Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Hoàng Kim đài chính là điện đài do Yên Chiêu vương xây vào thời đó. Trên đài chất đầy của cải vàng kim, là nơi để chiêu nạp hiền sĩ bốn phương…

Sau khi Thái tử Bình kế vị, ông là quân vương có thành tựu nhất của nước Yên, gọi là Yên Chiêu vương. Có một điển cố rất nổi tiếng liên quan đến Yên Chiêu vương gọi là ‘xây đài Hoàng Kim’ (tố hoàng kim đài – 做黃金台). Thi nhân nhà Đường là Trần Tử Ngang đã viết một bài thơ “Yên Chiêu vương”, nội dung trong đó như sau:

Hán Văn:

南登碣石館,
遙望黃金台。
丘陵盡喬木,
昭王安在哉?
霸圖今已矣,
驅馬復歸來。

Hán Việt:

Nam đăng Kiệt Thạch quán
Dao viễn Hoàng Kim đài.
Khâu lăng tận kiều mộc
Chiêu vương an tại tai?
Bá đồ kim dĩ hĩ
Khu mã phục quy lai.

Dịch thơ:

Leo lên phía nam Kiệt Thạch quán
Hoàng Kim đài thấp thoáng xa xa
Trong cây mồ mả đống gò
Chiêu vương an táng chỗ mô bây chừ?
Ngày nay mộng bá thành tro
Ra roi đuổi ngựa trở về bản doanh.
(Bản dịch thơ của Nguyễn Minh đăng trên Thivien.net)

Hoàng Kim đài chính là đài Yên Chiêu vương xây vào thời đó. Trên đài chất đầy cả vàng kim (hoàng kim), là nơi để chiêu nạp hiền sĩ bốn phương. Yên Chiêu vương sau khi phục quốc, đã chỉnh đốn tông miếu và xã tắc nước Yên, ông chủ yếu làm hai việc. Việc thứ nhất chính là chiêu mộ nhân tài. Chiêu vương hỏi thủ hạ là Quách Ngỗi: “Ta làm thế nào mới có thể tìm được người giúp ta phục thù, tìm được người có tài năng phi thường?”

Quách Ngỗi nói: “Thần sẽ kể cho ngài một câu chuyện. Trước đây có vị quân vương muốn tìm một con thiên lý mã (ngựa chạy ngàn dặm, ngựa cực tốt). Thủ hạ của vị đó đã đi tìm kiếm suốt ba năm nhưng vẫn không tìm thấy. Sau đó, thủ hạ của quân vương phát hiện rất nhiều người vây quanh một con ngựa chết. Thủ hạ chen lên trước hỏi con ngựa này có gì đặc biệt mà người ta lại vây quanh nó?

Có người nói đây chính là thiên lý mã. Thủ hạ tìm ngựa nói: ‘Tôi nguyện ý đem năm trăm cân vàng để mua con thiên lý mã đã chết này, các người có muốn bán không?’. Những người đó đương nhiên là bán rồi, thế là năm trăm cân vàng để mua bộ xương con thiên lý mã. Sau khi về triều, thủ hạ nói với quân vương: ‘Thiên lý mã sống không tìm thấy nhưng thần mua được một con thiên lý mã đã chết’.

Quốc vương rất tức giận nói: ‘Ta tìm thiên lý mã để cưỡi, ngươi lại tốn bao nhiêu tiền như thế để mua một con ngựa chết, tại sao vậy?’. Người này đáp: ‘Thưa quốc vương, khi thần tốn năm trăm cân vàng để mua bộ hài cốt của con ngựa chết, thì tin tức này đã lan khắp thiên hạ, những người thật sự có thiên lý mã sau đó sẽ đem ngựa đến thôi thưa ngài’”.

Thời đó không có báo chí cũng không có quảng cáo, bạn làm thế nào đem tin tức mua thiên lý mã lan khắp nơi được? Chính là dựa vào khẩu truyền(1) của lão bách tính. Năm trăm cân vàng để mua hài cốt một con thiên lý mã, đây là một chuyện kỳ lạ, bàn dân trăm họ khẳng định sẽ đem tin tức này truyền đi, cho nên rất nhanh sau đó quốc vương đã có được ba con thiên lý mã.

Quách Ngỗi nói tiếp: “Nếu ngài muốn chiêu mộ nhân tài, thì hãy cho thần làm ‘bộ xương ngựa’ đi”. Thế là Yên Chiêu vương bái Quách Ngỗi làm thầy, mỗi lần gặp Quách Ngỗi đều phải hành đại lễ như thầy, ăn uống đứng ngồi… các phương diện đều đối đãi rất hậu. Khi này, Quách Ngỗi nói: “Người có năng lực hơn thần sẽ lũ lượt kéo đến”.

Quả nhiên sau đó Yên Chiêu vương chiêu mộ được vài nhân tài rất nổi tiếng. Ví như có một người là Trâu Diễn. Thời Chiến Quốc trăm nhà đua tiếng, Trâu Diễn là đại biểu của Âm dương ngũ hành gia, hoặc nói ông là người khai sáng học thuyết Ngũ hành. Còn có một người là Kịch Tân, ông là một danh tướng thời Chiến Quốc. Nhưng người quan trọng nhất là Nhạc Nghị đến từ nước Nguỵ, đến để phò tá Yên Chiêu vương. Yên Chiêu vương đã dựa vào Hoàng Kim đài để chiêu mộ rất nhiều nhân tài.

Đồng thời Yên Chiêu vương cũng được lòng dân, ông sinh hoạt rất giản dị – thậm chí là tằn tiện, cùng bách tính đồng cam cộng khổ. Ông còn làm một việc rất quan trọng chính là… chờ đợi. Có lúc cảm thấy thời cơ chưa chín muồi, không có biện pháp nào khác, lúc đó chờ đợi là một việc phi thường trọng yếu, Yên Chiêu vương đã đợi sự việc này, đã đợi… 28 năm.

Lời bạch: Tại địa khu Trung Nguyên có một nước chư hầu tầm trung (trung đẳng) gọi là Tống, là hậu duệ của nhà Thương Ân, đô thành ở Thương Khâu. Năm 329 TCN, công tử nước Tống là Yển đánh đuổi anh trai mình, tự lên làm vua. Năm 318 TCN, nước Tống phát sinh một chuyện kỳ lạ, đó là chuyện con đại bàng nở trong tổ con chim sẻ, quan Thái sử bói rằng đây là điềm ứng với nước Tống sẽ trở nên hùng mạnh, thế là Tống vương khai chiến bốn phương.

Tống vương bắt đầu chinh phạt tứ phương, đầu tiên ông diệt hai tiểu quốc, một là nước Đằng, một nữa là nước Tiết. Tiếp đến ông tác chiến với nước Tề, đoạt được 5 thành trì của nước Tề. Sau đó ông tiếp tục tiến đánh Sở, đoạt được 300 dặm đất đai của nước Sở. Kế đến ông chinh phạt Nguỵ, đả bại được nước Nguỵ.

Tề, Sở và Nguỵ đều nằm trong Chiến Quốc thất hùng, ba nước đều bị nước Tống đánh bại. Tống vương Yển cảm thấy đã là thiên hạ vô địch, do đó tự đại ngông cuồng.

Chúng ta biết rằng, Trời muốn ai vong tất khiến người ấy cuồng vọng. Tống vương Yển đã làm rất nhiều việc không thể tưởng tượng. Ông dùng da bò làm thành cái túi treo lên cột cờ, bên trong chứa đầy máu động vật rồi dùng tên bắn vào túi da, túi da bị bắn rách, máu bên trong chảy xuống đất, khắp nơi là toàn là máu. Tống vương Yển nói: “Ta dùng cung tiễn bắn Trời, bắn chết Trời, để xem Trời giáng mưa máu”.

Ông còn dùng roi da rất dài rồi quất vào đất, nói là “đánh đất”. Ông muốn biểu thị rằng mình không kính sợ Trời đất, không đặt Trời đất trong tâm.

Tống vương Yển lại san phẳng đàn thờ “xã tắc” (社稷). Tại Trung Quốc cổ đại rất chú trọng tông miếu và xã tắc, tông miếu để thờ cúng tổ tiên, xã tắc thực tế là chỉ xã đàn (社壇) và tắc đàn (稷壇); “xã” là chỉ Thần đất, “tắc” là chỉ Thần nông nghiệp. “Xã tắc” còn có ý nghĩa là đất nước.

