Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 34): Thương Ưởng biến pháp giúp Tần mạnh, giết người thị uy khoá miệng dân

Với cải cách của Thương Ưởng, rốt cuộc ông làm nước Tần hùng mạnh đến đâu?

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Thông qua “dời cây lập tín”, “khóa miệng người dân” và “giết người thị uy”, cuối cùng Thương Ưởng đã thiết lập pháp lệnh lên dân chúng.

Vệ Ưởng đánh tráo khái niệm “lễ” để thuyết phục Tần Hiếu công

Vệ Ưởng thông qua một hoạn quan trong cung mà diện kiến Tần Hiếu công bốn lần. Ba lần đầu, ông nói về đạo của bậc Đế – Vương – Bá nhưng Tần Hiếu công không mấy quan tâm, đến lần thứ tư nói thuyết về cách thức để “nước giàu binh mạnh” thì mới có được sự quan tâm của vua Tần. Vệ Ưởng đề xuất về “canh” (耕 – nông nghiệp) và “chiến” (戰 – chiến đấu), tăng cường khai khẩn ruộng đất, lấy công trạng để thưởng tước vị, thay đổi chế độ hộ tịch, định ra hình pháp nghiêm khắc, thay đổi pháp luật nước Tần… Tất cả những thay đổi đó đều tiếp xúc rất lớn đến lợi ích của một số đoàn thể, đồng thời phân phối lại cán cân chính trị – kinh tế trong nước Tần, do đó khó nạn trùng trùng. Vệ Ưởng đã làm cách nào để thi hành chủ trương chính sách của mình?

Tần Hiếu công phong Vệ Ưởng làm Tả thứ trưởng. Trong 20 cấp tước vị ở nước Tần thì đây là cấp thứ 10, tương đương với quan võ bậc trung. Vệ Ưởng muốn cải cách chính trị (biến pháp), đầu tiên phải trình lên Tần Hiếu công, nếu Tần Hiếu công không đồng ý thì pháp luật nào cũng không được thi hành. Do đó sau khi Vệ Ưởng đề xuất biến pháp, ông phải biện luận với hai vị Đại phu là Cam Long và Đỗ Chí trước mặt Tần Hiếu công.

Trong lúc biện luận, Vệ Ưởng đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng, ông nói: “Trị quốc không nhất định đi theo một con đường (cách thức), nếu có lợi cho nước thì cần phải theo cách cũ. Năm xưa vua Thành Thang, Chu Võ Vương không tuân theo lễ nghi cũ mà được làm vương; còn vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương – Ân vì không thay đổi lễ nghi nên mới vong quốc. Do đó không thể quở trách người thay đổi lễ nghi, cũng không thể tán thưởng người tuân theo lễ nghi xưa cũ”. Tần Hiếu công nghe xong nói: “Khanh nói có đạo lý”, thế là ông quyết định làm theo cách Vệ Ưởng đề xuất.

Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng Vệ Ưởng đã đánh tráo khái niệm này. “Lễ” của ba triều Hạ, Thương, Chu xác thực là khác nhau. Chúng ta biết rằng “lễ” chỉ là một dạng hình thức bên ngoài, nhưng nội hàm đạo đức bên trong của “lễ” là bất biến. Tùy theo sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội mà biểu hiện của “lễ” có chỗ thay đổi, đây là điều tự nhiên, nhưng nội hàm trong đó là không thay đổi. Vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương – Ân không thay đổi lễ nghi thời họ cai trị, nhưng vì đạo đức hai vị vua này băng hoại nên mới khiến đất nước diệt vong. Do đó giáo sư Chương nói rằng Vệ Ưởng đã nắm chắc bề ngoài của “lễ” mà bỏ đi nội hàm thực chất của đạo đức. Vệ Ưởng đã dùng cách đánh tráo khái niệm để thuyết phục Tần Hiếu công.

Vệ Ưởng thực hành biến pháp

Sau khi thuyết phục Tần Hiếu công, Vệ Ưởng bắt đầu thay đổi luật pháp (biến pháp). Tuy rằng ông đạt được sự đồng ý của quân vương, nhưng lại đối mặt với sự phản đối từ hai phía, một là từ bách tính, hai là từ quý tộc nước Tần. Vậy Vệ Ưởng đã làm cách gì để đối phó với sự phản đối của bách tính? Ông đã làm ba việc. Việc thứ nhất là chuyển cây để xác lập chữ tín, việc thứ hai là dùng hình phạt với những ai chống đối, việc thứ ba là giết người để kiến lập oai nghiêm.

Vệ Ưởng sau khi lập ra pháp luật thì không công bố ngay lập tức. Trước tiên, ông làm một việc kỳ lạ. Ở cửa phía nam đô thành nước Tần (khi ấy là Lịch Dương), ông cho người cắm một cây gỗ và dán thêm một cáo thị nói rằng: “Ai có thể đem cây gỗ này từ cửa thành phía nam sang phía bắc, ta sẽ thưởng 10 nén vàng”.

“Vàng” khi đó không phải là vàng như chúng ta nghĩ. Thời Chiến Quốc, ngay cả bạc cũng không được dùng để làm tiền tệ, mà người ta đúc đồng làm tiền, cho nên “vàng” trong trường hợp này chính là đồng. Luyện nấu kim loại thời đó rất khó khăn, nên nói 10 nén “vàng” tức là 10 cân đồng (5kg). Thời đó 10 lượng vàng là một khoản tiền rất lớn. Nó lớn đến mức nào? Giáo sư Chương khi tra cứu trong “Hán thư – Thực hóa chí” ước lượng rằng số tiền đó đủ để nuôi năm người của một gia đình trong vài năm, chính là nhiều như thế. Chúng ta biết khi đó đô thành rất nhỏ, chu vi khoảng vài cây số, đi xuyên qua từ cổng này đến cổng khác bất quá chỉ vài trăm mét. Vác cây gỗ từ cổng này qua cổng khác mà lại được thưởng nhiều đến như thế!

Sau khi cáo thị được dán ra, có rất nhiều người đến xem nhưng không có ai hành động gì. Một sự việc hết sức đơn giản sao lại được thưởng nhiều như thế? Mọi người cho đây là một việc khó tin. Vệ Ưởng nghe nói không có ai chuyển cây, ông đưa ra đề nghị mới: “Được rồi, đổi 10 nén vàng thành 50 nén vàng”. Sau đó có người dừng lại chỗ cáo thị nói: “Xưa nay nước Tần chưa bao giờ thưởng lớn thế này! Nhưng tôi cũng muốn thử một chút”. Người đó chuyển cây từ cổng nam sang cổng bắc. Lúc này Vệ Ưởng đã chờ ở cổng bắc, thấy cây được chuyển đến, ông mới nói với người đàn ông vác cây rằng: “Thật là một công dân tốt. Lập tức thưởng cho anh ta 50 nén vàng”. Câu chuyện này đã khiến đô thành nước Tần náo động vì số tiền được thưởng lúc đó quá lớn. 

Thông qua sự việc này, Vệ Ưởng muốn truyền đến bách tính một thông điệp rất rõ ràng: “Pháp luật là tôi định ra, dù nó có chỗ hoang đường sai lầm thế nào, nhưng tôi đã nói là làm”. Đây là việc thứ nhất, gọi là “chuyển cây lập tín”, thông qua việc chuyển cây mà xác lập sự tín nhiệm của người dân nước Tần đối với ông.

Sự việc thứ hai mà Vệ Ưởng làm là “khóa miệng người dân”. Sau khi pháp lệnh ban bố ra, có một số người đến trước mặt Vệ Ưởng nói: “Luật lệ này không tốt, chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt, vì sao lại như thế như thế…”. Còn có một nhóm người nói với Vệ Ưởng: “Luật lệ công bố ra thật quá tốt, chỗ này tốt thế này, chỗ kia tốt thế kia”. Vệ Ưởng nói: “Bất luận là người nào nói tốt hay nói xấu, đều bắt lại, sung quân biên ải”.

Vệ Ưởng gọi những người nói tốt là “dân nịnh bợ”; còn những người nói không tốt là “dân ương ngạnh”, “ương ngạnh” mang ý là ngăn cản, tức là những người ngăn trở pháp lệnh. Dù là “dân nịnh nọt” hay “dân ương ngạnh”, Vệ Ưởng cho rằng họ không phải là công dân tốt.

Qua việc làm “khóa miệng người dân”, Vệ Ưởng muốn chuyển đi một thông điệp về một “công dân tốt” là như thế này: “Điều họ có thể làm là tuân theo luật pháp mà tôi chế định như nộp thuế, đi binh dịch… Các người nghĩ nhiều làm gì? Chỉ cần theo đó mà làm là được rồi”. Vệ Ưởng thông qua phương thức này để đoạt đi năng lực suy nghĩ và quyền tự do ngôn luận của người dân. Đây là sự việc thứ hai ông làm.

Sự việc thứ ba Vệ Ưởng làm là “giết người thị uy”. Vệ Ưởng từng ở bờ sông Vị mà sai thuộc hạ hành hình tù nhân, có một ngày hành hình hơn 700 người, nước sông Vị thành màu đó, tiếng khóc ai oán khắp nơi. Trong “Tư trị thông giám” có viết như thế này: “Ban đầu Thương quân là tướng nước Tần, dùng pháp luật nghiêm khắc tàn khốc, từng giết tù nhân ven bờ sông Vị, nước sông đổi thành màu đỏ”. Kẻ mà Vệ Ưởng giết là hạng người như thế nào? Giáo sư Chương cho rằng đó có thể là người phản đối dự luật mới. Vậy là Vệ Ưởng dùng “dời cây lập tín”, “khóa miệng người dân” và “giết người thị uy” để triệt tiêu đi sự bàn luận và phản kháng của người dân về chính sách mới. Thông qua ba việc ấy, cuối cùng Vệ Ưởng đã thiết lập pháp lệnh lên dân chúng.

Nhưng biến pháp của ông đã gặp phải sự phản đối từ quý tộc nước Tần, đặc biệt là sự chống lại từ các Thái tử. Ở đây ta thấy, bách tính bàn luận về pháp luật mới thì bị đày ở biên ải, vậy thì đối với Thái tử như thế nào? Trong “Tư trị thông giám” ghi lại rằng: “…Thế là Thái tử phạm pháp, Vệ Ưởng nói: ‘Pháp luật không thể thi hành, là do người ở vị trí cao cản trở. Thái tử phạm tội nhưng Thái tử là người sẽ kế thừa vương vị trong tương lai, cho nên không thể thi hành hình phạt. Sẽ phạt quan thái phó là Công tử Kiền và thích chữ lên mặt quan Thái sư là Công Tôn Giả”. (Quan Thái phó và quan Thái sư đều là thầy dạy học của Thái tử). 

Thông qua những việc làm đối với bách tính và thầy dạy học của Thái tử, mọi người đều rất sợ Vệ Ưởng. Vệ Ưởng cũng xác lập được uy tín của mình. Tuy nhiên ta thấy Vệ Ưởng là người rất tàn nhẫn, hơn nữa ông làm việc không để đường lui cho mình. Làm sao có thể phạt Thái tử? Thái tử là người sẽ kế vị ngôi vua, tương lai làm quốc vương. Thái tử nếu ghét Vệ Ưởng, đợi đến khi Thái tử lên làm vua, vậy thì Vệ Ưởng chẳng phải sẽ chết không có chỗ chôn hay sao? Nhưng Vệ Ưởng không suy nghĩ nhiều như vậy, cho nên ông mới kiên quyết làm việc theo ý mình. 

Những cách thức của Vệ Ưởng đưa ra sử dụng, lập tức khiến trong nước biến thành nơi yên ắng đến độ “chim chóc cũng sợ nên không dám hót”. Vệ Ưởng bắt đầu thi hành pháp luật mới của mình, ông biến pháp tổng cộng hai lần. Đến năm 340 TCN ông lấy lại Tây Hà từ nước Ngụy, sau đó ông được Tần Hiếu công phong cho đất Thương, khi đó người ta mới gọi ông Thương quân. Vì vốn dĩ ông ở nước Vệ, đến khi được phong cho đất Thương thì mới “lấy đất làm họ”, gọi là Thương quân. Lúc này đây Vệ Ưởng mới được gọi là Thương Ưởng. Nhưng vì trong lịch sử mãi cứ ghi chép rằng “Thương Ưởng biến pháp”, “Thương Ưởng biến pháp”… cho nên ta cũng không chia ra giai đoạn nào gọi với tên gì. Chúng ta có thể nói là Vệ Ưởng, cũng có thể nói là Thương Ưởng, bởi cả hai tên đều nói về cùng một người.

Hai ảnh hưởng của Pháp gia đối với lịch sử Trung Quốc

Thương Ưởng là nhân vật tiêu biểu của trường phái Pháp gia. Trước khi giảng “Thương Ưởng biến pháp”, giáo sư Chương đã giảng một chút về tư tưởng của Pháp gia (2). Chúng ta biết ảnh hưởng của Pháp gia rất lớn, chủ yếu thể hiện ở hai phương diện.

Phương diện thứ nhất, vì “Thương Ưởng biến pháp” nên tư tưởng Pháp gia mới giúp Tần quốc “nước mạnh binh cường”, cuối cùng thống nhất được Trung Nguyên. Cũng chính là nói, Pháp gia giúp nước Tần thực hiện việc thống nhất thiên hạ, kết thúc 500 năm thời kỳ Đông Chu liệt quốc cát cứ phân tranh và chiến loạn liên miên của các chư hầu. Đây là ảnh hưởng thứ nhất của Pháp gia.

Ảnh hưởng thứ hai chính là Pháp gia đã phế bỏ việc phong đất phong hầu, và bỏ việc đặt ra các quận huyện hay các vùng đất. Pháp gia đã đổi chế độ “phong kiến” (3) thời nhà Chu thành chế độ chính trị “trung ương tập quyền”, hơn nữa chế độ “trung ương tập quyền” kéo dài đến đến 2.000 năm sau. Đây là ảnh hưởng thứ hai của Pháp gia, thay đổi toàn bộ chế độ chính trị Trung Quốc hay có thể nói là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý xã hội.

Thời Chiến Quốc, đấu tranh quân sự nổ ra là điều khó tránh, nhiều khi phải dùng một số điều của Pháp gia. Nhưng đợi đến khi kết thúc chiến loạn thì không thể lúc nào cũng khiến toàn dân ở trạng thái động viên chiến đấu. Đến lúc này thì nên dùng đạo lý của Nho gia để quản lý thiên hạ. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc vẫn dùng những cách thức của Pháp gia. Nhà Tần là vương triều duy nhất thực hiện tư tưởng Pháp gia trị quốc triệt để nhất. Do đó, nhà Tần chỉ tồn tại 15 năm, cũng là vương triều tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, bởi vì nó không dùng đạo của quân vương được giảng trong Nho gia để trị quốc.

Quay lại với cải cách của Thương Ưởng, rốt cuộc ông làm nước Tần hùng mạnh đếnđâu và số phận của ông sẽ như thế nào, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Ghi chú:

(1) Một trượng là 10 thước (3.3m). (Nhưng mỗi thời đại thì một thước có chiều dài khác nhau. Thời nhà Chu một thước có thể là 19,91 cm, hoặc là không đến 23 cm).

(2) Trong tập trước giáo sư Chương đã bàn như sau: 

“Còn có một điều ảnh hưởng đến Trung Quốc rất lớn, chính là Pháp gia. Pháp gia trên thực tế là lấy Đạo gia phản đảo lại rồi dùng, cho nên nói Pháp gia là ngược với Đạo gia. Tôi thường nói kế lạ của Binh gia, mưu lạ của Pháp gia. Vận dụng khi đánh trận thì dùng kỳ mưu, xuất kỳ binh, dùng binh không ngại dối trá, thắng vì bất ngờ, đều có thể lý giải được. Nhưng khi một quốc gia đang thời bình, lại không thể dùng kế lạ được, cho nên tôi lấy một bộ những điều của Pháp gia gọi là mưu lạ (quỷ mưu), mưu lược xảo quyệt”.

(3) Sau khi Chư hầu được phong tước, họ phải đến biên giới lãnh thổ của mình mà xới đất lên rồi trồng cây thông tại đó. Động tác này gọi là “phong”. Vậy chữ “phong” là chỉ việc xới đất ở nơi biên giới của mình mà trồng cây thông. Còn “kiến” thì là ý gì đây? Khi một vị vua được thiên tử chỉ định làm người thống trị của vùng đất nào đó, thì gọi là “kiến”. Vậy nên, “phong kiến” trên thực tế là “phong thổ kiến quốc”.

Exit mobile version