Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên làm một liệt truyện chung cho cả Phạm Thư và Thái Trạch. Thái Trạch là người nước Yên, khi ông đến nước Nguỵ hỏi thầy tướng số Đường Cử về vận mệnh, Đường Cử cười lớn nói, tuy Thái Trạch có dung mạo xấu xí thô lậu nhưng có đến 43 năm hưởng phú quý, sẽ làm Tướng quốc ở nước Tần. Thế là Thái Trạch bèn đi đến đô thành nước Tần…
Thái Trạch sau khi đến đô thành của nước Tần, ông tìm một quán trọ tốt nhất. Thái Trạch bảo với người chủ quán trọ: “Ông phải phục vụ ta cho tốt, cơm phải trắng ngon, thịt phải ngọt béo, nhất định phải cho ta ăn cơm và thức ăn ngon”. Ông chủ hỏi: “Tại sao vậy?”. Thái Trạch đáp: “Bởi vì rất nhanh sau đó ta sẽ làm Thừa tướng nước Tần”.
Quán trọ này cũng là nơi ở của các sứ giả chư hầu, những lời nghe rất ngông cuồng này lan truyền rất nhanh, rất nhanh đã đến tai Phạm Thư. Phạm Thư tức khắc phái người đến tìm Thái Trạch, sau đó Thái Trạch bèn đi đến bái kiến Phạm Thư.
Khi đó Phạm Thư rất phẫn nộ. Phạm Thư cảm thấy mình là một người rất có tài biện luận. Ông hỏi Thái Trạch: “Thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế, ta không gì là không biết, lí luận của Bách gia, gặp ta cũng phải khuất phục. Thái Trạch ngươi rốt cuộc có bản sự gì, mà có thể thuyết phục ta, có thể đoạt chức vị của ta?”.
Khi đó giữa Thái Trạch và Phạm Thư có một cuộc biện luận. Những lời Thái Trạch nói với Phạm Thư, tổng kết lại chỉ vỏn vẹn bốn chữ: “Công thành thân thoái”.
Thái Trạch đưa ra ba đại thần rất nổi tiếng. Người thứ nhất là Thương Ưởng – người giúp nước Tần thực hiện ‘binh mạnh nước giàu’. Người thứ hai là Ngô Khởi, người cũng giúp Sở Điệu Vương thực hiện ‘binh mạnh nước giàu’, ở phía bắc giúp Sở vương đánh bại Tam Tấn, phía nam đả bại nước Ngô và nước Việt. Người thứ ba là Văn Chủng, người giúp nước Việt nhỏ yếu đánh bại nước Ngô hùng mạnh. Cả ba người này đều phải chết, vì sao vậy? Bởi vì họ tuy ‘công thành’ nhưng không biết ‘thân thoái’, nên cuối cùng phải chết.
Thái Trạch nói với Phạm Thư: “Quá khứ ông chỉ là kẻ thất phu (dân thường), sau này được sự sủng ái của Tần vương, trong mấy chục năm tất cả mối thù ông đều đã báo, tất cả ân tình ông đều đã trả, hiện tại công danh sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Nếu ông không biết tiến thoái, vậy thì đến lúc cuối đời có thể sẽ rất thảm khốc.
Năm đó Tô Tần và Trí Bá, hai người họ không phải là không đủ trí lực để bảo hộ bản thân, nhưng rốt cuộc họ vẫn chết. Bởi vì khi ấy họ còn tham luyến địa vị quyền lực, không biết ‘thân thoái’. Cũng như tê giác và voi lớn, rừng xanh nơi chúng ở cách xa nơi con người, nhưng tại sao chúng vẫn bị giết? Bởi vì có một số thứ cám dỗ chúng, khiến chúng từ nơi rừng rậm xa xôi mà đến chỗ con người, kết quả chúng bị giết chết.
Cho nên ông phải biết rằng khi nào tiến khi nào thoái, giống như mặt trời sau khi đến giữa trưa bèn lặn về tây, trăng đầy rồi cũng vơi. Đây gọi là ‘Mặt trời đến trưa phải lặn, mặt trăng khi đầy ắt vơi’. Hiện nay đã là lúc để thoái rồi. Nếu ông thoái kịp, rồi tiến cử một người thay ông, thế thì người này sẽ rất cảm kích ông, người ấy sẽ dùng quyền lực để bảo vệ ông, như thế phú quý của con cháu ông sẽ đời đời nối tiếp”.
Kết quả Phạm Thư bị Thái Trạch thuyết phục. Phạm Thư bèn đi bái kiến Tần vương nói: “Ở phía đông núi Hào có một môn khách rất có tài biện luận, thần cho rằng tài năng của ông ấy còn hơn cả thần. Nếu ông ấy có thể làm Tướng quốc, sự giúp đỡ đối với nước Tần sẽ càng lớn hơn nữa. Cho nên thần tiến cử ông ấy”.
Tần vương đồng ý. Phạm Thư từ giã ấn tướng để về quê dưỡng lão, cuối cùng ra đi trong thanh thản.
Thái Trạch tiếp nhận chức vị Thừa tướng không lâu, Tần Chiêu Tương Vương băng hà. Con trai Tần vương là An Quốc Quân kế vị. An Quốc Quân kế vị sau ba ngày thì chết. ‘Con trai’ Tử Sở, chính là Dị Nhân kế vị. Đây chính là Tần Trang Tương Vương.
Sau khi Tần Trang Tương Vương kế vị, ông vô cùng cảm kích Lã Bất Vi, bởi vì Lã Bất Vi đưa ông từ một con tin, một tù binh trở thành vương chủ của quốc gia mạnh nhất thời bấy giờ.
Thái Trạch cũng biết điều này nên ông giao chức Thừa tướng cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi từ đây bắt đầu làm Thừa tướng nước Tần. Tần vương còn phong cho Lã Bất Vi làm Văn Tín Hầu, phong ấp 10 vạn hộ ở Lạc Dương, Hà Nam. Quá khứ nói phong một vạn hộ hầu là xuất sắc lắm rồi, ở đây Lã Bất Vi được phong 10 vạn hộ hầu, cho nên Lã Bất Vi là người có quyền thế vô cùng lớn ở nước Tần. Tần Trang Tương Vương còn tôn xưng Lã Bất Vi là ‘Trọng Phụ’, tương đương với chú ruột.

Thái Trạch sau khi giao chức vị cho Lã Bất Vi, ông rời nước Tần đến nước Yên. Sau ba năm, Thái Trạch đã thuyết phục thành công quân vương nước Yên đem Thái tử Đan đến nước Tần làm con tin. Do đó quan hệ giữa Tần và Yên tương đối tốt.
Nước Yên đưa Thái tử đến nước Tần làm con tin, nước Tần muốn phái người sang nước Yên để làm… Tướng quốc. Quan Thái sử sau khi xem bói nói rằng Trương Đường đến Yên là may mắn nhất.
Trương Đường không muốn đi bởi vì từ Tần sang Yên ắt phải qua Triệu, mà Trương Đường trước đây đã từng cùng với Tần vương đánh hạ nước Triệu, do đó nước Triệu hận Trương Đường đến tận xương tuỷ. Triệu vương từng hạ lệnh, người nước Triệu nào có thể bắt được Trương Đường liền thưởng 100 dặm đất.
Thấy Trương Đường nhất định không muốn đến Yên, Lã Bất Vi cũng không biết làm sao, ông đành tự mình đến nhà Trương Đường thỉnh nhờ, Trương Đường nhất quyết không đi. Lã Bất Vi về nhà, trong lòng phiền muộn, ngồi trong nhà suy nghĩ về điều này. Lúc đó có một cậu bé đi qua, cậu bé này tên là Cam La, cậu ta chỉ mới 12 tuổi. Cậu ta hỏi Lã Bất Vi: “Chủ nhân, rốt cuộc có chuyện gì mà làm ngài buồn phiền thế?”.
Lã Bất Vi ngẩng đầu nhìn cậu bé, cậu nhóc mới 12 tuổi. Ông nói: “Đi, đi, đi chỗ khác chơi. Ta đang suy nghĩ chuyện quốc gia đại sự”. Cam La nói: “Chủ nhân, ngài sở dĩ nuôi kẻ sĩ bởi vì kẻ sĩ có thể chia mối lo cho ngài, giống như Cam La tôi đây cũng là một kẻ sĩ. Năm xưa có một cậu bé tên Hạng Thác, lúc cậu ta 7 tuổi được Khổng Tử bái làm thầy. Nay tôi đã 12 tuổi, so với Hạng Thác thì lớn hơn 5 tuổi, ngài sao có thể vì tuổi tác mà coi thường tôi được”.
Lã Bất Vi cảm thấy cậu bé này rất không tầm thường, ông mới hỏi: “Cam La, hiện tại Thái tử nước Yên đã đến nước chúng ta làm con tin, chúng ta muốn phái Trương Đường đến nước Yên làm Thừa tướng, nhưng Trương Đường không chịu đi, ngươi có cách nào không?”. Cam La thưa: “Việc này cũng dễ giải quyết thôi, nếu ngài sớm nói với tôi, thì sớm đã giải quyết được rồi”. Lã Bất Vi nói: “Vậy ta phái ngươi đi đến thuyết phục Trương Đường vậy”.
Thế là Cam La đến trước phủ của Trương Đường. Trương Đường nghe nói có một đứa bé đến bái kiến nên cảm thấy rất kỳ quái, thế là ông tự mình ra nghênh tiếp. Trương Đường hỏi: “Cậu bé có gì chỉ giáo ta chăng?”. Cam La nói: “Tiểu tử đến viếng tang. Nghe nói trong nhà có tang cho nên tiểu tử đến viếng”.
Trương Đường hỏi: “Nhà ta có tang sự gì?”. Cam La thưa: “Tiểu tử hỏi ông hai câu. Thứ nhất, ông cảm thấy ông có công lao gì đối với nước Tần, so với Vũ An Quân Bạch Khởi thì công ai to hơn?”. Trương Đường đáp: “Ta làm sao có thế so sánh với Vũ An Quân Bạch Khởi. Ông ta công hạ 70 thành trì cho nước Tần, công lao đệ nhất, không ai có thể sánh với ông ta”.
Cam La nói: “Vậy thì được. Tiểu tử muốn hỏi ông vấn đề thứ hai, ông cảm thấy giữa Lã Bất Vi và Phạm Thư, ai được Tần vương sủng ái tin tưởng hơn?”. Tần vương gọi Lã Bất Vi là Trọng Phụ tương tương với chức chú ruột, Phạm Thư chỉ là bằng hữu của Tần vương, do đó vị thế của Lã Bất Vi là thân cận hơn, nghĩ vậy Trương Đường đáp: “Đương nhiên quyền lực Ứng Hầu không lớn bằng Văn Tín Hầu rồi”.
Cam La lại thưa tiếp: “Năm đó Ứng Hầu để Bạch Khởi tấn công nước Triệu, Bạch Khởi không nghe lời Ứng Hầu nên cuối cùng phải tự vẫn ở Đỗ Bưu. Hiện tại, công lao ông không bằng Bạch Khởi, quyền lực Phạm Thư không lớn bằng Lã Bất Vi. Văn Tín Hầu Lã Bất Vi muốn để ông đi nước Yên, ông lại không đi, xem ra kết cục của ông sẽ thảm thương hơn Bạch Khởi nữa”. Kết quả Trương Đường nghe xong sợ quá, nói: “Ta sẽ lập tức thu xếp hành lý đi nước Yên!”.
Cam La trở về tướng phủ của Lã Bất Vi nói: “Việc này tôi đã làm xong rồi. Nhưng có điều, tuy rằng Trương Đường đáp ứng đi nước Yên, nhưng tôi cảm thấy Trương Đường không muốn đi. Do đó tôi có kế sách thứ hai, thỉnh ngài đưa tôi ít xe ngựa, cho tôi vài người tuỳ tùng và một ít tiền, tôi sẽ đi nước Triệu”.
Cam La sau khi đến nước Triệu bèn bái kiến Triệu vương, cậu ta nói: “Ngài đã nghe nói gì rồi chứ, nước Tần đã phái Trương Đường sang nước Yên làm Tướng quốc, nước Yên đã đưa Thái tử sang nước Tần làm con tin. Hai nước Tần – Yên đã kết liên minh. Nước Triệu ở giữa xui xẻo rồi, bị kẹp giữa Tần ở đông và Yên ở tây. Vì sao nước Yên và nước Tần muốn đánh ngài? Vì họ muốn chiếm năm thành thị ở giữa Chương Hà và Hoàng Hà.
Tôi nghĩ dùm ngài một cách: Ngài hãy nhanh chóng thiết lập quan hệ với nước Tần, đem năm thành thị đó giao cho nước Tần, như thế mối quan hệ giữa nước Triệu và nước Tần chẳng phải sẽ rất tốt sao. Sau đó ngài đi đánh nước Yên, nước Yên là một quốc gia nhỏ yếu, ngay lập tức ngài có thể lấy được rất nhiều thành trì. Như thế những tổn thất của nước Triệu do nước Tần gây ra trước đây, ngài có thể lấy nước Yên để bổ sung lại, đây chẳng phải kế sách rất tốt sao?”.
Triệu vương nghe theo kế sách của Cam La, ông thật sự đã cắt năm thành trì ở giữa Chương Hà và Hoàng Hà giao cho nước Tần. Sau đó Triệu vương tấn công nước Yên, lấy được 30 thành thị của nước Yên, ông giao 11 thành cho Tần, còn phần mình giữ 19 thành. Khi Cam La về lại nước Tần, Lã Bất Vi phong Cam La làm Thượng khanh – Thượng khanh là chức vị có chút ngang hàng với Thừa tướng. Vì vậy trong quá khứ người ta nói rằng ‘Cam La 12 tuổi được phong làm Thừa tướng’.
Mặc dù quốc lực nước Tần khi đó đã hùng mạnh đến mức không có bất kỳ chư hầu nào dám một mình chống lại, nhưng sáu nước vẫn không biết liên minh chống lại nước Tần, lại còn vì lợi ích trước mắt mà chinh phạt lẫn nhau, như giữa Yên và Triệu thường hay tấn công lẫn nhau, các quốc gia khác cũng đánh qua đánh lại. Đây là cơ hội để nước Tần công phá sáu nước. Nhưng lúc này nước Tần lại xảy ra nội loạn.
Lúc Tần vương Doanh Chính kế vị chỉ có 13 tuổi, đại quyền của quốc gia nằm trong tay Lã Bất Vi. Khi Tần vương dần dần trưởng thành, ông cương nghị quả cảm, vạm vỡ phi thường. Năm 238 TCN, khi Tần đang cử hành Quan lễ (冠禮: lễ đội mũ trưởng thành), một người tên là Lao Ái đã phát động tạo phản, sau khi thất bại người này bị ngũ mã phanh thây. Cuộc phản loạn này cũng có liên quan đến Lã Bất Vi.
Tần vương Doanh Chính vô cùng tức giận, khi đó ông hạ lệnh trục xuất tất cả những người đến từ nước khác, gọi là ‘trục khách’. ‘Khách’ ở đây chỉ những người từ quốc gia khác đến nước Tần. Lệnh ‘trục khách’ đưa xuống, rất nhiều người từ quốc gia khác lũ lượt rời khỏi nước Tần.
Lã Bất Vi có một môn khách rất nổi tiếng tên là Lý Tư, người này sau đó trở thành Thừa tướng nước Tần. Lý Tư cũng là một trong số những người được trả về nước, nhưng trước khi Lý Tư đi, ông viết cho Tần vương một phong thư, phong thư này sau này được lưu lại trong “Sử ký”, cũng được ghi lại trong “Cổ văn quan chỉ”. Bức thư tên là “Thư can gián việc trục xuất khách” (Gián trục khách thư – 諫逐客書).
Thế là nhờ có bức thư này, Tần vương mới biết có người tên Lý Tư, do đó ông gọi Lý Tư vào cung. Lý Tư là người rất có năng lực, ông đã hiến cho Tần vương sách lược thống nhất thiên hạ một cách có hệ thống. Vậy Lý Tư đã hiến kế sách gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: “Thiên hạ nhất thống”.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch