Một bức thư xúc tích, với lời lẽ mềm mỏng nhưng khôn khéo và uy vũ dù ở thế yếu trước kẻ địch mạnh hơn, đã thể hiện khí phách, khẳng định chủ quyền và tâm thế sẵn sàng đánh trả quân xâm lược.
Sử Việt có rất nhiều những câu chuyện hào hùng. Trong bối cảnh quân phương Bắc hùng mạnh luôn lăm le thôn tính và coi thường nước Nam, đã có biết bao những màn đối đáp, ứng biến thông thái của các bậc văn nhân Việt khiến ai nấy đều phải nể phục. Câu chuyện dưới đây là một trong số đó, chỉ một bức thư của vị tướng địa phương nhỏ bé, đã thể hiện khí phách, trí tuệ, làm gương sáng cho đời sau.
Trong sách Gương sáng Trời Nam của tác giả Lê Thái Dũng có ghi, năm Tân Mão (1831) đời Minh Mạng nhà Nguyễn, ở Hưng Hóa (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay) có một thổ tù là Đèo Văn An, vì phạm tội nên đã bỏ trốn sang Vân Nam nhà Thanh. Bọn quan quân ở đây nhân đó muốn xâm lấn lãnh thổ nước ta, liền viện cớ tra xét sự việc, cứu giúp người bị oan, nên đã hội binh áp sát biên giới. Nghe tin cấp báo, viên lãnh binh tên Thắng trông coi việc quân ở Hưng Hóa được lệnh dẫn binh đi đối phó.
Để khiêu khích, quân Thanh gửi sang một bức thư dọa nạt, lời văn ngạo mạn, hống hách. Trước sự việc đó, lãnh binh Thắng một mặt cho quân lính tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng chiến, mặt khác viết thư trả lời nêu rõ tội trạng của Đèo Văn An qua đó gián tiếp vạch trần âm mưu của quân Thanh. Trong bức thư trả lời, đề ngày 26 tháng 7 năm Tân Mão (1831) có đoạn:
“… Các người đã vì nó mà đến để tra cứu làm việc, nay sự lý đã rõ ràng như thế, tự nên chỉ rõ cho nó để điều đình cho yên việc. Thế là không những chỉ bảo toàn được cho một mình Đèo Văn An mà không đến nỗi phải gây động can qua, nhân dân không đến nỗi gặp tai họa, mới là tốt lại càng tốt đấy!”
Để đáp lại lý lẽ “bề trên” của quân nhà Thanh ‘Nếu đến nỗi gây động can qua thì chúng bay không khỏi người mệt, lương thiếu’, lãnh binh Thắng đã trả lời rằng: “Thật là đa tạ các người đã uổng phí lòng chiếu cố rồi đấy. Núi là đường của chúng tôi, ruộng là nương của chúng tôi, có gì là mệt với thiếu? Chỉ sợ các người xa thì thiếu thốn thôi”.
Ông tiếp tục đối đáp với người nhà Thanh: “Các người lại nói các lời rằng: ‘Đến nơi gần mà điều binh sẽ được ngay tám chín nghìn tên. Lấy người nhàn rỗi mà đối địch với kẻ mệt nhọc’. Các người vượt bờ cõi đến đây còn phải mất công triệu tập, chứ đấy là trong nhà chúng tôi, cỏ cây đều là quân lính, một hai vạn cũng có chứ sao lại chỉ có tám chín nghìn? Thì ai là nhàn rỗi, ai là mệt nhọc?”
Sau khi phân rõ thế chủ – khách, lại khẳng định quyền tự chủ, tự quyết đối với mảnh đất thuộc chủ quyền của nước Việt, ông tiếp tục mềm mỏng nhưng mang tính cảnh báo.
“… Chúng tôi kính thuận là vì nên làm theo nghĩa lý chứ không phải là đất đai và quân lính yếu. Trong các người phần nhiều là người đọc sách biết thời vụ, há không nghe thấy công việc từ thời Nguyên, thời Minh tới nay mà so sánh với công việc của nhà Trần, nhà Lê đấy sao? Các người đã hẹn với chúng tôi là mười ngày thì xong việc, thế mà bấy lâu không thấy rút quân, há không phải là theo lối cũ làm chước hoãn binh, hoặc lại tụ tập bọn khác đến mưu hại chúng tôi đấy sao? Nếu ngày nay bọn con em chúng tôi không ngại phiền phức thì cứ tiến lên một bước là đánh một bước, bắn một phát súng thì há không phải là các người cố ý kích động chúng tôi đấy sao? Nếu sau này xảy ra một việc không tốt lớn hoặc nhỏ thì rõ ràng là không phải tự chúng tôi gây rối rồi. Chúng tôi lại sợ quan trên của các người sẽ đem cái tội lớn là ‘gây càn ra thù hằn nơi biên giới’ mà đùn đẩy lên mình các người thì các người chịu đựng thế nào?”.
Nói những lời hướng tới sự an nguy của chính quân sĩ phía đối phương, ông đã cho thấy sự am hiểu về tính tráo trở chốn quan trường, khi thí tốt là một phương pháp được ưa dùng. Nói đạo lý để đi vào lòng người nhất, chẳng phải là nên đứng từ phía của người khác mà nghĩ như họ, nghĩ cho họ sao? Đồng thời đoạn thư cũng vạch trần âm mưu của quân nhà Thanh khi đã hứa mười ngày là xong mà lại thất hẹn. Ông nói thẳng ra cái thủ đoạn lấy cớ sang đóng binh trên đất người khác rồi lần lữa không về, kiếm cớ gây hấn, người Việt không lạ gì.
Vừa vạch trần âm mưu, vừa nghĩ cho đám quân sĩ chỉ làm theo mệnh lệnh mà có nguy cơ bị chính tướng mình, vua mình vu tội khi cần đạt mục đích ngoại giao. Đó là cái lý chính đáng không thể cãi bàn, cái tình chân thành không khỏi rung động nhân tâm.
Tiếp đó, dùng những lời chân tình rất mộc mạc, ông viết:
“Trăm việc lấy hòa làm quý, thử đem lời nói của tôi mà ngẫm nghĩ kỹ xem! Nếu thu xếp xong được sớm, rút về không lưu lại một giờ nào thì tôi cũng không cần ở lâu để cai quản việc không cần thiết. Nếu để chậm đến cuối mùa thu thì lam chướng (khí độc ở vùng rừng núi lạnh lẽo) ngày càng nặng, mưa lụt ngày càng nhiều, lính của tôi đã quen thuộc khí hậu còn cảm thấy khó nhọc, huống chi lính các người quen ở đất Bắc, nay ở lâu trong vùng lam chướng sợ không chịu nổi.
Vả chăng các người là bực đại trí tuệ, đại kiến thức, mong hãy soi xét lời nói phải, sắp xếp hoàn thành việc rất tốt này cho cả hai bên, há không phải tay không mà tạo thành được tòa tháp bảy tầng, không những con cháu được hưởng công đức ấy vô cùng, mà tự mình trước đã hưởng điều rất vui sướng đấy. Hơn nữa mảnh đất sỏi đá này có hay không thì có quan hệ gì? Việc đi lần này chắc chỉ vì lầm nghe bọn tiểu nhân nói những điều khách khí, nay thì điều khách khí đã thoải mái rồi, còn đòi gì nữa? Chúng tôi đi chuyến này vốn là bất đắc dĩ, mong các người tỏ lòng tốt. Nếu buổi sớm các người rút quân thì buổi chiều chúng tôi cũng cáo từ đấy, chúng tôi há có thích gì cái việc không vui sướng này đâu! Chúng tôi đã thành tâm khuyên nhủ, các người nên nhớ cho kỹ. Vậy đưa tờ trát này để trả lời các người biết”.
Cuốn Gương sáng Trời Nam giải thích thêm, theo quan chế thời Nguyễn thì lãnh binh chỉ là võ tướng chỉ huy quân đội ở địa phương, một chức quan võ nhỏ. Nhưng ông lãnh binh mà đời sau chỉ biết tên là Thắng ấy đã làm một việc thật đáng khâm phục.
Ông tự quyết được việc ứng xử ra sao với quân giặc trong một tình huống nguy hiểm tới vận mệnh quốc gia. Bởi ông biết mình phải làm gì để xứng với non sông, không phải lựa chọn làm gì để giữ được chức vụ của mình. Ông biết lòng người Việt chung chí hướng, nên khi đang là đại diện vua tôi nước Việt trong cảnh nguy khốn, chỉ cần thể hiện rõ khí phách dân tộc, ý chí tự cường, sẵn sàng đánh trả bất cứ thế lực nào xâm phạm lãnh thổ, thì đó là điều phải làm. Không cần đắn đo, không cần lựa chọn.