Có một lối nghĩ phổ biến rằng người phụ nữ xưa chịu lễ giáo phong kiến, sống cuộc đời khổ cực như nô lệ. Đó là sự thực hay hiểu nhầm lệch lạc về lịch sử?
Đi tìm chứng cứ, tác giả Hà Cầm, nhà hoạt động nghệ thuật lâu năm với tâm huyết khôi phục văn hóa truyền thống đã tìm thấy dấu vết trong những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa.
Bức họa “Nữ sử châm đồ”
Ở mảnh đất Thần Châu vào thời Tây Tấn, tương truyền, hoàng hậu Dương Diễm – thê tử của Tấn Vũ Đế nhận hối lộ của Giả Sung, nên cực lực đề xuất chọn con gái của ông ta là Giả Nam Phong làm thái tử phi. Ban đầu, Tấn Vũ Đế không thích Giả Nam Phong, vì dung mạo xấu xí, tính tình hay ghen tuông. Tuy nhiên, không thể mãi từ chối lời khẩn cầu của hoàng hậu, cuối cùng đành đáp ứng.
Sau khi trở thành thái tử phi, Giả Nam Phong dùng mưu thuật trợ giúp thái tử nhu nhược, ngu dốt chiếm được tình cảm, ưu ái của Vũ Đế nên đăng cơ lên ngôi hoàng đế một cách thuận lợi. Tuy nhiên, triều đình chuyên quyền, loạn chính sự, bại hoại cuối cùng dẫn tới loạn bát vương và sự sụp đổ của nhà Tấn.
Sau khi triều đại Đông Tấn được kiến lập, vì để nhấn mạnh tầm quan trọng về đạo đức của người phụ nữ, không muốn đất nước giẫm lên vết xe đổ cũ của lịch sử, Trương Hoa viết một bài văn chương đầy ẩn ý mang tên Nữ Sử Châm.
Bài văn nhấn mạnh đức hạnh của người phụ nữ quan trọng như thế nào với đất nước. Là một hoàng hậu, càng nên tu dưỡng đạo đức phẩm hạnh cao thượng, lấy sự hiền đức, hòa nhã gây ảnh hưởng tới quân vương, giúp vua có thể thay đổi và bình trị yên ổn thiên hạ. Cố Khải Chi, danh họa nổi tiếng thời Đông Tấn dựa theo bài văn này vẽ nên tuyệt tác nổi tiếng Nữ Sử Châm Đồ. Bài văn có 12 tiết thì bức tranh gồm 12 đoạn, mô tả tấm gương các liệt nữ trong đó bao gồm Phàn Cơ cảm trang, Phùng Tiệp Dư đáng hùng, Ban Tiệp dư từ liên…
Phàn Cơ cảm Trang
Phàn Cơ là công chúa nước Phàn, là Vương hậu của Sở Trang vương – một vị quân chủ nước Sở thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Có một giai thoại rằng, khi Sở Trang vương muốn lập chính thất, ông hạ lệnh cho các cung phi của mình chuẩn bị lễ vật trong 3 ngày, ai có lễ vật ổn thỏa và cần thiết nhất với ông, thì sẽ được chọn.
Nhưng đến ngày, trong khi các thị thiếp dâng lên nào là trân châu bảo thạch, duy chỉ có Phàn Cơ không có thứ gì. Sở vương gặng hỏi, thì bà đáp: “Xin Đại vương nghe thiếp nói một câu này, Đại vương nói lễ vật đưa đến phải là vật cần thiết nhất hiện tại đối với Đại vương. Trước mắt Đại vương cần là gì? Ngoài việc lập một chính phu nhân, chẳng lẽ còn có cái gì trọng yếu hơn nữa sao?” (ý rằng bà chính là điều Sở Trang vương cần nhất lúc này).