Bởi vì Trung Quốc cổ đại là xã hội nông nghiệp, cho nên rất chú trọng sản xuất nông nghiệp. Quá khứ, Hoàng đế của Tử Cấm Thành, tức Hoàng đế triều Minh – Thanh, mỗi lần đến ngày Hạ Chí là đến Địa Đàn để tế đất, đến ngày Đông Chí là đến Thiên Đàn để tế Trời, để biểu thị sự kính trọng đối với Thiên địa, cầu mong năm tới mưa thuận gió hoà.

Đã làm quốc vương, Hoàng đế nhất định phải kính Thiên kính địa, đồng thời đối với xã tắc, đối với nông nghiệp phải hết mực coi trọng. Mà Tống vương Yển dùng bao da thú để bắn Trời – mạo phạm Thiên; dùng roi da để đánh đất – xúc phạm địa; san phẳng tông miếu, không lưu tâm đến tổ tiên; đạp bằng xã tắc, không chú trọng sản xuất nông nghiệp.

Tống vương Yển lệnh cho rất nhiều người cao to lực lưỡng đứng trong cung điện, khi ông ta uống rượu đến cao hứng thì bảo người trong cung hô to “vạn tuế”, sau đó người ở dưới đài cũng hô to “vạn tuế”, người bên ngoài cung, có võ sĩ cấm vệ quân đều phải cùng hô “vạn tuế”, âm thanh “vạn tuế” chấn động Thiên địa, không có ông vua nào ngông cuồng tự đại như thế.

Tống vương Yển không những ngông cuồng tự đại, mà còn gây thù hằn tứ phương, ông đã công hạ nước Tề, nước Sở và nước Nguỵ. Nước Tần, một quốc gia hùng mạnh như vậy, trước khi thống nhất thiên hạ, còn phải ngoại giao với các quốc gia khác, trước khi tấn công nước khác, quốc vương cũng phải liên hôn (liên minh bằng hôn ước), hoặc đưa thân thích đến làm con tin ở nước khác… đều phải làm ngoại giao.

Tống vương Yển gây thù chuốc oán bốn phương, vào năm 286 TCN, ba nước Tề – Nguỵ – Sở liên quân tấn công nước Tống. Tống vương lãnh binh tác chiến với liên quân ba nước, thời đó bàn dân trăm họ đối với Tống vương sớm đã chán ghét đến cực điểm, nên hễ thấy liên quân các nước tiến vào, bách tính căn bản không muốn chống cự. Quân Tống rất nhanh sau đó đã thất bại, Tống vương đào tẩu đến một nơi gọi là Ôn (tỉnh Hà Nam ngày nay). Sau khi ông bị quân Tề bắt, ông đã bị giết. Khi đó, Tống vương đã 80 tuổi rồi.

Khi nước Tề tấn công nước Tống, nước Tần đã từng một lần muốn cứu Tống. Nhưng Tô Đại đã khuyên Tần Chiêu Tương vương: “Ngài không nên cứu Tống, bởi vì Tần và Tề là hai nước lớn đối địch nhau, Tề hễ thôn tính Tống thì Tề sẽ trở thành nước vô cùng cường đại. Mà nước Sở – Nguỵ tiếp giáp với nước Tề sẽ vì thế mà nể sợ nước Tề, họ (Sở – Nguỵ) vì bảo vệ nước mình sẽ phải giao hảo với nước Tần ta, ngài tương đương mất đi một nước Tống, nhưng lại đạt được sự phụ thuộc của hai nước Sở – Nguỵ”.

Tần Chiêu Tương vương cho rằng không cứu Tống mới là tốt, hơn nữa Tống vương thời đó bị xưng là “Kiệt Tống”, tàn bạo như vua Kiệt cuối nhà Hạ.

Sau khi nước Tống diệt vong, Tề Mẫn vương diệt Tống tốn nhiều lực nhất, trong khi Nguỵ và Sở hầu như không hao sức bao nhiêu, thế là Tề nhân lúc quân Sở rút khỏi Tống liền truy kích, ngay lập tức đánh bại nước Sở, cắt lấy 300 dặm đất từ phía Bắc sông Hoài. Sau đó Tề lại tấn công Nguỵ, đánh bại nước Nguỵ.

Lời bạch: Sau khi có được những thắng lợi quân sự liên tiếp, Tề vương mắc một vấn đề giống Tống vương. Ông cho rằng bản thân mình huỷ hoại nước Yên, diệt vong nước Tống, khai khẩn vạn dặm, đánh bại Lương, cắt đất Sở, uy hiếp chư hầu. Thế là ông chuẩn bị tấn công Đông Chu (quyền lực cao nhất thời đó, các nước khác đều là chư hầu nhà Chu, dưới quyền Chu Thiên tử).

Tề vương đã đuổi Mạnh Thường Quân, giết đại thần và bách tính dám khuyên can ông ta. Sau đó ở nước Tề đã phát sinh ba sự việc kỳ quái. Trong “Chiến Quốc Sách” ghi lại: Thứ nhất là Trời giáng mưa máu, mấy trăm dặm vuông hôi tanh khó ngửi; thứ hai là đất sụt, nước suối phụt ra; thứ ba là tiếng khóc quanh quẩn, chỉ nghe tiếng chứ không thấy người. Ba dị tượng lớn này, trên thực tế là Thiên, địa, nhân đã phát lời cảnh cáo, nhưng Tề Mẫn vương hầu như không để tâm.

Năm 284 TCN, khi Tề Mẫn vương vô cùng cuồng ngạo, Yên Chiêu vương đã chờ đợi ấp ủ suốt 28 năm rồi, ông cảm thấy cơ hội diệt Tề đã chín muồi. Ông hỏi đại tướng quân Nhạc Nghị: “Bây giờ có phải là thời cơ tốt để diệt Tề?”. Nhạc Nghị đáp: “Thưa, đây đã là cơ hội rất tốt rồi, nhưng chỉ dựa vào binh lực của nước Yên ta thì không đủ, nên liên hợp với chư hầu khác để cùng chúng ta tấn công”.

Nước Yên đã liên hợp với Hàn, Triệu, Nguỵ và Tần, 5 nước liên quân do Nhạc Nghị làm Tổng tư lệnh lãnh binh tấn công nước Tề. Hai bên giao chiến trận đầu tiên ở Tể Tây, sau khi quân Tề thất bại, Tần và Hàn bèn rút quân, còn Triệu công chiếm được địa khu Hà Gian (hiện tại là vùng đất của hai huyện Cao Đường và Đường Ấp thuộc tỉnh Sơn Đông), Nguỵ chiếm lĩnh được vùng đất vốn của Tống. Còn Nhạc Nghị đánh thẳng một mạch (2), trong vòng nửa năm đã công hạ hơn 70 thành thị, gồm cả đô thành Lâm Truy của nước Tề.

Thời đó sau khi Tề diệt Yên, Tề đã đem bảo vật nước Yên về nước Tề, lần này Lâm Truy bị công phá, Yên lại lấy bảo vật vốn của nước Yên cộng với bảo vật nước Tề đem về nước Yên.

Tề Mẫn vương thấy rằng không có cách nào kháng địch liền chạy trốn, ông mang theo đại thần là Di Duy chạy đến nước Vệ – vốn là thuộc quốc của Tề.

Sau khi đến nước Vệ, quân vương ở đây đối đãi với họ rất khách khí, lấy cung điện của bản thân để vua Tề nghỉ ngơi, ăn uống, cung cấp vật dụng… hết thảy đều vô cùng tốt. Nhưng Tề Mẫn vương lại quát mắng với Vệ vương và đại thần cứ như là nô bộc, hô đến hét đi. Đại thần của nước Vệ bèn đuổi Tề Mẫn vương đi.

Tề Mẫn vương lại đến nước Lỗ, ông phái Di Duy đi trước thăm dò, Di Duy hỏi quốc vương nước Lỗ sẽ lấy lễ vật gì để tiếp đãi Tề Mẫn vương?

Liệu Lỗ quốc có dung nạp Tề Mẫn vương? Số phận của Tề Mẫn vương sẽ như thế nào? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chú thích:

(1): Nguyên văn là Khẩu nhĩ tương truyền 口耳相傳: miệng người này truyền đến tai người kia mà lan rộng tin tức, khẩu truyền.

(2): Nguyên văn là Nhất cổ tác khí 一鼓作氣: một tiếng trống làm tinh thần hăng hái thêm. Trong “Tả Truyện – Trang công thập niên” viết: “Khi đánh trận dựa vào dũng khí, đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm, đánh ba tiếng trống, dũng khí không còn”. Sau này ví với nhân lúc đang hăng hái làm một mạch cho xong việc.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch