi y phục xuống để tùy tùng đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng nhìn thấy y phục, nghiến răng nguyền rủa, sau đó nhảy lên rồi đâm một nhát kiếm, lại nguyền rủa lại nhảy lên lại đâm xuống. Ông làm ba lần như thế. Mỗi lần Dự Nhượng đâm kiếm vào y phục, Triệu Tương Tử đều thấy rùng mình.

Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ

Sau khi Dự Nhượng “quét sơn lên để như người hủi, nuốt than hồng để biến đổi giọng”, ông đã thay hình đổi dạng, trở thành một kẻ ăn mày. Thời điểm đó Triệu Tương Tử muốn xây một cây cầu để tiện đường đi lại, Dự Nhượng đã đóng giả thành người chết nằm ở dưới cầu. Khi khánh thành, Triệu Tương Tử đi thị sát, ông đến bên cầu thì đột nhiên con ngựa dừng lại, có làm thế nào cũng không đi nữa. Triệu Tương Tử nói: “Ngựa tốt không hại chủ”, nghĩa là ngựa tốt sẽ không để chủ nhân rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, gần đó nhất định có nguy hiểm. Triệu Tương Tử bèn sai binh sĩ lục soát.

Binh sĩ nói: “Có một người chết dưới cầu”. Triệu Tương Tử hỏi: “Cây cầu mới xây như thế này lẽ nào có người vô ý mà chết? Nhất định là Dự Nhượng, hãy bắt hắn lại đây”. Thế là binh sĩ bắt Dự Nhượng giải lên. Khi đó Dự Nhượng ngửa mặt lên trời thở dài, bời vì anh ta không còn cơ hội nào nữa, không hoàn thành nhiệm vụ thích sát Triệu Tương Tử, tương lai không biết phải làm sao, cho nên mới ngửa mặt thở dài như vậy.

Triệu Tương Tử cảm thấy rất kỳ lạ: “Ta hỏi ngươi điều này: Lúc đầu ngươi làm thuộc hạ ở nhà họ Trí, cũng từng theo nhà họ Phạm, nhà họ Trung Hành. Khi nhà họ Phạm và Trung Hành bị diệt, ngươi chưa từng nghĩ đến báo thù. Tại sao khi nhà họ Trí bị diệt, ngươi lại có cái tâm báo thù cấp bách như thế?”. Dự Nhượng khi đó đã nói một câu, lời đó sau này trong “Tam quốc diễn nghĩa” hồi thứ 25 đã trích dẫn ra, chính là “bàn luận về cách đối xử là quốc sĩ, hay đối xử như đám thường dân” (1).

Dự Nhượng nói: “Khi tôi làm việc ở nhà họ Phạm hay nhà họ Trung Hành, họ ‘lấy nghi thức đối xử với đám người bình thường mà đối đãi tôi’, chính là họ coi tôi như người phổ thông bình thường, cho nên tôi lấy tâm thái của người bình thường mà đối đãi lại họ. Nhưng khi tôi làm việc ở nhà họ Trí, Trí Bá Dao ‘lấy nghi thức dành cho bậc quốc sĩ đối đãi tôi’, ông ấy cho rằng tôi là nhân tài ưu tú nhất trong nước, đối xử với tôi vô cùng tốt. Ông ấy đã lấy nghi thức quốc sĩ đối đãi với tôi, tôi cũng phải lấy khuôn mẫu của bậc quốc sĩ để báo đáp, cho nên tôi nhất định báo thù cho ông ấy”. Đây chính là “bàn luận về cách đối xử là quốc sĩ, hay đối xử như đám thường dân”.

Triệu Tương Tử nói: “Lần trước khi thả ngươi, ta đã không theo luật mà miễn xá, lần này lại bắt được ngươi, ta không thể thả ngươi như trước. Ta hỏi, ngươi có nguyện vọng gì không? Ta có thể giúp ngươi thực hiện nó”. Dự Nhượng nói: “Ông nói như vậy đã là ân huệ quá mức rồi. Tôi có một thỉnh cầu. Tôi biết không thể giết được ông, vậy ông có thể cởi y phục ông đang mặc để tôi đâm vào đó ba nhát kiếm không? Vậy coi như tôi đã báo thù cho chủ”.

Triệu Tương Tử giữ lời hứa, cởi y phục xuống để tùy tùng đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng nhìn thấy y phục, nghiến răng nguyền rủa, sau đó nhảy lên rồi đâm một nhát kiếm, lại nguyền rủa lại nhảy lên lại đâm xuống. Ông làm ba lần như thế. Mỗi lần Dự Nhượng đâm kiếm vào y phục, Triệu Tương Tử đều thấy… rùng mình. Sau đó Triệu Tương Tử cho người giết Dự Nhượng. Sau khi giết Dự Nhượng, Triệu Tương Tử cầm y phục bị đâm rách lên xem, thấy mỗi lỗ đều có vết máu. Sự việc này trong “Đông Chu liệt quốc chí” và “Chiến quốc sách” đều có ghi lại.

Dự Nhượng là một thích khách rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong “Sử ký – Thích khách liệt truyện”, Tư Mã Thiên có viết về 5 thích khách. Vị trí thứ ba là Dự Nhượng, thứ hai là Chuyên Chư (người thích sát Ngô Vương Liêu để cho công tử Quang – Hạp Lư lên ngôi vua). Còn vị trí thứ nhất sẽ được giải đáp trong các tập tiếp theo. 

Dự Nhượng đã dùng cách báo thù mà người bình thường không cách nào nghĩ đến, “quét sơn lên để như người hủi, nuốt than hồng để biến đổi giọng”, tìm cách tiếp cận Triệu Tương Tử nhưng hai lần đều thất bại. Lần thứ nhất vì cảm động tấm lòng của Dự Nhượng đối với người chủ là Trí Bá Dao nên Triệu Tương Tử khai ân phóng thích Dự Nhượng. Lần thứ hai, Triệu Tương Tử cởi y phục để Dự Nhượng đâm ba nhát kiếm. Dự Nhượng đã lưu lại điển cố “kẻ sĩ vì người tri kỷ mà chết, phụ nữ vì người yêu mình mà trang điểm” và “bàn luận về cách đối xử là quốc sĩ, hay đối xử như đám thường dân”. Câu chuyện về Dự Nhượng được Tư Mã Thiên ghi lại trong “Sử ký – Thích khách liệt truyện”.

Tư Mã Quang luận về 4 hạng người trong thiên hạ

Sau khi nhà họ Trí bị diệt, ba nhà Hàn – Triệu – Ngụy phân chia đất đai của Trí gia, đây là câu chuyện “ba nhà phân Tấn” nổi tiếng lịch sử. Năm 403 TCN, ba nhà đó nhận mệnh lệnh của Chu Thiên tử rồi từ Đại phu trở thành Chư hầu.

Tư Mã Quang khi nói về thất bại nhà họ Trí đã từng nói một câu: “Trên thế gian có 4 loại người. Người thứ nhất là tài đức vẹn toàn, người như vậy gọi là Thánh nhân. Người thứ hai là đức hạnh rất lớn nhưng tài năng thấp hơn đôi chút, người này gọi là quân tử. Người thứ ba là có đức hạnh nhưng tài năng kém xa, người này gọi là người ngốc. Còn người thứ tư có có tài năng rất lớn nhưng đức hạnh rất kém, người như thế gọi là tiểu nhân”. 

Việc quản lý quốc gia nếu tìm được Thánh nhân và quân tử là tốt nhất. Nhưng nếu không tìm được quân tử thì thà chọn người ngốc còn hơn chọn kẻ tiểu nhân. Vì sao? Bởi vì người ngốc năng lực thấp, mà cho dù đạo đức của anh ta có không tốt đi nữa thì cũng không thể làm thành chuyện hại người vì năng lực quá kém. Giống như chó nhỏ mới sinh không thể cắn người, dùng tay có thể khống chế được. Nhưng nếu chọn người có đạo đức bại hoại mà năng lực lại rất mạnh, thế thì chẳng khác nào hổ mọc thêm cánh. Khi đó sẽ không có biện pháp nào khống chế được anh ta. 

Chúng ta thấy trong lịch sử có rất nhiều hạ thần khiến quốc gia diệt vong, ví như Bá Bĩ. Bá Bĩ không phải là không có tài năng, ông là một người rất hiểu tâm lý người khác. Ông biết cách nói như thế nào để Phù Sai hài lòng vui vẻ, cũng biết làm thế nào để thuyết phục Ngô vương. Ngôn từ của ông rất sắc sảo, nắm rất chắc tâm lý của những người mà mình nói chuyện… Người như thế thật sự là một con người tài hoa, chỉ có điều tài hoa ấy dùng không đúng chỗ.

Tư Mã Quang nhìn nhận, thất bại của Trí Bá Dao là do ông ta là một kẻ tiểu nhân. Năng lực của Trí Bá Dao rất lớn nhưng đạo đức lại rất sai kém bại hoại. Nhà họ Trí vì thế mà gặp đại họa diệt vong, đây cũng là kết quả khi phụ thân của Trí Bá Dao chọn người kế vị đã coi trọng tài năng hơn đức hạnh. Trí Bá Dao thất bại là do sự tham lam và kiêu ngạo của ông ấy, một gia tộc vì thế mà diệt vong. Việc Thiên tử nhà Chu chấp nhận “ba nhà phân Tấn” cũng là một quyết định sai lầm, quyết định này đã châm ngòi thời kỳ Chiến Quốc đầy biến loạn. Tư Mã Quang cho rằng sai lầm của Chu Thiên tử là phớt lờ “Lễ”.

Tư Mã Quang khi đàm luận đến “Lễ” có đề cập đến một ví dụ. Ông nói, Tấn Văn Công thời Xuân Thu Ngũ Bá từng lập nhiều công lao cho nhà Chu. Hơn nữa Tấn Văn Công cùng họ với Chu Thiên tử, là họ Cơ, cho nên Chu Thiên tử gọi Tấn Văn Công là chú (thúc). Chu Thiên tử hỏi Tấn Văn Công: “Thúc à, thúc lập nhiều công lao như thế cho tôn thất nhà Chu, thúc muốn được thưởng như thế nào?”. Tấn Văn Công nói: “Ta muốn ‘toại táng'”.

“Toại táng” (2) là gì? Theo lễ tiết thời Xuân Thu, sau khi Chư hầu chết thì đào một cái huyệt, rồi đặt quan tài vào trong huyệt đó. Còn nếu Chu Thiên tử băng hà thì ngoài mộ thất, phải đào thêm một đường hầm thông đến mộ thất. Trước tiên đặt quan tài ở cửa vào đường hầm, sau đó khiêng quan tài thông qua đường hầm để đi đến mộ thất, nghi lễ này gọi là “toại táng”. 

Cũng chính là nói, sau khi Tấn Văn Công mất, ông muốn an táng theo nghi lễ của Thiên tử. Chu Thiên tử đã trả lời với ông rằng: “Đây là việc trái lễ. Chú phải tôn trọng Chu lễ và quyền uy của Thiên tử. Đằng này chú một mặt tôn trọng Chu lễ, mặt khác lại muốn làm một việc vượt quá lễ, con làm sao đồng ý được. Nếu chú muốn vượt quá lễ, hà tất phải hỏi con. Vì biên cương nước Tấn rộng như thế, chú muốn chôn ở đâu thì chôn ở đó, chú muốn dùng nghi thức gì thì dùng nghi thức đó, vì sao cần con phê chuẩn làm gì?”. Tấn Văn Công nghe xong, rốt cuộc cũng không dám dùng “toại táng”.

Tư Mã Quang trong “Tư trị thông giám” nói rằng: “Trên thực tế ‘lễ’ khởi tác dụng trong việc đặt định danh phận và ước thúc giữa quân chủ và bề tôi, còn có người cũng từng lập nhiều công lao cho quân vương, ông nói với vua rằng: “Thần không hy vọng thưởng bất cứ đất đai hay của cải nào, thần chỉ mong được một dải ‘hồng anh’ (dải dàm màu đỏ)”.

“Hồng anh” là gì? Đây là một tiêu chí chỉ giới quý tộc quá khứ mới có, nó là cái dàm treo trên cổ ngựa thể hiện địa vị xã hội, tượng trưng cho thân phận. Thời đó Khổng Tử từng nói: “Cho một người bao nhiêu tiền cũng được, nhưng không thể cho anh ta ‘hồng anh'”. Vì sao như vậy? Bởi vì anh là là thứ dân (dân thường) không thể dùng nghi lễ của quý tộc.

Tư Mã Quang rất coi trọng lễ, ông thậm chí cho rằng “lễ” là điều kiện cơ bản nhất duy hộ an định xã hội, chỉ cần lễ không hoại, xã hội có thể phát triển tiếp tục. Ông thậm chí còn có một cách nói có phần cực đoan, ông nói: “Nếu quân vương nhà Hạ và Thương có thể giữ gìn lễ thì sẽ không bị lật đổ”. Cách nói này trên thực tế có tính cục hạn lớn, vì khi Chu Công (công thần khai quốc nhà Chu) định ra lễ nhạc, không phải khiến mọi người giữ những quy phạm mang tính cố định, mà bản chất là ước thúc hành vi và đạo đức con người.

Chiến Quốc Thất hùng gồm: Tần, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở. Nước Tấn đóng góp ba nước trong Thất hùng. Sự kiện “ba nhà phân Tấn” là bắt đầu cho việc nước Tần thống nhất Trung Nguyên. Vì sao? Như ta thấy trên bản đồ, Tần quốc nằm ở cực tây của Trung Quốc thời đó, phía đông tiếp giáp với nước Tấn. Nếu nước Tấn không chia ba, nước Tần sẽ không bao giờ chiến thắng được nước Tấn, bởi vì khi đó Tần quốc tương đương đối đầu với liên quân ba nước. Sau khi ba nhà phân Tấn, thực lực mỗi nhà đều yếu đi so với khi còn là một nước, điều này tạo cơ hội cho việc nước Tần lần lượt đánh hạ ba nhà.

Nhưng năm 403 TCN nước Tần không phải là quốc gia hùng mạnh. Quốc gia mạnh nhất lúc đó là Ngụy, vậy thì vì sao Ngụy quốc biến thành lớn mạnh, sau lại trở nên suy yếu? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “tri nhân thiện nhậm” (biết người khéo dùng).

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Ghi chú:

(1) Nguyên gốc là: Chúng nhân quốc sĩ chi luận – 眾人國士之論
(2) Chữ gốc là 隧葬.

Exit mobile version