Đại Kỷ Nguyên

Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền (P.2)

“Tiếng pháo như hùng hồn đoạn tuyệt với những xui rủi của năm cũ, để ‘tống cựu nghinh tân’, để xua ma đuổi tà và mang lại niềm hy vọng bừng bừng cho năm mới…”

Lễ trừ tịch đêm giao thừa

Vào trước thời điểm 12 giờ đêm 30 tháng Chạp hay giờ Chính Tý, tức là giao thừa, nhà nhà bày hương án ra sân để cúng giao thừa. Các thôn xã ở quê thì cúng giao thừa ở nơi sinh hoạt chung của cộng đồng như sân đình, điếm canh hay ở Văn chỉ – tức là nơi thờ các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của địa phương. Đồ cúng là vàng hương, trầu rượu, hoa quả, xôi gà. Khi ấy, pháo sẽ nổ vang trời, chiêng trống sẽ dậy đất.

Việc cúng giao thừa của một cộng đồng như vậy còn được gọi là Lễ Trừ Tịch. Trừ là trao lại chức quan, Tịch là ban đêm. Người xưa tin rằng mỗi năm sẽ có một vị quan Hành khiển cai quản. Có 12 vị luân phiên nhau trong một giáp. Các vị sẽ ban phúc hay giáng họa tùy vào tình trạng đạo đức của vua quan hay dân chúng năm đó.

Đối với các gia đình, nhiều người không có ý thức rõ ràng lắm về Lễ Trừ Tịch, chỉ đơn giản là cúng gia tiên mà thôi.

Mua nước để mong tiền vào như nước

Xưa ở phố có nhiều người gánh nước thuê. Sau giao thừa, họ vẫn tự động gánh nước đến các nhà ở phố và chủ nhà sẽ vui vẻ mà trả công cho họ gấp 5 gấp 10 ngày thường với quan niệm: đầu năm có nước đến thì cả năm sẽ được “tiền của vào như nước”. Những hộ buôn bán còn cẩn thận dặn dò họ gánh nước đến từ một vài hôm trước.

Đi lễ lúc giao thừa, hái lộc

Ở phố, người ta còn đi lễ ở đền chùa trong lúc giao thừa. Họ cầu Phật, Thánh phù hộ độ trì cho cả gia đình mạnh khỏe bình an, mọi việc như ý. Có người lễ xong ra về còn mang theo mấy nén hương gọi là hương lộc. Có người không mang hương lộc về mà lại ra sân vườn chùa bẻ một cành nhỏ có lá mang về giắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên, gọi là tục hái lộc. Lộc cây khiến người ta liên tưởng đến lợi lộc, tài lộc.

Ở nông thôn, vì “trời tối như đêm ba mươi Tết” nên người ta không ra khỏi nhà lúc giao thừa mà đợi sáng mồng 1, sau khi làm cỗ cúng gia tiên rồi mới lên đền chùa xin lộc.

Người Việt có tục hái lộc, khi đi lễ đêm 30 Tết trở về, họ hái một cành cây, hoa (gọi là lộc). (Ảnh minh họa: zing.vn)

Xông nhà, xông đất

Người đầu tiên bước chân vào phạm vi nhà mình sau giao thừa được gọi là người xông nhà, xông đất. Người ta tin rằng tính nết người này rất quan trọng cho vận khí của gia chủ trong năm đó. Người được chọn xông nhà cần vui vẻ xởi lởi, dễ tính, tốt nết. Người này sẽ đốt một bánh pháo mừng và nói lớn chúc gia chủ những điều tốt lành tùy theo gia cảnh của họ. Chủ nhà sẽ cảm ơn và chúc lại người xông nhà mọi điều hay, có khi còn biếu tặng một phong bao đựng tiền màu hồng đào, gọi là “mở hàng”.

Mừng tuổi, mở hàng

Mừng tuổi là phong tục người lớn cho tiền trẻ nhỏ khi chúc Tết. Trước hết là người lớn mừng tuổi con cháu trong nhà. Có thể người lớn là chủ nhà mừng cho khách nhỏ, hoặc là khách đến chơi nhà mừng tuổi con cháu của chủ nhà. Ý nghĩa của tục mừng tuổi là mong ước trẻ nhỏ mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan ngoãn giỏi giang.

Tiền mừng tuổi còn được gọi là ‘tiền mở hàng’. Số tiền được mừng thường là số lẻ với hàm ý muốn tiền nong sẽ dư thừa.

Những năm gần đây, người ta hay dùng lẫn lộn từ lì xì với mừng tuổi. Theo thiển ý của chúng tôi, từ lì xì có gốc từ “lợi thị” trong tiếng Trung, chính xác là tiếng Quảng Đông và là phương ngữ của miền Nam Việt Nam. Người miền Bắc và Bắc Trung Bộ hay dùng từ “mừng tuổi”.

Chúc Tết

Sáng sớm mồng một Tết, người ta làm lễ cúng gia tiên. Mâm cúng thường có cá kho, giò chả, bánh chưng, dưa hành, thịt bò thì mới ra mâm cúng gia tiên. Mọi người theo thứ tự trên dưới trong nhà vào lễ trước bàn thờ. Trước khi lễ, người ta đốt pháo. Thường là lúc đó ở làng trên xóm dưới pháo sẽ nổ râm ran. Tiếng pháo như hùng hồn đoạn tuyệt với những xui rủi của năm cũ, để “tống cựu nghinh tân”, để xua ma đuổi tà và mang lại niềm hy vọng bừng bừng cho năm mới.

Rồi con cháu quây quần bên ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ sẽ bảo ban lũ nhỏ vài lời rồi mừng tuổi cho chúng.

Sau đó, nhà nào cũng lo làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân. Những người con thứ đã ra ở riêng tập trung ở nhà người trưởng nam để cúng những tiền nhân đã khuất.

Sau khi cúng gia tiên ở nhà, con cháu trong các gia đình, các chi họ ra lễ ở nhà thờ chi, nhà thờ Tổ. Các hào trưởng, hương lý trong làng ra đình làm lễ tế Thần, tế Tổ theo nghi thức trọng thể.

Người Việt có câu:

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.

Sau ngày mồng một là chúc Tết họ nội, mồng hai sẽ dành để chúc Tết họ ngoại, những chỗ ân tình, thân thiết. Con rể tương lai cũng cần đến chúc Tết nhạc gia.

Sang đến ngày mồng ba, học trò dù đã lớn tuổi hay quyền cao chức trọng, thành đạt cỡ mấy cũng phải đến lễ thầy dạy mình. Bởi vì nói cho cùng, có ai quan trọng hơn cha mẹ và thầy, chẳng thế mà điều ấy đã đi vào ca dao:

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.

Tết là dịp để bày tỏ lòng biết ơn của mọi người. (Ảnh: qtv.vn)

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết

Người Việt quan niệm rằng những việc xảy ra trong mấy ngày đầu năm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ trong cả năm đó. Bởi vậy, trong ba ngày Tết, người ta kiêng kỵ những hành vi lời nói có thể đem đến sự xui rủi hay “giông cả năm”. Ví như:

Giữ gìn để không cau có, gắt gỏng, chửi bới, giận dữ, la lối hay xô xát. Họ cũng kiêng để trẻ con khóc.

Kiêng nói con khỉ, con hùm…

Kiêng đánh vỡ chén bát và đồ đạc.

Kiêng đánh đổ ống điếu thuốc lào.

Kiêng mặc đồ trắng, vì là điềm tang gia.

Và đặc biệt họ kiêng hót rác đổ đi. Rác được vun vào một góc, đợi đến ngày động thổ mới được đi đổ rác. Ngày động thổ được xem trong lịch năm mới. Ngày động thổ là ngày được phép động mạnh đến đất như đóng cọc, đào bới đất, giã cối…

Tục kiêng đổ rác lấy từ trong truyện “Sưu Thần ký”. Truyện kể về một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần ban cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà ít năm thì giàu có. Một hôm, vào ngày mồng một Tết, nó chui vào đống rác biến mất. Từ đó người lái buôn lại nghèo như xưa. Có thể thấy Tết Nguyên Đán của ta chịu ảnh hưởng cả những nét văn hóa Trung Hoa rõ rệt.

Những người mà trong nhà có tang cũng không đi chúc Tết người khác để kiêng đem lại những điều không may mắn, tang tóc cho gia chủ.

Ngoại trừ những đồng môn rủ nhau đi chúc Tết thầy thì đến mồng ba Tết là ngày hoàn toàn của gia đình, không ai đi chúc Tết ngày mồng ba. (Chúng tôi vẫn đang nói về phong tục xưa của người Việt.)

Hóa vàng

Thường người Việt hóa vàng vào ngày mồng ba, cũng có những nhà để ngày mồng bốn Tết hay ngày khác nếu mồng ba là ngày xấu đối với tuổi của chủ nhà. Trong ngày hóa vàng, anh em dù đã ở riêng cũng vẫn mang gia đình mình tề tựu tại nhà trưởng nam để hóa vàng và ăn bữa cỗ hết Tết trong tình thân thuộc đầm ấm.

