Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Ở tập trước, Tần vương thấy Lạn Tương Như không sợ, hơn nữa lời nói còn khảng khái hiên ngang, giống như đang chiếm đạo lý vậy. ‘Đem chuông đi đánh xứ người’, số phận của Lạn Tương Như sẽ ra sao?…

Tần vương nói: “Ai da, được rồi được rồi, dù giết nhà ngươi, ngọc cũng không về nước Tần, cho nên người hãy về đi”. Tần vương còn dùng lễ trang trọng để tiễn Lạn Tương Như về Triệu.

Lời bạch: Lạn Tương Như trên điện đường nước Tần mà đấu trí đấu dũng, dùng ‘sức mạnh’ ba tấc lưỡi (1) thuyết phục Tần vương, kết quả ông được thả về nước Triệu. Sau đó nước Triệu cũng không đưa nước Tần “ngọc bích họ Hoà” (Hoà thị bích), nước Tần cũng không trao đổi 15 thành trì. Sau khi “hoàn bích quy Triệu”, nước Triệu gặp phải sự trả thù từ nước Tần. Năm tiếp theo sau sự kiện ấy, tức năm Triệu Huệ Văn Vương thứ 17 (282 TCN), nước Tần đã công chiếm hai toà thành của Triệu quốc. Năm 281 TCN lại chiếm lĩnh được Thạch Thành của nước Triệu (nay thuộc huyện Lâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Sau đó đến năm 280 TCN, Tần lại tiếp tục tấn công nước Triệu, chém giết 3 vạn thủ cấp.

Sau ngày “hoàn bích quy Triệu”, liên tiếp trong ba năm, Tần và Triệu đã phát sinh xung đột quân sự, nước Triệu tổn binh mất đất. Năm 279 TCN, Tần vương lại có một kế hoạch vô cùng to lớn, chính là tiến công nước Sở.

Nước Tần vì để tránh việc giao tranh với nước Sở ở phía nam và nước Triệu ở phía bắc, cho nên trước khi tấn công nước Sở, nước Tần đã tạo mối quan hệ ngoại giao tốt với nước Triệu. Tần vương viết một phong thư hẹn Triệu vương đến Miễn Trì tương hội, (có bản dịch là Mẫn Trì, nay chính là vùng phụ cận huyện Miễn Trì tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), đây là sự kiện “Miễn Trì hội” rất nổi tiếng trong lịch sử.

Sau khi phong thư đến nước Triệu, Triệu Huệ Văn Vương không dám khinh suất đi sớm. Bởi vì trước Miễn Trì hội, Sở Hoài Vương đã từng bị lừa đến nước Tần, sau đó bị giam lỏng rồi chết. Nhưng thủ hạ của Triệu vương là đại tướng quân Liêm Pha và Lạn Tương Như, hai người họ lại bảo Triệu vương đến hội, không thể tỏ ra nước Triệu yếu nhược được.

Triệu Hà bèn nghe kiến nghị của hai vị đại thần, ông chuẩn bị đi đến Miễn Trì để gặp Tần vương. Trước khi xuất phát, Liêm Pha đã thực hiện một ước định với Triệu Huệ Văn Vương, ông nói: “Thần ước đoán từ đây đến Miễn Trì cử hành hoạt động ngoại giao này, sau đó về lại Triệu, tầm khoảng trên dưới 30 ngày. Nếu trong vòng 30 ngày đổ lại ngài có thể về là tốt nhất. Nếu ngài không về đúng hẹn và bị ‘giữ’ lại, thế thì thần thỉnh cầu ngài cho phép thần lập người khác lên kế vị, kế thừa ngai vàng của nước Triệu. Như thế nước Tần sẽ không có cách nào uy hiếp được nước Triệu. Triệu vương đã đồng ý.

Khi Triệu vương đến Miễn Trì tụ hội, khi đó không khí và thời tiết rất tốt, mọi người đều uống rượu rất vui vẻ. Tần vương nói với Triệu vương: “Ta nghe nói ông rất giỏi âm nhạc của nước Triệu, rất tinh thông âm luật, biết chơi đàn. Ông có thể vì ta mà chơi một bản đàn sắt được không?” (đàn sắt là một loại nhạc cụ thời cổ đại).

Triệu vương không biết đây là kế, bèn lấy đàn sắt rồi diễn tấu một bản, mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Tần vương lập tức gọi Sử quan nước Tần lại, nói: “Ngươi ghi lại vào ngày này tháng này năm này, Tần vương và Triệu vương tương hội ở Miễn Trì, Triệu vương gảy đàn sắt cho Tần vương nghe”. Điều này tương đương với việc coi Triệu vương là một nhạc công, là có ý khinh nhờn nước Triệu. Lúc này các đại thần của nước Triệu bỗng dưng biến đổi sắc mặt.

Lạn Tương Như bèn lấy một chậu đất nung ở trên bàn bưng đến trước mặt Tần vương rồi nói: “Tôi cũng nghe nói ngài cũng giỏi âm nhạc nước Tần, thỉnh đại vương gõ phẫu để làm nhịp hát (2). Khi đó Tần vương biến sắc nói: “Quả nhân không biết gõ phẫu để làm nhịp hát”.

Lạn Tương Như lại tiến về phía trước vài bước rồi nói: “Cho dù nước Tần các người có trăm vạn hùng binh, nhưng nội trong năm bước, tôi có thể lấy ‘bầu nhiệt huyết’ để thấm đẫm lên người đại vương”. Ý tứ là “tôi có thể liều mạng để chiến đấu đến cùng với ông”. Khi đó hộ vệ của Tần vương xông tới bắt Lạn Tương Như lại, khi đó Lạn Tương Như giận dựng tóc gáy (3), mở trừng mắt hét to một tiếng, hộ vệ nước Tần sợ phát khiếp, sau đó đều thoái lui.

Tần vương tuy rất không vui, nhưng cũng phải lấy đũa gõ lên phẫu để tấu nhạc. Lạn Tương Như lập tức xoay người lại nói với Sử quan nước Triệu rằng: “Hãy viết: vào ngày tháng năm này, Triệu vương tương hội với Tần vương ở Miễn Trì, Triệu vương lệnh cho Tần vương gõ phẫu để làm nhịp hát”.

Một vài đại thần của nước Tần cảm thấy bất bình nói: “Thỉnh nước Triệu cắt 15 thành trì để mừng thọ Tần vương”. Lạn Tương Như đáp: “Có qua có lại mới toại lòng nhau (4), thỉnh nước Tần hãy cắt đô thành Hàm Dương để mừng thọ cho Triệu vương”. Tần Chiêu Tương Vương nói: “Thôi đủ rồi, mọi người không cần phải cãi nhau ầm ĩ, chúng ta chỉ uống rượu thoả thích thôi, tạm gác chuyện vừa rồi”.

Vì sao khi đó nước Tần không dám động thủ với nước Triệu? Một là khi đó binh lực của nước Triệu còn rất mạnh, ngoài ra nước Tần đang chuẩn bị động binh với nước Sở nên phải giữ quan hệ hữu hảo với nước Triệu.

Sau Miễn Trì hội, Tần vương lệnh cho con trai của thái tử An Quốc Quân, tức cháu của Tần Chiêu Tương Vương là Dị Nhân đến nước Triệu làm con tin, biểu thị rằng chúng tôi sẽ không tấn công nước Triệu và hai bên đính ước làm đồng minh.

Trong quá khứ thường là nước yếu đưa con tin đến nước mạnh hoặc là trao đổi con tin. Nhưng Miễn Trì hội lần này, Tần vương lại để cháu trai là Dị Nhân đến nước Triệu làm con tin. Do đó, đây là thắng lợi ngoại giao vô cùng trọng đại của nước Triệu.

Dị Nhân chính là Tần Trang Tương Vương sau này, còn con trai của ông chính là Tần Thuỷ Hoàng rất nổi tiếng trong lịch sử.

Triệu vương ở Miễn Trì hội giành được lợi thế, có được thể diện rất lớn, nở mày nở mặt mà đem con tin về nước Triệu. Triệu vương cảm thấy công lao của Lạn Tương Như quả thực quá lớn, hoàn thành sứ mệnh một cách thành công (5), thế là ông bái Lạn Tương Như làm Thượng khanh – tước vị tối cao của quốc gia, trên cả chức của đại tướng quân Liêm Pha.

Liêm Pha rất không hài lòng nói: “Thần đường đường là một Tướng quân như thế, có công lớn trong việc công thành dã chiến, xuất binh tấn công, ăn gió nằm sương (6), nguy hiểm thập tử nhất sinh, vì nước Triệu mà khai khẩn biên cương mở rộng quốc thổ, trong khi Lạn Tương Như chỉ dùng ba tấc lưỡi mà có được chức quan hơn thần”.

Liêm Pha nói thêm: “Nếu có một ngày gặp Lạn Tương Như, thần sẽ cho hắn mất mặt một phen”. Lạn Tương Như sau khi nghe những lời đó xong, vì để tránh mặt Liêm Pha nên ông không thiết triều.

Có một lần khi Lạn Tương Như đi ra ngoài, thấy xa xa, Liêm Pha đang chạy xe đến, Lạn Tương Như lệnh cho xa phu đánh xe đến con đường sát bên, ông chờ cho Liêm Pha qua trước rồi mới đi tiếp. Vì lẽ đó, Liêm Pha càng ngày càng trở nên kiêu ngạo, cảm thấy Lạn Tương Như không dám đối đầu ông.

Môn khách của Lạn Tương Như cảm thấy thể diện không còn nữa mới chạy đến chỗ Lạn Tương Như nói rằng: “Chúng tôi từ bỏ gia đình, từ bỏ đất đai đến để nương nhờ ngài là vì điều gì? Bởi vì ngài là một đại trượng phu. Hiện tại tước vị của ngài còn cao hơn Liêm Pha, nhưng khi thấy Liêm Pha, ngài không những không dám đối đầu; trên đường lớn gặp ông ta, ngài giống như chuột thấy mèo mà yếu bóng vía… Chúng tôi quả thực thấy mất mặt quá rồi, chúng tôi sẽ không theo ngài nữa. Chúng tôi đi đây”.

Lạn Tương Như ngăn họ lại rồi nói: “Các người cảm thấy Liêm tướng quân với Tần vương, ai lợi hại hơn?”. Môn khách đáp: “Cũng không cần nói, đương nhiên là Tần vương lợi hại hơn”. Lạn Tương Như nói: “Đúng thế. Uy thế của Tần vương như vậy, Lạn Tương Như ta đây dám trước điện mà quát mắng ông ta, làm nhục quần thần của ông ta, lẽ nào ta sợ Liêm tướng quân chăng?

Ta chỉ nghĩ vấn đề như thế này: Nước Tần mạnh vậy, sở dĩ không dám động binh với nước Triệu chỉ vì có hai bọn ta, chính là họ sợ ta và Liêm Pha. Nay hai hổ đấu nhau, ắt có con bị thương, cho nên ta không tranh đấu với ông ấy, chính là: Trước lo cho nguy cấp quốc gia, sau mới nghĩ tư thù, đặt việc công lên trên việc tư”.

Môn khách nghe xong rất cảm động. Sau đó chuyện này truyền đến chỗ Liêm Pha, tướng quân Liêm Pha cũng rất cảm động.

Liêm Pha là con người rất thẳng thắn, ông có gì nói nấy, muốn làm cái gì thì làm cái đó. Sau khi nghe câu chuyện này, Liêm Pha không nói thêm câu nào, bèn lột y phục của mình, đồng thời cột cây mây lên lưng trần. Sau đó ông đến nhà Lạn Tương Như để “vác mây trên lưng, xin được trị tội” (phụ kinh thỉnh tội – 負荊請罪), ông muốn biểu đạt rằng tôi đã phạm tội, tôi đến nhà ông để ông đánh tôi một trận.

Lạn Tương Như khi thấy Liêm Pha “vác mây trên lưng, xin được trị tội”, ông cũng rất cảm động, bèn đỡ Liêm Pha dậy. Liêm Pha nói: “Giống như con người tôi kiến thức nông cạn thô lậu, không ngờ ngài là một người độ lượng như thế”. Thế là hai người nắm tay rồi khóc, kết nghĩa thành “bạn bè keo sơn, không thể tách rời” (Vẫn cảnh chi giao – 刎頸之交: Vẫn 刎 là cổ họng, cảnh 頸 là cổ. Vẫn cảnh chi giao nghĩa là mối giao hảo như cổ với họng, chỉ mối quan hệ keo sơn, không thể tách rời).
Hai câu thành ngữ “phụ kinh thỉnh tội” và “vẫn cảnh chi giao” cũng chính từ câu chuyện giữa Lạn Tương Như và Liêm Pha mà ra.

Chúng ta ở đây cũng nói một chút, Lạn Tương Như không chỉ có sức mạnh ba tấc lưỡi, ông còn có thể lãnh binh đánh trận. Trong “Sử ký – Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện” có ghi lại rằng Lạn Tương Như đã từng phái binh công hạ được Bình Ấp của nước Tề (nay thuộc huyện Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).

Lạn Tương Như là một người trí dũng song toàn, ông dùng trí tuệ và can đảm để “Hoàn bích quy Triệu”, là một người rất dũng cảm.

Chúng ta còn thấy ông là một người khoan dung đại độ, ông dựa vào khiêm hạ mà được lòng người. Khiêm hạ là một mỹ đức tuyệt vời. Có thể nói Lạn Tương Như là người ‘biết co biết duỗi’, trước mặt địch nhân thì kiên cường lẫm liệt, còn đối với bạn đồng liêu (bạn đồng sự) thì rất khiêm hạ.

Lão Tử từng giảng câu như thế này: “Sông biển sở dĩ là vương của trăm suối nhỏ bởi vì nó ở chỗ thấp”.

Tư Mã Thiên có đánh giá Lạn Tương Như như sau: “Khí độ thăng cao, có uy vọng, tín nghĩa và danh dự với địch quốc, khi về lại nhún nhường Pha (Liêm Pha), do đó danh vọng nặng như núi Thái Sơn”.

Lúc này sự hùng mạnh của nước Triệu đủ để đối kháng với nước Tần. Nếu sáu nước vẫn có thể liên hợp thì nước Tần không tài nào thống nhất thiên hạ. Chính lúc nước Triệu càng ngày càng mạnh, có một người rời nước Nguỵ đến nước Triệu. Ông ấy không chỉ chế định chiến lược thống nhất thiên hạ, mà còn xúc tiến chiến lược quyết định trong trận chiến giữa Tần và Triệu. Vậy thì người đó là ai và có sách lược gì? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: “Viễn giao cận công” (Nước xa ngoại giao, nước gần tấn công).

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Thần thương thiệt chiến – 唇槍舌戰: môi giống như thương, lưỡi giống như vũ khí chiến tranh, ở đây dịch là sức mạnh ba tấc lưỡi.
(2) Nguyên gốc là Kích phẫu – 擊缶, phẫu là một nhạc khí thời xưa làm bằng đất nung, kích phẫu là gõ phẫu để làm nhịp hát.
(3) Nguyên gốc là Nộ phát xung quan – 怒髮衝冠: Tức giận đến mức tóc dựng lên đến mũ. Thành ngữ này thường dùng trong thơ văn cổ.
(4) Nguyên gốc là Lễ thượng vãng lai – 禮尚往來: đáp lễ thường phải có qua có lại.
(5) Nguyên gốc là Bất nhục sứ mệnh – 不辱使命: không làm ô uế sỉ nhục sứ mệnh, hoàn thành sứ mệnh thành công.
(6) Nguyên gốc là Phong xan lộ túc – 風餐露宿: bữa ăn đạm bạc như gió (hầu như không có gì), ngủ dưới sương đêm, chỉ sự khó khăn vất vả. Thành ngữ này rất hay dùng trong thơ văn hoặc ca cổ.