Vào thời nhà Tống, ở gần Hàng Châu có một ngôi chùa được quốc vương Cao Ly (Triều Tiên ngày nay) xây dựng cho thái tử. Tại sao quốc vương Cao Ly lại đến đây xây chùa? Hóa ra, vào thời trị vì của hoàng đế Tống Thần Tông, quốc vương Cao Ly đã từng hướng tới Phật tổ cầu xin một đứa con trai, và ông quả nhiên đã sinh được một đứa con trai. Nhưng thái tử ngày đêm khóc lóc, chỉ tạm thời ngừng lại khi nghe thấy âm thanh gõ mõ. Sau này, người ta phát hiện có âm thanh gõ mõ truyền đến từ không trung, lúc xa, lúc gần. Quốc vương Cao Ly ra lệnh cho mọi người tìm kiếm nguồn gốc của âm thanh, nhưng kết quả càng ngày càng xa hơn.
Những sứ giả vượt biển hướng về phía nam tìm kiếm, họ lắng nghe cẩn thận mới phát hiện, hóa ra âm thanh phát ra từ Cảnh Hồ gần Hàng Châu. Họ theo âm thanh đó đến Hàng Châu, nơi một vị tăng nhân đang tọa trong một ngôi chùa bên hồ Cảnh Hồ, lẩm nhẩm đọc kinh Phật và gõ mõ nhịp nhàng. Sứ giả đến gặp vị tăng nhân, cung kính hành lễ, rồi thỉnh mời vị tăng nhân sang Cao Ly chữa bệnh cho thái tử.
Tăng nhân hỏi: “Thái tử có phiền muộn gì đây?” Sứ giả kể lại chuyện đã xảy ra và nói: “Trên tay của thái tử hiện rõ ba chữ ‘Phật vô linh’, đó hẳn là ký hiệu Phật ban tặng, nhưng sao lại viết hai chữ ‘vô linh’, là ý nghĩa gì?”
Tăng nhân nói: “Lạ thật! Tôi sẽ cùng các vị đến xem.” Tăng nhân cùng sứ giả vượt biển đến gặp quốc vương Cao Ly. Quốc vương Cao Ly ôm thái tử, tăng nhân chắp tay hành lễ, thái tử mỉm cười gật đầu với ông. Quốc vương Cao Ly cảm thấy kinh ngạc, hỏi tăng nhân nguyên do tại sao.
Tăng nhân nói: “Thái tử của bệ hạ kiếp trước là sư phụ của tôi. Sư phụ của tôi từng là một tu sĩ, ông ấy nguyên là một phu kiệu, tiền thù lao có được từ công việc làm phu kiệu, sau khi trừ đi những chi phí cần thiết cho bản thân, ông bèn đem toàn bộ số tiền dư ném xuống đáy giếng. Qua thời gian rất lâu, đã tích lũy được rất nhiều tiền. Ông liền xuất tiền ra xây một ngôi chùa ở bên hồ, tự mình xuất gia tu Phật. Tôi bội phục phẩm đức của ông ấy, trở thành đồ đệ của ông ấy.”
“Sư phụ của tôi sau khi tu Phật được một năm thì bị què chân, sau hai năm thì bị mù, sau ba năm thì bị sét đánh mà qua đời. Tôi thâm cảm thiên đạo bất công, vì thế đã đề bút lên tay của sư phụ tôi ba chữ ‘Phật vô linh’. Ai ngờ ông ấy lại chuyển sinh tại nơi đây?”
Quốc vương Cao Ly hỏi: “Xác thực như thế chăng? Đây là Phật tổ hữu linh mà! Những sự an bài này là để hoàn trả hết các chủng tội nghiệt kiếp trước của sư phụ ngài trong một kiếp, sau đó lại hồi báo những thiện hành của ông ấy!” Vì thế, quốc vương Cao Ly đã cho xây dựng lại ngôi chùa trên vị trí ngôi chùa ban đầu cho thái tử của mình, và tặng ông một ngôi tháp vàng để kỷ niệm kỳ sự này.
Vì trong biên niên sử địa phương không có ghi chép nào về sự việc này, tấm bia đá năm đó cũng không còn tồn tại. Ngày nay, trong ngôi chùa chỉ có điện Vô Lương là còn tồn tại.
Dưới đây là một vài câu chuyện liên quan đến tăng nhân:
Chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ban đầu chỉ có 18 vị La Hán, đây là lúc vua nước Ngô Việt (852-932) trong mộng nhìn thấy 18 người khổng lồ, đã chiểu theo hình dáng của họ để tạc 18 bức tượng La Hán. Vào thời Nam Tống, tăng nhân Đạo Dung đã gia tăng số lượng tượng La Hán lên 500, và xây dựng điện Điền Tự để thờ cúng các vị La Hán, dung mạo của các vị La Hán cũng khác nhau, không ai giống nhau. Người dâng hương có thể tùy ý đếm số các La Hán từ một vị đến vị có thứ tự là số năm tuổi của mình. Nếu vị có số thứ tự năm tuổi là vị La Hán có khuôn mặt buồn, thì tượng trưng cho nguyện vọng của bản thân khó thành hiện thực. Nếu đếm đến vị La Hán có khuôn mặt mỉm cười, thì tương trưng cho nguyện vọng của bản thân có thể thành hiện thực. Có nhiều hơn một hoặc hai truyền thuyết và phép lạ của nhiều vị La Hán khác nhau.
Trên bức tường đá phía sau động Yên Hà có chạm khắc 6 vị La Hán bằng đá, họ cũng thác mộng cho vua Ngô Việt, với hy vọng được đoàn tụ với những vị La Hán khác. Vì vậy, vua Ngô Việt đã tạc 12 vị La Hán còn lại cho họ.
Sách “Hiện quả lục” ghi lại rằng, vào thời nhà Minh, một thương gia tên Triệu Giả người Hưu Ninh bị hoại tử khi đang vượt biển, những người trên tàu đã bỏ lại ông trên một hòn đảo xa xôi. Triệu Giả tỉnh dậy, bò đến một ngôi chùa lớn, nơi ông nhìn thấy một tăng nhân có dung mạo kỳ dị. Ông hỏi vị sa di trong chùa, được biết đó là một vị La Hán. Triệu Giả thỉnh cầu tăng nhân cho mình về nhà, tăng nhân nói với ông: “Tôi có thể bỏ bác vào trong tay áo của tôi.” Tăng nhân mang theo Triệu Giả trong tay áo vượt biển trở về nhà, rồi liền bay đi. Triệu Giả trở về đến nhà, quyên góp tiền để xây chùa, vẽ sự tích về thần tăng lên bức tường, lấy đó để hoằng dương Phật pháp.
Vào cuối thời nhà Minh, có một phú ông giàu có ở Thái Thương, già rồi mà không có con, đã bố thí thức ăn cho 18 ngàn tăng nhân. Ngay sau khi bố thí xong, lại có thêm 18 tăng nhân có vẻ ngoài kỳ lạ đến xin ăn, nhưng nô tì của ông đã từ chối họ. Một vị tăng bước vào chánh điện, dùng ngón tay thấm nước bọt viết lên bàn bài thơ:
十八高人特地來 Thập bát cao nhân đặc địa lai,
謂言齋罷莫徘徊 Vị ngôn trai bãi mạc bồi hồi.
善根雖種無餘澤 Thiện căn tuy chủng vô dư trạch,
連理枝頭花未開 Liên lý chi đầu hoa vị khai.
Chữ vừa viết xong đã biến thành vàng.
Nô tì kinh ngạc, vội báo cáo với chủ nhân của mình. Phú ông vội vã chạy ra, thấy các tăng nhân đã rời đi. Phú ông bái lạy những chữ viết trên bàn, thành tâm thành ý lễ bái suốt một năm. Đột nhiên nhìn thấy chữ “vị” (未) lộn ngược, biến thành chữ “bán” (半). Sau đó, phú ông liền sinh hạ một cô con gái.
Nguồn: “Hồ nhuyên tạp ký” thời nhà Thanh
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch