Nếu như ở cõi người, vua Lê Thánh Tông đã làm được “vô cầu nhi tự đắc” (không cầu mà tự đắc được), thì ở cõi Trời – với những ai tin vào Thần – vua cũng từng chẳng thiết tha gì cái ngôi báu ấy!

Vào một đêm mùa đông năm 1459 đã xảy ra một sự kiện hy hữu trong lịch sử Việt Nam, được chép lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau:   

“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, Lạng Sơn Vương Nghi Dân đang đêm bắc thang, chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm. Vua (chỉ Lê Nhân Tông) và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại.

Trước kia, Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Thái Tông (tức cha của Nhân Tông), nên Nghi Dân không được lập, mới ngầm chức mưu gian, nhòm ngó ngôi báu, cùng bọn đồ đảng Phạm Đồn, Phan Ban, Trân Lăng xướng xuất bọn vô lại gồm hơn trăm đứa, lợi dụng đêm tối, bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm. Thế là vua bị hại. Hôm sau, Hoàng thái hậu cũng bị hại. Nội nhân thị thái hậu phó chưởng Đào Biểu chết”.

Ngôi thiên tử vốn là chuyện hệ trọng bậc nhất của quốc gia, thế mà việc thoán nghịch lại diễn ra chóng vánh như một vở tuồng như vậy. Sự việc diễn ra sau đó lại càng khiến hậu thế phải cảm thán.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có chép:

“Khi ấy, Nghi Dân cướp ngôi mới được 8 tháng, tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông đổi thay hết thảy, người oán trời giận.

Bấy giờ các huân hựu đại thần (…) cùng bàn với nhau:

“Nay Lạng Sơn Vương Nghi Dân rất là vô đạo, đem bọn vô lại Phạm Đồn, Phan Ban, lợi dụng ban đêm, bắc thang trèo thành vào trong cung cấm giết vua và Quốc mẫu hoàng thái hậu, tội ác không gì lớn bằng. Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt thấy việc đó, đáng lẽ phải chết cho xã tắc, mà lại ở dưới kẻ bội nghịch, đứng trong triều của kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng nữa?”.

Sau buổi chầu, mọi người đều vào ngồi ở Nghị sự đường ngoài cửa Sùng Vũ. Bọn Nguyễn Xí xướng nghĩa giết chết hai tên phản nghịch đầu sỏ là Đồn, Ban trước Nghị sự đường, rôi sai đóng các cửa thành, mỗi người đem cấm binh đi dẹp nội loạn, giết hết bè đảng phản nghịch là bọn Trần Lăng hơn trăm tên. Giết xong bọn phản nghịch, các đại thần cùng bàn với nhau rằng:

“Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia Vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết”.

“Gia Vương” mà đoạn sử trên nhắc đến chính là vua Lê Thánh Tông, vị vua hiền minh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông đã được các đại thần suy tôn lên ngôi hoàng đế theo một cách hoàn toàn bất ngờ như vậy đấy.

Vua Lê Thánh Tông cùng triều đình. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

“Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước. Năm Thái Hòa thứ 3, được phong làm Bình Nguyên Vương, vâng mệnh làm phiên vuơng vào ở kinh sư, hằng ngày cùng học ở Kinh diên với các vương khác. Bấy giờ, quan ở Kinh diên là bọn Trần Phong thấy vua dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác, trong bụng cho là bậc khác thường. Vua lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý Thánh hiền. Bẩm sinh ra đã biết, mà sớm khuya không lúc nào rời sách vở, tài năng lỗi lạc trời cho, mà chế tác lại càng đặc biệt lưu tâm, ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chắm không hề biết mỏi, Tuyên từ thái hậu yêu vua như con mình đẻ ra, Nhân Tông coi vua là người em hiếm có. Đến khoảng năm Diên Ninh, Nghi Dân tiếm ngôi, đổi phong vua là Gia Vương và xây phủ đệ ở bên hữu nội điện cho vua ở” (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Có thể thấy rằng vua Lê Thánh Tông vốn không có truy cầu làm vua, nhưng lại nghiêm cẩn tu dưỡng đức độ và hùng tài của một vị vua. Trái ngược với Nghi Dân, vì muốn chiếm ngôi mà làm chuyện đại nghịch vô Đạo. Cuối cùng thì “Thiên Đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (Đạo Trời không thiên vị ai, chỉ thường giúp đỡ người lương thiện), Lê Thánh Tông đã đường đường chính chính lên ngôi hoàng đế.

Nếu như ở cõi người, vua Lê Thánh Tông đã làm được “vô cầu nhi tự đắc” (không cầu mà tự đắc được), thì ở cõi Trời – với những ai tin vào Thần – vua cũng từng chẳng thiết tha gì cái ngôi báu ấy!

“Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy Thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất)” (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

***

Không cầu mà tự đắc, đây có lẽ là phúc phận chân chính của đời người.

Trong mệnh không có, dù vắt óc truy cầu cuối cùng cũng không thuộc về mình. Trong mệnh đã có, chỉ cần thuận theo tự nhiên, thuận theo Đạo, sẽ tự khắc thuộc về mình.

Đạo lý của vận mệnh lại ở nơi tâm: Tâm tốt thì mệnh tốt, tu tâm dưỡng tính thì vận mệnh sẽ ngày một tốt đẹp hanh thông.

Trăm năm nhân thế cùng lắm chỉ là một cuộc hành trình ngắn ngủi của sinh mệnh. Tâm truy cầu như hành lý nặng, chẳng thể đi được xa. Chi bằng thanh thản cõi lòng, túi gió áo trăng, mới có thể thưởng tận non xanh nước biếc, mới có thể thăng hoa cùng nhật nguyệt.

Thanh Ngọc