Đại Kỷ Nguyên

Quân sư Tôn Tẫn và diệu kế đua ngựa

Tôn Tẫn là vị quân sư nổi tiếng thời Chiến Quốc, tương truyền ông là cháu của Tôn Tử. Khi chạy trốn khỏi nước Ngụy và đến được nước Tề, nhiều người biết tiếng ông nhưng chưa ai được tận mắt chứng kiến tài của ông. Thế nhưng từ một cơ duyên về đua ngựa ông đã làm Tề Vương khâm phục và từ đó mọi việc đều nghe theo lời của ông. 

Sau khi Cầm Hoạt dùng kế “ve sầu thoát xác” cứu được Tôn Tẫn trốn khỏi nước Ngụy và chạy về nước Tề. Do được Mặc Tử tiến cử, lại biết Tôn Tẫn dùng kế giả điên để thoát thân, nên Tề Uy Vương rất kính nể Tôn Tẫn, định phong một chức quan to cho ông. Nhưng Tôn Tẫn từ chối, nói :

– Thần một là chưa có công lao gì nên không thể nhận bổng lộc, lại nữa, nếu Bàng Quyên biết được thần đã trốn về nước Tề, thì hắn tất sẽ gây sự. Vậy tạm thời để thần mai danh ẩn tích, chờ Đại vương có cơ hội dùng đến thần, thì thần sẽ góp sức với triều đình.

Đại tướng quân Điền Kỵ là người muốn biết tài năng của Tôn Tẫn, nên đứng ra nói :

– Xin mời Tôn tiên sinh tạm thời đến ở tại nhà tôi, để tôi được cơ hội sớm hôm học hỏi.

Thế là Tôn Tẫn được Điền Kỵ mời về phủ riêng làm thượng khách. Điền Kỵ là người chiêu hiền đãi sĩ, khiêm tốn cẩn thận. Bất cứ chuyện quốc gia đại sự hay chuyện trong gia đình, ông đều hỏi ý kiến Tôn Tẫn. Hai người gặp nhau lấy làm tương đắc, chỉ tiếc là gặp nhau quá muộn.

Lúc này tại đô thành của nước Tề đang thịnh hành trò chơi đua ngựa, Uy Vương muốn dùng trò chơi này để đề cao tinh thần thượng võ của nhân dân trong khắp cả nước. Bản thân nhà vua cũng tham gia. Mỗi lần đua ngựa nhà vua đặt tiền cá cược rất lớn, nên hấp dẫn văn võ bá quan ai cũng đến tham dự. Trong tàu ngựa của vua Uy Vương đều là ngựa tốt, ngựa giỏi. Điền Kỵ tham gia đua ngựa mấy lần, đều bị thất bại. Hôm nay ông lại thua đến một trăm lạng vàng cho nhà vua.

Tôn Tẫn biết chuyện liền an ủi Điền Kỵ:

– Xin tướng quân đừng buồn nữa, “biết người biết ta trăm trận không thua”. Đua ngựa cũng như đánh giặc, vậy lần sau có đua ngựa, thì tướng quân dẫn tôi theo để xem cho biết tình hình, rồi tôi sẽ có ý kiến góp cùng tướng quân.

Ít lâu sau, nhà vua lại tổ chức một cuộc đua ngựa tại giáo trường. Điền Kỵ dẫn Tôn Tẫn đi theo đến giáo trường để xem. Tôn Tẫn thấy ở đây cờ xí rợp trời, đủ màu sắc, ngựa hí vang rền, tiếng người nói chuyện ồn ào không ngớt. Sau khi cuộc đua bắt đầu, Tôn Tẫn mới hiểu cách đua ngựa được tổ chức ở đây. Ngựa đua được chia làm ba hạng, ngựa giỏi xếp hàng “thượng đẳng”, ngựa trung bình xếp hàng “trung đẳng”, ngựa dở xếp hàng “hạ đẳng”. Nếu trong ba trận đua mà thắng được hai, thì kể là thắng. Giữa ba hạng ngựa này tốc độ của nó cũng chênh lệch không bao xa. Do vậy nên mới có đội thắng đội bại. Tuy nhiên, ngựa trong cung của Uy Vương toàn là ngựa hay, ngựa tốt, nên một trận đua nào nhà vua cũng thắng cả. Lần đua này, Điền Kỵ cũng tiến hành như lần trước, và cuối cùng lại bị thua.

Sau khi Điền Kỵ về phủ riêng, Tôn Tẫn bèn nói với ông ta :

– Tôi đã nghĩ ra một phương pháp mới để đua ngựa. Lần sau tướng quân tham gia đua ngựa tôi bảo đảm tướng quân sẽ chuyển bại thành thắng.

Điền Kỵ nói:

– Nếu tiên sinh bảo đảm tôi có thể đắc thắng, thì tôi sẽ đi xin với Đại vương lần đua này đặt tiền cược lên đến một nghìn lượng vàng.

Tôn Tẫn trả lời một cách đầy tự tin :

– Tướng quân cứ khiêu chiến đi, nếu thua tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Vậy theo bạn Tôn Tẫn phải dùng kế gì mới thắng cuộc đua ngựa này?

Điền Kỵ vội vàng đi yết kiến vua Uy Vương để khiêu chiến. Uy Vương nói:

– Khanh là bại tướng, vậy còn dám khiêu chiến sao ?

Điền Kỵ đáp :

– Lần này thần đã quyết tâm, nhất định đoạt được thắng lợi, đồng thời, sẽ đặt tiền cá cược lên đến nghìn lạng vàng.

Uy Vương nói :

– Tốt lắm! Nếu vậy ngày mai trẫm sẽ thắng được của khanh nghìn lạng vàng đấy !

Lại một cuộc đua ngựa nữa được tổ chức tại giáo trường. Bá tánh trong thành nghe tin nhà vua và Điền Kỵ đặt tiền cá cược rất cao, nên tất cả mọi người trong thành đều đua nhau tới giáo trường để xem.

Trước, khi khởi đầu trận đua ngựa, Điền Kỵ nói với Tôn Tẫn:

– Này huynh trưởng, có diệu kế gì hãy mau dạy cho đệ đi nào ! Lần này nếu thua thì tôi thê thảm lắm đấy!

Tôn Tẫn nói :

– Tất cả ngựa tốt đều ở trong cung vua nước Tề. Vậy, tướng quân chắc chắn khó đối địch nổi. Hôm nay, mình phải dùng kế để thủ thắng thôi.

Kế đó, Tôn Tần bèn kê miệng sát tai Điền Kỵ nói nhỏ một lúc lâu. Điền Kỵ gật đầu liên tiếp, và luôn luôn mỉm cười.

Sau ba hồi trống, ngựa thượng đẳng bắt đầu cuộc đua. Ngựa của vua Uy Vương vừa chạy thì đã vượt lên phía trước, bỏ ngựa của Điền Kỵ ở lại phía sau thật xa. Kết quả Điền Kỵ bị thua.

Sang trận thứ hai, đến lượt con ngựa trung đẳng đua. Ngựa của Điền Kỵ bất ngờ vọt lên thực nhanh, khán giả đua nhau hò reo nhiệt liệt :

– Nhanh lên Nhanh lên ! Cố vượt lên cho nhanh nào !

Kết quả, ngựa của Điền Kỵ đã thủ thắng.

Sang trận đua thứ ba, là trận đua giữa những con ngựa hạ đẳng. Ngựa Điền Kỵ một lần nữa lại thắng. Kết cục, Điền Kỵ đã thắng hai, thua một, như vậy là Điền Kỵ đã thắng, được một nghìn lạng vàng của vua Uy Vương.

Khán giả có mặt hò reo như sấm dậy, tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi nơi, Uy Vương cảm thấy rất bất ngờ, bèn hỏi Điền Kỵ:

– Này Điền khanh, mấy lần đua ngựa trước khanh đều bại cả. Thế mà hôm nay bộ mặt trời mọc từ hướng Tây rồi hay sao ? Chả lẽ những con ngựa của khanh đều uống thuốc tiên, và đã trở thành ngựa thần cả rồi hay sao ?

Điền Kỵ đáp :

– Không, ngựa của thần vẫn là ngựa trong phàm trần, và mặt trời cũng không bao giờ mọc ở hướng Tây. Đây chẳng qua là diệu kế của Tôn Tẫn tiên sinh mà thôi.

Uy Vương nghe qua đôi mắt bừng sáng, hỏi :

– Đua ngựa chứ nào phải đánh giặc, vậy mà cũng có diệu kế sao ?

Điền Kỵ đáp :

– Những điều kỳ bí trong vấn đề này, xin mời Tôn tiên sinh giải thích vậy!

Uy Vương bèn gọi Tôn Tẫn đến hỏi. Tôn Tẫn đáp :

– Thần biết Đại vương rất thích đua ngựa, là vì muốn huấn luyện cho có nhiều ngựa hay để sau này dùng trong những cuộc chinh chiến. Trường đua ngựa chính là chiến trường. Chẳng những phải đấu dũng mà còn phải đấu trí nữa. Trong quân đội được chia làm trung, thượng, hạ ba thứ quân. Trong ngựa cũng được chia làm ba bậc, thượng, trung, hạ. Thần đã nói với Điền tướng quân : dùng ngựa hạ đẳng của mình để đua với ngựa thượng đẳng của Đại vương, rồi dùng ngựa thượng đẳng của mình để đua với ngựa trung đẳng của Đại vương, và lấy ngựa trung đẳng của mình để đua với ngựa hạ đẳng của Đại vương. Như vậy, lực lượng giữa hai đội ngựa có sự chuyển biến, nên bị thua một trận mà thắng được hai trận. Điều đó binh pháp gọi là: “Biết người biết ta, tránh chỗ mạnh mà đánh vào chỗ yếu, xuất kỳ bất ý đánh vào chỗ không phòng bị”.

– Tuyệt thay! Tuyệt thay! – Vua Uy Vương khen Tôn Tẫn liên tiếp – Chỉ qua việc này, cũng thấy được tiên sinh tuy là người túc trí đa mưu cao hơn người khác một bậc !

Từ đó Vua nước Tề dù có việc lớn hay việc nhỏ đều hỏi qua ý của Tôn Tẫn, và ông trở thành vị quân sư kiệt xuất trong lịch sử

Sưu tầm

Exit mobile version