Trong cỗ hóa vàng, ngoài bánh trái còn có tiền gạo được mang lên bày trên bàn thờ để làm lễ tiễn đưa. Gạo đựng trong thúng, tiền âm phủ để trên, được hơ qua làm phép trên đống vàng mã đang cháy, coi như đốt cho người đã khuất nhận lấy.

Trong cỗ hóa vàng, ngoài bánh trái còn có tiền gạo được mang lên bày trên bàn thờ để làm lễ tiễn đưa. (Ảnh minh họa: vtc.vn)

Xuất hành

Xuất hành là tục đi ra khỏi cổng, ra khỏi địa phương nơi mình ở. Đầu năm, có nhiều người Việt, nhất là người buôn bán chọn ngày giờ và hướng xuất hành rất cẩn thận. Việc đó, họ nhờ vào những ông thầy đồ biết chữ Nho. Đa số nói chung cũng không quan tâm đến phong tục này lắm, bởi có nhiều việc không thể không đi dù không được ngày, không được hướng.

Tuy vậy, người Việt có câu: “Chớ đi mồng bảy, chớ về mồng ba”. Người ta cho rằng đi về những ngày này là không may mắn. Do vậy, người ta không xuất hành ngày mồng 7 Tết.

Trong ba ngày Tết, ai đi đâu thì đến chiều tối cũng phải về, kiêng việc có đi mà không có về sẽ giông cả năm cho gia đình.

Khai bút, khai ấn

Khai bút là việc cầm bút viết những chữ đầu tiên trong năm mới. Tất nhiên việc này chỉ quan trọng với giới cầm bút, những anh học trò, những thầy đồ, những bậc khoa bảng hay giới thư lại. Với những giới ấy thì khai bút cũng phải chọn ngày tốt.

Thông thường, để khai bút người ta sẽ viết một dòng là: “Xuân vương chính nguyệt sơ… nhật khai bút đại cát” có nghĩa là: “Tháng đầu xuân ngày mồng… khai bút tốt lành”. Chữ được viết trên giấy hoa tiên – một loại giấy khổ nhỏ có vẽ màu đẹp dùng để viết thư từ. Dòng khai bút được dán trên chỗ ngồi. Có cụ lại khai bút bằng một bài thơ.

Tương tự như việc khai bút, khai ấn là việc chỉ quan trọng với nhà quan, với chính quyền. Thưởng chỉ các quan huyện trở lên mới có ấn. Trước khi khai ấn thì phải bỏ ấn vào hộp, gọi là hạp ấn, để đến khi chọn được ngày tốt khai ấn trong năm mới sẽ bỏ ấn ra, đóng ấn trên một tờ giấy hồng điều có dòng chữ “năm… tháng… ngày… khai ấn đại cát”.

Khai bút là việc cầm bút viết những chữ đầu tiên trong năm mới. (Ảnh: tin247.com)

Tết Nguyên Đán là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ

Suốt cả tháng Giêng, người ta du ngoạn, lễ bái chùa nọ miếu kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thi hoa đăng, chỗ lại hội hè hát xướng hay bài bạc, hay chơi các trò chơi dân gian như quay đất, thò lò… thật đúng như các cụ ta hay nói: “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Âu đó cũng là xuất phát từ phong tục của một mảnh đất thuần nông khi mà người nông dân chưa thể tiếp tục canh tác trên đồng ruộng vì thời tiết chưa thuận lợi.

Tết Nguyên Đán với những phong tục như vậy nói lên rằng người Việt ta rất coi trọng truyền thống, coi trọng gia đình, gia tộc; lại thể hiện rằng chúng ta là một dân tộc sống hết sức tình cảm và ơn nghĩa. Ngày Tết là ngày mà người ta hướng về cội nguồn, thắt chặt tình thân trong gia đình và họ mạc cũng như với cộng đồng, làng xóm. Ngày Tết còn là thời gian người Việt chúng ta ký thác bao nhiêu hy vọng cho tương lai, tái nạp năng lượng tinh thần cho hành trình cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả dân tộc vẫn còn nhiều gian nan vất vả.

Người Năm Cũ

(Bài viết có tham khảo cuốn “Đất lề quê thói” của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu và cuốn “Phong tục Việt Nam” của Phan Kế Bính)

Exit mobile version