Sở Trang vương bèn chọn bà làm Vương hậu. Trước khi thành một vị quân chủ xuất chúng, Sở Trang vương rất thích mua vui bằng việc săn bắn. Phàn Cơ không vui, vì bà biết quân chủ ưa săn bắn ca hát, thì sẽ tự hủy hoại sự nghiệp của mình. Phàn Cơ chủ động khuyên can, nhưng Trang vương vẫn chứng nào tật nấy, nên bà quyết định cự tuyệt không ăn thịt thú rừng. Điều này khiến Sở Trang vương băn khoăn, từ đó không còn lấy săn bắn làm vui. Đây là điển tích nổi tiếng, gọi là “Phàn Cơ cảm Trang”, nghĩa là Phàn Cơ cảm hóa Sở Trang vương rất được các học sĩ và giới sĩ phu tán thưởng.
Phùng Tiệp Dư đáng hùng
Phùng Viện còn gọi là Phùng Tiệp dư, là một phi tần của Hán Nguyên Đế Lưu Thích. Khi còn là Tiệp dư, Phùng Viện nổi tiếng trong lịch sử thông qua việc chắn gấu cứu Hán Nguyên Đế trong một lần Hoàng đế ngự xem gấu, mà con gấu lại đột nhiên xổng ra, được gọi là điển tích “Tiệp dư đáng hùng” nghĩa là Tiệp dư chắn gấu.
Ban Tiệp Dư từ liên
Ban Tiệp dư là một phi tần của Hán Thành Đế Lưu Ngao, vị Hoàng đế thứ 12 của triều Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ban Tiệp dư rất thích đọc Kinh Thi và các sách cổ học khác như Đức tượng, Yểu điệu hay Nữ sư, khi yết kiến Hoàng đế bà thường thực hiện những quy tắc hợp lệ, không vì được sủng ái sinh kiêu ngạo.
Bà không chỉ đa tài đa nghệ mà còn vô cùng hiền thục, không nói chuyện thị phi, không huênh hoang khoác lác, cũng không làm mất lòng ai, ngay đến cả Thái hậu Vương Chính Quân cũng rất yêu quý bà. Ban Tiệp dư được chuyên sủng hậu cung nhưng rất biết phép tắc.
Có một lần đi ra ngoài, Hán Thành Đế định cho làm một chiếc xe rộng lớn để Ban Tiệp dư có thể ngồi chung. Biết chuyện ấy, Ban Tiệp dư lễ phép tâu: “Tâu bệ hạ, xưa nay bậc Thánh vương khi xuất ngoại, chỉ có những bậc đại thần là được phép ngồi cạnh Hoàng đế mà thôi. Nay, rộng ơn bệ hạ cho phép thiếp ngồi cùng, nhưng làm vậy, chắc chắn sẽ tổn hại đến thanh danh hiền đức của bệ hạ. Cúi xin bệ hạ lượng thứ thần thiếp, xét lại việc này, miễn cho thần thiếp ngồi chung xe”.
Lời tâu của Ban Tiệp dư rất có đạo lý, nên Hán Thành Đế phải hủy bỏ ý định. Thái hậu nghe chuyện, rất lấy làm tâm đắc, cất lời khen: “Thật là hiếm có, xưa có Phàn Cơ, nay có Ban Tiệp dư”.
Đó là một vài tích truyện được thể hiện trong tác phẩm hội họa đỉnh cao. Thành tựu nghệ thuật của bức họa là không thể phủ nhận, với những nét vẽ tinh xảo, các nhân vật trong bức tranh đều vô cùng trang nhã, ăn mặc sang trọng, nhẹ nhàng nhưng vẫn lộ ra vẻ xuất thần, là một báu vật quốc gia được truyền lại.
Địa vị của người phụ nữ xưa
Rõ ràng qua các tích cổ còn được lưu lại trong sử sách và tác phẩm nghệ thuật, người phụ nữ có phong thái đạo đức rất được ngưỡng mộ, kính trọng. Hơn thế, họ đã góp tiếng nói có trọng lượng kịp thời can gián, giúp lang quân trong việc công việc tư. Nếu thật sự bị coi thường, liệu lời người phụ nữ có phẩm hạnh có thể được lưu tâm như vậy hay không?
