Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Nước Tần hầu như thắng như chẻ tre, quét sạch sáu nước, thống nhất thiên hạ, cục diện chiến loạn kéo dài 500 năm thời Xuân Thu – Chiến Quốc đến đây là kết thúc. Vậy thì giai đoạn lịch sử này có ý nghĩa như thế nào?
Năm 230 TCN, Tần vương Doanh Chính bắt đầu phát binh tiêu diệt nước Hàn. Năm 228 TCN tiêu diệt nước Triệu, sau đó Triệu Giai thành lập nước Đại. Năm 226 TCN, nước Tần xuất binh chinh phạt nước Yên, bức ép Yên vương dời về Liêu Đông. Năm 225 nước Tần diệt nước Nguỵ. Năm 223 TCN nước Tần diệt nước Sở. Năm 222 TCN nước Tần tiêu diệt nước Đại và nước Yên. Đến năm 221 nước Tần tiêu diệt nước cuối cùng là nước Tề.
Trong khoảng thời gian 10 năm xuất binh chinh phạt, trừ nước Triệu và nước Sở có chống cự không đáng kể, quân Tần hầu như thắng như chẻ tre, quét sạch sáu nước, thống nhất thiên hạ, cục diện chiến loạn kéo dài 500 năm thời Xuân Thu – Chiến Quốc đến đây là kết thúc. Vậy thì giai đoạn lịch sử này có ý nghĩa như thế nào?
Xuân Thu – Chiến Quốc kéo dài 500 năm, những biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, phương thức quản lý xã hội, chế độ quan lại, v.v… có ảnh hưởng lớn đến xã hội Trung Quốc sau này.
Chúng ta đầu tiên nói một chút về quân sự. Năm 222 TCN, nước Tần tiêu diệt triệt để nước Sở. Trước đó Tần vương đã từng đưa ra trước hai vị tướng quân cùng một câu hỏi. Ông hỏi lão tướng Vương Tiễn: “Muốn diệt nước Sở cần bao nhiêu người?”. Vương Tiễn đáp: “Cần 60 vạn”. Tần vương lại hỏi câu đó với một vị chiến tướng khác là Lý Tín, Lý Tín trả lời: “Chỉ cần 20 vạn là đủ”.
Tần vương cảm thấy lão tướng Vương Tiễn khá cứng nhắc, còn Lý Tín là người trẻ tuổi nhuệ khí bừng bừng. Tần vương bèn đem 20 vạn quân giao cho Lý Tín. Vương Tiễn thấy vậy cáo bệnh về nhà.
Lý Tín là một danh tướng nước Tần thời Chiến Quốc. Thời Hán có một vị tướng rất nổi tiếng là Lý Quảng. Lý Quảng là thế hệ sau của Lý Tín, nhà họ Lý ấy qua các đời đều làm tướng.
Lý Tín mang 20 vạn binh tấn công nước Sở, khi bắt đầu thì rất thuận lợi. Sau này tướng quân nước Sở là Hạng Yên đánh một trận phản công đả bại quân Tần. Lý Tín đành phải thu quân quay về.
Tần vương rất tức giận, ông mới nghĩ đến Vương Tiễn nên đến nhà thăm vị tướng già này. Lúc đó Vương Tiễn nói với Tần vương: “Nếu để thần dùng binh, bắt buộc phải dùng 60 vạn”. Tần vương thắc mắc: “Năm xưa, những quốc gia xưng bá chư hầu, giống như nước Tề dùng không quá 10 vạn (1). Hiện tại đánh Sở phải cần đến 60 vạn là sao? Tại sao cần nhiều người đến như thế?”.
Vương Tiễn nói với Tần vương: ‘Chiến tranh thời Xuân Thu khác với chiến tranh thời Chiến Quốc. Trước thời Chiến Quốc, tác chiến giữa các nước chư hầu đều là hẹn ngày (ước nhật – 約日) xong rồi mới đánh, hai bên bày binh bố trận xong rồi mới tác chiến. Trong quá trình giao chiến, tuy sử dụng vũ lực nhưng không muốn gây tổn thương cho đối phương quá nhiều. Mục đích của cuộc chiến là để thảo phạt tội lỗi, chứ không toan tính cướp đất của đối phương. Do đó thời gian chiến tranh vô cùng ngắn, hơn nữa còn có ý nhường nhau theo lễ. Đến thời Chiến Quốc, bao vây thành trì để tấn công phải mất hàng mấy năm, trên chiến trường động một tí là chém đầu hàng vạn thủ cấp”.
Khi chúng ta giảng đến ‘trận chiến Trường Bình’, từng nhắc đến việc một lần nước Triệu thua trận đã mất 40 vạn tướng sĩ. Cho nên nói chiến tranh thời Chiến Quốc đã khác nhiều so với thời Xuân Thu. Chúng ta nói về Ngô – Việt tranh bá, đó là vào những năm cuối thời Xuân Thu, có một trận chiến từ năm 476 đến 473 TCN, chỉ đánh nhau trong 3 năm. Đến Tam gia phân Tấn (đây là trận chiến đầu tiên thời Chiến Quốc), chỉ đánh nhau trong 2 năm, từ năm 455 đến 453 TCN.
Còn trước thời Xuân Thu, thời gian chiến tranh còn ngắn hơn nữa, thậm chí trong một ngày đã kết thúc rồi. Vũ Vương phạt Trụ, sau khi đến Mục Dã, một ngày là kết thúc trận chiến, đó là trận chiến lớn nhất khi nhà Chu diệt nhà Thương.
Chiến tranh thời Xuân Thu – Chiến Quốc đã phát sinh biến hoá rất lớn, nó mang đến vấn đề gì? Thời Chiến Quốc xuất hiện rất nhiều nhà quân sự. Trước thời Chiến Quốc, người viết binh pháp rất ít. Còn trước thời Xuân Thu chỉ lưu lại một cuốn binh thư là “Lục thao” do Khương Tử Nha viết.
Đến thời Chiến Quốc, do chiến tranh nổ ra liên miên, cho nên rất nhiều người viết binh pháp. Ví như những năm cuối thời Xuân Thu, Tư Mã Nhương Thư của nước Tề viết “Tư Mã pháp”, như chúng ta biết Tôn Vũ viết “Tôn Tử binh pháp”; thời Chiến Quốc, Ngô Khởi viết “Ngô Khởi binh pháp”, Tôn Tẫn viết “Tôn Tẫn binh pháp”, Uất Liễu viết “Uất Liễu Tử”.
Trên cơ bản, binh thư chúng ta xem đều ở thời Chiến Quốc hoặc cuối thời Xuân Thu. Do thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc hay xảy ra chiến tranh, cho nên đây là một đoạn lịch sử rất quan trọng về mặt quân sự.
Vương Tiễn nói đoạn lời như vậy, Tần vương bị thuyết phục. Thế là Tần vương cấp cho Vương Tiễn 60 vạn quân để diệt Sở.
Lời bạch: Thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, chiến sự xảy ra liên miên, cũng xuất hiện những nhà quân sự như Tư Mã Nhương Thư, Tôn Vũ, Tôn Tẫn v.v. Họ không chỉ bách chiến bách thắng mà còn viết thành sách nói về dụng binh. Xuân Thu – Chiến Quốc là thời kỳ rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
Chúng ta lại nói một chút về thay đổi ở mặt chính trị. Chúng ta xem “Sử ký”, trong “Sử ký” có 5 thể lệ (2): ‘bản kỷ’, ‘thế gia’, ‘liệt truyện’, ‘thư’, ‘biểu’.
12 ‘bản kỷ’ ghi chép về Hoàng đế hoặc các triều đại lớn, ví dụ như Hạ bản kỷ, Thương bản kỷ v.v. Ghi chép về triều đại lớn hoặc về Hoàng đế thì gọi là bản kỷ.
‘Thế gia’ thì ghi chép về chư hầu. ‘Liệt truyện’ ghi chép về những người phổ thông. ‘Thư’ ghi chép những điều có quan hệ với với văn hoá. Còn ‘biểu’ là ghi chép về thời gian, thời gian nào phát sinh sự việc gì.
‘Thế gia’ là gì? Nó có quan hệ với chế độ chính trị thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc. Điều mà triều nhà Chu thực hành là chế độ ‘phân đất phong hầu’ (phân phong – 分封), Thiên tử phân phong cho chư hầu, chư hầu phân phong cho đại phu, đại phu lấy đất được phong đó phân phong cho ‘sĩ’, đây chính là thực hành chế độ ‘phân đất phong hầu’. Những người được phong đất không chỉ mảnh đất đó được ‘cha truyền con nối’ (thế tập – 世襲), mà thân phận của họ cũng là cha truyền con nối.
Điều nhà Chu thực hành là chế độ kế thừa dành cho con trai trưởng của vợ cả, con trai trưởng của quốc vương làm vua, con trai trưởng của chư hầu vẫn là chư hầu, con trai trưởng của đại phu vẫn là đại phu. Do đó tước vị và phong ấp cứ đời đời nối tiếp như thế, gọi là ‘chức quan truyền đời, bổng lộc nối tiếp’ (thế khanh thế lộc – 世卿世祿). Cũng chính là nói họ là quý tộc, thế hệ này truyền lại phong tước và phong ấp cho thế hệ tiếp theo. Cho nên trong “Sử ký” dùng ‘Thế gia’ để ghi lại lịch sử của giới quý tộc và sự hưng suy của họ.
Đến cuối thời Xuân Thu đầu thời Chiến Quốc, chế độ ‘thế khanh thế lộc’ bắt đầu tan rã. Do khi ấy chiến tranh thường xuyên, quốc vương phải tuyển chọn người tài để lãnh đạo quân đội, cũng cần người tài để trị lý quốc gia, do đó không thể ‘cha truyền con nối’, mà là ai có tài năng thì dùng người đó.
Ví dụ điển hình là thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng. Quản Trọng xuất thân vô cùng thấp kém, thuở thiếu thời trong nhà rất hoàn cảnh, là một người rất nghèo khó hèn mọn. Nhưng sau này ông trở thành tướng quốc của nước Tề, địa vị của ông so với con trai lớn của tầng lớp ‘khanh’ còn cao hơn.
