Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
… Bàng Quyên bảo tả hữu đốt lửa để xem trên cây viết chữ gì. Bàng Quyên tiến lại gần hơn và bắt đầu đọc… từng chữ, từng chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới gốc cây này”.
Bàng Quyên tấn công nước Hàn
“Sử ký – Lục quốc niên biểu” có ghi lại một sự kiện vào năm 343 TCN. Trong năm này, Tề Uy vương mắc bệnh rồi băng hà. Sau khi ông mất, người con trai kế vị, chính là Tề Tuyên vương. Tề Tuyên vương biết Điền Kỵ bị oan uổng nên triệu tập Điền Kỵ và Tôn Tẫn cùng về nước Tề. Sự việc này Bàng Quyên không biết. Bàng Quyên khi đó chuẩn bị cuộc chiến với nước Hàn. Tiếp đến vào năm 341 TCN, Bàng Quyên dẫn đại quân tấn công nước Hàn. Tình thế nước Hàn khi đó vô cùng nguy cấp. Thế là nước Hàn cầu cứu nước Tề.
Tề Tuyên vương thương lượng với các đại thần nói: “Nước Hàn đến cầu cứu, chúng ta nên làm thế nào?”. Khi đó trên buổi chầu phân thành hai luồng ý kiến. Nhân vật đại biểu cho ý kiến luồng thứ nhất là Tướng quốc Trâu Kỵ. Trâu Kỵ nói: “Không cần cứu, để nước Ngụy và nước Hàn tự giải quyết với nhau, chúng ta không cần quản”. Cách nghĩ của Trâu Kỵ là không cần cứu nước Hàn. Người đại biểu cho luồng ý kiến thứ hai là Điền Kỵ. Điền Kỵ nói: “Nếu chúng ta không cứu nước Hàn thì nước Tề sau này sẽ bị nước Ngụy diệt thôi. Bởi vì nước Hàn tiếp giáp với nước Tề chúng ta, cho nên khi nước Ngụy công hạ được nước Hàn xong, mục tiêu kế tiếp của nước Ngụy sẽ là nước Tề. Do đó chúng ta nên cứu nước Hàn”.
Tề Tuyên vương hỏi Tôn Tẫn: “Rốt cuộc có nên cứu hay không?”. Tôn Tẫn đáp: “Cứu, là sai. Mà không cứu… cũng sai. Nếu hiện nay chúng ta cứu nước Hàn, chính là giống như ta đang can 2 người đánh nhau, làm không khéo nước ta còn bị gộp chung với nước Hàn mà bị nước Ngụy diệt luôn một thể. Thêm vào đó, nếu chúng ta cứu Hàn, cũng tương đương với việc thay nước Hàn để đánh nước Ngụy. Như thể chẳng phải tự chuốc lấy họa sao? Đây là lý do vì sao cứu nước Hàn là sai lầm. Thế thì vì sao không cứu nước Hàn cũng là sai lầm? Bởi nếu nước Tề không cứu, hễ nước Ngụy thôn tính được nước Hàn, Ngụy quốc sẽ càng lớn mạnh, thì khi đó lại là uy hiếp cực lớn đối với nước Tề chúng ta. Do vậy không cứu nước Hàn cũng là sai lầm”.
Tề Tuyên vương nói: “Vậy thì theo ông thì phải làm thế nào?”. Tôn Tẫn đáp: “Ý tôi là để hai nước họ đánh nhau một chập, khi hai bên đều có tổn thương, chúng ta sẽ đi cứu nước Hàn. Bởi vì nước Hàn sắp diệt vong mà chúng ta lại cứu họ, như thế họ sẽ rất cảm ơn chúng ta. Còn binh sĩ nước Ngụy khi ấy cũng đã rất mỏi mệt, cho nên chúng ta đánh thắng Ngụy khá dễ dàng, hơn nữa tổn thất bên ta cũng không lớn”.
Thế là Tề Tuyên vương đồng ý với chủ trương của Tôn Tẫn, ông truyền lệnh đến nước Hàn rằng: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng đến cứu nước Hàn thôi”. Nước Hàn cho rằng quân Tề sẽ đến rất nhanh nên cũng ra sức chống cự đợi đến lúc được cứu. Kết quả quân đội cả hai bên Hàn – Ngụy đều tổn thất. Nước Hàn đánh với nước Ngụy năm lần đều thua cả năm. Lúc nước Hàn sắp đến bờ diệt vong, thì nước Tề mới bắt đầu xuất binh.
Tôn Tẫn ‘giảm bếp’ dụ quân Ngụy
Sau khi xuất binh, Tôn Tẫn dùng kế dựa trên ý tưởng “vây Ngụy cứu Triệu”. Tôn Tẫn nói: “Hiện tại chúng ta sẽ không đi cứu nước Hàn, mà là trực tiếp tấn công đô thành Đại Lương của nước Ngụy”. Thế là quân đội nước Tề đi đến Đại Lương. Đại Lương hiện nay thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tin tức Tôn Tẫn sẽ tấn công Đại Lương liền đến được tai Bàng Quyên. Bàng Quyên lúc đó rất tức giận, bởi vì ông sắp hạ được nước Hàn lại nghe ở nước Ngụy phát sinh sự việc như vậy. Cho nên Bàng Quyên không còn cách nào khác, bèn rút binh về cứu nước Ngụy. Lúc này Tôn Tẫn lại dùng một kế sách rất thú vị, độc đáo.
Điền Kỵ chấp nhận kiến nghị “giảm số lượng bếp” của Tôn Tẫn. Khi Bàng Quyên truy kích, ông căn cứ theo số lượng bếp mà ước định số lượng binh sĩ nước Tề. Ngày thứ nhất căn cứ theo số lượng bếp mà quân Tề để lại, Bàng Quyên ước đoán quân Tề có mười vạn. Ngày thứ hai số lượng bếp giảm, Bàng Quyên ước đoán quân Tề còn lại năm vạn. Đến ngày thứ ba ông ước đoán còn ba vạn. Bàng Quyên lúc đó đắc ý nói: “Ta biết quân Tề không dám đánh chúng ta, nên trong ba ngày mà quân lính đã đào thoát quá nửa. Thế là Bàng Quyên lãnh kỵ mã ngày đêm truy đuổi quân Tề. Vì khinh địch nên không cảnh giác, Bàng Quyên đã từ từ bị dẫn đến Mã Lăng đạo (đường Mã Lăng).
Trận chiến Mã Lăng đạo
Mã Lăng đạo hiện nay ở gần huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đường núi ở đây vô cùng gập ghềnh hiểm trở, hai bên đều là rừng cây, là một nơi lý tưởng để mai phục binh mã. Tôn Tẫn lệnh cho người chặt cây, sau khi chặt để chúng ngổn ngang giữa đường. Chỉ có một cây không chặt, Tôn Tẫn sai người lột vỏ sau đó viết lên đó 8 chữ, tiếp theo ông để một vạn cung thủ mai phục trên đầu núi. Tôn Tẫn nói với các cung thủ: “Buổi tối hôm nay khi thấy ánh lửa bên dưới, các ngươi hãy đồng loạt xạ tên xuống, vạn tên nhất tề bắn ra”.
Đêm đó quả thật Bàng Quyên đã đến Mã Lăng đạo. Người do thám phía trước về báo cáo nói: “Đường đi bị những cây lớn chặn lại rồi”. Bàng Quyên nói: “Có thể là bọn họ sợ nên mới chặt cây làm chướng ngại. Chúng ta hãy dời cây để mở đường”. Thế là kỵ binh xuống ngựa dời cây. Bàng Quyên thấy hầu như cây nào cũng bị chặt, chỉ có một cây chưa đổ. Lúc đó đã là hoàng hôn, có chữ trên cây nhưng lại không thấy rõ. Bàng Quyên bảo tả hữu đốt lửa để xem trên cây viết chữ gì. Bàng Quyên tiến lại gần hơn và bắt đầu đọc… từng chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới gốc cây này”. Vì lửa đã thắp lên ở Mã Lăng đạo, một vạn cung thủ mai phục phía trên nhất tề bắn một loạt tên xuống vị trí có ánh lửa.
Sau đó Tôn Tẫn đến chỗ trước mặt Bàng Quyên. Bàng Quyên khi đó vẫn chưa chết, ông nói với Tôn Tẫn một câu thế này: “Ta hận năm đó không thể giết ngươi, để rồi hôm nay ngươi vang danh còn ta nằm lại nơi sa trường”. Bàng Quyên nói xong liền lấy kiếm tự sát. Bàng Quyên là người phạm tội nhưng vẫn còn ngoan cố đến phút cuối, ông không cho rằng mình sai mà chỉ hận năm đó không giết được Tôn Tẫn.
Nhìn nhận về Bàng Quyên và Tôn Tẫn
Chúng ta xem xong câu chuyện “Tôn Bàng đấu trí” sẽ phát hiện, chính tâm đố kỵ của Bàng Quyên đã hại chết ông. Bàng Quyên biết Tôn Tẫn tài năng hơn mình nên tìm đủ mọi cách trừ khử, vì dã tâm quá lớn cộng với sự tức giận mất hết lý trí nên đã bị Tôn Tẫn phục kích.
Còn về Tôn Tẫn, chúng ta thấy khi Tôn Tẫn đến nước Tề được Tề vương phong làm tướng quân nhưng ông không nhận vì cho rằng mình là người nhận hình phạt nên không thể làm chức cao như thế, đây là sự khiêm tốn của ông. Tiếp đến, Tôn Tẫn không giết Bàng Quyên, hơn nữa Tôn Tẫn còn bắt được cháu của Bàng Quyên là Bàng Thông nhưng cũng không giết, đây là sự khoan dung, trung hậu của ông. Tôn Tẫn về lại nước Tề, ông lấy mười ba thiên “Tôn Tử binh pháp” giao lại cho Tề vương, đây là sự hào phóng của ông. Sau này Tôn Tẫn cũng không nhận phong thưởng, ông sống ẩn dật và xem nhẹ danh lợi.
Xoay ngược vấn đề trở lại mà nói, nếu Bàng Quyên đối xử tốt với Tôn Tẫn thì có thể đắc được binh pháp không? Có thể bởi vì Tôn Tẫn tính tình phúc hậu, hào phóng. Nếu Bàng Quyên cùng Tôn Tẫn chỉ huy quân đội nước Ngụy, thì khẳng định là “gió thổi cỏ rạp”, đánh đâu thắng đó, thậm chí là là sáu nước còn lại (Hàn, Triệu, Tề, Tần, Sở, Yên) trong Chiến Quốc thất hùng cũng không phải đối thủ. Hai người đó hợp tác cùng nhau có thể thống nhất thiên hạ, tiếng thơm lưu truyền sử xanh. Khi đó thống nhất Trung Nguyên có thể không phải là nước Tần nữa. Nhưng thực tế thì Bàng Quyên đã không theo chính đạo, hãm hại Tôn Tẫn cho nên mất cả sinh mệnh, ô danh lưu truyền thiên cổ…
Liên quan đến Tôn Tẫn còn có một thắc mắc nữa đó là: Tôn Tẫn có lưu lại binh pháp không? Trong “Sử ký” khẳng định là có, Tư Mã Quang viết như sau: “Cháu Tôn Tử là Tôn Tẫn (người bị khoét gối), lấy binh pháp chỉnh lý rồi công bố”. Nhưng trong một thời gian rất dài, hậu thế không tìm thấy bộ binh pháp đó, mãi đến năm 1972. Như chúng ta biết thì năm 341 TCN là thời gian mà Tôn Tẫn đánh bại được quân Ngụy của Bàng Quyên, tính đến năm 1972 là gần… 2.300 năm! Năm 1972, ở thành phố Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, người ta có khai quật những thẻ tre của thời nhà Hán, trong đó có “Tôn Tẫn binh pháp”, nhưng các thẻ tre phần lớn đều bị hư hại.
***
Trận Mã Lăng đạo kết thúc chứng kiến sự suy yếu của nước Ngụy. Nước Ngụy mất đi Bàng Quyên, thêm vào đó Thái tử Thân của Ngụy cũng bị bắt làm tù binh. Vì cứu được Hàn và Triệu nên nước Tề trở thành một quốc gia lớn mạnh ở phía đông Trung Nguyên.
Trên thực tế, trước khi bổ nhiệm Điền Kỵ và Tôn Tẫn, nước Tề từng tiềm ẩn mối họa vong quốc. Vậy thì nước Tề từ một nước yếu nhược vươn mình thành quốc gia cường đại như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Nhất minh kinh nhân” (Một tiếng hô, kinh động cả thiên hạ).
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch