Cổ nhân có câu “Bách Thiện hiếu vi tiên”, tức là trong hàng trăm đức hạnh của con người thì chữ Hiếu luôn đứng đầu. Ngày Vu Lan đến, một lần nữa ta lại được chiêm nghiệm về chữ Hiếu, và là cơ hội để có thể báo đáp ân tình dưỡng dục sâu nặng của những đấng sinh thành.
Ý nghĩa ngày Vu Lan
Mỗi năm đến rằm tháng 7 ta lại thấy người người nhà nhà đều sắm cỗ chay cúng ông bà, hoặc là đi chùa dự lễ Vu Lan. Đây cũng là dịp con cái khắp nơi về hội tụ sum họp bên mâm cỗ gia đình, vui vầy cùng cha mẹ ông bà.
Dù là người có theo đạo Phật hay không thì Vu Lan đều có ý nghĩa riêng trong lòng mỗi người làm con, là dịp để chúng ta có thể gạt đi những xô bồ bon chen trong cuộc sống đời thực mà chầm chậm nhìn về quá khứ cho đến hiện tại, tưởng nhớ công lao của các đấng sinh thành. Bởi trên đời này, bạn bè, công việc, tiền bạc thì dù mất đi đều có thể kiếm lại được, nhưng cha mẹ thì chỉ có một mà thôi.
Có lẽ ai ai cũng từng nghe kể về truyền thuyết ngày Vu Lan. Chuyện xưa rằng, bậc giác ngộ Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật với nhiều phép thần thông. Khi đạt đạo, ông dùng thiên nhãn thông tìm mẹ mình thì thấy bà đang bị đọa ở địa ngục với rất nhiều khốc hình, bởi vì lúc còn sống bà là một người cay nghiệt, coi khinh người nghèo, xem thường nhân quả. Vì đau xót bởi công sinh thành, nuôi dưỡng bấy lâu, Mục Kiền Liên đem cơm tới cho bà ăn, nhưng vì tội nghiệp sâu dày, cơm vừa đưa tới miệng mẹ Mục Kiền Liên thì đã hóa thành than nóng. Mục Kiền Liên liền về tham kiến Đức Phật thì mới hay rằng, tội nghiệp của mẹ quá nặng, pháp lực của một mình Mục Kiền Liên không đủ cứu mẹ. Chỉ có cách là đến rằm tháng bảy, bày hoa quả, đồ ăn cúng dường chư tăng và các cô hồn dã quỷ để hồi hướng công đức, mới có thể giúp mẹ ông thoát khỏi cõi địa ngục.
Và một ý nghĩa rộng lớn hơn, Vu Lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày “xá tội vong nhân”. Tức là những linh hồn không có người thân cúng giỗ, những người chết oan, hoặc làm điều ác chưa siêu thoát… thì ngày này cũng được “mở cửa ngục” về dương gian để hưởng quần áo, tiền, thức ăn do những ai có tâm cúng tế để hồi hướng công đức cho người thân.
Bao đời nay, Vu Lan đã trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng tộc để mọi người đề cao chữ Hiếu và nhắc nhở đạo làm con. Cũng vì chữ Hiếu đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, nếu không tròn bổn phận thì sẽ bị dư luận lên án, cộng đồng chê cười.
Những tấm gương hiếu nghĩa giữa đời thực
Từ bao đời nay, công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thật vô cùng to lớn, được khắc họa qua những câu ca dao bất hủ như: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, hay “Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Vì thế, đã là một người con hiếu nghĩa thì đâu chờ đến lúc cha mẹ già yếu, khuất xa mới phụng dưỡng, sắm mâm cao cỗ đầy, mà tốt nhất nên thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày từ những việc nhỏ nhất. Đó chính là những lời hỏi thăm, những nụ cười, những sự quan tâm giản đơn, gần gũi nhưng ấm áp tình người.
Có nhiều người con đôi lúc quan niệm rằng, tuổi trẻ cần phấn đấu, thành danh thì về già mới lo cho cha mẹ được đủ đầy. Chính vì thế mà họ đã lao vào cuộc sống mưu sinh quên ngày tháng, không một lần về thăm cha mẹ. Nhưng họ đâu biết rằng, cha mẹ liệu có thể sống đến lúc họ thành tài hay không?! Và thật ra, nếu dành một chút thời gian, một chút quà nhỏ sẽ không thể làm hỏng tương lai của họ được, nhưng lại có thể mang lại niềm vui vô tận cho các bậc sinh thành. Và cũng bởi thời gian không đợi người.
Thật đáng trân quý làm sao, vì không chỉ những người con ở tuổi trưởng thành mới thật sự thấu hiểu sâu sắc về chữ Hiếu, mà những em bé còn đang tuổi ăn, tuổi chơi quá đỗi bé nhỏ hồn nhiên sau đây, lại khiến chúng ta ngưỡng mộ pha lẫn xót xa về sự hiếu nghĩa chân tình. Nhân ngày Vu Lan đến, một lần nữa chúng ta hãy cùng nhìn lại những tấm gương chí hiếu ấy.
Các câu chuyện chân thật này dù xảy ra đã lâu, nhưng đều ở thời điểm các em bé đều còn rất nhỏ. Sự thấu hiểu về công sinh thành quá đỗi thuần khiết, thánh thiện của các em đều có thể khiến trái tim mỗi người chúng ta rung động, suy ngẫm.
Cậu bé 9 tuổi bán bánh xèo nuôi cả nhà
Đó chính là bé Huỳnh Trọng Ơn (sinh 2004), quê ở Quảng Ngãi. Em mồ côi cha nên phải ở với mẹ, bà ngoại và cậu. Tuy nhiên cậu và bà thì đau ốm triền miên, do đó mình mẹ Ơn phải gồng gánh bán bánh xèo ngoài chợ nuôi cả nhà.
Năm 2013, mẹ Ơn bỗng phát bệnh thần kinh nặng, tự nói lẩm bẩm suốt ngày và đi lung tung hết đầu làng đến cuối xóm. Lúc đó Ơn mới 9 tuổi mà đã phải thay mẹ gánh bánh xèo ra chợ bán để mưu sinh cho cả gia đình.
Nhìn cậu bé nhỏ xíu, đen nhẻm lọt thỏm trong bộ quần áo thể thao cũ mèm, mặt đỏ lựng mồ hôi với 4 lò than đúc bánh xèo, ai ai trong chợ cũng thấy thương đến mua ủng hộ, dù biết rằng bánh của cậu bé không đẹp không ngon như của mẹ cậu.
Và thế là cứ một buổi đến trường, một buổi ra chợ, cậu bé 9 tuổi đã trở thành trụ cột của cả đại gia đình, vậy mà Ơn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cái tên Trọng Ơn của cậu bé thật như chính sự hiếu thảo vô bờ của tâm hồn bé nhỏ ấy.
Bé 3 tuổi chăm mẹ tàn phế
Đó là bé Nguyễn Gia Huy sinh năm 2007. Vào 9/2007, mẹ cậu bé là Nguyễn Thị Thắm va quệt với một xe máy khác rồi ngã xuống đường, bị một xe tải dằn qua… Tai nạn đã khiến hai tay, hai chân chị cùng nhiều xương sườn bị gãy nhiều khúc. Đốt sống lưng cũng bị gãy không thể phục hồi. Từ một cô gái phơi phới sắc xuân, chị Thắm trở thành một người tàn phế, suốt ngày nằm bất động.
Sau buổi đến trường, bé Gia Huy trở về chăm sóc mẹ tàn phế. Khi đó, thương mẹ, cậu bé Nguyễn Gia Huy (lúc đó 3 tuổi rưỡi) rất chăm ngoan. Hằng ngày sau khi trở về từ lớp học mầm non, bé chỉ quanh quẩn bên mẹ. Trên chiếc giường ọp ẹp, ngày ngày cậu bé 3 tuổi rưỡi vừa bóp tay bóp chân, lúc lại lấy nước, pha sữa, bón cháo cho người mẹ nằm co quắp, teo tóp.
Đã nhiều lúc thương cha mẹ già, thương con bé bỏng, chị Thắm muốn tìm đến cái chết, nhưng khi được con trai động viên chị lại nuốt nước mắt sống tiếp. “Mẹ cháu không chết đâu, sau này con sẽ chăm ngoan, học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chắp lại tay cho mẹ. Mẹ không được chết, mẹ phải sống với con”, bé Gia Huy chạy lại ôm chầm lấy mẹ khi nghe người lớn nói đến chuyện chết chóc.
Bé 3 tuổi một mình chăm sóc mẹ bị tai nạn
Câu chuyện về một bé gái 3 tuổi ở Trung Quốc chăm sóc mẹ bị ốm trong bệnh viện khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Vụ việc bắt đầu xảy ra vào tối 25/09/2015 khi cả gia đình chị Wang (29 tuổi) ở Hà Nam, Trung Quốc không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sự cố đã cướp đi tính mạng của bố mẹ chị Wang. Con gái chị Wang là bé Qian Qian (3 tuổi) may mắn bị thương nhẹ, còn chị Wang thì bị gãy xương ở nhiều chỗ.
Ba năm trước, vợ chồng chị Wang đã ly dị, chính vì vậy ngay trong tình huống nguy cấp như vậy, hai mẹ con chị Wang chỉ còn biết nương tựa vào nhau. Bé Qian tuy nhỏ nhưng đã có thể tự mình lấy khăn lau mặt, lau tay cho mẹ. Em còn đút sữa cho mẹ ăn, đổ bô cho mẹ và gọi y tá khi cần.
Chị Wang đã nằm viện được 20 ngày, trong 20 ngày đó mọi việc chăm sóc mẹ đều do một tay bé Qian làm và thành thạo không kém gì người lớn. Tuy nhiên, khi hỏi bé Qian có mệt khi chăm sóc mẹ không, bé chỉ lắc đầu và chạy lại ôm mẹ.
Những thiên thần bé nhỏ trên đã trở thành biểu tượng về tấm gương hiếu nghĩa trong xã hội. Cha mẹ là người đã dành cả tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng con cái khôn lớn, trưởng thành, công ơn ấy không thể bằng lời có thể diễn tả hết được. Vì vậy, những ai còn cha còn mẹ thì hãy lấy làm may mắn và hạnh phúc vì bạn còn đủ thời gian để đền đáp công ơn ấy, dù là những hành động rất nhỏ như nói chuyện với cha mẹ nhiều hơn, đưa đón cha mẹ nhiều hơn, nấu cơm, tặng quà hay hỏi xem ba mẹ muốn gì nhất ở mình… Và hơn hết, lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục, là tấm gương sáng cho con cháu trong nhà noi theo.
Còn những ai không còn cha hoặc mẹ, thì nhân dịp Vu Lan này có thể dâng lên tấm lòng thành kính của mình qua những mâm cỗ truyền thống, hoặc sống chậm hơn để tưởng nhớ về những hồi ức tươi đẹp khi còn ba mẹ, cố gắng tu dưỡng đức hạnh, thì ở nơi chín suối cha mẹ họ cũng thấy vui lòng.
Nhã Thanh