Cho nên đến thời Xuân Thu – Chiến Quốc, toàn bộ chế độ ‘thế khanh thế lộc’ chuyển thành chế độ ‘quan lại’ (quan liêu – 官僚). Cũng chính là nói nếu là một người có tài năng, bạn có thể có được đất phong, cũng có thể có tước vị. Nhưng đất phong và tước vị của bạn không thể truyền lại được. Nếu một ngày bạn cáo lão, từ quan về quê, tước vị và phong ấp của bạn đều phải giao lại.
Chế độ cha truyền con nối đã biến thành chế độ quan lại, biến thành chế độ quan lại thuê mướn. Đây là biến hoá phát sinh trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Đến thời nhà Tần, nó không thực hành ‘phân đất phong hầu’, chế độ ‘thế khanh thế lộc’ tan rã hoàn toàn. Nó chuyển từ quốc gia với chế độ ‘phân đất phong hầu’ biến thành quốc gia với chế độ ‘trung ương tập quyền’.
Tần Thuỷ Hoàng khi thống nhất thiên hạ, từng hạ chiếu hỏi đại thần: “Quốc gia nên quản lý như thế nào?”. Thừa tướng Vương Oản đề xuất: “Giống như nước Yên, Tề, Sở, Triệu, những nơi cách chính phủ trung ương chúng ta rất xa, vậy làm thế nào để quản lý những địa phương đó? Thần kiến nghị khôi phục lại chế độ ‘phân đất phong hầu’ như thời nhà Chu, ‘phân phong’ cho con em của Tần vương đến nơi ấy làm vương”.
Khi đó Đình uý Lý Tư kiên quyết phản đối kiến nghị của Vương Oản. Ông nói: “Năm đó khi Chu Vũ Vương phân đất phong hầu, các nước vốn dĩ là quan hệ anh em rất tốt, nhưng sau khi truyền mấy đời, mối quan hệ đó càng ngày càng không thân nữa. Đến thời Chiến Quốc, họ đọ gươm đao với nhau, không còn mối quan hệ thân thuộc như xưa.
Nếu khôi phục lại chế độ phân đất phong hầu, chính là khai mở lại cục diện chiến loạn thời kỳ Chiến Quốc. Cho nên thần kiến nghị thể chế chính trị quốc gia chuyển từ chế độ ‘phân đất phong hầu’ sang chế độ ‘quận huyện’”.
Khi ở chế độ phân đất phong hầu, chư hầu thống trị một quốc gia tương đối độc lập, anh ta có quân đội riêng, tài chính riêng, có quyền bổ nhiệm/bãi nhiệm, cho nên đó là một vùng đất tương đối độc lập. Còn huyện lệnh trong chế độ quận huyện, người ấy không phải là chủ nhân của quận hoặc huyện đó, mà chỉ là phụ trách việc trị lý ở đó; giống như một công ty, người ấy không phải là Chủ tịch hội đồng quản trị, mà là một Giám đốc điều hành – CEO. Chế độ quận huyện là quốc gia phái quan lại đến quận hoặc huyện đó để trị lý, quận huyện không phải thu thuế để nuôi sống bản thân, mà là dựa vào bổng lộc của chính phủ trung ương.
Tần Thuỷ Hoàng cho rằng kiến nghị của Lý Tư rất tốt, bèn phân Trung Quốc thành 36 quận, dưới quận là huyện.
Chế độ quận huyện kỳ thực ở thời Đông Chu liệt quốc đã thực thi, thời ấy một số chư hầu thông qua chiến tranh mà đoạt lấy đất đai, hoặc thông qua khai khẩn mà có được đất đai, họ không muốn phân cho đại phu, nên chư hầu bèn lấy vùng đất đó đặt thành quận hoặc huyện.
Thời Đông Chu liệt quốc, quận và huyện là bằng cấp với nhau. Vùng đất ở xa, ít người mà đất đai lại rộng lớn, nhân khẩu khá ít, thì địa phương ấy đặt thành quận. Còn vùng đất nhỏ mà mật độ nhân khẩu lớn thì đặt thành huyện. Sau này tuỳ theo sự phát triển, rất nhiều quận mà trước đây hoang vu lạnh lẽo, hiện tại nhân khẩu tăng nhiều, bèn lấy quận đấy chia thành các huyện khác nhau, như thế đã biến quận thành cấp trên của huyện, cấp quận hơn cấp huyện là từ đây mà ra.
Chế độ ‘phân đất phong hầu’ chuyển thành chế độ ‘quận huyện’ là một sự thay đổi rất lớn của Đông Chu liệt quốc (các nước thời Đông Chu).
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Thiên thừa – 千乘: nghĩa là nghìn cỗ xe. Một cỗ xe có khoảng 100 người điều khiển, 1000 cỗ xe = 1000×100 = 100.000 = 10 vạn.
(2) Thể lệ: Cách thức sắp xếp của tác phẩm, hoặc là hình thức tổ chức của tác phẩm văn chương.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch