Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 63): Vì đố kỵ Tu Giả hại môn khách, để thoát thân Phạm Thư trốn sang Tần

Ảnh ghép minh hoạ.

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Lời bạch: Kế hoạch “Hồ phục kỵ xạ” của Triệu Vũ Linh Vương đã khiến quân sự của nước Triệu quật khởi, không những hạ được Trung Sơn và các bộ lạc thiểu số phương bắc, mà còn làm nước Triệu trở thành quốc gia có thể đối kháng được với nước Tần…

Triệu Vũ Linh Vương thậm chí còn vạch ra kế hoạch từ vùng Bao Đầu (Nội Mông Cổ ngày nay), vòng lên phía bắc rồi tiêu diệt nước Tần, nhưng vì chính biến cung đình nên kế hoạch không thực thi được.

Người kế vị Triệu Vũ Linh Vương là Triệu Huệ Văn Vương vốn không có hào khí và chí lớn như phụ thân của mình, cũng chưa từng lên kế hoạch đối kháng với Tần. Nước Tần đang muốn thống nhất thiên hạ, thì nước Triệu không thể không diệt. Cho nên trận quyết chiến giữa Tần – Triệu là không thể tránh khỏi. Khoảng năm 272 TCN, một người từ nước Nguỵ đến nước Tần, đã chế định ra sách lược thâu tóm thiên hạ một cách có hệ thống cho nước Tần, lấy nước Hàn và nước Nguỵ là mục tiêu tấn công đầu tiên, góp phần trực tiếp vào trận quyết chiến giữa Tần và Triệu. Vậy thì người này là ai?

Trong “Sử ký” viết người này là Phạm Tuy (范睢, chữ Tuy – 睢 bộ bên trái là bộ mục 目), trong “Tư trị thông giám” lại viết là Phạm Thư (范雎, chữ Thư – 雎 bộ bên trái là chữ Thả 且), căn cứ theo khảo chứng sau này, người này tên là Phạm Thư. Ông ta với Trương Nghi đều là người nước Nguỵ, từ nhỏ gia đình rất nghèo, mãi không có cơ hội lập công danh. Sau khi lớn ông nương nhờ chỗ Trung đại phu nước Nguỵ là Tu Giả, làm môn khách nhà Tu Giả.

Tu Giả là Đại phu chuyên trách công việc ngoại giao giữa các nước chư hầu. Có một lần Tu Giả đi sứ nước Tề, ông mang Phạm Thư đến nước Tề. Tề vương nghe nói Phạm Thư là người rất có bản sự, bèn bí mật phái người đưa cho Phạm Thư thịt bò, rượu và 10 cân vàng kim. Tề vương hy vọng Phạm Thư có thể ở lại nước Tề phục vụ nhưng Phạm Thư từ chối.

Tu Giả nghe câu chuyện này cảm thấy không vui, bởi vì khi đó ông lấy thân phận sứ giả đến nước Tề, ông làm mấy tháng đều không có kết quả. Điều đó nói lên rằng Tề vương không coi trọng ông mà lại coi trọng thủ hạ của ông là Phạm Thư. Ông cảm thấy rất mất mặt nên bảo Phạm Thư trả lại 10 cân vàng, chỉ giữ lại rượu và thịt bò.

Công việc sau khi hoàn thành xong, Tu Giả về Nguỵ lập tức báo cáo cho Tướng quốc là Nguỵ Tề. Nguỵ Tề là tôn thất nước Nguỵ, tính khí bạo ngược nóng nảy. Tu Giả nói: “Tề vương không phải là vô duyên vô cớ cho Phạm Thư rượu thịt và vàng kim, tôi đồ (đoán) rằng Phạm Thư đã tiết lộ một vài chuyện cơ mật của nước Nguỵ cho Tề vương rồi”.

Khi đó Nguỵ vương đang ở đại yến tiệc, bỗng nhiên ông lập tức phái người bắt Phạm Thư lại rồi hỏi: “Rốt cuộc ngươi có tiết lộ cơ mật gì cho Tề vương không?”. Phạm Thư đương nhiên không thừa nhận. Thế là Nguỵ Tề lệnh cho cai ngục đánh Phạm Thư, đánh mấy tiếng đồng hồ. Phạm Thư bị đánh đến độ khắp thân máu thịt lẫn lộn, xương gãy thịt nát, răng cũng bị gãy… Phạm Thư bị đánh đến hôn mê bất tỉnh, cai ngục tưởng ông đã chết nên báo tin về cho Nguỵ Tề.

Nguỵ Tề vẫn còn tức giận, đến mức lệnh cho người lấy chiếu bọc ‘xác’ Phạm Thư lại, vứt bên trong nhà vệ sinh, sau đó để môn khách tiểu lên người Phạm Thư. Phạm Thư là con người đầy nghĩa khí, khi đó ông từ chối lưu lại nước Tề, bởi vì ông cùng Đại phu Tu Giả đi sứ từ nước Nguỵ, là cùng đi cùng về, không ăn ở hai lòng. Hơn nữa ông là người có khí phách, chính là ông không làm việc đó (tiết lộ cơ mật) thì ông tuyệt đối không thừa nhận, có đánh chết cũng không thừa nhận.

Ông bị vứt trong nhà vệ sinh, đến đêm ông tỉnh lại, thấy bên ông có một cai ngục đang nhìn. Ông nói với người lính cai ngục: “Ngươi thấy bộ dạng ta như thế này, đoán sẽ không sống được bao lâu. Nếu ngươi bằng lòng để người nhà của ta đưa ta về, để ta chết trên giường trong nhà ta, trong nhà ta còn có một ít tiền, sẽ lấy số tiền đấy cho ngươi coi như lời cảm tạ”.

Lính cai ngục mới đến chỗ Nguỵ Tề nói: “Tướng quốc à, người ấy chết trong nhà vệ sinh đã bốc mùi hôi thối, liệu có thể đem ông ấy ra không?”. Khi đó Nguỵ Tề đã uống say, ông nói: “Hãy vứt xác ông ta đến nơi hoang dã đi, để chó hoang chim rừng rỉa xác ông ta”. Thế là cai ngục lặng lẽ báo cho người nhà Phạm Thư đưa ông về nhà.

Người nhà giúp ông rửa sạch vết thương, cho ông ăn một chút. Ông nói: “Tôi không thể ở trong nhà. Hiện tại Nguỵ Tề đang uống say nên mới để cho người đem tôi vứt ra vùng hoang dã. Ngày mai sau khi ông ấy tỉnh lại, ông nhất định sẽ phái người điều tra tung tích tôi, khi đó sẽ rất nguy hiểm. Tôi có một người bạn tốt là Trịnh An Bình, tối nay mọi người hãy lặng lẽ đưa tôi đến nhà ông ấy. Sau đó sáng sớm mai làm tang lễ, coi như tôi đã chết”.

Sáng hôm sau, quả nhiên Nguỵ Tề tra xét tung tích của Phạm Thư. Lúc này chỉ thấy một cái chiếu không, thuộc hạ nói: “Có thể là bị chó hoang gặm mất thi thể rồi”. Nguỵ Tề lại phái người đến nhà của Phạm Thư, liền thấy trong nhà đang cử hành tang sự. Nguỵ Tề cho rằng Phạm Thư đã chết.

Phạm Thư vì để tránh kẻ thù nên ông đổi tên của mình từ Phạm Thư sang Trương Lộc, ở nước Nguỵ mai danh ẩn tính. Chúng ta thấy Phạm Thư là người rất có lý tính, dưới tình huống thống khổ ngặt nghèo mà ông có thể nghĩ đến việc ngày mai Nguỵ Tề sẽ tìm ông.

Lời bạch: Phạm Thư đã đổi tên thành Trương Lộc, mai danh ẩn tính để tránh kẻ thù. Một đoạn thời gian sau, sứ giả nước Tần là Vương Kê đến nước Nguỵ. Trịnh An Bình đến đón tiếp Vương Kê, nhân lúc đó tiến cử Phạm Thư, đồng thời sắp đặt cho hai người hội kiến bí mật. Vương Kê bị sở tài sở học của Phạm Thư thuyết phục, thế là ông lẳng lặng đưa Phạm Thư đến nước Tần. Nhưng không ngờ, vừa vào nước Tần lại gặp cậu của Tần Chiêu Tương Vương, chính là Nguỵ Nhiễm. Nguỵ Nhiễm đã từng với tám người con của Thái hậu Mị giành chiến thắng trong chính biến cung đình. Ông cùng hai em trai của Tần vương là Cao Lăng Quân Doanh Hiển và Kinh Dương Quân Doanh Khôi trở thành người nắm quyền thực sự của nước Tần. Thời gian họ nắm thực quyền kéo dài 40 năm.

Nguỵ Nhiễm mỗi năm đều đi tuần tra khắp nước, làm công tác kiểm tra và giám sát, đồng thời vỗ về động viên người dân, kiểm tra xe ngựa… ông làm một chức vị rất hào nhoáng. Lần này đang lúc đi tuần các quận huyện thì gặp đúng Vương Kê từ nước Nguỵ trở về.

Phạm Thư nói với Vương Kê: “Tôi nghe nói con người Nguỵ Nhiễm này không thích nhân tài của quốc gia chư hầu khác đến, cũng không thích người du thuyết. Nếu ông ta gặp tôi, ông ta sẽ đuổi tôi, cho nên tốt nhất là tôi nên ẩn náu”.

Thế là Phạm Thư và Trịnh An Bình, hai người họ ẩn náu trên xe, không xuống xe. Xe của Nguỵ Nhiễm đến trước mặt Vương Kê hỏi: “Việc công làm thế nào rồi, công tác ngoại giao làm thế nào rồi?…”. Sau khi hỏi một số tình huống, cuối cùng ông hỏi Vương Kê: “Ông có mang những kẻ sĩ du thuyết của nước khác đến nước Tần không?”.

Vương Kê nói không có. Nguỵ Nhiễm nói thêm: “Nhóm người này chuyên khua môi múa mép, hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế khác. Không thể tin được bọn họ, họ cũng là người vô dụng nhất, loại người này muôn ngàn lần không nên đến nước Tần”. Nguỵ Nhiễm cảnh cáo một chút, sau đó mới rời đi.

Phạm Thư từ trong xe thấy Nguỵ Nhiễm đã đi xa rồi, ông mới từ trong xe đi ra nói với Vương Kê: “Chỗ này không thế ở lại, hiện tại tôi phải nhanh chóng tìm một nơi để ẩn thân, Tướng quốc Nguỵ Nhiễm không thích kẻ sĩ du thuyết”. Vương Kê nói: “Anh không cần trốn nữa, ông ta đã đi rồi”.

Phạm Thư nói: “Tôi vừa mới ở trong xe lén nhìn người này, lòng trắng trong mắt nhiều hơn, trắng dã và ánh mắt hung ác, mắt nhìn xéo người, đặc điểm tính cách người này là: tính đa nghi mà hiểu việc chậm, cho nên ông ta đi rồi, lát sau nhất định sẽ phái người khám xét xe”.

Phạm Thư và Trịnh An Bình sau khi xuống xe, hai người nhanh chóng chạy đến một nơi để lẩn trốn. Quả nhiên xe đi không quá ba dặm nữa, thì phía sau một toán quân kéo tới nói phụng mệnh Tướng quốc nước Tần Nguỵ Nhiễm đến kiểm tra, xem rốt cuộc có người của nước chư hầu khác đến không, kiểm tra quanh xe một vòng, họ thấy không có bèn rời đi.

Trong tâm Vương Kê nghĩ, Trương Lộc người này quả thật là kẻ sĩ mưu trí, thế là ông đem Trương Lộc tức Phạm Thư đến đô thành Hàm Dương của nước Tần.

Vương Kê về đến Hàm Dương, Tần vương tiếp kiến ông, hỏi chuyện này chuyện kia. Ông nhân cơ hội này nói với Tần vương: “Lần này thần về có đem theo tân khách của nước chư hầu khác, người này là Trương Lộc, là một người tài như thế như thế. Ông ta (Trương Lộc) nói nước Tần hiện tại đang rất nguy hiểm, nhưng ông ta có thể đưa sách lược khiến nước Tần an toàn. Ông ta không muốn viết phong thư cho đại vương vì sợ trong đó đề cập không rõ ràng. Ông ấy hy vọng đại vương có thể cho ông ta chút thời gian gặp mặt trực tiếp để bàn bạc vấn đề”. Tần vương khi đó lại không tin lời của Vương Kê.

Lời bạch: Trải qua cơn thập tử nhất sinh, Phạm Thư cuối cùng cũng được an toàn, khi đó nước Tần đang đạt được những thắng lợi quân sự liên tiếp. Dựa vào danh tướng Bạch Khởi, nước Tần vừa mới đả bại nước Sở ở phía nam, ép buộc nước Sở dời đô; phía đông đánh bại nước Tề; nhiều lần đánh bại quân đội nước Hàn – Triệu – Nguỵ. Từ Tần vương cho đến Tướng quốc Nguỵ Nhiễm đều không ưa bọn biện sĩ (thuyết khách), vậy thì Phạm Thư làm thế nào để cất đầu dậy lập công danh đây?

Phạm Thư đã ở nước Tần chờ đợi trong thời gian hai năm, lúc đó ông đang ở tình cảnh rất quẫn bách, bị người khinh bỉ, đến đâu cũng dễ gặp chuyện ăn vạ. “Sử ký – Phạm Thư thái trạch liệt truyện” ghi lại như sau: Phạm Thư sau khi công thành danh toại vút bay mãnh tiến (1), ông báo rất nhiều ân, có chuyện chỉ là nhận ơn một bát cơm sau cũng được ông hậu tạ; ông cũng báo rất nhiều oán, chỉ cần trừng mắt khinh bỉ, ông cũng báo cái oán đó.

Phạm Thư ở nước Tần chờ đợi trong hai năm, vẫn luôn không có cơ hội gặp Tần vương. Khi đó Tướng quốc nước Tần là Nguỵ Nhiễm dự định tấn công vùng Cương Thọ của nước Tề (Cương Thọ chính là huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Nước Tần từ vùng Thiểm Tây tấn công đến Sơn Đông ắt phải đi qua Hà Nam hoặc Hà Bắc, cũng chính là nói phải mượn đường chỗ nước Hàn và nước Nguỵ, khi đó quân Tần mới có thể đến Sơn Đông để tấn công nước Tề.

Nguỵ Nhiễm vì sao muốn tấn công Cương Thọ? Bởi vì Nguỵ Nhiễm phong đất ở Đào, Đào chính là vùng Sơn Đông, rất gần Cương Thọ. Đào chính là vùng đất của nước Tần lọt thỏm ở nước Tề.

Ở phần trước chúng ta đã nói. Tề Mẫn Vương thời còn là quân vương nước Tề, có một lần năm nước tấn công Tề, chủ yếu do nước Yên dẫn đầu. Sau khi tấn công Tề xong, mỗi nước chiếm được một vùng đất, nước Tần chiếm được vùng đất tên là Đào. Tần vương phong đất Đào cho Nguỵ Nhiễm, đây chính là vùng đất gọi là “phi địa” (飛地, vùng đất lọt thỏm ở nước khác), không dính liền với quốc thổ nước Tần.

Nguỵ Nhiễm tấn công Cương Thọ là muốn khuếch đại đất phong của mình. Lúc đó Nguỵ Nhiễm trù tính tăng cường binh lính và huấn luyện binh sĩ ở nơi đây.

Phạm Thư nghe xong chuyện này, ông đã viết một phong thư cho Tần vương. Trong thư nói thế này: “Tôi nghe nói quân chủ hiền minh là thưởng có công, phạt có tội; còn hôn quân là chuyên môn thưởng người mình yêu và phạt người mình ghét, ông ấy không căn cứ theo công lao – tội lỗi mà thưởng phạt, mà căn cứ theo yêu – ghét mà thưởng phạt, quốc gia như thế sẽ không có hy vọng. Tôi hy vọng cống hiến sức lực vì đại vương, hy vọng ngài có thể cho tôi một cơ hội, cho tôi một chút thời gian, cho tôi được đem suy nghĩ của mình ra giãi bày. Nếu tôi nói có đạo lý thì ngài thu nạp, còn nếu ngài cảm thấy tôi nói không có đạo lý, lãng phí thời gian của ngài, ngài cho dù có giết tôi, tôi cũng không oán ngài”.

Rốt cuộc sau khi đọc xong bức thư, Tần vương sẽ làm gì Phạm Thư? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Phi hoàng đằng đạt – 飛黃騰達: lên cao như diều gặp gió.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Exit mobile version