Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Trương Nghi đưa ra sách lược để nước Tần kết quan hệ với nước Ngụy ở gần và nước Yên ở xa, quả nhiên sáu nước trong liên minh hợp tung nghi ngờ lẫn nhau.

Trương Nghi rời Triệu đến Tần

Khi đó Tô Tần mời Trương Nghi lên chỗ ông ngồi. Trương Nghi sau khi lên xong, Tô Tần vẫn ngồi chỗ đó, không thèm đưa mắt nhìn người bạn của mình. Lúc này Trương Nghi mới hét lên: “Quý Tử (1), ta cho rằng tình bằng hữu là chỗ có thể nương tựa, cho nên ta mới đến nương nhờ ngươi, thật không ngờ ngươi lại đối xử với ta như vậy”.

Tô Tần nói: “Không phải vậy. Ngược lại, tôi rất muốn giúp bạn, nhưng tôi thấy bạn đã rời Quỷ Cốc một thời gian nhiều năm như thế, lưu lạc khắp nơi thật đáng thương. Tôi sợ chí hướng của bạn mai một, lại sợ tài năng của bạn tiêu hao đi. Với tình cảnh này của bạn, tôi có thể tiến cử một chức quan nhỏ thì không thành vấn đề. Chỉ e bạn không làm nổi việc, đến lúc đó thì người ta lại nói tôi không có mắt nhìn người”.

Trương Nghi nói: “Đại trượng phu mưu cầu phú quý, ta há dựa vào ngươi sao!”. Tô Tần nói: “Nếu nói vậy thì bạn đến đây làm gì?”. Trương Nghi lúc đó rất tức giận. Tô Tần nói: “Như thế này, bạn lại đây, tôi nể tình đồng môn, tôi đưa bạn ít vàng đề làm lộ phí”. Trương Nghi khi đó ném vàng xuống đất, đùng đùng nổi giận rời tướng phủ rồi đi về lữ quán.

Chủ quán cho rằng Trương Nghi sau khi đến tướng phủ có thể thăng quan tiến chức vùn vụt, nên mới về đây thu xếp hành lý đến tướng phủ hoặc đến một căn nhà lớn nào đó để cư trú. Trương Nghi cởi trả y phục cùng khăn đội đầu cho người chủ quán, vừa cởi vừa chửi Tô Tần. Khi đó Giả Xá Nhân đi thăm bạn trở về.

Giả Xá Nhân hỏi Trương Nghi rằng đã xảy ra chuyện gì? Trương Nghi đem toàn bộ câu chuyện kể cho Giả Xá Nhân nghe một lượt. Giả Xá Nhân nói: “Ai da, năm đó kẻ hèn tôi đây đã dẫn dụ anh đến nước Triệu, ai ngờ rằng anh lại nhận nỗi tủi nhục lớn như thế. Với tình huống hiện nay, anh muốn đi đâu?”.

Trương Nghi nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng nói: “Thiên hạ hiện nay nếu có một quốc gia nào dám đối đầu với nước Triệu thì chỉ có nước Tần mà thôi. Tôi chuẩn bị đi đến nước Tần, tôi nhất định lấy được thực quyền của nước Tần, sau đó sẽ đả bại nước Triệu”. Giả Xá Nhân nói: “Nếu anh muốn đi nước Tần thì tôi không cản. Ở nước Tần tôi có một người bạn nên cũng muốn đến đó, tôi chỉ thuận đường đi cùng với anh thôi”.

Khi đó Trương Nghi rất cảm động, thời buổi khốn khó, bèo nước gặp nhau, Giả Xá Nhân lại giúp ông ta lớn như thế cho nên, Trương Nghi kết bái huynh đệ với Giả Xá Nhân.

Trương Nghi hiểu lầm Tô Tần

Trong chuyến đi đến nước Tần, Giả Xá Nhân không chỉ nói chuyện với Trương Nghi, dùng rất nhiều tiền để mua đồ đẹp, ngựa tốt cho người bạn đồng hành của mình; mà dọc đường còn truyền bá danh tiếng cho Trương Nghi. Trương Nghi đến nước Tần. Năm xưa vì Tần Huệ Văn công vì không trọng dụng Tô Tần nên rất tiếc nuối, ông nghe thấy Trương Nghi đến, bèn lập tức phong cho Trương Nghi làm khách khanh.

Trương Nghi trong chốc lát nhận được chức quan lớn, ông vô cùng cảm tạ Giả Xá Nhân đã giúp mình trong quãng thời gian khốn khó. Giả Xá Nhân nói: “Anh không cần phải cảm ơn tôi, thực ra toàn bộ sự việc là do Tô Tần sắp đặt. Tô Tần sợ anh nghèo khó trong thời gian dài như thế, chỉ muốn an phận thủ thường, nên ông ấy đã cố ý chọc tức anh để anh có quyết tâm mà nắm giữ thực quyền ở nước Tần, hiện tại đã sắp đạt được mục đích rồi. Số tiền mà tôi tiêu cũng là do Tô Tần cấp, tôi chỉ thay Tô Tần làm sự việc này thôi”.

Trương Nghi nói: “Ai da, Tô Tần đã giúp tôi nhiều như thế, tôi có thể làm gì để trả ơn người bạn ấy đây?”. Giả Xá Nhân nói: “Điều Tô Tần quan tâm nhất lúc này là nước Tần sẽ tấn công nước Triệu. Nếu anh có thể đảm bảo rằng nước Tần không tấn công nước Triệu, như thế đã được tính là báo ân cho Tô Tần rồi”. Trương Nghi nói: “Ông an tâm, chỉ cần tôi còn ở đây thì nước Tần sẽ không tấn công nước Triệu”.

Tại Hoàn thủy, Tô Tần nhận ấn tướng sáu nước

Tô Tần sau khi nghe tin tức này bèn nói với Triệu Túc hầu rằng: “Binh sĩ nước Tần từ đây không tấn công nước Triệu nữa”. Thế là Triệu Túc hầu bái Tô Tần làm Tướng quốc, sau đó đưa ông ta rất nhiều tiền để Tô Tần làm thuyết khách, tiến hành kế hoạch “hợp tung”.

Thế là Tô Tần đến nước Hàn, Ngụy, Tề và Sở khuyên họ liên hợp lại chứ không nên thần phục nước Tần. Cuối cùng Chư hầu sáu nước cử hành đại hội liên minh ở Hoàn thủy, lập ra sách lược hợp tung kháng Tần. Để sách lược có thể thi hành, sáu nước đều đưa ấn tướng cho Tô Tần và phong ông thành “tung ước trưởng” (người thủ lĩnh của hiệp ước hợp tung). Theo “Đông Chu liệt quốc chí”, thì hiệp ước ở Hoàn thủy được ký vào năm 333 TCN.

Sau hiệp ước Hoàn thủy, Tô Tần đi về nước Triệu. Trong quá trình trở về ông có qua kinh đô nhà Chu là Lạc Dương và các nước chư hầu. Chư hầu đều nghênh đón rồi tống tiễn, hơn nữa còn tặng cho ông rất nhiều tiền, rất nhiều xe ngựa. Thời đấy, xe ngựa của ông uy nghi đến mức giống như xe quân vương của một quốc gia vậy. Trong “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” có ghi lại rằng: “Khi đi theo hướng bắc về nước Triệu theo chỉ thị của Triệu vương, Tô Tần thì có đi qua Lạc Dương, xe ngựa chở rất nhiều hành lý, chư hầu các nơi phái sứ giả ra đón rất đông, trông như bậc vương giả”.

Tranh vẽ Tô Tần (Nguồn: Laonanren)

Lạc Dương là quê nhà của Tô Tần. Lúc ông trở về thì bố mẹ, anh em, vợ con, chị dâu đứng bên vệ đường để nghênh đón Tô Tần. Chị dâu của ông quỳ dưới đất ngẩng mặt nghênh đón, ông ngồi trên xe cúi đầu nhìn chị dâu hỏi: “Năm đó khi em đói khổ, em muốn chị cho em bữa cơm, chị đã không đồng ý. Vì sao bây giờ chị lại cung kính như thế với em vậy” (2).

Chị dâu nói: “Bởi hiện nay Quý Tử (Tô Tần) địa vị đã cao, tiền bạc đã nhiều”. Tô Tần than thở rằng: “Tô Tần ta đây, lúc nghèo khó thì mọi người không đoái hoài đến ta, lúc giàu có thì mọi người sợ ta. Người thân còn như thế huống gì người ngoài. Nhưng nếu ta ở Lạc Dương canh tác trên mảnh ruộng 2 khoảnh, ta há có thể cầm được ấn tướng sáu nước!”.

Tô Tần rất hào phóng, ông lấy một nghìn cân vàng kim tặng cho người trong nhà. Hai người em trai của ông, một người là Tô Đại, một người nữa là Tô Lệ, cả hai thấy anh trai mình nở mày nở mặt, cũng bắt đầu theo Tô Tần học du thuyết. Sau này họ cũng là những nhân vật rất có danh tiếng của Tung hoành gia thời Chiến Quốc.

Đưa sách lược Trương Nghi chống hợp tung

Tô Tần sau khi thành công trong việc hợp tung sáu nước, ông lấy thệ ước Hoàn thủy ném vào ải Hàm Cốc để đe dọa Tần vương. Tần vương thấy tờ thệ ước thì vô cùng sợ hãi, bèn thương lượng với một số đại thần, nói rằng: “Các quốc gia đó đã liên hợp với nhau rồi, chúng ta làm thế nào đây?”.

Có một vị đại thần là Công Tôn Diễn nói: “Chuyện này rất đơn giản. Đề xướng việc này là nước Triệu, chúng ta sẽ đánh nước Triệu trước, khi đánh Triệu mà nước nào vào giúp, chúng ta đánh tiếp nước đó”. Ý của ông là muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Khi đó Trương Nghi đã là khách khanh ở nước Tần, trong tâm ông không muốn nước Tần đánh nước Triệu. Ông nói: “Hiện tại sáu nước vừa mới hợp tung, vết mực trên hiệp ước còn chưa khô, các nước đó đang hừng hừng khí thế. Nếu chúng ta đánh Triệu, e rằng nước Hàn, nước Ngụy sẽ giúp Triệu mà tấn công chúng ta. Còn các nước Yên, Tề, Sở, họ cũng không để chúng ta yên đâu. Nếu sáu nước mà đánh Tần, nước ta nguy mất”.

Vậy Trương Nghi làm thế nào để đối phó với sách lược hợp tung? Trương Nghi nói thêm rằng: “Tôi có một chủ ý này. Lấy nước Tần làm mốc, thì nước Ngụy gần nhất còn nước Yên xa nhất. Chúng ta đã từng giao chiến với Ngụy và đoạt đất của họ, bây giờ chúng ta trả đất đã chiếm cho Ngụy. Đồng thời, ta gả công chúa cho quân vương nước Yên. Như thế, đối với nước gần nhất và xa nhất, chúng ta đã kết quan hệ hòa hảo với họ. Những nước khác trong liên minh vì thế sẽ tự nhiên nghi ngờ lẫn nhau”.

Lời của Trương Nghi có đạo lý trong đó: Nếu chúng ta không biểu hiện mạnh mẽ, thì chúng ta biểu hiện sự yếu đuối vậy. Đại trượng phu có thể co, cũng có thể duỗi, các bạn chẳng phải muốn liên hợp để đối phó với tôi hay sao. Thế thì các bạn đều đã làm sai rồi, bởi vì tôi cùng hội và không muốn tấn công các bạn, tôi cũng giao ước với nước Ngụy và nước Yên và không tấn công nước nào cả.

Nước Tần kết quan hệ với nước Ngụy và nước Yên như thế, quả nhiên sáu nước trong liên minh hợp tung nghi ngờ lẫn nhau.

Những chuyện như vậy, sau này chúng ta đã thấy rồi, trong cuộc chiến thì quan hệ ngoại giao có sự thay đổi chứ không bất biến. Giống như thời Tam quốc, khi Tào Tháo tấn công Tôn Quyền và Lưu Bị, thì hai nhà Tôn – Lưu đều sợ Tào tiêu diệt, nên đã liên minh với nhau kháng Tào. Nhưng sau trận chiến Xích Bích, thế lực Tào Tháo suy yếu thì hai nhà Tôn – Lưu lại quay ra đánh nhau.

Năm Kiến An thứ 12 (năm 206), khi Tào Tháo tấn công Ô Hoàn cũng gặp vấn đề này. Tào Tháo sau khi công hạ Ô Hoàn, ông lại không tiếp tục truy kích. Khi đó hai người con trai của Viên Thiệu là Viên Thượng và Viên Hy đã đến Liêu Đông. Thái thú Liêu Đông khi đó là Công Tôn Khang.

Tào Tháo không tiếp tục tấn công Liêu Đông, ông đến Liễu thành rồi thu binh. Thuộc hạ Tào Tháo hỏi tại sao lại lui binh mà không tiếp tục truy đuổi Viên Thượng và Viên Hy. Tào Tháo mới trả lời: “Chỉ cần chúng ta lui binh, Công Tôn Khang sẽ giết Viên Thượng và Viên Hy”. Sau đó quả nhiên sự việc đó đã xảy ra theo Tào Tháo dự đoán.

Trong “Tam quốc chí – Hán Đế kỷ”, Tào Tháo đã nói như thế này: “Công Tôn Khang vẫn luôn sợ Viên Thượng và Viên Hy, nếu ta đánh gấp bọn chúng sẽ liều mạng liên minh với nhau, nếu thong thả thì bọn chúng thôn tính lẫn nhau. Chiều hướng là như vậy”.

Ở đây chúng ta thấy, khi các nước có đối thủ chung thì họ sẽ liên minh, còn khi đối thủ suy yếu hoặc không còn, họ sẽ quay lại đánh nhau.

***

Quay trở lại vấn đề hợp tung, nước Tần kết giao hòa hảo với Ngụy ở gần và Yên ở xa, rốt cuộc liên minh sáu nước lục đục nội bộ như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Quý Tử là tự của Tô Tần.

(2) Câu nói này nguồn gốc thành ngữ “trước ngạo nghễ, sau cung kính” (tiền cứ hậu cung – 前倨後恭).