Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 46): Tề Uy vương trọng dụng nhân tài, cung Tắc Hạ trăm nhà đua tiếng

Tề Uy Vương đã khiến nước Tề suy yếu trở thành quốc gia lớn mạnh thời Chiến Quốc (ảnh minh hoạ).

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

… Tề Uy vương từng nói: “Con chim lớn này ba năm không bay, hễ bay thì xung Thiên; ba năm không kêu, nhưng một lần cất tiếng là kinh động khắp bờ cõi”.

Năm 385 TCN, Điền Hòa tạ thế, con trai của ông là Điền Ngọ kế vị. Điền Ngọ cũng lấy hiệu là Tề Hoàn công. Do vậy trong lịch sử có hai vị Tề Hoàn công: một vị là Khương Tiểu Bạch thời Xuân Thu, một nữa là Điền Ngọ thời Chiến Quốc. Điền Ngọ chấp chính trong 6 năm rồi mất, sau đó con trai của ông là Điền Nhân kế vị. Điền Nhân chính là Tề Uy vương nổi tiếng trong lịch sử.

Những năm đầu đăng cơ, Tề Uy vương không quan tâm triều chính, lúc đó hoàn cảnh nước Tề vô cùng nguy hiểm. Trong “Sử ký” có chép lại như thế này: “Năm đầu Tề Uy vương, tam Tấn nhân lúc Tề có tang mà đánh vào Linh Khâu. Năm thứ sáu, nước Lỗ đánh úp Dương Quan, còn nước Tấn đánh tới Bác Lăng. Năm thứ bảy, nước Vệ đánh lấy Tiết Lăng. Năm thứ chín, nước Triệu công hạ vùng đất Chân”. Trong vòng chín năm đầu lên ngôi mà có bao nhiêu quốc gia đánh chiếm nước Tề. Mà nước Tề khi đó, hễ đánh trả là thất bại nên dần lâm vào tình thế có nguy cơ diệt vong. Thế là có một thuyết khách đến khuyên nhủ can gián Tề Uy vương.

Ở phần “Tôn Bàng đấu trí”, chúng ta có nhắc đến Thuần Vu Khôn. Trong lịch sử có hai trường hợp là lấy hình phạt để đặt họ và đặt tên. Thời Chiến Quốc có Thuần Vu Khôn (淳於髡). Khôn (髡) là hình phạt cắt tóc. Cho nên, Thuần Vu Khôn là lấy hình phạt đặt làm tên. Còn có một thủ hạ của Lưu Bang là Kình Bố (黥佈). Kình (黥) là hình phạt thích chữ bôi mực vào mặt. Do đó, đây là dùng hình phạt để làm họ.

3 việc Tề Uy vương thực hiện đã đưa nước Tề lên tầm cao mới

Quay trở lại với Thuần Vu Khôn, ông ta không trực tiếp khuyên can Tề Uy vương mà chỉ đưa cho Tề vương một câu đố. Ông nói như sau: “Có một con chim lớn trong nước (quốc gia), ở trong điện đình của vua, ba năm không bay cũng không hót, Tề vương ngài biết chim đó là gì chăng?”. Tề Uy vương đáp lại bằng một câu rất nổi tiếng rằng: “Con chim lớn này ‘ba năm không bay, hễ bay thì xung thẳng lên Trời; ba năm không kêu, nhưng một lần cất tiếng là kinh động khắp bờ cõi’ (1)”. Sau đó Thuần Vu Khôn biết rằng Tề Uy vương không phải là người tầm thường, chỉ có điều ông đang chờ thời cơ mà thôi. Do vậy, Thuần Vu Khôn bèn rời đi.

Trên thực tế thì không phải sau khi gặp Thuần Vu Khôn Tề Uy vương lập tức “cất tiếng kinh động khắp bờ cõi”; mà là ông chuẩn bị thực lực trong thời gian sáu năm. Vì ông kế vị khi còn rất trẻ, đến năm thứ ba ông mới gặp được Thuần Vu Khôn và nói ra ý chí của mình, sáu năm sau là thời gian ông chuẩn bị. Đến năm thứ chín ông bắt đầu làm ba sự việc rất quan trọng để có thể đưa nước Tề lên một tầm cao mới.

Sự việc thứ nhất chính là chỉnh đốn tác phong và uy tín của quan lại (2). Ông mời hai vị Đại phu đến đô thành của nước Tề, một người trấn thủ ở Tức Mặc thành, vị còn lại trấn giữ ở A thành. Bởi vì mỗi ngày ông đều nghe nói vị Đại phu ở Tức Mặc thành cai quản không tốt như thế nào, còn vị Đại phu ở A thành cai trị tốt như thế như thế. Khi Tề Uy vương triệu tập hai vị Đại phu về đô thành, ông cho người đặt một cái nồi lớn, bên trong nồi là dầu sôi. Mọi người đều cho rằng vị Đại phu ở thành Tức Mặc sẽ bị Tề vương xử phạt.

Tề Uy vương bảo vị Đại phu ở thành Tức Mặc đến đứng đối diện với mình rồi nói: “Từ ngày ngươi đến Tức Mặc thành, mỗi ngày đều có người nói với ta là ngươi không tốt như thế này thế kia. Nhưng khi ta phái người đi thị sát thì phát hiện rằng vùng đất hoang vu ấy đã được ngươi cho người khai khẩn, bách tính sinh sống ngày càng giàu có, công việc nơi đó không khi nào trễ nải. Bởi thế nên vùng phía đông của nước Tề do vậy mà an định. Đây là kết quả việc ngươi trợ giúp ta trong việc trấn giữ Tức Mặc thành. Ta phong ấp có vạn hộ dân cho ngươi”.

Tiếp đến Tề Uy vương gọi Đại phu trấn thủ A thành đến trước mặt rồi nói: “Từ ngày ngươi làm Đại phu ở đất A, “tiếng khen hàng ngày đều đến”, luôn có người nói cho ta những lời tốt về ngươi. Nhưng khi ta phái người đi kiểm tra, thì phát hiện rằng đất đai nơi ấy vô cùng cằn cỗi, người dân sống rất khó khăn chật vật, công việc của quốc gia thì ngươi không có làm. Vài năm trước, khi nước Triệu đánh nước Tề chúng ta, ngươi làm bộ như không biết. Mỗi ngày ngươi chỉ làm một việc, đó là bóc lột tiền tài của bách tính, sau đó hối lộ cho thuộc hạ của ta để nói tốt cho ngươi. Do đó, tai ta toàn nghe những lời tốt về ngươi. Vậy thì tại sao ta có thể dùng một người như ngươi làm Đại phu cơ chứ!”. Thế là Tề Uy vương lệnh cho tả hữu mang vị Đại phu này ném vào vạc dầu sôi.

Sau khi Đại phu trấn thủ A thành chết vì hình phạt, Tề Uy vương vẫn chưa hết giận dữ, ông nói với những đại thần xung quanh rằng: “Các ngươi đều là tai mắt của ta, giúp ta cai quản đất nước và giúp đỡ dân chúng, cũng có thể xem là những người thân tín của ta vậy. Ấy thế mà các ngươi suốt ngày lừa dối ta, các ngươi nhận tiền của Đại phu trấn thủ A thành để nói tốt về ông ấy, không nhận được tiền của Đại phu trấn giữ thành Tức Mặc thì nói xấu ông ấy. Vậy thì ta cần những tai mắt như các ngươi để làm cái gì?!”.

Các vị đại thần khi đó sợ đến xanh cả mặt, bèn quỳ gối xin tha tội. Tề Uy vương chọn ra một vài người mà ông cho rằng “ăn nói tốt lắm” cho vào vạc dầu sôi, chịu chung số phận với vị Đại phu xấu số; còn lại thì Tề vương tha mạng. Ông làm như thế khiến các thủ hạ từ nay về sau không dám lừa dối ông nữa, và họ làm quan càng ngày càng liêm khiết. Đây là sự việc thứ nhất, gọi là chỉnh đốn tác phong và uy tín của quan lại.

Điều thứ hai mà Tề Uy vương làm là mở rộng tự do ngôn luận cho người dân. Tề Uy vương cho phép người dân đưa ra những kiến nghị về chỗ tốt và cả khuyết điểm của quốc gia. Có một câu chuyện rất nổi tiếng trong “Chiến Quốc sách” nói về sự việc này, có là “Trâu Kỵ nghe lời khen, sau đó khuyên vua Tề hãy tiếp thu lời can gián” (3).

Tề Uy vương bổ nhiệm Trâu Kỵ làm Tướng quốc. Trâu Kỵ là một người có tướng mạo đẹp đẽ. Một hôm vào buổi sáng nọ, ông soi gương rồi thốt lên rằng: “Oa! Sao mà mình đẹp trai đến như vậy”. Sau đó ông hỏi thê tử: “Ta so với Từ Công ở thành phía bắc, ai là người đẹp hơn?” (Từ Công là một người đàn ông có tướng mạo rất đẹp đẽ).

Vợ ông đáp rằng: “Đương nhiên là ông đẹp hơn rồi”. Trâu Kỵ không tin mới hỏi thêm người tiểu thiếp: “Nàng thấy ta với Từ Công, ai là người dễ nhìn hơn?”. Người tiểu thiếp đáp: “Đương nhiên là ngài đẹp hơn rồi”. Hai ngày sau có một vị khách đến, Trâu Kỵ lại hỏi: “Tôi so với Từ Công ở thành phía bắc, thì ai là người đẹp hơn?”. Vị khách đáp: “Đương nhiên là ông rồi”. Ba người đều nói với ông như thế, nên ông bèn tin như vậy. Nhưng có một lần Từ Công đến thăm hỏi Trâu Kỵ, Trâu Kỵ nhìn Từ Công mới thầm nghĩ rằng: “Ôi chao! Đây mới là người đẹp trai, so với ta còn hơn rất nhiều lần”.

Sau khi Từ Công trở về thì Trâu Kỵ lấy gương soi lại mình, ông mới thốt lên rằng: “Ai cha! Càng nhìn ta càng thấy mình không bằng Từ Công. Nhưng vì sao thê tử, tiểu thiếp và cả vị môn khách đều nói ta đẹp hơn. Hóa ra là thê tử vì yêu ta nên để tình cảm chiến thắng lý trí, do vậy nàng ấy mới nói ta đẹp hơn. Thế còn tiểu thiếp? Là vì nàng ấy sợ ta nên mới khen ta đẹp hơn. Người khách cũng nói ta đẹp hơn là vì vị ấy có việc cần nhờ vả ta”.

Thế là Trâu Kỵ đem chuyện đó kể lại cho Tề Uy vương rồi nói thêm rằng: “Thưa đại vương, hậu cung có nhiều người như thế, không ai là không yêu mến ngài; đại thần của ngài nhiều như thế, không ai là không sợ ngài; bách tính nước Tề nhiều như thế, không ai là không có việc nhờ vả đến ngài. Nếu là như vậy thì ngài muốn nghe lời chân thật thì khó lắm thay”.

Thế là Tề Uy vương ban hành một sắc lệnh với nội dung như sau: Người trong nước Tề, nếu có thể chỉ ra lỗi lầm của quả nhân thì sẽ nhận được ban thưởng loại Thượng đẳng; nếu viết thư để chỉ ra lỗi lầm thì nhận được ban thưởng loại Trung đẳng; nếu trên đường cái lớn mà bàn luận về ta, và ta cảm thấy có chỗ tốt, thì người kiến nghị sẽ nhận thưởng loại Hạ đẳng”. Mệnh lệnh xuất ra, rất nhiều người đều đến để ý kiến. Câu chuyện này còn lưu lại một thành ngữ mà trong “Chiến Quốc sách” có ghi lại như sau: “Mệnh lệnh mới ban hành, quần thần đến can gián, sân lớn trong cung đông đúc như chợ” (4).

Vì Tề Uy vương nhận can gián như vậy, nên với khuyết điểm thì ông sửa đổi, do đó việc quản lý quốc gia càng ngày càng tốt. Đây là sự việc thứ hai, chính là mở rộng tự do ngôn luận.

Sự việc thứ ba mà ông làm, đó chính là trọng dụng nhân tài. Như chúng ta đã biết, ông phong Trâu Kỵ làm Tướng quốc, Điền Kỵ làm tướng quân, Tôn Tẫn làm quân sư. Nhân tài đều được ông trọng dụng cả, thêm vào đó, những người giỏi dưới trướng của ông đều rất nhiều.

Tắc Hạ Học cung – cái nôi của Chư tử Bách gia

Trong thời Chiến Quốc, có bốn người rất nổi tiếng, và họ được mệnh danh là “người nuôi dưỡng nhân tài” (dưỡng sĩ – 養士). Ví như Mạnh Thường quân của nước Tề, Bình Nguyên quân của nước Triệu, Tín Lăng quân của nước Ngụy và Xuân Thân quân của nước Sở. Bốn vị công tử ấy rất nổi tiếng trong thời Chiến Quốc và trong “Sử ký” Tư Mã Thiên có ghi chép những câu chuyện về họ.

Nhưng theo đánh giá của Giáo sư Chương Thiên Lượng, thì ông tổ của “dưỡng sĩ” nên là Tề Uy vương. Tề Uy vương sau khi làm vua, thì ở cổng phía đông của đô thành Lâm Truy (quận Lâm Truy, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay) ông có xây một trường học gọi là Tắc Hạ Học cung (稷下學宮).

Trong “Sử ký” có ghi lại, nói rằng người ở trong Tắc Hạ Học cung “không quản lý những việc vụn vặt trong nước, mỗi ngày chỉ mà một việc là hùng biện, tranh luận với nhau” (5). Vì những học thuyết của mỗi người có chỗ khác nhau, cho nên họ tranh biện với nhau. Mỗi người không ngừng hoàn thiện học thuyết của mình, quy nạp nó lại thành hệ thống. Tắc Hạ Học cung có thể nói là trường Đại học đầu tiên trên thế giới, cách đây khoảng 2.400 năm, lâu đời hơn cả Đại học Oxford của Anh quốc (có lịch sử khoảng 1.000 năm).

Ở đoạn trước chúng ta có đề cập đến Thuần Vu Khôn. Thuần Vu Khôn là một vị có chức vị cao (nguyên lão) trong Tắc Hạ Học cung ở giai đoạn sớm nhất. Thuần Vu Khôn không những là một người hài hước mà còn là người rất xuất sắc, ông có thể biết trong tâm người ta suy nghĩ những gì.

Trong “Sử ký” có một câu chuyện về Thuần Vu Khôn như thế này. Ông được tiến cử cho Ngụy Huệ vương, nhưng khi gặp Ngụy Huệ vương ông không nói lời nào, chỉ ngồi một lúc rồi đứng dậy rời đi. Lần thứ hai ông cũng lặp lại chuyện như vậy, ngồi một lúc rồi đứng dậy rời đi.

Ngụy Huệ vương rất tức giận mới hỏi người đã tiến cử Thuần Vu Khôn rằng: “Tại sao Thuần Vu Khôn khi gặp ta lại không nói một câu nào. Ngươi chẳng phải nói rằng hắn còn lợi hại hơn cả Quản Trọng hay sao? Có phải hắn cho rằng người như ta quá ngốc, không đáng để nói chuyện?”. Người tiến cử cảm thấy rất kỳ quái, mới đến hỏi Thuần Vu Khôn tại sao hai lần gặp Ngụy Huệ vương đều không nói gì cả.

Lúc này Thuần Vu Khôn mới trả lời: “Lần thứ nhất khi ngồi với Ngụy Huệ vương, tâm của ngài ấy muốn đi săn. Lần thứ hai ngồi cùng, tâm ngài ấy muốn nghe ca hát. Tâm Ngụy vương vốn không ở đây, cho nên tôi không thể nói chuyện với ông ấy”.

Người này đem những lời của Thuần Vu Khôn nói cho Ngụy Huệ vương, vua Ngụy mới giật mình, nói: “Trước khi gặp hắn lần thứ nhất, có người biếu ta con ngựa, tuy ta chưa đi xem nó nhưng trong tâm nghĩ rằng sau khi nói chuyện với Thuần Vu Khôn thì sẽ đi xem nó. Lần thứ hai có người dâng ta một người biết ca hát, tuy ta chưa nghe nhưng nghĩ trong tâm rằng, sau khi đàm luận với hắn xong thì sẽ đi nghe hát. Do đó xác thực là trong tâm ta suy nghĩ hai việc cùng một lúc”.

Thuần Vu Khôn chỉ là một trong hàng trăm học giả ở Tắc Hạ Học cung đương thời. Thời kỳ Chiến Quốc, trên thực tế là mảnh đất dụng võ của Chư tử Bách gia như: Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Danh gia, Âm dương ngũ hành gia, Tung hoành gia, Binh gia… Thời kỳ này, các trường phái học thuật đều tranh luận sôi nổi trên một vũ đài. Những vấn đề như mối quan hệ giữa Trời và người, những quyền biến của người xưa, phép tắc lễ nghi, đạo của vương bá, nhân nghĩa và lợi ích… tất cả đều triển khai ra đàm luận, mỗi học thuyết có sự ảnh hưởng lẫn nhau, cùng nhau phát triển.

Số lượng học sinh ở Tắc Hạ Học cung có trên nghìn người hoặc vài nghìn người. Ở Tắc Hạ Học cung, định kỳ đều có cử hành việc kiểm tra đánh giá thành tích học sinh; học sinh ở đây được tự do lựa chọn môn học, thầy giáo tự do lựa chọn học sinh.

***

Tề Uy vương khiến nước Tề thành một quốc gia hùng mạnh ở bờ đông Trung Nguyên, đồng thời Thương Ưởng biến nước Tần thành một thế lực không thể xem thường ở phía tây. Còn có nước Sở ở phía nam, trung tâm là nước Hàn và nước Triệu, đều là những quốc gia rất cường thịnh. Còn nước Ngụy khi đó khá nhỏ yếu.

Thời đó, nước mạnh muốn thôn tính thiên hạ, còn nước bé chỉ mong bảo vệ mình. Vậy thì nước nhỏ làm thế nào bảo vệ mình, nước lớn làm thế nào tranh bá thiên hạ, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “hợp tung liên hoành”.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Nguyên gốc là: Tam niên bất phi, nhất phi xung thiên; tam niên bất minh, nhất minh kinh nhân – 三年不飛,一飛沖天;三年不鳴,一鳴驚人.

(2) Nguyên gốc là: lại trị – 吏治.

(3) Nguyên văn là: Trâu Kỵ phúng Tề vương nạp gián – 鄒忌諷齊王納諫.

(4) Nguyên gốc là: Lệnh sơ hạ, quần thần tiến gián, môn đình nhược thị – 令初下,群臣進諫,門庭若市.

(5) Nguyên gốc là: Bất trị nhi nghị luận – 不治而議論.

Exit mobile version