Đại Kỷ Nguyên

Quốc vương vơ vét vàng bạc hối lộ Diêm Vương, chợt bừng tỉnh trước câu nói của một chàng trai trẻ

Phúc và họa như bóng với hình, theo sát người ta mọi lúc mọi nơi dù họ có thừa nhận hay không. Lẽ nào ta có thể thoát ra ngoài thân thể mà trốn tránh cái bóng của chính mình hay sao?

Chuyện kể rằng, có một vị quốc vương nọ, từ sáng đến tối trong đầu não lúc nào cũng đều chỉ nghĩ tiền tài nữ sắc, không chút quan tâm đến cuộc sống khổ cực của muôn dân.

Và vị quốc vương này đặc biệt sợ chết. Cái chết luôn ám ảnh, khiến ông gặp từng cơn ác mộng mỗi đêm. Bởi thế, ông thường xuyên buồn bực và sợ hãi.

Ông bèn nghĩ: “Mình đã làm quá nhiều chuyện xấu, sau khi chết có khi còn bị đọa vào địa ngục. Phải làm sao mới ổn đây? Phải rồi! Nhân lúc vẫn còn thời gian sống, phải mau chóng vơ vét vàng bạc, của cải để mai sau có xuống Âm phủ còn dâng tặng Diêm Vương, lấy lòng ông ta. Nói không chừng ông ta sẽ đối tốt với mình. Mình cũng không cần phải chịu nhiều tội trạng như thế nữa”.

Vừa nghĩ xong, vị quốc vương lập tức phái đại thần tìm đến khắp nơi trên vương quốc để thu gom tiền của, đồng thời ban bố sắc lệnh: “Nếu ai to gan lớn mật dám giấu giếm dù chỉ một phân nhỏ vàng kim, một khi tra ra được sẽ phải chịu tội chết”.

Cứ thế, quân lính của quốc vương vơ vét liên tục trong 3 năm liền, người dân đều không còn lại đồng xu dính túi, nghèo xơ nghèo xác, tình cảnh sầu thảm không sao kể xiết. 

Nhưng vị quốc vương nọ lòng tham không đáy, vẫn chê không đủ, lại dối gạt người dân rằng: “Nếu ai còn có thể cho ta thêm một chút xíu vàng nữa, ta sẽ gả công chúa và ủy thác trọng trách cho người đó”.

Bấy giờ, có một quả phụ cùng cậu con trai sống nương tựa lẫn nhau, đời sống thực là kham khổ. Nhưng dù cực khổ làm vậy, hai mẹ con hàng ngày đều tụng kinh niệm Phật, phẩm đức cao thượng, nghèo tiền tài chứ không nghèo nhân cách. Nhân thấy việc làm xằng bậy của quốc vương, họ đều rất không vừa ý.

(Ảnh: freshwallpapers.net)

Sau khi người con trai biết được cáo thị hứa hẹn phong quan mà quốc vương đưa ra, cậu đã nghĩ ra được một diệu kế. Cậu bàn với mẹ rằng: “Lúc cha qua đời, chúng ta từng nhét một miếng vàng trong miệng cha, dùng khi xuống hoàng tuyền hối lộ Diêm Vương. Con nghĩ đến nay, miếng vàng ắt vẫn còn. Giờ chúng ta hãy lấy nó ra, dâng cho quốc vương đi!”. Người mẹ gật đầu đồng ý.

Lại nói chuyện, vị quốc vương nọ trông thấy miếng vàng chàng trai trẻ dâng lên thì quả thật là vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội hỏi: “Nhà ngươi tìm được miếng vàng này ở đâu vậy?”.

Chàng trai trả lời: “Kính thưa bệ hạ, đây là miếng vàng thần nhét vào miệng của cha mình khi ông ấy qua đời, dùng để hối lộ Diêm Vương. Bây giờ hay tin đại vương đưa ra cáo thị, đồng ý lấy tước vị để đối lấy vàng, tiểu nhân mới không tiếc sức lực mà tìm lại nó”.

Quốc vương hỏi: “Phụ thân ngươi có phải đã qua đời nhiều năm rồi không?”.

Chàng nói: “Đúng vậy! Đã 11 năm rồi”.

Quốc Vương lại hỏi: “Thế ông ấy không cần dùng đến số vàng này để hối lộ Diêm Vương sao?”.

Lúc này, chàng trai mới nghiêm mặt nói: “Thưa bệ hạ! Tiểu nhân tin vào lời giảng trong kinh Phật, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, phúc và họa như bóng theo hình, theo sát người ta mọi lúc mọi nơi, không kể là người ta có nguyện ý thừa nhận hay không. Lẽ nào ngài có thể thoát ra ngoài thân thể để trốn tránh cái bóng của chính mình hay sao?”.

(Ảnh: movie.mtime.com)

Quốc vương trầm ngâm một lát, thừa nhận rằng: “Không thể”.

Chàng trai tiếp tục: “Thân thể của người ta, là do Đất, Nước, Lửa, Gió tạo thành. Con người vừa chết, bốn thứ này cũng không còn tồn tại trong thân thể nữa. Khi ấy, linh hồn người ta phiêu đãng khắp nơi. Bệ hạ vì để cứu vớt linh hồn mà bỏ tiền hối lộ, há chẳng phải hoang đường quá ư?

Bệ hạ nhờ được phúc báo bố thí của đời trước mà kiếp này mới có thể trở thành quốc vương. Bây giờ, nếu ngài tôn sùng nhân nghĩa, tâm địa thiện lương thì không kể gần xa, tiếng thơm của ngài sẽ truyền rộng khắp bốn phương.

Lúc ấy, tuy rằng ngài vẫn còn chưa đắc Đạo nhưng đời sau nhất định vẫn sẽ chuyển sinh thành quốc vương. Thế thì cần gì phải đem vàng bạc mà hối lộ Diêm Vương nữa vậy?”. 

Quốc vương nghe xong, lòng đầy vui mừng, đại xá tù phạm trong ngục, trả lại số vàng bạc, của cải đã vơ vét được. Ông lại có được sự tôn kính của muôn dân. Từ đây đất nước giàu mạnh, trăm họ lại được sống những tháng ngày hạnh phúc.

***

Người ta thường nghĩ rằng tiền bạc có thể chuộc lấy lỗi lầm, hối lộ có thể giúp mình xóa sạch tội nợ. Đó thực chất chỉ là cách nghĩ của những người vô tri.. Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo, gieo gió thì ắt phải gặp bão, hành thiện thì sẽ được phúc báo. Đó đều là quy luật của vũ trụ, tiền bạc làm sao có thể đánh đổi được đây?

Vị quốc vương ở trên, dù sao đi nữa cũng là một người hiểu chuyện, có ngộ tính. Đến giây phút cuối cùng, đến lằn ranh lựa chọn giữa thiện và ác, giữa địa ngục và thiên đường, ông đã có lựa chọn hoàn toàn sáng suốt. Trồng mầm thiện thì ngày sau gặt trái phúc, đó cũng là lẽ thường vậy.

Con người sống trên đời, có thể bị danh lợi, của cải, mỹ nữ che mờ mắt, có thể lạc mãi trong chốn hồng trần đầy mê hoặc này. Nhưng ẩn sâu bên trong mỗi người, tin rằng vẫn có những mầm mống thiện lương chỉ đợi gặp cơ hội là vươn chồi, trổ lá.

Vị quốc vương nọ chỉ cần được nghe vài đạo lý nhà Phật từ miệng một người thường mà bừng ngộ, cải tà quy chính.

Hy vọng câu chuyện sẽ như một lời nhắc nhở, giúp mỗi chúng ta nhìn lại chính mình.

Thiện Sinh

Exit mobile version