Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

“… Tiểu Bạch ngài được như ngày hôm nay chính là vì tôn trọng Thiên tử, tôn trọng vương thất nhà Chu. Do đó, lễ không thể phá bỏ được”.

Ở kỳ trước chúng ta có đề cập đến việc Quản Trọng bắn hạ Công tử Tiểu Bạch. Sau khi tên bắn ra, Công tử Tiểu Bạch hét to một tiếng, rồi thổ huyết, ngã gục trên xe. Rốt cuộc tính mạng của Tiểu Bạch như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở phần dưới đây. 

Quản Trọng dù bắn tên rất chuẩn nhưng “người tính không bằng Trời tính”. Công tử Tiểu Bạch khi đó mang đai lưng (giống như thắt lưng bây giờ), mà phần đầu của đai lưng làm bằng đồng, cho nên ông không bị thương. Nhưng tại sao lúc đó ông lại thổ huyết? Chính là vì ông cắn lưỡi để thổ huyết, sau đó nằm sấp trên xe ngựa. Vì thế Quản Trọng cho rằng Công tử Tiểu Bạch đã chết, nên khi về mới nói với Công tử Củ là cứ thong thả mà đi. Đợi đến lúc Quản Trọng đi khỏi, Công tử Tiểu Bạch liền ngày đêm nhanh chóng đến nước Tề, rồi sau đó đã làm quân vương.

Tiểu Bạch chí lớn bỏ thù riêng

Sau khi ông đăng cơ thì nước Lỗ rất tức giận, bởi vì nước Lỗ muốn lập Công tử Củ để nối ngôi. Thế là giữa nước Tề và nước Lỗ xảy ra một trận chiến. Trận này nước Tề giành thắng lợi và yêu cầu nước Lỗ phải giết Công tử Củ. Công tử Củ nghe vậy bèn tự sát.

Thời điểm đó Bào Thúc Nha cũng đến nước Tề bởi vì ông phò tá Công tử Tiểu Bạch. Ông nói có với Công tử Tiểu Bạch: “Thần may mắn được theo phò tá quân vương, quân vương cuối cùng cũng đăng cơ. Ngài muốn hơn nữa (thay vì làm vua nước Tề thì có thể ôm mộng tranh bá thiên hạ) thì thần không thể giúp. Việc cai quản ở nước Tề thì chỉ cần Cao Hề (1) và Thúc Nha thần là đủ. Nhưng quân vương muốn tranh bá, nếu không có Quản Trọng thì không thể đề cập đến chuyện đó”.

Đoạn này khiến cho chúng ta nhớ đến câu chuyện tương tự xảy ra vào thời “Hán – Sở tranh hùng”. Tiêu Hà đã ba lần tiến cử Hàn Tín nhưng Hán vương Lưu Bang không dùng. Hàn Tín hết sức thất vọng và bỏ đi, Tiêu Hà vội vã đuổi theo Hàn Tín. Khi Lưu Bang hỏi tại sao làm như vậy, Tiêu Hà mới trả lời rằng: “Quân vương muốn làm vua lâu dài ở Hán Trung thì không cần Hàn Tín. Nhưng nếu ngài muốn tranh bá thiên hạ, không có Hàn Tín thì chuyện không thành”. Chính là nói Bào Thúc Nha đánh giá cao Quản Trọng cũng tương tự như Tiêu Hà đánh giá tài năng vượt trội của Hàn Tín vậy. Như chúng ta đã biết, Hàn Tín, Tiêu Hà, Trương Lương là ba vị công thần khai quốc triều Hán (Hán sơ Tam kiệt – 漢初三傑), chính là nói họ tựa như rường cột của quốc gia, có vị trí rất quan trọng. 

Vậy thì sau khi Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng, phản ứng của Công tử Tiểu Bạch như thế nào? Tiểu Bạch vốn rất căm hận Quản Trọng bởi vì khi Quản Trọng tiếp cận Tiểu Bạch thì chẳng nói chẳng rằng, cứ thế giương cung lắp tiễn mà bắn thôi, suýt nữa khiến ông mất mạng. Nhưng Tiểu Bạch nghe Bào Thúc Nha tiến cử liền quyết định mời Quản Trọng đến nước Tề, hơn nữa ông còn đối đãi với Quản Trọng như là bậc cha chú. Tiểu Bạch gọi Quản Trọng là Quản Phủ (2).

