Người vô đức vô hạnh mà có được lợi lớn thì ắt sẽ chịu họa lớn. Người thiện hạnh thiện đức gặp ma nạn thì ắt có hậu phúc về sau…

Thiện có thể tích phúc

Trong Đạo Đức Kinh nói: Đạo Trời không thân với ai mà thường ban cho người thiện. Ông Trời không thiên vị bất kỳ người nào, nhưng không bao giờ bạc đãi người lương thiện. Thiện lương không có nghĩa là phải làm những việc thiện to lớn. Chỉ cần trong tâm luôn có thiện niệm thì đã là tích phúc cho bản thân và người nhà rồi.

Nếu bạn thiện lương thì phúc báo sẽ theo như hình với bóng. Phúc từ đâu đến? Đến từ cái tâm thiện lương của mỗi người. Người xưa nói: “Hết thảy phúc điền đều đến từ tâm địa”. Và cũng nói: “Người làm việc thiện tuy phúc chưa đến mà họa đã tránh xa”. Thế nên hãy đối xử với người khác bằng thiện tâm, thành tâm và lòng bao dung. Hết thảy nhân thiện đều có quả thiện. Trao yêu thương thì mới được yêu thương. Cho đi phúc thì mới có phúc đến.

Phúc khí lớn nhất của một người không gì bằng có một cái tâm thiện lương. Ngẫu nhiên làm việc thiện thì không hề khó, cái khó là cả cuộc đời không mất đi cái tâm thiện lương ban đầu.

Trồng phúc đắc phúc không dễ dàng, thế nên càng cần phải trân quý. Tiếc phúc là một thái độ sống. Thái độ này quyết định bạn có tư cách hưởng thụ phúc báo hay không. Đối với bất kỳ vật gì của thế gian cũng đều nên trân quý, đừng coi thường nó. Đối với những vật dụng hàng ngày, cần sử dụng hết khả năng của nó, chớ lãng phí. Đó là tiếc phúc.

Làm người cần biết đủ, tiếc phúc thì vạn vật trong trời đất đều quyến luyến bạn, khiến bạn gặp hung hóa lành.

(Ảnh: itangyuan.com)

Đức có thể tụ tài

Thánh nhân không tích tài sản, vì người khác mà mình càng có thêm, vì cho người khác mà mình càng nhiều hơn – Đạo Đức Kinh.

Người có phẩm đức cao thượng không có cái tâm chiếm hữu đối với tiền bạc, cũng không cố ý tích lũy của cải. Họ có được tiền tài là vì quan tâm đến người khác, vì vậy họ cho người khác càng nhiều thì tài sản của họ lại càng phong phú. Tài sản mà con người có thể gánh vác được là có giới hạn, đức hạnh càng cao thì mới có thể quy tụ càng nhiều tài sản. Thế nên người đức lớn nên đắc được vị trí ấy, nên đắc được tài lộc ấy, nên đắc được danh tiếng ấy, nên đắc được thọ mệnh ấy.

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có giảng: “Hưởng của cải trăm lượng vàng nhất định phải là nhân vật xứng trăm lượng vàng. Hưởng của cải ngàn lượng vàng nhất định phải là nhân vật xứng ngàn lượng vàng”.

Một người phải có phẩm đức cao thượng thì mới có thể gánh chịu nổi của cải, quyền lực và danh vọng. Người sống một đời, cỏ sống một mùa thu. Công danh lợi lộc chớp mắt qua đi, tiền tài của cải cuối cùng cũng không mang theo được. Quân tử đối đãi với tiền tài cũng phải tuân theo đạo lý. Làm người không thể lừa dối lương tâm, thà thiếu tiền chứ không được thiếu đức.

Sách Đại Học viết: “Đức là gốc, tiền tài là ngọn”.

Nếu truy cầu giàu có vật chất thì trước tiên phải tu hành đạo đức nhân nghĩa. Trong quá trình chuyên tâm tu hành, phú quý cũng sẽ theo đó mà đến. Nếu bỏ đức hạnh mà truy cầu của cải thì chính là lấy ngọn bỏ gốc.

(Ảnh: facebook.com)

Cuối thời nhà Thanh có một thương nhân kinh doanh thất bại thảm hại, cần gấp một khoản tiền lớn để quay vòng vốn. Số tiền này rất lớn, xem khắp thiên hạ chỉ có Phụ Khang tiền trang của Hồ Tuyết Nham mới có thể thu xếp được. Thế là thương nhân đến tìm ông chủ của Phụ Khang tiền trang là Hồ Tuyết Nham, chủ động đưa ra giá thấp, xin ông mua lại sản nghiệp của mình.

Hồ Tuyết Nham nghe xong lập tức sắp xếp thuộc hạ đi điều tra xem những điều thương nhân này vừa nói có đúng không. Sau khi điều tra rõ, ông không nói lời nào, lập tức mua sản nghiệp của thương nhân bằng giá thị trường, tức là cao hơn giá thương nhân đưa ra nhiều. Vị thương nhân kia vừa kinh ngạc vừa vui mừng, không rõ tại sao Hồ Tuyến Nham lại không kiếm món lời đã ở trong tay như thế này.

Hồ Tuyết Nham thấy thương nhân có vẻ nghi hoặc liền cười và nói: “Ông yên tâm đi, chúng tôi chỉ là bảo quản những tài sản này, đợi ông vượt qua được quan ải này, bất kỳ lúc nào ông cũng có thể quay lại chuộc những thứ thuộc về ông”.

Nhờ Hồ Tuyết Nham kịp thời ra tay cứu giúp, thương nhân đó cuối cùng đã vượt qua quan ải khó khăn này, trở thành đối tác trung thực nhất của Hồ Tuyết Nham. Dưới sự hỗ trợ hết sức của thương nhân đó, Hồ Tuyết Nham cũng ngày càng kinh doanh phát đạt, trở thành người mà nhân dân bách tích ca ngợi là “Thần tài sống” .

Ôi vậy mới hay:

Người xưa nói, phúc thọ không có cửa, mà do người tự chiêu mời.

Người vô đức vô hạnh mà có được lợi lớn thì ắt sẽ chịu họa lớn. Người thiện hạnh thiện đức gặp ma nạn thì ắt có hậu phúc về sau.

Thế nên muốn có phúc khí thì nên tích đức làm việc thiện, dẫu giàu hay nghèo cũng chớ khởi tâm tham.

Nam Phương
Theo Vision Times

Bạn đang đọc bài viết: “Phúc thọ không có cửa, do người tự chiêu mời” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||b340ea7fe__