Trong truyền thuyết, Diêm Vương là bậc chủ tể của âm gian, là người nắm trong tay quyền sinh tử luân hồi của con người thế gian. Trong tay Diêm Vương có cuốn sổ sinh tử thọ mệnh ngắn dài của mỗi người. Khi một người dương thọ đã điểm, liền phái Hắc, Bạch vô thường đi áp giải linh hồn người chết trở về Diêm Vương lên điện đợi thẩm phán.
Khi thẩm phán, Diêm Vương sẽ căn cứ nhân quả thiện ác của người này được ghi chi tiết trong sổ khi còn sống mà an bài cho họ cuộc đời kế tiếp. Người hành thiện tích đức thì có thể thăng lên tiên giới, hoặc chuyển sang kiếp mới sống đời sung sướng. Còn nếu như khi còn sống hành ác thì sẽ bị giáng xuống địa ngục mà chịu các loại cực hình trừng phạt, sau đó người này sẽ được chuyển sinh sang kiếp kế tiếp với một đời cực khổ tứ bề.
Vậy thế nào là hành thiện tích đức, thế nào là hành ác tạo nghiệp? Đoạn ác thì phải làm gì, hành thiện phải làm sao? Có người cho rằng, không sát sinh chính là đoạn ác, thả phóng sinh ấy là thiện ở trên đời… Kỳ thực, đó chỉ là hành vi bề mặt mà thôi. Mọi phúc báo thế gian đều đến từ sự chân thành hướng thiện tự nội tâm con người. Vạn sự trên đời đều tùy tâm mà khởi, tùy tâm mà diệt, tốt xấu đều tự một niệm mà ra.
Khởi dâm niệm, mất công danh
Những năm Chính Đức triều Minh, có một chàng thư sinh tên Triệu Vĩnh Trinh, khi còn nhỏ từng gặp một cao nhân nói: “Năm 23 tuổi nhất định sẽ có công danh”. Quả nhiên, sau này khi Vĩnh Trinh 23 tuổi tham gia thi Hương trúng tuyển với thứ hạng cực cao. Văn chủ khảo cũng đã quyết định chọn anh ta để tiến cử, tuy nhiên mấy kỳ thi sau Vĩnh Trinh đều bị rớt bảng một cách lạ kỳ.
Vĩnh Trinh buồn rầu đi đến miếu Văn Xương Đại đế khẩn cầu, mong Đại đế có thể giải tỏa cho mình thắc mắc này. Văn Xương Đại đế nghe được thỉnh cầu của anh ta nên đã truyền mộng cho Vĩnh Trinh nguyên nhân của sự việc. Đại đế nói: “Anh vốn dĩ có thể thi đỗ khoa thi năm nay, tuy nhiên vì thời gian gần đây tâm anh bất chính, trêu ghẹo tỳ nữ trong nhà, lại chọc ghẹo con gái nhà lành. Tuy tất cả vẫn chỉ là trong tư tưởng, chưa cấu thành hành động nhưng vẫn bị đoạn đi phúc báo, con đường công danh cũng vì đó mà chẳng còn”.
Sau khi nghe Đại đế nói vậy, Vĩnh Trinh sợ hãi hối cải, phát thề từ nay trở đi cải đổi tâm tính, phát tâm in ấn sách thư đoạn dục để cảnh báo con người thế gian. Sang năm kế tiếp, Vĩnh Trinh thi đỗ bảng vàng, làm đến chức quan Phiên Hiến.
Tâm đố kỵ chiêu mời khổ nạn
Trước đây có một Nho sinh, tuy học cao hiểu rộng nhưng bao năm thi cử đều không đỗ đạt, sau này thành gia lập thất, con cái tuy đông nhưng đứa thì chết sớm, đứa lại thiểu năng trí tuệ khiến cho gia đình chẳng thể yên vui. Bản thân vị Nho sinh đó cũng thấy làm khó hiểu, cho rằng bản thân mình cả đời sống hiền lành không làm điều gì xấu, không xâm phạm người khác, sao lại gặp cảnh này?
Một hôm, có người bạn cũ lâu ngày tới thăm hỏi chuyện, vị Nho sinh này mới nói, bản thân mình chỉ có một tật xấu đó là hay đố kỵ với người khác, khi thấy người khác hơn mình thì trong lòng luôn cảm thấy bực tức khó chịu. Nghe xong, người bạn này mới nói, nguyên nhân chính là ở chỗ này, cần phải trừ bỏ nó đi nếu không họa càng thêm họa.
Quả nhiên sau khi được người bạn chỉ hữu, vị Nho sinh này quyết tâm thay đổi, mấy năm sau gia cảnh liền thay đổi, ngày một tốt hơn, con cháu cũng hiển đạt.
Thần không nhìn hành động bề mặt, chỉ nhìn nhân tâm
Trước đây có một chàng thanh niên cần cù chịu khó, lương thiện làm ăn, cuối cùng tạo được một cơ nghiệp cho riêng mình. Anh ta cũng là một người con hiếu thuận chăm sóc song thân chu đáo, là một người chồng mẫu mực yêu thương vợ con. Cả gia đình anh ta sống những tháng ngày tốt đẹp.
Tuy nhiên một ngày kia, khi anh ta mới ngoài 30 tuổi, không ốm không đau nhưng lại đột ngột qua đời. Hắc Bạch vô thường liền mang anh ta xuống địa ngục gặp Diêm Vương. Anh ta cho rằng, khi còn trên dương thế mình sống một đời hành thiện tích đức, theo lý phải được lên thiên đàng, tại sao lại bị đày xuống địa ngục thế này, thật là phi lý.
Diêm Vương sau đó mới giở cuốn sổ nhân quả thiện ác ra, chàng thanh niên nghe xong thì rụng rời chân tay, hoá ra từng ý từng niệm bất hảo của bản thân đều được ghi chép lại. Trên bề mặt, anh ta là một người con hiếu thảo, một người chồng mẫu mực, tuy nhiên đó chỉ là những gì con người thế gian có thể nhìn thấy, còn điều con người không nhìn được đôi khi nó lại là rất khác.
Cổ ngữ có câu: “Trên đầu ba thước có Thần minh”, mỗi một suy nghĩ, mỗi một niệm tốt xấu của con người chỉ cần máy động một cái là chư Thần khắp nơi đều thấu tỏ. Chư Thần nhìn chính là nhìn nhân tâm của con người ra sao mà quyết định chứ không hẳn chỉ là nhìn ở biểu hiện bề mặt này.
Kỳ thực, tiêu chuẩn để đo lường thiện ác, tốt xấu, đúng sai tại thế gian chẳng thể do con người định đoạt. Không phải do nhân loại chúng ta cho là tốt, nó sẽ là tốt, cho là xấu nó sẽ là xấu. Thế gian vạn sự vạn vật không gì có thể nằm ngoài quy chuẩn đo lường của vũ trụ này. Ấy chính là Chân – Thiện – Nhẫn, khi một người có thể dùng tiêu chuẩn này để đo lường bản thân mình từ suy nghĩ cho đến hành động, ấy mới có thể là đúng đắn, là chân chính. Còn người nào lệch khỏi quỹ đạo này thì ắt sẽ là người xấu, vậy đương nhiên đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá.
Tây Phong