Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 55): Giả tiếng gà Mạnh Thường Quân thoát hiểm; đốt giấy nợ Phùng Hoan phục nhân tâm

Ảnh ghép minh họa.

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm 

Lời bạch: Mạnh Thường Quân nuôi 3000 kẻ sĩ, lúc nguy nan nhờ sức gà gáy chó sủa mà thoát khỏi hang cọp. Về đến nước Tề, ông lại càng cung kính tiếp đãi kẻ sĩ hơn. Danh vọng của Mạnh Thường Quân ngày càng lớn mạnh. Nhưng đó cũng là lúc Tề Mẫn Công bắt đầu tỏ ra nghi kỵ ông.

Mạnh Thường Quân có được giấy trạm của vua Tần mừng lắm, hệt như có được bùa hộ mệnh vậy. Trong bọn môn khách có người khéo làm giấy tờ giả mạo, bèn vì Mạnh Thường Quân đổi họ tên ở trong giấy trạm đi. Nhóm người gấp rút ra đi ngay trong đêm. Đến cửa Hàm Cốc mới vào nửa đêm, cửa quan đã khóa chặt từ lâu rồi. Ra khỏi cửa Hàm Cốc chính là ra khỏi nước Tần. Mạnh Thường Quân sợ có quân đuổi theo đến, nóng lòng muốn ra khỏi cửa quan ngay. Nhưng cửa quan đóng mở đã có giờ nhất định, đêm đến khi vắng bóng người rồi thì đóng, sáng hôm sau đợi đến khi gà gáy mới mở.

Khi đó cũng chính là lúc canh hai, tầm khoảng 3 giờ sáng, sắc trời còn tối. Mạnh Thường Quân cùng đám tân khách đứng ùn lại cả trong cửa, trong lòng lo lắng bồn chồn chờ đến khi nghe thấy tiếng gà gáy. Ngay lúc mọi người đang nóng lòng nhất, bỗng có tiếng gà gáy từ trong bọn khách vẳng ra. Mạnh Thường Quân lấy làm lạ, nhìn xem thì hóa ra trong bọn môn khách có người khéo bắt chước tiếng gà gáy, thanh âm giống hệt, đã rõ lại còn vang xa. Rồi bao nhiêu gà ở quanh đó đều gáy theo.

Thời ấy chưa có đồng hồ, kẻ lại giữ cửa quan nghe thấy tiếng gà gáy tưởng là trời đã sáng thật, liền dậy khám xét. Nhìn thấy giấy trạm của vua Tần liền cho mở cổng thành, Mạnh Thường Quân cùng đám tân khách lại gấp rút lên đường.

Mạnh Thường Quân vừa đi chưa lâu thì truy binh của vua Tần cũng đã đến nơi. Đại khái vua Tần nửa đêm tỉnh giấc, bỗng cảm thấy có gì đó không đúng, liền sai người đuổi theo ngay trong đêm. Đuổi đến cửa Hàm Cốc, kẻ lại giữ cửa quan nói mới nãy đã có một đám người đi qua, truy binh đòi xem sổ tên hành khách thì không thấy tên Mạnh Thường Quân đâu, nghĩ chắc bọn người Mạnh Thường Quân vẫn chưa đến, liền đợi bên dưới cổng thành. Đợi đến khi trời sáng cũng chẳng thấy người đâu, mới hỏi kẻ lại giữ cửa hình trạng đám người đó trông như thế nào? Kẻ lại giữ cửa thuật lại, truy binh vừa nghe liền biết đó chính là bọn người Mạnh Thường Quân, biết không thể đuổi kịp được nữa, bèn trở về báo lại với vua Tần. Vua Tần than rằng: “Mạnh Thường quân có cái cơ mưu quỷ thần bất trắc, thật là bậc hiền sĩ trong thiên hạ!”.

Sau vua Tần sai kẻ lại giữ kho lấy áo cầu lông chồn trắng ra để mặc, kẻ lại tâu là bị kẻ trộm lấy mất. Đến khi thấy nàng Yên Cơ mặc, vua hỏi kỹ ra mới biết là người khách của Mạnh Thường quân lấy trộm. Vua Tần lại than rằng: “Đám tân khách trong nhà Mạnh Thường Quân đông như chợ, hạng nào cũng có, nước Tần ta thực chưa có bằng!”. Rồi vua lấy áo hồ cừu cho nàng Yên Cơ mặc mà không bắt tội kẻ giữ kho nữa.

Câu chuyện trên đây đã để lại một câu thành ngữ, gọi là “chó sủa gà gáy”. Hai môn khách học tiếng chó sủa gà gáy này khi mới đến nhà của Mạnh Thường Quân thì ai nấy đều xem thường họ. Không ngờ đến lúc then chốt nhất chính hai người này đã cứu tính mạng của Mạnh Thường Quân.

