Nửa đêm, thầy giáo nghe thấy tiếng nói từ sảnh giữa truyền ra, nói về cách làm sao để báo thù người chủ gia đình đã làm giàu bằng cách lừa đảo.
Vào thời nhà Thanh, có một phú ông ở vùng Bảo Trì, tỉnh Thuận Thiên, bản tính tham lam giảo trá. Ông ta bơm thủy ngân vào cột đồng ở đầu ngang của cân, bình thường mỗi khi dùng cân để mua bán gì đó, ông sẽ nâng mặt phải của cân lên để thủy ngân trong cân chảy sang bên trái, để ông ta có thể mua thứ gì đó với ít tiền hơn. Khi bán một thứ gì đó, ông ta nâng mặt trái của cân lên để thủy ngân trong cân chảy sang bên phải, điều này giúp ông ta ăn bớt trọng lượng thực tế và thu được nhiều tiền hơn. Ông ta dùng thủ đoạn này lừa dối người khác để thu được lợi ích, không ai có thể biết được mánh lới này của ông ta.
Ở cùng quận có một chàng thư sinh họ Triệu, làm thầy giáo cho nhà phú ông này. Có một đêm giao thừa, phú ông mời chàng ở lại nhà mình đón Tết, chàng ngủ một mình ở căn phòng bên cạnh sảnh giữa. Đến nửa đêm, chàng thư sinh nghe thấy ngoài cửa có âm thanh lạo xạo, giống như có vài người đang rón rén tiến đến, đi đi lại lại ở đại sảnh, lại nghe thấy âm thanh giống như có người đi ra nghênh tiếp khách bên ngoài.
Người ngoài cửa nói với người trong sảnh: “Nhà này dùng cân thủy ngân kiếm tiền, lừa đảo người ta nhiều năm rồi, dùng cái gì để báo ứng hắn đây?” Người trong sảnh nói: “Dùng lửa đốt nhà hắn đi.” Người ngoài cửa đáp: “Báo ứng thế quá nhẹ.” Người trong sảnh lại nói: “Hãy tuyệt diệt con cháu đời sau của hắn.” Người kia lại đáp: “Như vậy thì quá nặng.” Qua một lúc, người trong sảnh lại nói: “Dùng Liễu thị đến báo thù.” Thầy giáo nghe xong, cảm thấy rất kỳ quái, nên mặc quần áo đứng dậy kiểm tra, lúc này đã vô thanh vô tức.
Thư sinh cho rằng đây nhất định là lời Thần nói, đồng thời chàng cũng nghĩ đến phú ông lúc bình thường không có nhân đức, mới bị Thần khiển trách, nếu bản thân tiếp tục ở trong nhà của ông ta, e là sẽ bị vạ lây. Qua một vài ngày, chàng lấy lý do vì việc khác mà phải từ chức, nói lời cáo biệt.
Chẳng bao lâu, phú ông mua một người thiếp họ Liễu, vì Liễu thị rất xinh đẹp, phú ông đặc biệt sủng ái, vì thế bắt đầu bất hòa với vợ. Mọi người trong nhà cãi vã, lăng mạ lẫn nhau ngày đêm không ngừng. Một ngày nọ, vợ ông và Liễu thị lại nhiếc móc nhau, trong khi mắng nhau còn lôi cả phú ông vào, phú ông điên tiết, túm lấy tóc vợ mà đánh, cuối cùng đấm bà đến chết. Gia đình vợ phú ông kiện lên quan phủ, sau khi thẩm vấn, quan phủ thấy rằng việc phú ông giết vợ có chứng cứ xác thực, phải xử tử theo pháp luật.
Lúc này, Triệu Sinh, người từng làm thầy giáo trong gia đình phú ông, đã liên tiếp thi trúng khoa cử, và đang sống ở Trường An. Con trai phú ông chạy đến Trường An cầu cứu Triệu tiên sinh, Triệu tiên sinh kinh ngạc kể lại câu chuyện mình đã nghe trong đêm ở nhà phú ông năm xưa, rồi nói: “Có chuyện như vậy, năm đó tôi có nghe nói qua, chỉ là cái gọi là ‘quả báo Liễu thị’ là gì thì tôi không biết. Hôm nay nó thực sự đã ứng nghiệm, đây chính là ý trời! Thiên nộ bất khả vi, vi nghịch thiên ý là cực kỳ xui xẻo, hãy mau trở về nói xin lỗi cha cậu, tôi cũng không thể giúp gì được ông ấy.”
Sau khi con trai về đến nhà, tháo cân ra xem, quả nhiên thấy bên trong có thủy ngân, lúc đó mới cảm thấy vừa kinh hãi vừa hối hận. Gia đình phú ông từ đó tán gia bại sản, vụ án này cuối cùng không thể lật ngược.
Đứa trẻ ba tuổi báo oán cho cha
Sự tình tương tự cũng xảy ra vào thời nhà Thanh, có hai người ăn xin lang thang ở huyện Hoắc Khâu, tỉnh An Huy, người ăn xin Giáp mang theo vợ và một đứa con nhỏ, đứa trẻ mới ba tuổi, tên là Lưu Hắc, cũng chưa biết nói. Người ăn xin Ất một thân một mình, hai người họ đi ăn xin cùng nhau. Vợ của Giáp bí mật ngoại tình với Ất, nhưng Giáp không hề biết chuyện đó.
Một ngày nọ, họ đến ở trong một ngôi chùa bỏ hoang cách xa huyện thành hàng chục dặm, trong chùa không có tăng nhân, xung quanh cũng không có hàng xóm. Giáp đã ngủ rất say, vợ anh ta cùng người tình Ất ra tay giết chồng. Ất dùng dây thừng siết cổ Giáp, còn vợ Giáp thì giữ chân Giáp đến khi chết, đứa trẻ ngồi một bên khóc. Cả hai ném xác Giáp xuống giếng rồi bỏ chạy.
Khi họ chuẩn bị rời huyện Hoắc Khâu đến huyện Cố Khởi tỉnh Hà Nam, Ất đã thương lượng với gian phụ, rằng việc mang theo đứa bé đi trên đường là rất bất tiện, chẳng bằng bán quách nó đi. Lúc này, họ đi ngang qua một ngôi làng, có một người dân làng muốn mua đứa bé, nên đưa cho họ một trăm tiền rồi bế đứa bé rời đi. Đi được chưa xa, người dân làng hỏi đứa bé: “Ông ấy có phải bố của con không?” Đứa bé đáp: “Không.” Lại hỏi: “Bố con ở đâu?” Đứa bé nói: “Bị họ giết rồi.” Khi đó, người xung quanh đều cảm thấy rất kỳ quái, hỏi lại lần nữa, đều cùng một câu trả lời, nhưng khi hỏi những việc khác, thì đứa bé không thể trả lời.
Dân làng sợ bị liên lụy, vội vàng tập hợp người đuổi theo, nói dối là sẽ trả lại đứa bé cho họ. Đứa bé lao vào lòng mẹ khóc lớn, nhưng người mẹ không thừa nhận, nói: “Đây không phải là con tôi.” Mọi người càng nghi hoặc hơn, nên cùng với trưởng thôn, đưa cả người phụ nữ và người ăn xin đến huyện nha. Khi bị quan phủ thẩm vấn, người phụ nữ và người ăn xin Ất thẳng thừng phủ nhận hành vi phạm tội, trong khi đứa bé vẫn trả lời trước sau như một. Quan phủ liền bắt giam cả hai người này và thẩm vấn nghiêm hơn. Hai người cuối cùng không thể không thú tội, cùng sai dịch quay trở lại ngôi chùa, trục vớt thi thể của Giáp ra khỏi giếng, chứng cứ xác tạc.
Khi đó, Tương Lập Am là tri phủ Dĩnh Châu, huyện Hoắc Khâu thuộc phạm vị thẩm quyền của ông, ông từng đích thân thẩm vấn vụ án này. Khi hỏi đứa bé điều gì khác, đứa bé căn bản không thể trả lời, chỉ có thể trả lời một câu này. Sau đó, huyện phủ đã nuôi nấng đứa bé. Nếu không có đứa trẻ này, ăn xin Ất và vợ của ăn xin Giáp đã nhanh chóng tiến vào Dự Châu, tỉnh Hà Nam mà không có ai tố cáo, còn ăn xin Giáp sẽ vĩnh viễn hàm oan dưới đất. Điều này có lẽ là do ăn xin Giáp đã thác linh vào đứa bé để báo oán cho mình; Đôi gian phu gian phụ mưu sát chồng, thiên lý nan dung, vụ án trong bóng tối này đã soi sáng cho người đời sau!
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch