Đại Kỷ Nguyên

Quả cảm, hùng ngôn, hay đức hạnh? Sự lựa chọn của Khổng Tử

Một ngày nọ, Khổng Tử cùng ba đồ đệ thân tín là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi du ngoạn đến núi Nông Sơn. Đứng trên đỉnh núi, tĩnh nhìn mênh mông, Khổng Tử hỏi các học trò: “Đứng trên cao mà nhìn xa trông rộng. Đại trượng phu nuôi chí hướng trùng trùng, các con hãy thật lòng nói ta nghe?”

Tử Lộ liền bước lên và nói: “Con mong muốn được dùng những mũi tên có lông vũ màu trắng, với cờ đỏ phập phồng. Khi kèn róng, chuông ngân và trống giục, con sẽ tiến quân đánh tan kẻ thù bằng sức mạnh vô địch, giành lại hàng ngàn dặm đất bị mất. Tử Cống và Nhan Hồi có thể làm quân sư cho con.” Khổng Tử tán dương: “Quả là dũng cảm!”

Tử Cống bước lên và nói: “Đến một ngày, khi Tề – Sở giao tranh. Trong thời khắc sắp xảy ra trận chiến, con sẽ xuất hiện với áo choàng trắng và nón trắng, con khuyên giải cả hai nước về giá đắt mà giang sơn xã tắc sắp gánh chịu. Không cần một tốt lính, con sẽ kết thúc cuộc giao tranh. Tử Lộ và Nhan Hồi có thể giúp con.” Khổng Tử nói: “Quả là hùng ngôn!”

Nhan Hồi vẫn lặng thinh không nói. Khổng Tử hỏi học trò: “Nhan Hồi, lẽ nào con không có đạo lý để nói ra? Nhan Hồi trả lời: “Văn – võ, cả hai phương diện họ đều đã nói cả rồi. Con còn có gì để nói đây?”

Khổng Tử nói: “Dù vậy, quân tử đều có chí lớn. Hãy nói ta nghe đạo lý của con.” Nhan Hồi thưa: “Con nguyện lòng phò trợ một vị minh vương, lấy lễ nhạc mà giáo hóa lòng dân. Khiến vua lấy Đạo trị thiên hạ. Khiến quan lại sống đức độ. Bách tính ôn hòa, hiền lành và sống an cư lạc nghiệp. Binh khí nung thành nông cụ, khắp nơi là đất canh tác. Con người thân thiện với xóm giềng bằng hữu. Những quốc gia lân cận nhìn hưng thịnh và công lý chân chính của nước ta mà giải tán quân đội, ngừng giao tranh. Nếu khắp thiên hạ đều như vậy, sẽ không phải lo binh đao loạn lạc. Nếu ngày ấy đến, sẽ không cần Tử Lộ và Tử Cống lao thân khổ não.” Khổng Tử hết lời ngợi khen cậu học trò: “Mỹ hảo, quả là đức hạnh!”

Tử lộ hỏi: “Thưa Thầy, Thầy chọn cách nào?”

Khổng Tử nói: “Bởi vì không tổn hại ngân khố quốc gia, không nguy hại bách tính, lại không cần lời lẽ khoa trương, ta chọn kẻ đại đức.”

Niềm tin rằng Đạo sẽ cứu vớt nhân loại và giúp con người sống hòa bình và an lạc là tâm niệm chân thành của Khổng Tử.

Exit mobile version