Qua sự việc này ta thấy được hai điều về Công tử Tiểu Bạch. Thứ nhất, ông là người có chí hướng cao xa, muốn xưng bá thiên hạ. Thứ hai, ông là người khoan dung độ lượng, dù Quản Trọng đã từng muốn giết ông nhưng ông vẫn trọng dụng Quản Di Ngô (3). Đây là tố chất cần phải có của một người muốn thành đại sự. Quản Trọng về phò tá Tề Hoàn công vào năm 685 TCN.

Khổng Tử đánh giá về Quản Trọng

Khổng Tử từng bàn luận về Quản Trọng với các học trò của mình, ông nói: “Người như Quản Trọng đây, đã từng chín lần hội họp Chư hầu; cải chính thiên hạ, không dựa vào bạo lưc mà dựa vào nhân đức. Nếu Quản Trọng không phải là người nhân đức, vậy thì ông ta sao có thể làm những sự việc to lớn vĩ đại như vậy?”. Trong kỳ trước chúng ta có nhắc đến Tử Cống, ông nổi tiếng với một lần du thuyết thay đổi cục diện của năm nước. Tử Cống – học trò của Khổng Tử – hỏi thầy của mình rằng: “Người như Quản Trọng, khi chủ là Công tử Củ chết, ông ta lại không chết theo; lại còn đi phò tá kẻ thù là Công tử Tiểu Bạch. Người như thế có được tính là “nhân” (仁) không?”.

Khổng Tử mới trả lời rằng: “Quản Trọng phò tá Tề Hoàn công, mà Tề vương đứng đầu trong các Chư hầu, cải chính thiên hạ. Nếu không có ông ấy thì chúng ta bây giờ vẫn bị uy hiếp bởi các bộ tộc du mục. Nếu không có Quản Trọng thì dưới ách thống trị của các bộ tộc ngoài Trung Nguyên, thì liệu đầu tóc chúng ta có còn chỉnh tề, hay là rối bời; quần áo chúng ta gọn gàng hay là mặc lộn trái giống như chúng? Cho nên Quản Trọng đã vượt ra những điều tín nghĩa trong phạm vi nhỏ, để rồi đóng góp công sức nhằm làm những việc lớn hơn, mang lại lợi điều lợi cho nước cho dân”.

Quản Trọng là một vị Tể tướng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông có lẽ là người đầu tiên lấy những phương pháp về quản lý đất nước hệ thống hóa lại rồi lưu giữ. Trong lần đối thoại đầu tiên của mình với Tề Hoàn công, ông đã nói: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn sợi dây (phép tắc, kỷ cương) ràng buộc quốc gia. Bốn sợi dây có không chặt thì quốc gia diệt vong”. Sau này Quản Trọng còn nói với quân vương làm thế nào quý trọng dân chúng, làm thế nào để ngụ binh ư nông (4), làm thế nào phát triển thương nghiệp buôn bán, làm thế nào gây quỹ cho quân đội, làm thế nào trưng binh (triệu tập binh lính khi cần thiết), làm thế nào xử lý các mối quan hệ ngoại giao và đối ngoại, đến cuối cùng là làm thế nào để tôn trọng Thiên tử rồi đánh đuổi mọi rợ, sau này thành tựu bá nghiệp.

Quản Trọng tín lễ khuyên quân chủ

Quản Trọng rất coi trọng và giữ gìn chữ tín. Có một câu chuyện như thế này. Vào năm thứ 4 đời vua Tề Hoàn công (681 TCN), Tề Hoàn công cùng Lỗ Trang công liên kết đồng minh (hội minh – 會盟) ở đất Kha. Hai người họ cử hành đại tiệc nơi đó.

Trong buổi tiệc đột nhiên thủ hạ của Lỗ Trang công là Tào Mạt rút thanh đoản kiếm (dao găm) kê vào cổ Tề Hoàn công rồi nói: “Mấy năm gần đây, nước Tề và nước Lỗ giao chiến, nước Tề đã chiếm rất nhiều đất của nước Lỗ. Hiện tại tôi muốn ông trả lại những phần đất đã chiếm của nước Lỗ giao trả lại cho cố quốc chúng tôi”.

Tề Hoàn công nếu không đồng ý sẽ bị giết ngay lập tức. Khi Tề Hoàn công vì để bảo toàn tính mạng nên nói: “Được được. Ta sẽ đáp ứng cho ngươi”. Tề Hoàn công nói xong, Tào Mạt cất đoản kiếm, sau đó lập tức trở về dùng tiệc với bộ dạng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Đương nhiên Tề Hoàn công uất ức lắm, đợi đến khi tàn tiệc ông mới nói với Tể tướng Quản Trọng: “Hôm nay ta bị bức bách, nên dưới tình huống bị uy hiếp như vậy mới nói ra những lời đáp ứng Tào Mạt. Nhưng ta thực sự không muốn trả lại những vùng đất đó cho nước Lỗ”. Sau khi nghe xong Quản Trọng mới nói rằng: “Tham cái lợi nhỏ có thể thoải mái nhất thời, nhưng lại mất đi sự tín nhiệm và viện trợ của Chư hầu. Như vậy cái được chẳng bõ cho cái mất”. Quản Di Ngô là người xem trọng chữ tín đến như thế.

Ngoài việc coi trọng chữ Tín, Quản Trọng cũng là người chú trọng đến “lễ”. Ông rất tôn kính vương thất nhà Chu. Năm 680 TCN, dưới sự phê chuẩn của Thiên tử nhà Chu, Tề Hoàn công cầm cờ hiệu của Chu Thiên tử đi thảo phạt nước Tống. Kết quả nước Tống không dám động binh, đành phải đầu hàng. Tề Hoàn công giành thắng lợi. Chúng ta thấy việc Tề Hoàn công cầm cờ hiệu Thiên tử để mệnh lệnh Chư hầu, có gì đó giống giống với “chèn ép Thiên tử, mệnh lệnh Chư hầu” như ở trong Tam quốc. Nhưng trong “Sử ký”, việc này được ghi chép là “phụng lệnh thiên tử, sai khiến Chư hầu”. “Phụng” ở đây chỉ sự tôn kính bậc bề trên. Tề Hoàn công làm được như vậy phần nào có sự góp ý tư vấn từ Tể tướng Quản Trọng.

Tề Hoàn công có chín lần họp Chư hầu. Ba lần là “binh xa chi hội” (兵車之會), tức là nước Tề chiến đấu giành thắng lợi sau đó các quốc gia khác hội họp liên kết đồng minh. Còn có sáu lần “y thường chi hội” (衣裳之會), nghĩa là dựa vào đạo đức to lớn của nước Tề mà cảm hóa nước khác, từ nó các nước ấy kết liên minh với nước Tề.

Hội họp Chư hầu lần thứ chín, Thiên tử nhà Chu đặc biệt đem đồ tế lễ tặng cho Tề Hoàn công, đồng thời ban thưởng thêm cho ông cung tên màu đỏ, xe mà Chu Thiên tử dùng để di chuyển. Khi đó Thiên tử nhà Chu nói: “Khi Tề Hoàn công tiếp nhận ban thưởng thì không cần quỳ gối tạ ơn”.

Tề Hoàn công sinh năm 715 TCN, đến năm 651 TCN trong lần hội họp Chư hầu lần thứ chín, thì ông đã 64 tuổi rồi. Dù Tề Hoàn công khi đó đã lớn tuổi và Chu Thiên tử nói không cần hành lễ, nhưng Quản Trọng vẫn nhắc rằng: “Ngài không thể không quỳ gối. Vì sao? Bởi vì sở dĩ ngài được như ngày hôm nay chính là vì tôn trọng Thiên tử, tôn trọng vương thất nhà Chu. Do đó lễ không thể phá bỏ”. Chính là Quản Trọng nhắc nhở Tề Hoàn công là khi nhận lễ vật hay nhận lệnh của vua Chu thì hãy quỳ xuống nhận chỉ hoặc tạ ơn.

Từ hai câu chuyện Quản Trọng nhắc nhở Tề Hoàn công, một lần về chuyện trả lại đất cho nước Lỗ, một nữa là nhắc nhở Tề vương hãy kính trọng Chu Thiên tử, ta thấy Quản Trọng là người rất xem trọng “tín”, “lễ”.

***

Nhờ có Quản Trọng phò tá mà Tề Hoàn công dựng nên bá nghiệp. Nhưng về sau Tề Hoàn công lại tin dùng gian thần. Vậy thì số phận cuối đời của người đứng đầu Chư hầu ấy như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Cao Hề là tên của Thượng khanh nước Tề.

(2) Quản Phủ (仲父). Chữ này 父 đọc là phủ là tiếng gọi những người tôn kính. Ví như Khương Tử Nha được gọi là Thượng Phủ (Khương Tử Nha tên là Khương Thượng), Khổng Tử được xưng là Ni Phủ (Khổng Tử tự là Trọng Ni).

(3) Quản Trọng tên thực là Di Ngô.

(4) Ngụ binh ư nông ý nghĩa là huyến luyện quân sự cho nông dân. Thời bình thì những người lính – nông dân ấy sẽ cày ruộng, còn khi chiến tranh thì tham gia tác chiến.