Đại Kỷ Nguyên

Phương thuốc trẻ mãi không già – Cảm ngộ Shen Yun (3)

Ảnh: Shen Yun.

Nếu phương thuốc trường sinh bất lão này thật sự có tồn tại, và được đặt ngay trước mắt bạn, liệu bạn có thể “tiếp nhận” được nó hay không?

Trong “Tây du ký”, quốc vương nước Tỳ Kheo vì muốn có được phương thuốc trường sinh mà hồ đồ nghe theo vị quốc trượng tà ác, toan mổ bụng moi tim của 1111 trẻ em. Về sau Ngộ Không diệt được yêu ma, quốc vương tỉnh ngộ, có duyên được Thọ Tinh tặng cho ba trái táo tiên, ăn vào thấy trong người thư thái, khoẻ mạnh sống lâu. 

Từ xưa đến nay, trường sinh bất lão, cải lão hoàn đồng luôn là ước mơ của nhân loại. Đây không chỉ là đề tài trong các tiểu thuyết, mà còn là mục tiêu thật sự của các đế vương trong lịch sử như Tần Thuỷ Hoàng, Minh Thành Tổ…, thậm chí là lĩnh vực nghiên cứu của khoa học hiện đại. Tuy nhiên, nếu phương thuốc trường sinh này thật sự có tồn tại, và được đặt ngay trước mắt bạn, liệu bạn có thể “tiếp nhận” được nó hay không?

Trong một vở diễn hài hước mà thâm thuý của Nghệ thuật Shen Yun (1), thứ “linh đan diệu dược” này đã được ban tặng cho những người xứng đáng nhất, trong khi kẻ xấu thì dẫu có được nó cũng không đạt được ý đồ.

>> Xem “Vĩnh xuân tuyền” trên nền tảng Shen Yun Creations

Tóm tắt cốt truyện

“Vĩnh xuân tuyền” (Dòng suối trẻ mãi) kể về đôi vợ chồng ăn ở hiền lành, siêng bố thí hành thiện mà tới tuổi già vẫn chưa có con. Một hôm, một người ăn mày tới cửa xin bố thí, thái độ vô cùng ngạo ngược. Ông lão nhân hậu không chấp, sai gia nhân tặng anh ta một giỏ đồ ăn. Kẻ ăn mày lắc đầu xua tay, đòi ông lão phải cho tiền, ông lão vẫn vui lòng rút từ tay áo cho anh ta một nén bạc. Nhưng anh này chê ít, đòi thật nhiều bạc, khiến nữ tỳ nhà ông lão cũng bực mình định mắng cho một trận. Ông lão xoa dịu cô đầy tớ, sai người tặng kẻ ăn mày số bạc anh ta yêu cầu, đoạn lật đật bước vào trong. Chẳng ngờ, kẻ ăn xin không biết điều rời đi còn xấc láo giật chiếc mũ trên đầu ông lão. Ông lão toan chạy theo đòi lại, nhưng rồi vẫy tay bỏ qua, và lại đi vào trong. Người ăn xin tiếp tục chạy lại đá ông một phát ngã lăn quay. Ông lão toan đuổi theo, nhưng rồi lại xua tay bỏ qua và bước vào nhà. Cuối cùng, kẻ ăn xin ngang ngược đội chiếc mũ của ông nhảy nhót trêu ngươi, khiến ông không nhịn nổi nữa và chạy theo bắt lại.

Người ăn mày chạy đến bên một bờ suối thì dừng lại, để lại chiếc mũ cùng gói bạc trên đất, rồi biến mất. Ông lão đuổi theo đến nơi, thấy kỳ lạ, đúng lúc khát nên ông vốc một vốc nước suối lên và uống. Đột nhiên, ông choáng váng đầu óc và ngã lăn ra đất. Khi tỉnh dậy thì đã qua một ngày, ông hốt hoảng ôm mũ cùng túi bạc chạy về nhà, đó cũng là khi người nhà ông há hốc miệng vì kinh ngạc…

Khi biết chuyện vợ chồng ông lão uống nước suối tiên được cải lão hoàn đồng, tên quan độc ác uy hiếp ông lão chỉ cho hắn nơi ông tìm được dòng suối. Vì tham lam, lão ta uống liền hai vốc nước, và cũng ngủ thiếp đi. Sáng ngày hôm sau, mọi người xáo xác đi tìm mà chẳng thấy bóng dáng quan đâu. Đúng lúc ấy, tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên. Vị thần tiên với gương mặt của người ăn xin nọ hiện lên trong ánh sáng chói loà, ban tặng hài nhi cho đôi vợ chồng nhân đức nọ.

Khảo nghiệm Thần an bài

Xem “Vĩnh xuân tuyền”, khi cảnh đầu tiên mở ra, ta có thể băn khoăn vì sao đôi vợ chồng hiền lành kính Phật, siêng làm việc thiện như thế, xin Trời một mụn con mà mãi không toại nguyện? Nhưng đến cuối cùng, ta mới ngỡ ngàng nhận ra an bài của Thần Phật còn tốt đẹp hơn cả điều họ mong cầu: chẳng những có con, họ còn được trở lại thanh xuân để có thời gian nuôi dạy con và hưởng phúc lâu dài. Hơn nữa, Thần còn giúp đôi vợ chồng hoá giải oán duyên thành thiện duyên, kẻ ức hiếp họ hoàn nguyên làm hài nhi của họ. Nhưng trước khi đến được cái kết viên mãn tốt lành ấy, ông lão phải vượt qua khảo nghiệm mà Thần an bài. 

Khảo nghiệm ấy là gì? Chi tiết rất ngắn ngủi, nhưng nội hàm sâu sắc, trong đó ông lão đã buông bỏ tất cả chấp trước vào danh-lợi-tình. Nếu người nhận bố thí nào cũng lễ độ và tỏ lòng biết ơn ông như những người trước đó, thì coi như đem chút lợi đổi lấy danh, cũng không có tác dụng giúp ông đề cao tâm tính. 

Người thanh niên đòi ông rất nhiều bạc, đó là khi ông cần buông bỏ chấp trước vào lợi ích. Người thanh niên giật lấy mũ trên đầu ông – với người xưa thì mũ là biểu tượng cho địa vị, danh dự – đó là lúc ông cần buông bỏ chấp trước vào danh. Người thanh niên lại đá ông ngã lăn quay, trong khi ông vừa ban ơn cho anh ta nhiều như thế, những tâm bất bình, oán hận, tranh đấu… đều sẽ khởi lên. Ông có thể buông bỏ và bao dung, là đã xả được cái tình. Con người thế gian bôn ba cả một đời, nào có vượt ngoài ba chữ tình-danh-lợi? Coi nhẹ được ba thứ ấy, ông lão thật sự đã đề cao cảnh giới sinh mệnh. Vì thế, ông xứng đáng nhận được thiện báo tốt đẹp, đó cũng là thần tích triển hiện đáp lại cái tâm kiền thành tín Phật của vợ chồng ông.

Ngẫm kĩ, nếu Thần Phật biến hoá thử lòng người, thì thử hỏi trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã được ban cho bao nhiêu cơ hội? Bỏ lỡ mất bao nhiêu cơ hội? Những phiền phức, bất công, khổ nhọc mà chúng ta trải qua trong đời, biết đâu là cánh cửa mở ra phúc lành tuyệt diệu, nhưng trong vô minh ta đã cự tuyệt mà còn mãi kiếm tìm?

Trong câu chuyện trên, vì ông lão vẫn là một con người, nên cuối cùng ông đã hết chịu nổi và chạy theo người ăn mày nọ. Nếu ông có thể giữ tâm bất động đến cùng, thì ông đã thành Thần Tiên rồi. Dẫu sao, là một con người, có thể buông xả và dung nhẫn đến mức độ ấy thì đã là rất thiện, xứng đáng nhận quả báo tốt đẹp phi thường.

Thiện ác hữu báo không chỉ là lời thuyết nói suông

Văn hoá truyền thống tin rằng “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, lưu lại rất nhiều câu chuyện có thật về người hành thiện kéo dài thọ mệnh, có thể hoá nguy thành an, phúc lan tới con cháu. Thế nào là “thiện” chân chính? Qua câu chuyện trên và nhiều ví dụ thực tế, chúng ta thấy rằng không phải cứ bố thí cúng dường thật nhiều tài vật đã là “chân thiện”. Chỉ có được công đức chân thật khi thực lòng kính Trời tín Phật, cho đi mà không cầu báo đáp, buông bỏ dục vọng, chấp trước vào danh lợi tình. Nếu thực sự làm được như vậy, thì mới có thể cảm động Trời xanh, cải biến được vận mệnh. Như ông lão trong “Vĩnh xuân tuyền”, có lẽ vì ác nghiệp đời trước nên trong mệnh đời này chú định là tuyệt tử tuyệt tôn. Nhưng vì ông đã hành đại thiện, tích đại đức, nên được Thần ban cho một người con nối dõi tông đường.

Thiện ác hữu báo không chỉ là niềm tin trong văn hoá truyền thống, mà đã được chứng thực bởi khoa học hiện đại. Một nghiên cứu từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard đã phát hiện ra rằng những người yêu thương và hòa ái với người khác thường xuyên có telomere – loại enzyme tự nhiên có tác dụng ngăn chặn lão hóa hữu hiệu – dài hơn đáng kể, nhờ đó làm giảm lão hóa tế bào và kéo dài tuổi thọ. Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đó, chỉ ra mối quan hệ giữa các hành vi vị tha (ví dụ như làm thiện nguyện) với sức khỏe tổng thể và tuổi thọ. Đáng chú ý là, một nghiên cứu tại Đại học Michigan cho thấy hoạt động tình nguyện chỉ có hiệu quả kéo dài tuổi thọ khi được thực hiện một cách chân thành vô vị kỷ.

Ai có thể trường sinh?

Quay trở lại hồi 79 trong Tây du ký, sau khi Tôn Ngộ Không diệt trừ yêu quái, cứu sống hàng ngàn trẻ em, quốc vương nước Tỳ Kheo vô cùng cảm tạ và xin thỉnh giáo. Hành Giả nói: 

“Mong bệ hạ từ nay in ít sắc dục, tích ân đức nhiều nhiều. Phàm mọi việc nên lấy dài bổ ngắn. Được như vậy tự khắc sẽ vô bệnh sống lâu. Đó là lời giáo huấn đấy.”

Lời giáo huấn của Tôn Ngộ Không cũng khớp với lời khuyên bảo của ông tổ Thái Cực Quyền – Trương Tam Phong dành cho Minh Thành Tổ Chu Đệ: “Trừng tâm quả dục thị trường sinh” (Tâm trong sạch, dục vọng ít tức là trường sinh). Ông lão trong “Vĩnh xuân tuyền” cũng nhờ buông bỏ dục vọng mà chứng kiến Thần tích. Mỗi người chúng ta có sẵn lòng buông bỏ để đắc được những điều trân quý hơn nữa hay chăng?

Thanh Ngọc

Tác phẩm của Nghệ thuật Shen Yun có nội hàm sâu xa, loạt bài “Cảm ngộ Shen Yun” chỉ là một chút nhận thức cá nhân hữu hạn của tác giả, ngõ hầu chia sẻ cùng bạn đọc vẻ đẹp của văn hoá Thần truyền.

Chú thích: 

(1) Shen Yun là đoàn nghệ thuật vũ đạo Trung Hoa cổ điển và âm nhạc truyền thống hàng đầu, được thành lập tại New York. Các tiết mục bao gồm vũ đạo Trung Hoa cổ điển, múa dân gian, múa dân tộc và vũ kịch, với sự tham gia của dàn nhạc và các nghệ sĩ độc tấu. Trải qua 5.000 năm, nền văn hóa Thần truyền đã phát triển phồn thịnh trên mảnh đất Trung Hoa. Thông qua âm nhạc và vũ đạo ngoạn mục, Shen Yun đang làm sống lại nền văn hóa huy hoàng này. Shen Yun, hay Thần Vận, có nghĩa là “Vẻ đẹp của những vị Thần đang múa.” – Theo vi.shenyunperformingarts.org

Exit mobile version