Chúng ta nếu từng đọc bài viết của Vương An Thạch thời nhà Tống đều biết rằng, Vương An Thạch rất không tán đồng việc Mạnh Thường Quân nuôi đám sĩ “gà gáy chó sủa” này. Vương An Thạch nói Mạnh Thường Quân suốt ngày ở cùng đám người “chó sủa gà gáy” đó, vậy nên những người thật sự có tài sẽ không nương nhờ Mạnh Thường Quân.

Kỳ thực chúng ta thấy trong đám 3000 tân khách đó của Mạnh Thường Quân, nếu như có một, hai người là nhân tài nhất đẳng thì nước Tề sẽ không đến nông nỗi như sau này. Thời Tam Quốc, Tư Mã Huy từng nói với Lưu Bị rằng: “Ngọa Long (Gia Cát Lượng), Phượng Sồ (Bàng Thống), chỉ cần được một trong hai người này sẽ có được thiên hạ”. Lưu Bang nói ông có được thiên hạ chủ yếu nhờ vào ba người, chính là “Hán sơ tam kiệt”: Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Mạnh Thường Quân nuôi đám tân khách “gà gáy chó sủa” này còn có những người là hào khách giang hồ, chính là có rất nhiều người sau khi phạm tội rồi sợ bị truy cứu liền chạy đến chỗ Mạnh Thường Quân. Qua đây chúng ta thấy Mạnh Thường Quân rất giống với Tiểu Toàn Phong Sài Tiến trong “Thủy Hử truyện”.

Mạnh Thường Quân trên đường từ nước Tần về lại Tề, giữa đường có ghé qua nước Triệu. Ở đây có một công tử khác của nước Triệu tên gọi Bình Nguyên Quân Triệu Thắng. Ông cũng là người dưỡng sĩ giống Mạnh Thường Quân. Bình Nguyên Quân nghe nói Mạnh Thường Quân đến liền ra nghênh đón. Ai nấy trong đô thành nước Triệu biết Mạnh Thường Quân đến đều thi nhau tới xem mặt vì danh tiếng ông đã sớm vang khắp thiên hạ.

Vốn dĩ mọi người đều cho rằng Mạnh Thường Quân phải là một đại trượng phu cao lớn vạm vỡ, kết quả nhìn thấy chỉ là một gã lùn nhỏ con thấp bé. Ai nấy vừa thất vọng, vừa xúm lại bàn tán cười cợt, kết quả chọc giận Mạnh Thường Quân. Đêm ấy những kẻ cười Mạnh Thường Quân đều bị mất đầu. Bình Nguyên Quân biết đó là do môn khách của Mạnh Thường Quân làm ra, nhưng không dám hỏi đến. Vậy nên chúng ta có thể thấy môn khách này của Mạnh Thường Quân rất giống Lý Quỳ trong “Thủy Hử truyện”.

Thái sử công Tư Mã Thiên từng đặt chân đến đất Tiết, đất phong của Mạnh Thường Quân (nơi cách thị trấn Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông ngày nay khoảng 20 km về phía tây), nơi đây rất gần nước Lỗ. Sơn Đông lại được gọi là vùng đất Lỗ – Tề. Nước Lỗ chính là quê hương của Thánh nhân Khổng Tử, theo lý mà nói phong tục vô cùng thuần hậu mới phải. Nhưng khi Tư Mã Thiên đến đất Tiết khảo sát, thấy đất Tiết có rất nhiều cường hào ác bá, anh hùng trượng nghĩa. Tư Mã Thiên hỏi: “Cớ sao phong tục nơi đây lại thành ra như vậy?”. Có người trả lời rằng, Mạnh Thường Quân chiêu mời đủ kẻ gian, hào kiệt khắp thiên hạ. Nguyên nhân đại khái có hơn sáu vạn hộ dân chạy đến đất Tiết.

Môn khách dưới trướng Mạnh Thường Quân được phân thành 3 đẳng cấp. Thượng đẳng gọi là đại xá. Mạnh Thường Quân cho rằng tài năng của những người này có thể đại diện cho mình, vậy nên gọi là đại xá, xá chính là ý chỉ quán trọ. Trung đẳng gọi là hạnh xá. Mạnh Thường Quân cho rằng có thể tìm được những người như vậy với ông mà nói là điều vô cùng may mắn, vậy nên gọi là hạnh xá. Hạ đẳng gọi là truyền xá, truyền chính là kêu gọi, triệu tập. Mạnh Thường Quân cho rằng những người này chỉ cần kêu gọi một tiếng thì họ lập tức đến ngay.

Đãi ngộ của môn khách thuộc ba giai tầng này cũng có sự khác biệt. Môn khách ở hàng hạ đẳng chỉ cần đảm bảo họ có thể ăn no mặc ấm là được, cơm canh cũng rất kham khổ. Môn khách ở hàng trung đẳng cơm canh có thịt có cá. Môn khách ở hàng thượng đẳng cơm canh có thịt có cá, ra ngoài còn có xe ngựa. Xe ngựa thời đó có thể sánh ngang với xe hơi sang trọng của chúng ta hiện giờ, rất là đắt đỏ. Với những môn khách ở hàng thượng đẳng này, Mạnh Thường Quân không những cho họ ăn ngon mặc đẹp mà mỗi khi ra ngoài còn chu cấp xe ngựa cho họ, rất lấy làm nể trọng vậy.

Một hôm có một người thân hình cao lớn, mặc áo rách, đi dép cỏ, bên người chỉ có một thanh bảo kiếm không có vỏ, xin vào yết kiến Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân hỏi ông ta tên họ là gì? Người này nói họ Phùng tên Hoan. Mạnh Thường Quân hỏi ông ta có năng lực gì? Phùng Hoan nói mình không có năng lực gì cả. Mạnh Thường Quân hỏi: “Thế ông đến làm gì?”. Phùng Hoan nói: “Không có gì. Tôi trộm nghe ngài có lòng yêu mến kẻ sĩ, không chọn sang hèn, cho nên chẳng ngại đem cái thân nghèo đến nương náu cửa ngài”. Mạnh Thường Quân cho ở hạng truyền xá. 

Năm ngày sau, Mạnh Thường Quân hỏi người truyền xá trưởng rằng, người khách mới đến có gì đặc biệt không? Truyền xá trưởng nói người khách mới đến trên thân không có món đồ gì đáng tiền cả, mỗi ngày ông ta ăn xong cứ lấy tay gõ vào thanh gươm mà hát. Mạnh Thường Quân hỏi ông ta hát những gì? Truyền xá trưởng đáp ông ta hát: “Gươm ơi! Về đi thôi! Cơm canh không có thịt cá!”. Mạnh Thường Quân cười nói: “Ông ta muốn làm khách hàng trung đẳng đây mà”. Nói xong, liền đổi cho vào ở hạng hạnh xá, bữa ăn nào cũng có cá thịt. 

Năm ngày sau, Mạnh Thường Quân lại sai người hạnh xá trưởng xét xem ý Phùng Hoan thế nào. Người hạnh xá trưởng bảo rằng, Phùng tiên sinh ăn xong cá thịt rồi vẫn gõ gươm mà hát như cũ, nhưng câu hát có khác lần trước. Tiên sinh hát rằng: “Gươm ơi về đi thôi! Đi lại mà không có xe!”. Mạnh Thường quân lấy làm lạ, nói: “Ông ta muốn ta đãi vào hạng thượng khách chăng ? Người ấy chắc là có tài lạ!”. Rồi đổi cho lên hạng đại xá.

Qua mấy hôm, Mạnh Thường Quân lại sai người đại xá trưởng xét xem Phùng Hoan có biểu hiện khác lạ gì nữa không? Người đại xá trưởng nói Phùng tiên sinh ngày ngày cỡi xe ra đi đến đêm mới về, lại hát rằng: “Gươm ơi về đi thôi! Chẳng có chi gửi về quê nhà”. Nội dung lời hát này không thấy trong “Sử Ký”, nhưng trong “Chiến Quốc Sách” lại có ghi chép.

Mạnh Thường Quân nghe vậy chau mày nói, người này sao tham lam đến thế? Mạnh Thường Quân liền cử người mang tiền và gạo đến nhà Phùng Hoan. Rồi Mạnh Thường Quân hỏi người quản xá rằng người khách này giờ còn hát nữa không? Người quản xá nói Phùng tiên sinh giờ đã không còn hát hò ca thán gì nữa nhưng ông ta cũng không làm gì cả. Cứ thế một năm tròn đã trôi qua.

Được hơn một năm, người quản gia nói với Mạnh Thường Quân rằng tiền thóc trong nhà giờ đã tiêu sạch cả rồi, làm sao có thể nghĩ cách kiếm chút tiền về đây. Mạnh Thường Quân tra sổ thấy dân gian thiếu nợ rất nhiều, bèn hỏi các tân khách rằng: “Ai có thể thay ta đến ấp Tiết đòi nợ được nào?”. Người đại xá trưởng nói rằng: “Phùng tiên sinh chẳng thấy có sở trường gì, nhưng xem ra thì là một con người trung thực có thể dùng được. Hôm trước ông ta đã tự xưng làm thượng khách, nhưng cả năm chẳng thấy làm gì cả. Lần này ngài cứ để ông ta đến ấp Tiết thu nợ vậy”.

Mạnh Thường Quân gọi Phùng Hoan đến, giao cho đi thu nợ ở ấp Tiết. Trước khi đi Phùng Hoan hỏi: “Lần này thu nợ về xong, chủ nhân có cần mua thêm gì về không?”. Mạnh Thường Quân nói: “Thế hãy mua thứ gì cần thiết trong nhà”. Phùng Hoan hỏi: “Trong nhà còn thiếu thứ gì?”. Mạnh Thường Quân trả lời vu vơ: “Ông thấy trong nhà còn thiếu thứ gì thì cứ mua mang về”.

Phùng Hoan đến ấp Tiết thu được hơn mười vạn tiền. Tiền thu được rồi, ông không có đi mua mấy món đồ thiết yếu trong nhà, mà mua rất nhiều rượu và trâu bò, sau đó mời người dân ấp Tiết đến chung vui. Mọi người nghe thấy có rượu và trâu bò đều lũ lượt kéo đến. 

Trong bữa tiệc, Phùng Hoan lấy giấy nợ ra dò xét từng người một. Có người nói có thể trả được, giờ sẽ về lấy nhà trả lại cho ông. Có người thì nói gia cảnh hiện giờ không được dư dả lắm, xin được gia hạn thêm mấy tháng nữa, Phùng Hoan liền ghi lên giấy nợ khi nào khi nào sẽ trả. Có người nói gia cảnh trong nhà hiện thật sự rất khó khăn, không thể hoàn trả được… Phùng Hoan liền chia giấy nợ thành ba nhóm: Một nhóm là có thể trả ngay được, một nhóm là gia hạn thêm một đoạn thời gian, còn một nhóm nữa chính là hoàn toàn không có khả năng hoàn trả.

Đợi sau khi tiệc tan, Phùng Hoan nói với mọi người rằng: “Mạnh Thường Quân là người vô cùng hào sảng phóng khoáng. Mạnh Thường Quân cho vay nợ có phải vì mưu lợi cho bản thân mình hay không? Không phải, mà ông ấy muốn để mọi người mưu sinh, lập nghiệp. Thế tại sao vẫn phải tính tiền lãi đây? Bởi tính lãi mới có tiền nuôi môn khách trong nhà, có môn khách rồi đất nước chúng ta mới an toàn được. Vậy nên Mạnh Thường Quân làm vậy, một là vì mọi người, hai là vì quốc gia, chứ không phải vì bản thân mình đâu”.

Phùng Hoan nói xong liền lấy đống giấy nợ của những hộ nghèo không thể hoàn trả được, nói: “Nay người có tiền đã lập văn tự hứa trả còn người nghèo khổ không thể trả thì miễn cho. Mạnh Thường Quân làm ơn cho dân ấp Tiết như thế quả là hậu!”. Nói rồi, ông đốt sạch số giấy nợ đó ngay trước mặt mọi người. Dân chúng đều sụp xuống lạy tạ, tôn Mạnh Thường Quân như cha mẹ.

Phùng Hoan gần như trắng tay trở về yết kiến Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân hỏi: “Thu nợ đến đâu rồi?”. Phùng Hoan nói: “Đã thu xong rồi”. Mạnh Thường Quân hỏi: “Vậy đã mua được những gì rồi?”. Phùng Hoan nói: “Tôi đã mua nhân nghĩa cho ngài”. Mạnh Thường Quân giận lắm: “Nguyên vốn trong nhà đang thiếu tiền, mấy nghìn thực khách ăn không đủ cung ứng, thế mà ông lại tự ý đem hết giấy tờ ghi nợ đốt bỏ đi. Vậy ý là làm sao?”.

Phùng Hoan bình thản nói: “Trước khi đi, chủ nhân có dặn trong nhà thiếu thứ gì thì mua về. Nay tôi thấy trong nhà tiền bạc, mỹ nữ đều có đủ cả, chủ nhân cái gì cũng không thiếu. Tôi đốt số giấy nợ của những người dù làm cách gì cũng không trả nổi nữa. Đó là tôi đã dùng số tiền nợ kia mua nhân nghĩa về cho chủ nhân vậy! Không phải ngài dặn trong nhà chúng ta thiếu thứ gì thì hãy mua thứ đó sao? Đây chính là thứ trong nhà chúng ta thiếu nhất và cần đến nhất”.

Mạnh Thường Quân nguyên là người rất phóng khoáng, trong lòng giận lắm, nhưng vẫn nói với Phùng Hoan rằng: “Thôi được rồi, ông về nghỉ ngơi đi”. Phùng Hoan nghe vậy liền trở về phòng mình. 

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng / Epoch Times
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version