Đại Kỷ Nguyên

Phù Sinh: Bạo chúa chột mắt khát máu bậc nhất Trung Hoa và quả báo chết không toàn thây

Phù Sinh: Bạo chúa chột mắt khát máu bậc nhất Trung Hoa và quả báo chết không toàn thây

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Những ghi chép trong thư tịch cổ cho thấy lịch sử vương quyền Trung Hoa đã bắt đầu từ triều Hạ (khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 2 TCN). Trải qua ngót 4000 năm, Trung Hoa đã sản sinh ra rất nhiều hoàng đế[1]. Một số được nhớ đến như những nhà cai trị ôn hòa, đức hạnh: Đường Thái Tông Lý Thế Dân (triều Đường) hay Khang Hy (triều Thanh). Nhưng cũng có những bạo chúa khét tiếng độc ác, bất tài và sa đọa. Một trong số đó là Phù Sinh.

Về lý mà nói, Phù Sinh chưa phải là hoàng đế trị vì trên một đất nước Trung Hoa thống nhất trọn vẹn. Ông chỉ là một trong số rất nhiều vị vua cầm quyền trong suốt thời đại “Ngũ Hồ thập lục quốc”[2], một thời đại loạn lạc và chia cắt kéo dài giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 5 kể từ khi nhà Tấn suy yếu rồi buộc phải thiên đô về phía nam sông Trường Giang (tức Đông Tấn).

Sử liệu ghi chép về thời kỳ lịch sử này tới nay còn lại rất ít ỏi. Chúng ta chỉ có thể biết về thời “Ngũ Hồ thập lục quốc” nhờ một cuốn sử không còn nguyên vẹn mang tên “Thập lục quốc Xuân Thu”[3], được sử quan Thôi Hồng viết ra vào đầu thế kỷ thứ 6. Những bộ sử sau này như “Ngụy thư” hay “Tấn thư”, được soạn lần lượt vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 7, đều lấy “Thập lục quốc Xuân Thu” là nguồn tham cứu chính. Vì thế, “Ngụy thư” và “Tấn thư”, có thể bổ túc cho khoảng tư liệu đã bị thất lạc trong “Thập lục quốc Xuân Thu”. Tuy thế, khi đọc những bộ sử này, cần phải đánh giá khách quan, cẩn thận quan điểm của các sử quan đã soạn ra chúng.

Phù Sinh là hoàng đế thứ 2 của triều Tiền Tần được chính người cha Phù Kiện của ông sáng lập. Thoạt đầu, Phù Sinh không phải là đích tử được vua cha truyền ngôi bởi trước ông ta còn có hai người anh. Có thuyết nói rằng, sở dĩ Phù Sinh được ngôi báu là bởi trong một lần vi hành thám thính tình hình dân gian, Phù Kiện tình cờ nghe được một câu đồng dao có tính sấm truyền của lũ trẻ. Một thuyết khác lại nói, Phù Kiện đã đọc được một lời nguyền trong khi chọn lựa thái tử thừa kế ngai vàng sau cái chết của người con cả Phù Trường.

Trong cả câu đồng dao và lời sấm nguyền kia, đều xuất hiện một cụm từ: “Ba dê sẽ có năm mắt” (nghĩa là sẽ có một con bị chột). Phù Kiện tin rằng đó là ý trời ban xuống. Ông có 3 người con, chỉ có Phù Sinh là hỏng một mắt. Điềm báo chính là ứng với Phù Sinh. Bởi thế, Phù Kiện quyết định truyền ngôi cho Phù Sinh.

Cũng bởi mất một mắt, ngày nay, Phù Sinh thường được biết đến nhiều hơn với cái tên “Bạo chúa chột mắt”. Theo như một ghi chép, Phù Sinh mất con mắt này vì bị một con đại bàng tấn công trong khi đang cố ăn trộm trứng của nó. Sự khiếm khuyết này khiến Phù Sinh mang nhiều mặc cảm và luôn nghĩ rằng có kẻ nào đó đang chế nhạo sự tật nguyền của mình[4]. Ông sẵn sàng xử tử bất kỳ ai nói đến những từ có nghĩa không toàn vẹn như: “mất”, “thiếu” hay “ít hơn”, “không có”… Phù Sinh còn hạ lệnh cấm chỉ dùng những chữ như: “bất túc” (不足), “thiểu” (少), “vô” (无), “khuyết” (缺), “thương” (伤), “tàn” (残), “hủy” (毁)… vốn mang nghĩa khiếm khuyết, không lành lặn.

Sự tàn bạo của Phù Sinh thể hiện trong suốt thời gian trị vì của mình. Rất nhiều đại thần, bá quan văn võ đã bị tra tấn, hành hình dã man chỉ vì ý thích của bạo chúa này[5]. Đơn cử, trong những ngày đầu Phù Sinh trị vì, quan thái sử xem thiên văn đã cảnh báo ông về điềm báo của một đại tang và cái chết của những đại thần sẽ xảy đến trong vòng 3 năm. Muốn tránh đại họa này, Phù Sinh phải bỏ đi những hình pháp tàn nhẫn của mình.

Thay vì sửa mình, Phù Sinh đã cho lời tiên tri ứng nghiệm bằng cách xử tử vợ mình, Lương hoàng hậu, cùng với những cố mệnh đại thần từng được vua cha Phù Kiện gửi gắm việc nước trước đây như: quốc cữu Lương An (cha của Lương hoàng hậu, cũng là cha vợ của Phù Sinh), Mao Quý (một người chú họ của Lương hoàng hậu).

Mặc dù là một kẻ khát máu đáng sợ nhưng Phù Sinh cũng là người có biệt tài. Tương truyền, ông có một sức khỏe phi thường. Bản tính bạo tàn cũng khiến Phù Sinh trở thành một chiến binh dữ tợn trên chiến trường. Người ta còn nói, Phù Sinh thậm chí còn đủ sức dùng tay không đấu với mãnh thú. “Hữu dũng, vô mưu”, sức khỏe của Phù Sinh không thể bù đắp được việc ông vua này thiếu hụt đi những kỹ năng cai trị của một quân vương sáng suốt.

Phù Sinh trị vì vỏn vẹn trong 2 năm. Năm 357, ông bị những người em họ Phù Kiên, Phù Pháp và Phù Dung lật đổ. Khi ấy, biết rằng Phù Sinh lập mưu định hãm hại mình và anh em, Phù Kiên dẫn đầu bộ tướng bất thần tấn công vào cung kiện. Binh sĩ canh gác cung điện sẵn mối uất ức trong lòng từ lâu với Phù Sinh nên mau chóng quy thuận theo Phù Kiên. Phù Sinh bị bắt sống khi còn đang say rượu, bị phế làm Việt vương rồi sau đó bị xử tử bằng hình “tứ mã phanh thây”.

Lời bàn:

Bạo chúa là một hiện tượng lịch sử đặc biệt. Nó không chỉ là cách ứng xử của một cá nhân trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Hơn thế, nó chính là hệ quả tất yếu mang tính thời đại. Ở cả phương Đông và phương Tây, bạo chúa xuất hiện như một điềm báo trước sự suy vi của một triều đại, sự sụp đổ của một chính thể.

Vua Trụ nhà Thương hoang dâm, tàn bạo, ở ngôi 32 năm, làm nhiều chuyện ác, trái luân thường, đạo lý mà bị Chu Vũ Vương (Cơ Phát) đánh diệt, cuối cùng phải tự thiêu trong cung điện của mình. Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, tuy có công thống nhất Trung Hoa nhưng hình lệnh đặt ra khắc nghiệt, dùng nhiều hình phạt tàn nhẫn, cấm đoán dư luận (đốt sách, chôn Nho), cuối cùng chỉ 3 năm sau khi ông chết đi triều Tần cũng sụp đổ.

Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận nhiều “bạo chúa” như thế. Triều Tiền Lê, Lê Long Đĩnh giết anh em, đoạt ngôi bất chính, ngày thường lấy việc giết người làm chuyện vui thú, trị vì vỏn vẹn 4 năm rồi để mất cơ nghiệp vào tay ngoại tộc. Thời Hậu Lê có Lê Uy Mục tàn bạo, hoang dâm, giết người không ghê tay, người đời gọi là “Quỷ vương”. Lê Tương Dực bắt xây “Cửu trùng đài”, vắt kiệt quốc khố, làm mệt sức dân là nguyên nhân chính khiến Mạc Đăng Dung có cơ hội nổi lên cướp ngôi sau này.

Bạo chúa, dù ở thời nào cũng có mấy đặc điểm dễ nhận thấy thế này.

Thứ nhất, bản thân là người có sức khỏe, giỏi nghề binh đao, tóm lại là hạng vũ dũng, thất phu. Vì là hạng vũ dụng, trọng võ công nên bạo chúa nào cũng đề cao bạo lực, coi bạo lực là phương cách để duy trì uy thế, sự thống trị.

Thứ hai, các bạo chúa thường chọn cách ứng xử cứng rắn, tỏ rõ là một nhà chính trị có “bàn tay sắt”, coi thường sự giáo hóa bằng phương pháp mềm dẻo, dẫn tới coi thường các giá trị đạo đức, luân lý. Trong mắt các bạo chúa đạo đức đã bị quyền lực bóp chết.

Thứ ba, bạo chúa nào cũng thể hiện sự hưởng thụ cá nhân rất rõ ràng. Bởi họ cho rằng mình là bậc chí tôn, cao hơn tất cả nên có quyền được hưởng thụ nhiều hơn tất cả. Có bạo chúa đam mê tửu sắc (vua Trụ mê Đát Kỷ, Chu U Vương mê Bao Tự), có bạo chúa mê chém giết (như Phù Sinh, Tùy Dưỡng Đế Dương Quảng), lại có bạo chúa mê xây cất cung tẩm, đền đài, mê tìm thuốc trường sinh bất lão (Tần Thủy Hoàng)…

Bạo chúa không phải là đặc trưng của chỉ riêng thời đại phong kiến quân chủ chuyên chế. Ở đâu đó, các bạo chúa vẫn đang tồn tại và viết tiếp những trang sử bi thương cho nhân loại. Khi đạo đức còn bị bóp nghẹt bởi tham vọng chính trị, quyền lực, khi hưởng thụ cá nhân, ý chí cá nhân còn lớn hơn nguyện vọng của quần chúng, khi bạo lực vẫn còn được tôn sùng và coi như một nguyên tắc ứng xử được ưu tiên trước hết, khi ấy sự tồn tại của bạo chúa hãy còn chưa chấm dứt.

Chú thích:

[1] Theo một ghi chép, từ triều Tần đến triều Thanh, có 557 hoàng đế trị vì ở Trung Hoa, kể cả là ở những vùng đất nhỏ.

[2] Còn gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa, chỉ giai đoạn lịch sử từ năm 304 đến năm 439. Nhà Tấn lui về phía nam sông Trường Giang, 5 tộc người: Hung Nô, Yết, Tiên Ti và Đê thay nhau cai quản phía bắc sông Trường Giang, lập ra tổng cộng 16 nước.

[3] Là một cuốn biên niên sử viết về thời Ngũ Hồ thập lục quốc do Thôi Hồng viết ra từ năm 501 đến năm 522

[4] Một lần, ông nội của Phù Sinh là Bồ Hồng trêu rằng: “Ta nghe nói cháu chỉ có thể rơi nước mắt từ một mắt có đúng không?”. Phù Sinh trong cơn giận dữ đã đâm chảy máu bên mắt mù của mình và nói: “Đây là con mắt khác đang rơi lệ”. Bồ Hồng trừng phạt Phù Sinh và nói: “Ngươi chỉ xứng làm kẻ nô lệ”. Phù Sinh đáp “Cháu sẽ giống như Thạch Lặc (một nô lệ trở thành hoàng đế khai quốc Hậu Triệu)

[5] Phù Sinh thường đối xử tàn nhẫn với động vật, ném chúng vào nước sôi hay lột da khi chúng vẫn còn sống, đôi khi ông cũng cho lột da cả người. Năm 356, khi anh em của Cường Thái hậu là Cường Bình (強平) cố uốn nắn ông, ông đã dùng búa đập vỡ hộp sọ của Cường Bình rồi sau đó cho giết, điều này đã khiến cho Thái hậu qua đời trong sợ hãi và đau khổ.

Tham khảo: Ancient Origins 

Video: Tống Giang văn không bằng Ngô Dụng, võ không bằng Lâm Xung, vì sao lại được thống lĩnh Lương Sơn?

Exit mobile version