Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Ở Dịch Thuỷ đặt một tiệc rượu tống biệt (chia tay), một người bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly gõ trúc xướng ca: “Gió hiu hiu thổi, Dịch Thuỷ lạnh căm, tráng sĩ một đi không trở lại…” Tiếng ca rất khảng khái bi tráng, tóc tai tất cả mọi người đều dựng đến tận mũ…
Kinh Kha đi gặp Thái tử Đan, Thái tử Đan lấy toàn bộ kế hoạch nói cho Kinh Kha. Kinh Kha đáp: “Việc lớn như thế này của quốc gia, kẻ hèn kém như thần, chỉ sợ không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ”.
Chúng ta thấy rằng phản ứng của Kinh Kha hành thích Tần vương khác với phản ứng của Chuyên Chư khi thích sát Ngô vương Liêu. Kinh Kha có sự dè dặt nhất định. Thái tử khấu đầu, một mực khuyên Kinh Kha đừng từ chối, sau đó Kinh Kha đồng ý.
Thái tử Đan đối xử với Kinh Kha vô cùng tốt. Ông xây cho Kinh Kha một căn phòng rất tráng lệ, sau đó không ngừng cấp cho Kinh Kha các chủng các dạng lễ vật quý giá, tiền, ngựa tốt, mỹ nữ, ông chỉ sợ Kinh Kha trong lòng không vui. Sự ưu ái của Thái tử Đan đối với Kinh Kha đã vượt quá mức độ thông thường.
Trong “Sử ký” có ghi lại, có một lần Kinh Kha thấy Thái tử Đan vui chơi trong nhà, trong nhà Thái tử Đan có một ao nước, trong ao nước có một con rùa đen, con rùa đen thò đầu khỏi mặt nước. Kinh Kha bèn lấy một tấm ngói ném vào con rùa. Thái tử Đan lập tức dùng hòn bi bằng vàng đưa cho Kinh Kha rồi nói: “Nếu anh muốn ném con ô quy này, thì hãy dùng hòn bi bằng vàng này đi”.
Có một lần Thái tử Đan cùng Kinh Kha cưỡi ngựa ra ngoài, Thái tử Đan có một con thiên lý mã rất tốt, Kinh Kha ngẫu nhiên nói: “Thần nghe nói gan ngựa hương vị rất ngon”. Thái tử Đan lập tức làm thịt con thiên lý mã của mình, lấy gan của ngựa làm thành món ăn dâng cho Kinh Kha.
Còn có một lần khi Kinh Kha đang ăn với Thái tử Đan, có một mỹ nhân đánh đàn cho họ nghe. Khi Kinh Kha thấy mỹ nhân này bèn nói: “Ôi, đôi tay đó đẹp làm sao!”. Đến chiều, Kinh Kha nhận được một chiếc hộp, anh mở ra thì chính là đôi tay của mỹ nhân.
Sau này khi nước Triệu diệt vong, Thái tử Đan hy vọng Kinh Kha nhanh chóng hành thích Tần vương. Thái tử nói với Kinh Kha: “Ta rất thích tiên sinh, hy vọng có thể phụng dưỡng anh lâu dài nhưng nếu nước Tần tấn công nước Yên, nước Yên sẽ tiêu mất, đến lúc đó ta có muốn cung phụng anh cũng không thể nào”. Ý tứ là Thái tử Đan muốn Kinh Kha hành thích Tần vương.
Kinh Kha nói với Thái tử Đan: “Nếu thần đi hành thích Tần vương, khi gặp ông ấy phải có lễ vật ra mắt, phải cần hai thứ. Thứ nhất là bản đồ vùng Đốc Kháng của nước Yên, đây là một vùng đất phì nhiêu, cũng là vùng đất mà nước Tần ‘thèm đến nhỏ dãi’ (1). Ngoài ra còn phải có thủ cấp của tướng quân Phàn Ư Kỳ, bởi vì Tần vương rất hận Phàn Ư Kỳ. Nếu thần có thể dâng đầu Phàn tướng quân, vậy thì Tần vương nhất định sẽ gặp thần”.
Thái tử Đan nói: “Phàn tướng quân lúc gặp khốn cùng thì đến nương nhờ ta, ta thực sự không nhẫn tâm giết ông ấy”. Kinh Kha lặng lẽ đến gặp Phàn Ư Kỳ, ông nói với Phàn Ư Kỳ rằng: “Tần vương đã diệt gia tộc của ông, lẽ nào tướng quân không muốn báo thù sao?”. Phàn Ư Kỳ đáp: “Mỗi khi ta nghĩ đến Tần vương, ta đều nghiến răng nghiến lợi, trong tâm cực kỳ đau đớn thống khổ, nhưng ta không có cách nào”.
Kinh Kha nói: “Tôi có một cách, nếu tôi có được thủ cấp của ông, Tần vương nhất định sẽ gặp tôi. Đến lúc đó, tay trái tôi nắm chặt vạt áo của Tần vương, tay phải tôi dùng dao găm (chuỷ thủ – 匕首) đâm hắn, như thế chẳng phải thù của tướng quân đã báo được rồi ư”. Phàn Ư Kỳ khi đó nhảy lên, cởi y phục của mình ra, lộ nửa phần vai. Ông nói: “Ta nghĩ không ra cách nào, không ngờ đến hôm nay ông lại cho ta chủ ý tốt như thế”. Phàn Ư Kỳ bèn tự vẫn.
Kinh Kha sau khi lấy đầu của Phàn Ư Kỳ, ông đến gặp Thái tử Đan. Ông nói với Thái tử Đan: “Ngài đã chuẩn bị con dao găm để thần hành thích Tần vương chưa?”. Thái tử Đan đáp: “Ta đã sớm chuẩn bị rồi”. Thái tử Đan đã tìm một bà lão họ Từ, còn gọi là Từ phu nhân. Từ phu nhân dùng độc dược để luyện chung với kim loại, tạo thành thanh chuỷ thủ (dao găm) này. Thanh chuỷ thủ này chỉ cần vạch một vết thương nhỏ bằng sợi tóc, thì người bị thương ấy lập tức chết ngay.
Kinh Kha sau khi chuẩn bị đầy đủ ba thứ là thanh chuỷ thủ, thủ cấp Phàn Ư Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng, ông mới có thể xuất phát. Đến ngày lên đường, phàm những người biết việc này đều đến bờ Dịch Thuỷ để đưa tiễn Kinh Kha, những người này đều mặc y phục màu trắng, giống như đang làm tang sự.
Ở Dịch Thuỷ đặt một tiệc rượu tống biệt (chia tay), một người bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly gõ trúc xướng ca: “Gió hiu hiu thổi, Dịch Thuỷ lạnh căm, tráng sĩ một đi không trở lại…”. Tiếng ca rất khảng khái bi tráng, tóc tai tất cả mọi người đều dựng đến tận mũ.
Kinh Kha lên xe, đầu không ngoảnh lại, một mực đánh xe đến nước Tần. Sau khi đến Tần, đầu tiên Kinh Kha bỏ tiền để hối lộ người được Tần vương vô cùng sủng ái là Mông Gia, nhờ ông ta nói với Tần vương là nước Yên vô cùng sợ hãi khi nước Tần tấn công, cho nên nước Yên mang đến đây thủ cấp của Phàn Ư Kỳ và bản đồ vùng đất Đốc Kháng cho Tần vương.
Tần vương vô cùng cao hứng, ngày hôm sau thiết đặt lễ tiết ‘cửu tân’ (lễ tiết ngoại giao cao nhất) ở triều đình để tiếp kiến Kinh Kha. Kinh Kha mang thủ cấp của Phàn Ư Kỳ, còn có cả bản đồ Đốc Kháng. Tần Vũ Dương theo sau Kinh Kha.
Khi vào hoàng cung, sắc mặt Tần Vũ Dương trắng bệch như người chết, bị thị vệ Tần vương thấy được mới hỏi vì sao mặt anh ta biến sắc như vậy? Kinh Kha mới quay đầu lại nhìn Vũ Dương, ông cười rồi nói: “Hắn ta là kẻ quê mùa nơi sơn dã, trước giờ chưa thấy được uy nghi của Tần vương, mong đại vương cho hắn ta cơ hội để hắn ta có thể hoàn thành lần đi sứ này”. Tần vương nói: “Thế thì Vũ Dương không cần phải lên điện, để Kinh Kha lên điện là được rồi”.
Kinh Kha đem bản đồ Đốc Kháng và thủ cấp Phàn Ư Kỳ lên cho Tần vương. Kinh Kha mở tấm bản đồ trước mặt Tần vương, cầm lấy thanh chuỷ thủ bọc bên trong bản đồ, đợi đến khi bản đồ mở xong, thanh chuỷ thủ sẽ dần lộ ra. Câu chuyện này lưu lại một câu thành ngữ ‘hết bản đồ, thấy dao găm’ (đồ cùng chuỷ kiến – 圖窮匕見).
Tần vương hễ thấy thanh chuỷ thủ, sợ quá ẩn về phía sau, Kinh Kha chộp lấy tay áo của Tần vương, sau đó tay phải rút thanh chuỷ thủ ra. Lúc đó thời tiết tháng Năm, y phục để mặc khá mỏng, Tần vương cố sức vùng vẫy thì tay áo rách đứt. Tần vương đứng dậy chạy, Kinh Kha cầm chuỷ thủ đuổi theo sau.
Theo phép tắc của nước Tần, tất cả các võ sĩ thông thường nếu không được gọi thì không thể lên điện đường, cho nên dù là võ sĩ rất nhiều, nhưng họ đều cầm vũ khí ở dưới điện. Trên điện toàn bộ là quan văn, Tần vương chạy xung quanh bình phong, còn chạy xung quanh trụ. Tần vương mang theo kiếm, ông muốn rút kiếm nhưng rút mãi không được.
Có một nội thị (người bảo vệ trong cung) nói: “Đại vương sao không đẩy kiếm ra đằng sau, như thế chẳng phải sẽ rút được sao?”. Lúc Kinh Kha đang đuổi theo sau, khi đó còn có một thầy thuốc của Tần vương là Hạ Vô Thả, trong tay cầm một bao thuốc, ông lấy bao thuốc ném vào người Kinh Kha. Kinh Kha dùng cánh tay hất bao thuốc ra, điều này làm Kinh Kha chậm một nhịp, do đó Tần vương nhân cơ hội này rút được bảo kiếm.
Tần vương kỳ thực là một người võ công rất cao, ông rút được bảo kiếm ra khỏi chuôi bèn không chạy nữa. Ông quay lại bắt đầu giao chiến với Kinh Kha. Kiếm thì dài còn chuỷ thủ thì ngắn, cho nên Tần vương chiếm ưu thế khi giao chiến. Chuỷ thủ của Kinh Kha còn chưa đâm được lên thân Tần vương thì bảo kiếm của Tần vương đã đâm trúng đùi Kinh Kha, Kinh Kha ngay lập tức ngã xuống đất. Sau đó Tần vương lại dùng bảo kiếm chém Kinh Kha, Kinh Kha dùng tay đỡ, cánh tay bị chặt đứt.
Kinh Kha thấy mình không thể hành thích được Tần vương, thế là ông ném chuỷ thủ trong tay mình đi, hy vọng có thể một đao lấy mạng Tần vương, nhưng phát ném đó bị Tần vương tránh được. Lúc này Kinh Kha đã không còn vũ khí nữa rồi. Ông bị Tần vương đâm 8 nhát kiếm, toàn thân đều bị thương.
Kinh Kha dựa vào cột trụ, hai chân dang ra để tạo thế ngồi, miệng thì lăng mạ Tần vương. Ông nói: “Động tác của ta vừa rồi quá chậm, ta vốn dĩ nắm chặt ngươi, sau đó dùng chuỷ thủ uy hiếp cưỡng bức ngươi, yêu cầu ngươi ký kết hiệp ước với ta, trả lại những vùng đất nước Tần xâm chiếm trả lại cho chư hầu, nhưng không ngờ người lại thoát được”. Khi đó, Tần vương lại đâm một nhát nữa để kết liễu Kinh Kha.
Sự việc Kinh Kha hành thích Tần vương (Kinh Kha thích Tần), trong “Sử ký” ghi lại rất chi tiết. Câu chuyện của Kinh Kha trong “Thích khách liệt truyện”, Tư Mã Thiên viết dài nhất, còn có một đoạn thuyết minh kèm theo. Tư Mã Thiên nói: “Khi đó ở trên triều, Hạ Vô Thả – người mà ném bao thuốc lên người Kinh Kha, là bạn của thầy Tư Mã Thiên là Đổng Trọng Thư, cho nên sự việc mà Hạ Vô Thả chứng kiến là rất rõ ràng. Sau đó Hạ Vô Thả miêu tả cho Đổng Trọng Thư, Đổng Trọng Thư miêu tả cho Tư Mã Thiên, do đó toàn bộ câu chuyện Tư Mã Thiên viết rất sinh động chi tiết, quá trình cũng rất chi tiết.
Câu chuyện ‘Kinh Kha thích Tần’, sau này có một chú thích trong “Đông Chu liệt quốc chí”. Những năm Càn Long triều Thanh có một người là Thái Nguyên Phóng, ông đã có một bình luận đánh giá rằng: “Thái tử Đan là người không hiểu đại sự của thiên hạ. Đến những năm cuối thời Chiến Quốc, phương thức tư duy của con người đã khác thời Xuân Thu. Thời Xuân Thu, Tào Mạt từng cướp ngôi Tề Hoàn Công, yêu cầu Tề Hoàn Công trả lại vùng đất bị xâm lược của nước Lỗ. Tề Hoàn Công sau khi đáp ứng, đã trả lại những vùng đất ấy. Nhưng nếu Kinh Kha dùng chuỷ thủ bức bách Tần vương, nhưng nếu khi ấy ông ta đáp ứng, thì hễ chuỷ thủ hạ xuống rồi, Tần vương liệu có thật sự tuân thủ lời hứa chăng? Nếu Tần vương không tuân thủ lời hứa, Thái tử Đan dùng biện pháp gì tiếp theo? Cho nên sự việc này ngay từ đầu đã không được rồi”.
Sau này khi có rất nhiều người bình luận đánh giá sự việc này, họ đều cho rằng ‘Kinh Kha thích Tần’ sẽ đẩy nhanh việc nước Yên diệt vong, bao gồm cả Tô Tuân – một trong bát đại gia (8 nhà văn lớn) thời Tuỳ – Đường. Khi Tô Tuân viết trong “Lục quốc luận” cũng đã đề cập đến vấn đề này.
Sau sự việc ‘Kinh Kha thích Tần’, Tần vương đại nộ, năm tiếp theo phát binh tấn công nước Yên, toàn bộ nước Yên trên cơ bản bị diệt. Khi đó Yên vương Cơ Xỉ mang Thái tử Đan chạy đến Liêu Đông, chính là bán đảo Triều Tiên ngày nay, ‘ngắc ngoải hơi tàn’ (2) một thời gian. Do quân đội nước Tần uy hiếp cấp bách, Yên vương Xỉ vì để tiêu đi nộ khí của Tần vương, ông bèn giết Thái tử Đan, đem thủ cấp thái tử đưa cho Tần vương.
