Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 65): Nhớ ân nghĩa Phạm Thư phóng thích cừu địch; Vì lợi to Triệu vương rước hoạ vào thân

Ảnh ghép minh hoạ

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Lại nói, Tu Giả thấy Phạm Thư ăn mặc rất thô lậu bần khổ, khi đó là trời mùa đông, lạnh run cầm cập. Ông mới nói với Phạm Thư rằng: “Không ngờ ông là một người tài hoa như vậy lại bần hàn đến thế này”…

Trời lạnh đến như vậy, Tu Giả bèn lấy y phục của mình, một chiếc áo khoác rộng bằng tơ tằm gọi là áo lụa dày (1), đem áo lụa đưa cho Phạm Thư nói: “Tôi lấy y phục này tặng ông, ông hãy mặc vào”.

Phạm Thư giả vờ khách khí nói: “Áo của Đại phu tôi sao mà mặc được, tôi chỉ là một người bình dân thôi”. Tu Giả nói: “Chúng ta đều là bạn bè lâu năm, cố nhân không nên từ chối”. Sau đó Tu Giả còn thỉnh mời Phạm Thư dùng cơm, hai người còn nói chuyện với nhau một lúc.

Phạm Thư nói với Tu Giả: “Tôi giúp ông đi nói với Tướng quốc một tiếng, hôm nay là thời gian tốt để gặp Tướng quốc”. Tu Giả nói: “Tôi đến bái kiến Tướng quốc của các ông, nhất định cần một chiếc xe ngựa tứ mã để biểu thị uy nghiêm của một quốc gia, cũng là bộ mặt của quốc gia. Nhưng lúc tôi đến Tần, ngựa của chúng tôi bị gãy chân, trục xe cũng bị gãy, vậy nên ông có thể giúp tôi mượn một cỗ xe tứ mã được không?”. [Điều này có thể mường tượng cũng giống như chúng ta hiện nay mượn một chiếc Mercedes-Benz 600 Pullman Maybach, là một loại phương tiện cao cấp đến thế].

Phạm Thư nói: “Không vấn đề gì. Chủ nhân của tôi có một cỗ xe tứ mã lớn, tôi có thể giúp ông mượn”. Thế là Phạm Thư rời chỗ Tu Giả, ông đến chỗ tướng phủ để lấy xe của mình cho mượn. Kỳ thực Tu Giả nên nghĩ một chút, người có thể mượn một cỗ xe tứ mã lớn, [cũng tựa như người có thể cưỡi chiếc Mercedes-Benz 600 Pullman Maybach] mà mặc bộ đồ thô lậu là điều không thể. Tu Giả không hoài nghi bèn lên xe của Phạm Thư.

Phạm Thư tự mình đánh xe, người đang đi trong thành Hàm Dương hễ thấy Tướng quốc của mình tự thân đánh xe, họ đều cúi chào kính lễ, đều rất lễ độ. Tu Giả lại cho rằng họ tôn kính ông, cho rằng họ tôn kính sứ giả nước Nguỵ.

Khi xe ngựa đã đến trước cổng tướng phủ, Phạm Thư nói với Tu Giả: “Tôi thay ông để vào thông báo một chút, ông hãy đợi ở đây”. Sau khi Phạm Thư đi, Tu Giả ở đó đợi. Chờ mãi chờ mãi cũng không thấy Phạm Thư ra, ông bèn hỏi người trông cửa rằng tại sao Phạm Thư không trở ra? Người trông cửa ngơ ngác hỏi: “Ai là Phạm Thư?”. Tu Giả nói: “Là người lúc nãy đánh xe cho tôi ấy”.

Người trông cửa mới nói: “Đó là Tướng quốc Trương Lộc của chúng tôi, làm sao là Phạm Thư được!”. Tu Giả thất kinh, thế là người muốn báo thù trả hận đã ở đây, làm thế nào bây giờ? Ông lập tức lột y phục của mình.

Việc cởi đồ của người xưa là biểu thị việc nhận tội, giống như ở tập trước Liêm Pha cởi trần “vác roi mây trên lưng, xin được trị tội” (phụ kinh thỉnh tội – 負荊請罪). Tu Giả cởi y phục, gỡ mũ, tháo giày tháo tất, sau đó chân trần quỳ ở cổng, nói với người gác cổng hãy vào báo “Tội nhân Tu Giả đang ở cổng chờ nhận tội”.

Người gác cổng vào bẩm báo, nửa ngày trôi qua vẫn không thấy có động tĩnh gì. Tim của ông đánh thình thịch trong lồng ngực, ông quỳ ở đó, quỳ trong thời gian rất lâu… Lúc này mới có người nói Tướng quốc truyền ông vào triệu kiến.

Tu Giả vô cùng sợ hãi, quỳ gối lết tới trước, từ ở cổng trước, vừa quỳ vừa lết vào đến thềm dưới. Khi đó Phạm Thư ngồi ở thềm trên uy phong lẫm liệt, ông mới hỏi Tu Giả: “Người biết người đã phạm tội gì không?”. Tu Giả nói: “Tội tôi phạm là tội chết”. Phạm Thư nói: “Ngươi phạm bao nhiêu tội chết?”. Tu Giả đáp: “Nếu nhổ hết tóc của tôi để liệt kê tội trạng, thì dù có nhổ hết cũng không đếm xuể…”.

Phạm Thư nói: “Ngươi có ba tội. Thứ nhất là tội vu cáo hãm hại, ta vốn dĩ không có câu kết lén lút với nước Tề, ta sở dĩ không làm quan ở nước Tề là vì mộ phần của tổ tiên ta ở nước Nguỵ, vì tận hiếu đạo mà về nước Nguỵ. Tội thứ hai là, khi Nguỵ Tề đánh ta, ta oằn mình kêu thét, bọn chúng đánh ta đến thập tử nhất sinh, ngươi lại không nói một lời nào can ngăn. Tội thứ ba là sau khi ta bị đánh đến hôn mê sắp chết, ngươi cho người đem ta vào nhà xí để bọn tân khách của ngươi tiểu lên ta, làm người làm việc sao lại không lưu cho ta con đường lui vậy! Ngươi chẳng phải quá nhẫn tâm hay sao?!”. Tu Giả lúc ấy không thể nói lời nào.

Phạm Thư nói tiếp: “Ta vốn dĩ muốn giết ngươi, chặt đầu người, trút hết máu ngươi ra mới có thể hả được tức giận trong lòng. Nhưng vừa rồi ta gặp ngươi, ngươi thấy ta nghèo khổ, tặng ta áo lụa dày để khỏi lạnh, còn mời ta ăn cơm nữa, lưu luyến tình cố nhân, coi như giữa chúng ta vẫn còn là bạn bè. Vì thế ta không giết ngươi, ngươi hãy về nói với Nguỵ Vương nhanh chóng lấy cái đầu của Nguỵ Tề đưa cho ta. Nếu không thể lấy đầu của Nguỵ Tề đưa cho ta, ta sẽ thân chinh lãnh binh tấn công đồ sát Đại Lương (kinh đô nước Nguỵ)”. Khi đó Tu Giả giữ được tính mệnh, ông cảm thấy bản thân rất may mắn.
Giáo sư Chương Thiên Lượng khi đọc câu chuyện này nghĩ rằng tâm tật đố (đố kỵ) của con người quả thật rất đáng sợ.

Ở phần “Tôn Bàng đấu trí” (Tôn Bàng: Tôn Tẫn – Bàng Quyên) cũng đã nói đến Bàng Quyên vì tật đố với Tôn Tẫn, ông đã khoét gối Tôn Tẫn, cuối cùng thất bại trong cuộc chiến rồi tự sát.

Nếu không có tâm tật đố, ông tiến cử Tôn Tẫn cho Nguỵ Vương, Tôn Tẫn khẳng định sẽ là Đại tướng, sẽ lập rất nhiều công lao cho nước Nguỵ. Tôn Tẫn là người không coi trọng danh lợi, tổ tiên ông là Tôn Vũ “công thành thân thoái”, Tôn Tẫn cũng sẽ “công thành thân thoái”, ông nhất định sẽ trao quân quyền cho Bàng Quyên. Khi đó nước Nguỵ sẽ cường đại, Bàng Quyên lại nắm binh quyền tối cao ở nước Nguỵ, thế chẳng phải là việc tốt sao? Nhưng Bàng Quyên vì tâm tật đố mà hại Tôn Tẫn, tương đương với việc tự hại chết mình, đồng thời cũng hại nước Nguỵ, tạo thành việc nước Nguỵ không có Đại tướng đích thực sau này.

Tu Giả cũng vì tật đố Phạm Thư về việc được Tề vương coi trọng, ông ta mới sàm ngôn hãm hại. Chúng ta thấy Phạm Thư có ân oán đều phải báo. Nếu năm đó Tu Giả tiến cử Phạm Thư chứ không phải sàm ngôn hãm hại, thì Phạm Thư nhất định sẽ cho Tu Giả an bài rất tốt.

Nhưng Tu Giả không tiến cử Phạm Thư, cuối cùng lại bức bách ông lánh nạn sang nước Tần. Chúng ta thấy rằng rất nhiều nhân tài là từ nước Nguỵ chạy sang nước Tần, ví như Trương Nghi, ví như Thương Ưởng, ví như Phạm Thư, còn có Tôn Tẫn… quá khứ họ đều là người nước Nguỵ, sau này đã chạy đến nước Tần. Những nhân tài này sau khi rời Nguỵ, nước Nguỵ càng ngày càng suy yếu. Phạm Thư là nhân tài cuối cùng từ nước Nguỵ chạy sang nước Tần, hơn nữa sách lược “viễn giao cận công” mà Phạm Thư đề xuất, giống như tằm ăn dâu, nước bắt đầu “ăn” đầu tiên là nước Nguỵ.

Lời bạch: Tần vương thu nạp sách lược “viễn giao cận công” của Phạm Thư, năm 268 TCN là tấn công Hoài thành của nước Nguỵ (nay thuộc huyện Vũ Trắc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Năm 266 TCN lại hạ được Hình Khâu của nước Nguỵ (nay thuộc huyện Ôn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Nước Nguỵ vô cùng sợ hãi, phái Tu Giả đi sứ sang nước Tần du thuyết với Thừa tướng Trương Lộc. Tu Giả không biết Trương Lộc là Phạm Thư, Phạm Thư vì Tu Giả tặng cho chiếc áo lụa dày nên Tu Giả mới bảo toàn được mạng sống, nhưng ép buộc Nguỵ Tề phải tự sát. Kẻ thù của Phạm Thư đã chết nên ông tạm thời không tấn công nước Nguỵ, ông chuyển sự chú ý của mình tập trung qua nước Hàn.

Phạm Thư nói với Tần vương: “Nước Tần với nước Hàn, quốc thổ hai nước giống như hàng thêu, đan xen vào nhau, nước Hàn là mầm hoạ ở trong nước Tần, cho nên nước Hàn tất nhiên phải quy hàng về nước Tần”.

Tần vương hỏi Phạm Thư: “Nếu nước Hàn không nghe chúng ta thì phải làm sao?”.

Phạm Thư nói: “Tại sao lại không nghe chúng ta chứ? Ngài xem bản đồ thì liền biết. Nếu chúng ta tấn công Huỳnh Dương, chúng ta sẽ lấy đô thành Tân Trịnh của nước Hàn và phần phía bắc của nước Hàn sẽ bị cách khai. Nếu chúng ta phong toả Thái Hành Sơn, chúng ta có thể lấy Thượng Đảng ở góc bắc nước Hàn, nơi ấy sẽ tách ra khỏi vùng lãnh thổ nước Hàn. Như vậy phân nước Hàn thành ba vùng, nước Hàn không thể không nghe chúng ta”.

Trên thực tế, năm đầu tiên Phạm Thư và Tần vương đàm luận vấn đề này là năm 270 TCN, năm đó nước Tần tấn công vùng đất của nước Hàn gọi là Yên Dữ, là vùng đất giao giới giữa Hàn và Triệu. Khi đó Hàn cầu cứu Triệu, Triệu vương hỏi các đại thần có nên cứu Hàn hay không? Liêm Pha nói không nên cứu.

Triệu Xa nói nên cứu, ông giải thích rằng: “Yên Dữ, nơi này là một vùng đất rất hiểm yếu. Quân đội hai bên dàn hàng ở nơi hiểm yếu như vậy, quân nước nào dũng cảm thì quân nước đó thắng”.

Thế là Triệu vương phái Triệu Xa đến Yên Dữ cứu Hàn. Trận chiến này, Triệu Xa đã đánh một trận vô cùng vô cùng đẹp mắt, đã đánh bại nước Tần. Ngoài ra bản thân ông cũng được phong là Mã Phục Quân. Triệu Xa là danh tướng rất nổi tiếng cuối thời Chiến Quốc của nước Triệu. Nước Triệu vào cuối thời Chiến Quốc có rất nhiều danh tướng. Liêm Pha là danh tướng nhưng khi đánh với nước Tần, ông chỉ phòng thủ, không thể tấn công, chính là đánh với Tần bằng cách phòng ngự.

Nước Triệu còn có hai tướng, so với Liêm Pha về mặt tác chiến còn lợi hại hơn, họ có thể xuất kích tấn công nước Tần, còn có thể đánh thắng. Trong đó có một người là Triệu Xa, chính là Mã Phục Quân. Còn có một người là vị tướng cuối cùng trước khi nước Triệu diệt vong, ông là Lý Mục – là người cũng từng đả bại nước Tần. Còn có một người nữa là Tín Lăng Quân – công tử nước Nguỵ.

Hậu kỳ Chiến Quốc có bốn người (Tín Lăng Quân, Liêm Pha, Triệu Xa, Lý Mục) có thể đánh với nước Tần, nhưng Tín Lăng Quân tác chiến với nước Tần là ông lãnh liên quân. Còn Triệu Xa và Lý Mục là tự dẫn binh nước Triệu, cốt lõi chỉ dùng người ngựa nước Triệu, cho nên ta thấy rằng Triệu Xa đánh trận rất lợi hại. Triệu Xa đánh bại quân Tần ở vùng đất Yên Dữ này.

Vào năm 264 TCN, danh tướng nước Tần, Bạch Khởi tấn công một thành thị rất quan trọng của nước Hàn là Nam Dương, thẳng tiến đến Thái Hành Sơn. Sau đó hai năm là năm 262 TCN, Bạch Khởi lại tấn công Dã Vương, Dã Vương thuộc huyện Thấm Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay. Chúng ta thấy trên bản đồ thì biết rằng, nếu Dã Vương bị công hạ, thế thì vùng Thượng Đảng, tổng cộng 17 toà thành thuộc lãnh thổ nước Hàn sẽ bị cách khai triệt để, trở thành một vùng đất cô độc.

Nước Hàn căn bản bất lực trong việc chống lại nước Tần. Thái thú quận Thượng Đảng là Phùng Đình tiếp nhận mệnh lệnh của Hàn vương rằng: “Ngươi không cần chống trả, ngươi hãy đầu hàng đi”. Nhưng Phùng Đình không nghe theo mệnh lệnh của Hàn vương. Bởi vì ông cảm thấy nếu đưa vùng đất này cho nước Tần, nước Hàn sẽ trở nên yếu nhược hơn nữa, nước Tần sẽ tiếp tục tấn công nước Hàn, nước Hàn diệt vong sẽ là sự thật nhãn tiền.

Ông đã nghĩ ra một kế sách gọi là “lấy cây mận thế chỗ cây đào” (Nguyên gốc là Lý đại đào cương – 李代桃僵). Ông đem 17 toà thành giao cho nước Tần, cũng đem 17 thành đó giao cho nước Triệu. Nếu nước Triệu tiếp nhận 17 toà thành, nước Triệu nhất định sẽ chọc tức nước Tần. Bởi vì nước Tần liều mình tác chiến, đã chết nhiều người như thế, đã tốn bao nhiêu tiền như thế, những thành này chuẩn bị thuộc về Tần bỗng nhiên lọt vào tay nước Triệu, như thế nước Tần và nước Triệu chắc chắn sẽ xảy ra đại chiến. Điều này đồng nghĩa với việc “khói lửa” sẽ dẫn về nước Triệu, như vậy nước Hàn sẽ an toàn.

Thế là Phùng Đình viết một phong thư, trong đó viết quận Thượng Đảng sẽ vào tay nước Triệu. Sau đó phong thư được đưa đến tay của Triệu vương. Khi đó Triệu Huệ Văn Vương đã mất, người kế vị là Triệu Hiếu Thành Vương.

Triệu Hiếu Thành Vương tìm ba người để thương lượng, Bình Dương Quân Triệu Báo, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng và Triệu Vũ. Ông hỏi Bình Dương Quân Triệu Báo: “17 thành chúng ta lấy hay không lấy?”.

Triệu Báo nói: “Không thể lấy. Thánh nhân nào lấy lợi từ Trời rơi xuống (2). Nước Tần hiện tại tổn binh mất tướng, chết bao nhiêu người, tốn bao nhiêu tiền, không dễ gì mà công hạ những thành này. Hiện tại nếu nước Triệu lấy thành, nước Tần nhất định sẽ tấn công nước Triệu. Cho nên đây là những thành mà đụng vào là bỏng tay đó”.

Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Chúng ta phí tổn 100 vạn binh sĩ, đánh hạ ròng rã trong một năm, cũng không cách nào có được 17 toà thành. Hiện tại chúng ta không phí một binh một tốt lại được lợi ích lớn như thế, không lấy thì thật phí”.

Triệu Hiếu Thành Vương lại thương lượng với Triệu Thắng và Triệu Vũ, hai người đều nói “lấy”. Thế là Triệu vương phái Bình Nguyên Quân Triệu Thắng đi tiếp nhận 17 toà thành của quận Thượng Đảng.

Trong “Sử ký” Tư Mã Thiên có một đánh giá đối với quyết định này, nó là một câu thành ngữ gọi là “lợi ích khiến trí óc mê mờ” (Nguyên gốc là Lợi lệnh trí hôn – 利令智昏). Chúng ta biết rằng một người lúc quá vui hoặc quá giận thì không thể đưa ra quyết định, bởi vì khi đó chi phối con người căn bản không phải là lý trí mà là tình cảm.

Sự việc như thế nào mới có thể khiến người ta quá vui hoặc quá giận, chính là lợi ích. Mà lợi ích này lại rất nhiều rất lớn, có thể là kim tiền, mỹ nữ, quyền lực, danh dự, thể diện… rất nhiều sự tình đều sẽ khiến con người quá vui hoặc quá giận. Cho nên đưa ra quyết định lúc này thông thường là không có lý trí.

Việc Triệu vương làm chính là một quyết định “lợi lệnh trí hôn”. Quyết định này không những dẫn nước Tần và nước Triệu rơi vào vào trận quyết chiến dốc cạn binh lực quốc gia, mà trong trận chiến lại liên tiếp đưa ra quyết sách sai lầm, cuối cùng khiến nước Triệu lâm vào thảm hoạ diệt chủng tàn khốc. Thảm hoạ này phát sinh như thế nào, trận chiến này được tiến hành ra sao? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Chỉ thượng đàm binh” (bàn việc quân trên giấy).

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Đề bào – 綈袍: áo lụa dày, cũng tượng trưng cho tinh cảm bạn bè.

(2) Nguyên gốc là Thánh nhân thậm hoạ vô cố chi lợi – 聖人甚禍無故之利: Thánh nhân đối với lợi vô duyên vô cớ từ trên Trời rơi xuống thì không lấy.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Exit mobile version