Đại Kỷ Nguyên

Quân vương thực hiện việc chính trị như thế nào thì được Thiên đế đáp lại?

Không chỉ khi gặp thiên tai hạn hán, mà mỗi hàng năm các bậc đế vương xưa đều tổ chức tế lễ cầu mưa, thành tâm sám hối về những khuyết thiếu đức hạnh của bản thân, một lòng cung kính với Thiên Thượng.

Thiên tai và đức hạnh của quân vương là có quan hệ mật thiết với nhau

Cổ nhân cho rằng khi thiên tai cùng với đức hạnh và nhân phẩm của quân vương đều có quan hệ mật thiết với nhau. Trong lịch sử có ghi lại điển cố nổi tiếng “Thang đảo tang lâm” của triều Thương, kể về vua Thang vì bách tính lương dân mà tế lễ cầu mưa để kiểm điểm lại hành vi của bản thân mình.

Chuyện kể rằng khi vua Thương Thang lên ngôi không bao lâu, liền phát sinh một trận hạn hán lớn, kéo dài bảy năm. Hạn hán kéo dài đến nổi làm sông ngòi giếng nước khô cạn, đất đai khô cằn, cỏ cây chết héo, mạ không phát triển, hoa màu không thu hoạch được, xương trắng phơi đầy cánh đồng. Vì mong muốn Thiên Đế giải trừ đại nạn hạn hán này, vua Thương Thang bèn thiết lập đàn tế lễ ngoài thành, mỗi ngày đều phái người cử hành trông coi tế lễ, khẩn cầu Thiên Đế trừ hạn ban cho trời mưa. Đây chính là “Giao tế”.

Theo mệnh lệnh của vua Thương Thang, các vật tế lễ được dâng lên Thượng Thiên cầu nguyện gồm có bò, dê, lợn, chó, gia súc. Sau đó nhà vua cùng các quan đại thần đã tự kiểm điểm lại bản thân với sáu khuyết điểm sau:

“Có phải vua quan chúng con không tiết chế hành vi, phép tắc chuẩn mực hay không?

Có phải đã khiến người dân chịu quá nhiều khó khăn, đau khổ?

Phải chăng có quan lại nhận hối lộ tham ô?

Có phải có kẻ tiểu nhân đồn đại lưu truyền những lời gièm pha không tốt hay không?

Hay có nữ nhân quấy nhiễu chính sự?

Có phải cung điện xây sửa quá to lớn hay không ?

Vì sao Thượng Thiên vẫn lặng thinh không ban mưa xuống?”

Dù cho những lời khẩn nguyện có như thế nào đi nữa Thượng Thiên vẫn không đáp lại, Thiên Đế vẫn không ban phúc cho mưa xuống.

Hạn hán vẫn tiếp tục diễn ra đến năm thứ bảy, vua Thương Thang mệnh lệnh các sử quan đến một khu rừng cây tươi tốt trên núi, chọn một rừng dâu tại nơi đó thiết lập đàn tế lễ, ông tự mình dẫn đầu các quan đại thần cử hành tế tự cầu mưa. Thế nhưng sau lễ tế vẫn chưa thấy trời đổ mưa, vua Thương Thang liền mệnh lệnh sử quan xem quẻ bói. Kết quả là: “Lúc lập đàn tế lễ ngoài dùng dê bò làm vật tế ra còn phải dùng người hi sinh tế lễ”. Vậy nên vua Thương Thang quyết định đem chính mình dâng hiến cho Thiên Đế.  

Vua Thương Thang sai người chất củi thành đống, sau đó đem tóc và cắt móng tay của mình, rồi tắm rửa sạch sẽ giữ mình trong sạch thanh khiết, hướng lên trời khấn nguyện: “Chỉ mỗi mình con là người có tội, cầu xin Thượng Thiên không thể trừng phạt muôn dân. Hoặc nếu muôn dân có tội, đều chính là lỗi lầm của con. Con không muốn chỉ vì chính con không có năng lực, mà làm cho Thiên Đế quỷ Thần trách tội tính mạng của muôn dân”.

Khi lời khấn nguyện vừa dứt, vua Thang liền đi lên ngồi vào đống củi. Lúc sắp châm lửa, bỗng nhiên mây đen bốn phương kéo đến, gió lớn nổi lên, mọi người trải qua bao nhiêu năm trông ngóng ước nguyện thì nay mưa to bất ngờ đổ xuống. Ai cũng cho rằng vua Thang vì muôn dân mà hi sinh bản thân đã làm cảm động đến Thiên Đế, mới khiến cho trời đổ mưa xuống, và tình hình hạn hán được giải trừ.

Tranh vẽ vua Thương Thang. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Nguồn gốc của vũ điệu múa rồng trong tế lễ cầu mưa thời xưa

Trên thực tế, những tình huống có liên quan đến tế lễ cầu mưa vào thời cổ đại, tài liệu lịch sử Tiên Tần (giai đoạn lịch sử của Trung Quốc trước khi nhà Tần thống nhất) có để lại nhiều ghi chép. Theo “Thần Nông cầu mưa” ghi lại, hai mùa xuân hạ hạn hán đã lâu không mưa, nếu như tình hình hạn hán phát sinh ở phương đông, thì là do trẻ em múa cầu mưa, nếu như phát sinh ở phương nam, thì do người trung niên múa cầu mưa, nếu phát sinh ở phương tây, là do người già lớn tuổi múa cầu mưa, nếu phát sinh ở phương bắc, thì cũng do người già lớn tuổi múa cầu mưa, đều là lấy hình tượng của rồng để múa. Đây chính là nguồn gốc mà điệu múa rồng cầu mưa được lưu truyền.

Tế lễ cầu mưa được quân vương các triều đại kế thừa và lưu truyền

Trong “Chu lễ Xuân quan – Tông Bá hạ” có ghi chép: “Quan Tư vu quản lý chính lệnh các vu sư (vu sư là thầy cúng, xưa chuyên lo chuyện cúng tế). Nếu trong nước có đại hạn thì dẫn các vu sư ‘múa cầu mưa’. Nếu đại hạn thì quan Tư vu đứng đầu các vu sư dẫn mọi người nhảy múa khi tế lễ cầu mưa. Hình thức cụ thể như thế nào thì hiện nay đã không thể nào biết được.

“Tế lễ cầu mưa” thông thường được chia làm hai loại: “Tế lễ bình thường” và “Bởi vì hạn hán mà tế lễ”. “Tế lễ bình thường” là lễ tế cố định trong năm, dù cho không gặp phải hạn hán tai ương, cũng đều sẽ cố định thời gian mà tiến hành tế tự, diễn ra vào tháng Tư âm lịch. “Bởi vì hạn hán mà tế lễ” là chỉ khi nào có nạn hạn hán mà tổ chức tế lễ, phần nhiều là vào hai mùa hạ và thu, còn mùa đông thì không lo nạn hạn hán bởi vì lúc này là thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ.

Trong “Lễ ký- Nguyệt lệnh” có nói lễ cầu mưa thì thiên tử và chư hầu đều phải thực hiện lễ tế. Thiên tử tế lễ với Trời, được gọi là “Đại lễ cầu mưa”. Chư hầu thì tế lễ núi sông trong địa hạt, được gọi là “Lễ cầu mưa”. Đại lễ cầu mưa, dựng đàn tại Nam giao, tức ngoại thành phía Nam (Ngày đông chí tế trời ở cõi phía nam ngoài thành gọi là tế nam giao hay giao thiên). Đối tượng tế lễ, ngoại trừ Thượng Thiên ra, còn bao gồm tất cả các nguồn nước trên mặt đất.

Có thể nói, từ đời nhà Tần đến triều nhà Thanh, các đời đế vương cũng đều có trải qua những tế lễ cầu mưa. Như vào triều Minh trong “Đại Minh hội điển” có ghi chép, năm 1585, năm đó thiên hạ đại hạn không mưa, ngay cả trong giếng đều không có nước. Hoàng đế Vạn Lịch tự mình dẫn theo 4.000 văn võ bá quan đến Thiên đàn cầu mưa. Hoàng Đế Vạn Lịch tại đàn tế khấn nguyện, bởi vì bản thân khuyết thiếu đức hạnh, và có quan tham vô lại bóc lột lương dân, mạo phạm Thượng Thiên, cho nên mới dẫn tới khô hạn. Hoàng Đế hứa rằng nhất định sẽ sửa đổi quy chế, cách chức những quan lại xấu ác, thúc đẩy một nền chính trị nhân từ.

Các Hoàng đế triều nhà Thanh cũng không ngoại lệ. Gần nhất có ghi lại là năm Thuận Trị thứ 14 ( năm 1657), Hoàng đế Thuận Trị tiến về Thiên đàn cầu mưa, khi nghi thức hoàn tất, mặc dù vẫn chưa hồi cung nhưng trời lúc đó đã đổ mưa rất to. Thế là, Hoàng đế Thuận Trị vào năm này đặt ra quy chế “Vào năm hạn hán đích thân vua tế lễ ở Giao đàn”. Về sau này Khang Hy đế cũng kế tục cha mình mà cử hành tế lễ cầu mưa, ngoại trừ “Tế lễ thông thường” ra, còn có “Vì trời hạn mà tế lễ”, chính là chỉ cần xuất hiện nạn hạn hán, vua liền phải đến Thiên đàn cầu phúc cho muôn dân trăm họ.

Hoàng đế Thuận Trị. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

“Cách ngôn giáo huấn của Thánh Tổ Hoàng Đế” triều nhà Thanh có ghi chép rằng hoàng đế Khang Hy cùng các hoàng tử và đại thần nói về tình huống cầu mưa: “Kinh thành đầu mùa hạ, gần như hàng năm đều mưa rất ít. Trẫm đã lên ngôi trị vì được 56 năm, ước chừng 50 năm cầu mưa, cho nên mỗi khi đến mùa thu hoạch, hoa màu đều phát triển thuận lợi, bội thu và dồi dào, sung túc. Có một năm, từng có đợt hạn hán lớn, trẫm trong cung lập đàn cầu nguyện. Quỳ cả ba ngày ba đêm, mỗi ngày chỉ ăn đồ ăn thanh đạm, không động vào muối tương. Đến ngày thứ tư, đi bộ đến Thiên đàn thành kính cầu nguyện. Đột nhiên bầu trời mây đen dày đặc, mưa như trút nước. Lại tiếp tục đi bộ về cung, nước đầy cả ủng đi mưa, thấm ướt đẫm cả áo”.

Không chỉ có chính bản thân Khang Hy Đế cầu mưa, đôi khi ông cũng dẫn theo Lễ bộ cùng quan viên địa phương cầu mưa. Năm Khang Hy 55 tuổi, có địa phương gặp phải hạn hán lớn, ông liền đi tuần tra các khu vực sông ngòi, sau đó sai Lễ bộ tế lễ cầu mưa. Mấy ngày sau, ông vẫn liên tiếp nhận được các sớ tấu rằng trời vẫn chưa mưa, trong lòng càng thêm lo lắng, lại lần nữa phát chỉ dụ căn dặn, mệnh lệnh Đại học sĩ, Cửu khanh cùng đi tế lễ cầu nguyện. Về sau, những quan lại lười biếng, chậm trễ trong tế lễ cầu mưa, đại đa số đều bị Khang Hy Đế cách chức.

Sau này đến thời Hoàng đế Càn Long, ông làm theo đại lễ cầu mưa thời nhà Đường mà chế định ra quy chế “Rồng hiện thì tế lễ cầu mưa” và “Đại lễ cầu mưa”. Sau đó, hàng năm lễ tế cầu mưa “Rồng hiện thì tế lễ”, được các đời Hoàng Đế đều tuân theo mà thi hành, không có nguyên nhân đặc thù nào, nếu như có quốc tang, bệnh tật các loại, đều phải tự mình lên đàn hành lễ, trải qua hơn trăm năm mà không có thay đổi. Còn “Đại lễ cầu mưa”, xuyên suốt triều nhà Thanh chỉ cử hành qua hai lần, chính là năm Càn Long thứ 24 và Đạo Quang năm thứ 12.

Có thể thấy rằng, khi một quân vương thành tâm cung kính Thiên Thượng mà tế lễ cầu mưa thì sẽ đạt được như ý nguyện, cũng là “Tuân theo mệnh Trời”. Vì vậy đế vương phải thực hiện một nền chính trị nhân từ, chính là phải tuân theo Thiên ý, phải cung kính với Thần và biết được sai lầm mà sửa sai thì sẽ được Thiên Đế đáp lại.

Tuệ Liên
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Exit mobile version