Người hiện đại thường có sự hiểu nhầm, cho rằng nữ giới không được coi trọng trong thời cổ đại. Trên thực tế, xã hội truyền thống rất coi trọng nữ giới. Khổng Tử biên soạn Kinh Thi, ngay trong lời mở đầu là bài thơ Quan Thư, có nhấn mạnh về hiền đức của người phụ nữ đối với gia đình và thậm chí là với đất nước, cũng là những người đáng được yêu thương và tôn trọng. Kinh Thi viết:
“Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia”.
Dịch thơ:
“Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui”.
(Dịch giả: Tạ Quang Phát)
Từ 4 câu thơ này có thể thấy trên 3.000 năm trước cổ nhân đã dùng những ca từ vô cùng chất phác và nhiệt tình để tả quang cảnh thiếu nữ xuất giá theo chồng. Phụ nữ sau khi xuất giá thì ở nhà giúp chồng dạy con trong khi người chồng thì lo gây dựng sự nghiệp bên ngoài, họ đồng cam cộng khổ tương thân tương ái một đời. Vốn dĩ đây là những hình ảnh rất đỗi bình thường và an lạc của cuộc sống trong xã hội phong kiến khi xưa. Những lời mô tả cảnh vu quy cũng cho thấy đó là việc vui của mọi nhà, nào phải cảnh u sầu khi phận liễu yếu đào tơ sắp bước vào nhà người khác mà úa cả đời hoa. Tuy nhiên, xã hội ngày nay lại diễn giải sai lệch thành bi kịch bất bình đẳng của người phụ nữ.
Một xã hội trọng đạo đức, con người sẽ được trân trọng
Trong hoàng thất, hoàng đế có các nhà sư học ghi lại lời nói và việc làm, có các gián quan khuyên nhủ, gián ngôn tránh cho hoàng đế có những lời nói và hành động phi đạo đức. Hoàng hậu cũng có những nữ sư gia để dạy bảo và can gián. Quốc gia từ trên xuống dưới, đối với đạo đức và giáo hóa đều cực kỳ coi trọng, cho dù là Cửu ngũ chí tôn, Mẫu nghi thiên hạ cũng không thể không tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Trong bầu không khí như vậy, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã xuất hiện, ra đời để duy hộ bảo tồn đạo đức, khuyến khích mọi người hành thiện tích đức, không làm điều ác.
Ngoài loại tác phẩm nghệ thuật có tác dụng giáo hóa đạo đức rõ ràng này, còn vô số tác phẩm khác ca ngợi xứ sở đào nguyên tiên cảnh, cũng nhằm giữ gìn, bảo vệ sự thuần chân thuần thiện thiên bẩm của con người.
Người xưa vô cùng sùng đạo, Khổng Tử được tôn là bậc thánh nhân thực sự cũng là người học hỏi theo Lão Tử. Đạo Đức Kinh, tác phẩm kinh điển của Đạo giáo cũng chỉ rõ, người muốn thuận theo đạo trời, cần coi trọng đạo đức. Đạo gia khuyên nhủ người dân phản phác quy chân, giải thoát khỏi sự ràng buộc của danh, tình, lợi, quay trở về bản tính vô triêm vô nhiễm.
Cổ nhân tin rằng, muốn làm được điểm này, một cách tương đối đơn giản là mai danh ẩn tích, tìm vùng tịnh thổ ở đào hoa viên trong núi sâu. Sau đó, Trung Quốc cổ đại liền xuất hiện nhiều bức tranh sơn thủy, tranh ẩn sĩ. Những bức tranh sơn thủy như vậy ẩn chứa nội hàm văn hóa Đạo gia sâu sắc, phản ánh sự cao thượng, cảm hứng, tấm lòng ngay thẳng của các họa sĩ, khiến người xem quên đi dục vọng, ham muốn phàm tục, trào dâng tâm thái thành kính với tạo hóa trời đất, bừng tỉnh nhận ra sự nhỏ bé của bản thân, khiêm nhường, hiếu đạo.
Theo Hà Cầm, Shen Yun
Kiên Định biên dịch
Video: Trở về với vai trò người phụ nữ truyền thống