Khi nước Yên diệt vong, nước Hàn cũng đã diệt vong trước đó, nước Triệu trên cơ bản cũng bị diệt, nước Triệu chỉ còn lại vài trăm dặm đất. Trên cơ bản, đất đai của nước Triệu và nước Yên đều bị nước Tần chiếm lĩnh.
Lời bạch: Kết quả của chuyện ‘Kinh Kha thích Tần’ là nước Tần đẩy nhanh tốc độ tiêu diệt nước Yên, bộ phận còn lại của nước Yên lui về trấn thủ ở Liêu Đông, năm đó là năm 226 TCN. Năm 225 TCN, nước Tần thuỷ công Đại Lương, tiêu diệt nước Nguỵ. Năm 223 TCN, đại tướng nước Tần là Vương Tiễn tiêu diệt nước Sở. Năm 222 TCN nước Tần tiêu diệt nước Yên và nước Liêu Đông. Lúc này trong sáu nước chỉ còn lại nước Tề.
Nước Tề nằm ở cực đông của Trung Quốc, cho nên trong quá khứ ngăn cách với nước Tần bởi Tam Tấn, phía nam lại cách Tần bởi nước Sở, cho nên nước Tề cảm thấy bản thân rất an toàn. Nước Tề trong 40 năm, trước nay chưa hề đầu tư tu bổ thiết bị quân sự. Họ cho rằng bản thân có quan hệ liên minh với nước Tần, mỗi lần nước Tần diệt một nước, nước Tề đều phái sứ thần đến nước Tần để chúc mừng. Nước Tần cũng hậu đãi sứ giả, biểu thị quan hệ hai nước sẽ tiếp tục hữu hảo.
Đợi đến khi Tam Tấn, Yên và Sở bị diệt, chỉ còn lại mỗi nước Tề, khi này nước Tề mới cảm thấy sự nguy hiểm. Lúc này nước Tề mới chuẩn bị phòng vệ, nhưng đã quá muộn rồi. Đại quân nước Tần áp sát, nước Tề trong bốn mươi mấy năm chưa từng đánh trận, căn bản không có bất kỳ năng lực chống đỡ nào, cho nên chỉ trong vòng vài tháng, nước Tần đã hoàn toàn chiếm lĩnh được nước Tề.
Đến năm 221 TCN, Tần vương diệt sáu nước, hoàn thành việc thống nhất thiên hạ, kiến lập nên quốc gia ‘trung ương tập quyền’ lớn mạnh. Tần vương trở thành Tần Thuỷ Hoàng.
Giai đoạn lịch sử ‘Đông Chu liệt quốc’ đã kết thúc rồi. Khi chúng tôi giảng về đoạn lịch sử này, chúng tôi đã giảng rất nhiều đại sự phát sinh trong lịch sử, cũng thuận tiện phân tích một chút liên quan đến một số học thuyết của Binh gia, Nho gia, Pháp gia và Tung hoành gia.
500 năm này, chính là thời kỳ Đông Chu liệt quốc, đây chính là một ‘cục diện thay đổi’ (biến cục – 變局) vô cùng to lớn trong lịch sử. Sân khấu biến cục này, nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và phương thức quản lý xã hội của Trung Quốc sau này.
Thế thì sân khấu biến cục này ảnh hưởng như thế nào đến lịch sử sau này, nó mang đến suy nghĩ gì cho chúng ta? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo ‘Lịch sử biến cục’ (歷史變局: cục diện thay đổi của lịch sử).
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Thuỳ tiên tam xích – 垂涎三尺: nhỏ dãi dài 3 tấc, thèm đến nhỏ dãi 3 tấc.
(2) Nguyên gốc là Cẩu diên tàn suyễn – 苟延殘喘: ngắc ngoải hơi tàn.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch