Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 47): Giỏi du thuyết Tô Tần qua 6 nước; mưu diệt Tần Chư hầu quyết ‘hợp tung’

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Tô Tần là nhân vật đại biểu cho trường phái “hợp tung”, nhưng chủ trương ban đầu của ông lại không phải là kháng Tần.

Chiến Quốc – thời kỳ ngoại giao phức tạp nhất trong lịch sử Trung Quốc

Năm 341 TCN, tướng nước Ngụy là Bàng Quyên tử trận, một năm sau đó (340 TCN), Ngụy quốc bị Thương Ưởng lấy lại vùng đất Tây Hà, từ đó nước Ngụy lâm vào khốn cảnh suy sụp. Trong “Sử ký – Việt vương Câu Tiễn thế gia” có ghi lại đại ý như sau: Thời kỳ này, nước Sở đã thôn tính nước Việt, lấy đi tỉnh Chiết Giang để nhập vào lãnh thổ. Khi đó, nước Tề, nước Sở và nước Tần đều là những quốc gia rất hùng mạnh.

Vì có sự chênh lệch giữa các nước, nước mạnh muốn thôn tính thiên hạ, còn nước bé chỉ mong bảo vệ mình, thế là những người du thuyết có đất dụng võ. Thời đó các Chư hầu hôm nay có thể kết liên minh, nhưng ngày mai có thể đánh nhau một mất một còn, mỗi người đều có những toan tính cho riêng mình. Cho nên đây là thời kỳ mà quan hệ ngoại giao phức tạp nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tô Tần – Trương Nghi, hai nhân vật đại biểu cho Tung hoành gia

Thời Chiến Quốc là thời kỳ bách gia đua tiếng, nhưng có hai gia nổi tiếng nhất là Nho gia và Mặc gia, hai gia này còn gọi là “hiển học” (học thuyết vẻ vang). Về phương diện dụng binh thì học vấn của Binh gia được xem trọng nhất. Còn về phương diện ngoại giao thì học thuyết của Tung hoành gia được xem trọng nhất. Và Tô Tần – Trương Nghi là hai nhân vật nổi tiếng đại biểu cho Tung hoành gia. Hai người họ đã thao túng quan hệ ngoại giao của các nước trong thời Chiến Quốc gần một thế kỷ. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên có viết hai chương dành riêng cho hai người này, đó là “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” và “Sử ký – Trương Nghi liệt truyện”.

Vì sao gọi là Tung hoành gia? Chúng ta giải thích “tung” (縱) trước. Nhìn vào bản đồ thời Chiến Quốc, ta thấy trục dọc tính từ bắc xuống nam gồm các nước Triệu, Ngụy, Hàn, Sở. Những nước này liên hợp với nhau, tạo thành phòng tuyến để chống lại nước Tần. Sau này có thêm hai quốc gia nữa là nước Tề và nước Yên. Đây gọi là hợp tung, sáu nước liên minh để đối kháng với nước Tần.

“Hoành” (橫) là gì? Sách lược này là để đối phó với hợp tung (liên kết theo chiều dọc). Sau này nước Tần liên minh với các nước theo chiều ngang, để rồi đánh bại từng nước từng nước một. Đây gọi là liên hoành.

Như đã nói phía trên, Tô Tần và Trương Nghi là đại biểu cho Tung hoành gia. Vậy Tô Tần và Trương Nghi là người như thế nào? Trong phần cuối “Sử ký – Trương Nghi liệt truyện” Tư Mã Thiên có viết như sau: “Hai người Tô Tần và Trương Nghi đều nham hiểm và xảo trá”. Trong đó cũng có một đoạn so sánh về hai nhân vật này: “Trương Nghi là người nước Ngụy, ban đầu cùng với Tô Tần đi học du thuyết do Quỷ Cốc Tử tiên sinh truyền dạy. Tô Tần cảm thấy tự mình không bằng Trương Nghi”.

Tạo hình Trương Nghi trên màn ảnh (ảnh chụp màn hình Youtube).

Tô Tần là nhân vật đại biểu cho trường phái “hợp tung”, nhưng chủ trương ban đầu của ông không phải là kháng Tần. Sau khi ông rời Quỷ Cốc, ông đến kinh đô Lạc Dương của nhà Chu (khi đó nhà ông gần Lạc Dương). Nhưng tiếc là Chu Thiên tử không trọng dụng ông. Tiếp đó ông đến nước Tần. Trong “Chiến Quốc sách – Tần sách” có ghi lại như sau: “Tô Tần nói với Tần vương rằng, nước Tần có vị trí rất tốt, bốn mặt là núi, mặt đông có ải Hàm Cốc, qua ải Hàm Cốc lại đến vùng Tây Hà, đi về phía nam lại là vùng Ba Thục. Nước Tần không những có đất đai phì nhiêu mà địa thế cũng vô cùng hiểm yếu. Tần quốc chỉ cần sửa trị nội chính, nội lực lớn mạnh rồi thì việc nhất thống thiên hạ không thành vấn đề. Nếu muốn thành tựu bá nghiệp, tôi có thể giúp ngài”.

Nhưng cơ hội lúc đó không tốt, bởi vì Tần vương vừa giết Thương Ưởng và ông lại rất ghét bọn thuyết khách. Ông nói với Tô Tần rằng: “Ta nghe nói, khi chim đủ lông đủ cánh mới có thể bay cao. Hiện nay ta cảm thấy đức độ ta chưa đủ sâu dày, pháp lệnh trong nước lại chưa thông, cho nên ta hy vọng ông có thể đợi ta một đoạn thời gian”. Thế là Tô Tần cáo từ Tần vương về lại lữ quán.

Về đến lữ quán, Tô Tần đem luận thuật về “tam vương ngũ bá” (ở tập trước khi Thương Ưởng thuyết phục Tần Hiếu công đã đề cập đến khái niệm này) viết ra mười mấy vạn chữ, sau đó đưa lại cho Tần vương. Tuy Tần vương có xem qua nhưng bản thân ông không có ý định trọng dụng Tô Tần. Tô Tần chờ thời gian rất lâu, tiền cũng đã tiêu hết sạch rồi, thế là ông đem cả xe, ngựa, y phục bán hết để lấy tiền, rồi thu xếp hành lý trở về quê nhà Lạc Dương.

Sau khi về lại quê nhà Lạc Dương, ông đã chịu rất nhiều khổ, bộ dạng thì nghèo túng, vừa gầy vừa đen. Về đến nhà thấy thê tử đang dệt vải, ông hỏi thăm nhưng vợ lại không thèm ngẩng mặt lên. Ông đói lắm, đến hỏi chị dâu liệu có thể cho ông một bữa cơm không, thì chị dâu lại nói nhà không có củi. Ông đến thăm cha mẹ nhưng họ hầu như không quan tâm đến ông. Khi đó Tô Tần cảm thấy rất chán nản.

Vì sao người nhà lại đối xử với ông như vậy? Bởi vì Trung Quốc thời đó là một xã hội nông nghiệp, không trọng dụng thuyết khách. Hơn nữa, dù bạn có đi kinh doanh buôn bán, nhưng địa vị lại rất thấp.Truyền thống khi đó là “trọng nông khinh thương”. Mà Tô Tần không biết trồng trọt cũng không biết buôn bán, chỉ dựa vào tài ăn nói để mưu cầu phú quý, cho nên người thời đó nhìn ông thì không thể nào hiểu nổi.

Tô Tần cảm thấy du thuyết không thành công được bởi vì học vấn của mình không đủ. Ông lấy tất cả các sách trong nhà để lật ra mà xem, số lượng sách khoảng mười mấy rương. Tô Tần tận lực đọc sách từ sáng đến đêm. Trong “Tam tự kinh” có câu: “Tóc treo xà, dùi đâm chân” (1). “Tóc treo nhà” là nói về Tôn Kính thời nhà Tấn, mỗi ngày đọc sách đọc đến đêm khuya, vì sợ ngủ thiếp đi, bèn lấy tóc buộc lại, rồi treo sợi dây buộc tóc lên xà nhà. Còn “dùi đâm chân” là chỉ Tô Tần thời Chiến Quốc, ông vì gắng sức đọc sách, lúc đêm thâu sợ ngủ gật quên việc đọc sách, bèn dùng dùi đâm vào bắp đùi.

Tô Tần thuyết phục Chư hầu hợp tung kháng Tần

Trải qua hơn một năm như thế, Tô Tần cảm thấy mình đã nắm được xu hướng cũng như cục diện trong thiên hạ, thế là ông bước ta làm thuyết khách lần thứ hai.

Lần này Tô Tần đến nước Triệu nhưng cũng không gặp may vì Triệu vương không trọng dụng ông. Tô Tần bèn rời nước Triệu đến nước Yên. Lúc đó ông đã rất nghèo túng rồi. Ông nghèo đến mức độ nào? Ông ở lữ quán nhưng không có tiền trả cho người chủ, không có tiền để ăn cơm. Ở nhà khách có người thấy ông đáng thương quá bèn cho ông một trăm quan tiền để trang trải sinh hoạt. Ông dựa vào sự trợ giúp đó mà sống qua ngày và chờ thời cơ.

Quân vương nước Yên khi đó là Yên Văn công. Khi Yên Văn công đi thị sát, có một lần Tô Tần chờ ông ở trên đường, thế là Yên vương nhìn thấy Tô Tần. Yên Văn công nói với Tô Tần: “Ai da. Ta từ lâu đã nghe danh tiếng của ông, có người nói ông từng viết mười mấy vạn chữ luận về đạo của “tam vương ngũ bá”. Ta vẫn luôn muốn kết giao với ông”. Như thế Tô Tần đã được Yên Văn công mời đến cung điện. Khi đó là năm 334 TCN.

Cũng trong năm này, nước Sở đã thôn tính được nước Việt. Nếu ta nhìn bản đồ lúc này sẽ thấy, nước Tần ở phía tây, ở giữa là tam Tấn tức là Hàn – Triệu – Ngụy, đi về phía đông là nước Tề, phía bắc là nước Yên, còn vùng châu thổ Trường Giang rộng lớn là của nước Sở.

Bản đồ Chiến Quốc thất hùng đã được Việt hóa.

Tô Tần phân tích tình thế các nước cho Yên Văn công rằng: “Nước Tần ở phía tây, nước Yên ở phía đông bắc. Nếu nước muốn đánh hạ Yên thì phải đi qua nước Ngụy và nước Triệu. Cho dù nước Tần lấy được một vài thành trì của nước Yên cũng không giữ được, bởi vì nước Tần vượt cả ngàn dặm không thể qua đây lấy vài thành trì được. Do đó việc nước Tần tấn công nước Yên là chuyện rất khó xảy ra. Dưới tình huống như vậy mà chúng ta liên minh với nước Tần là thất sách, bởi vì căn bản nước Tần không thể đe dọa nước Yên lúc này.

Ngược lại nếu nước Triệu tấn công nước Yên thì không quá bốn, năm ngày đã lấy được đô thành rồi, vì thực lực nước Triệu mạnh hơn nước ta và còn một lý do quan trọng nữa là nước Triệu giáp với chúng ta. Với địa thế và tình huống như vậy, nước Yên nên liên minh với nước Triệu chứ không nên liên minh với nước Tần”.

Câu nói này đã thuyết phục được Yên Văn công. Yên vương thưởng cho Tô Tần rất nhiều tiền và để Tô Tần làm thuyết khách đi sứ để thiết lập quan hệ ngoại giao hòa hảo với nước Triệu. Tô Tần có được tiền, đầu tiên ông lấy 100 cân vàng kim (thời đó vàng kim là chỉ kim loại đồng dùng để đúc tiền) gửi lại cho vị khách đã chu tế cho mình, thông qua việc này chúng ta thấy Tô Tần cũng là người biết báo ơn.

Tô Tần sau khi đến nước Triệu, ông nói với Triệu Túc hầu rằng: “Nước Triệu của ngài đây, tuy rằng biên cương hai ngàn dặm, binh sĩ đánh trận rất tốt, lương thực đầy đủ, nhưng nếu xảy ra chiến tranh với nước Tần thì e rằng nước Triệu không địch lại. Nhưng tại sao nước Tần lại không tấn công nước Triệu?

Bởi vì phía nam nước Triệu có nước Hàn và nước Ngụy. Nếu nước Tần đánh nước Triệu, thì nước Hàn và nước Ngụy có thể đi vòng con đường ở phía dưới mà tập kích nước Tần, cho nên nếu nước Triệu muốn chống đỡ với nước Tần, thì việc đầu tiên là nên thiết lập liên minh với nước Hàn và nước Ngụy, chứ không nên kết thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Tần.

Một lý do nữa là, nước Hàn và nước Triệu không có núi cao sông sâu để phòng hộ, nên rất dễ bị tấn công. Nếu nước Tần diệt được nước Hàn và nước Ngụy thì nước Triệu sẽ gặp nguy. Do đó kế sách hợp lý nhất lúc này là: ba nước Hàn – Triệu – Ngụy phải liên hợp với nhau.

Theo khảo sát của tôi, tổng diện tích đất đai của các Chư hầu gấp 5 lần nước Tần, còn về dân số và binh sĩ thì gấp 10 lần. Nếu chúng ta không liên hợp, mà để cho nước Tần đả bại từng nước, chúng ta sẽ phải làm bề tôi của Tần quốc. Đánh bại người khác hay bị người khác đánh bại, để người khác xưng thần với mình hay chính mình phải làm bề tôi của họ, lẽ nào chúng ta lại chọn đi nước đôi? Cho nên, kế sách hợp lý nhất lúc này là sáu nước liên hợp kháng Tần”.

***

Rốt cuộc Tô Tần có khiến sáu nước Chư hầu liên kết lại với nhau tạo thành thế “hợp tung” hay không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Nguyên gốc là: 頭懸樑,錐刺股 – Đầu huyền lương, trùy thích cổ. Cổ (股) ở đây chỉ bắp đùi, nhưng để dịch cho vần điệu thì dịch là chân, hơn nữa đùi cũng là một bộ phận của chân, nên dịch là “chân” vẫn chấp nhận được.

Exit mobile version