Phàm trong đời, người làm việc lớn thì ắt phải có khí chất lớn. Làm thế nào một người có thể dưỡng thành chí khí cao rộng cho mình?

Ai cũng có lúc không thuận lợi, cũng có khi gặp việc không như ý, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Thế nhưng muốn thành đại sự thì phải biết dưỡng thành đại khí. Rốt cuộc thì chính là nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm và khoan dung dưỡng khí. 

Nhẫn dưỡng phúc

Đời người nhiều khi sống chẳng qua chỉ vì chút khẩu khí. Mà chuyện không như ý trong đời lại chiếm đến 8, 9 phần. Thế nên, nhân sinh ắt là không thể tránh khỏi lụy phiền, đời người cũng phải kinh qua gian khó. Muốn thành đại sự thì phải có đại khí. Mà người có đại khí ắt là có tâm Đại Nhẫn.

Nhẫn không phải là trốn tránh gian khổ, đè nén tâm can mà là đối diện với gian khổ, dùng tâm thái hoà ái để dung hoà vạn sự. Nhẫn cũng không phải là yếu hèn, nhu nhược mà là thể hiện của ý chí kiên cường, của sự tu dưỡng. Đây cũng là một loại năng lượng tích luỹ lớn của đời người, khi thời cơ đến thì có thể bột phát ra sức mạnh không gì cản nổi. 

Thiện dưỡng đức 

Trên đời này có một thứ quý giá hơn hết thảy, chính là bản tính thiện lương. Thông minh là thiên bẩm mà lương thiện lại là lựa chọn sống. Thiện lương có thể không đem lại cho bạn tất cả những gì bạn muốn nhưng lại có thể giúp bạn chia sẻ hạnh phúc với rất nhiều người. 

Có câu: “Ở hiền thì lại gặp lành. Ai mà nhân đức Trời dành phúc cho“. Người lương thiện sẽ luôn được may mắn, bởi họ phù hợp với “tính bản thiện” của Tạo hóa. Lại có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện“, người ta ra đời đều là thiện lương cả. Sống thiện lương chính là trở về với bản chất nguyên sơ nhất của mình vậy.

An vui dưỡng sắc 

Có một tâm thái vui vẻ, đầy đủ chính là bí quyết trường thọ của đời người. Bí quyết để giữ được tuổi thanh xuân chính là có trái tim biết yêu thương. Không phải là tuổi tác cao thì không có quyền được vui đùa. Một tiếng cười có thể đẩy lùi cả mấy chục năm già nua. Khi mỉm cười chính là lúc con người đẹp nhất. 

(Ảnh minh họa: airindia.in)

Từ bi dưỡng tâm 

Tại sao sau khi già đi, có người từ bi thiện niệm, có người thì hung tàn bạo ngược, tràn đầy oán khí? Bạn hẳn cũng đã gặp qua nhiều người tuổi dù đã cao nhưng phong thái thật khoan thai, trang nhã. Cả đời họ luôn bảo trì một trái tim yêu thiên nhiên, cuộc sống. Còn những người ngày ngày sống trong oán trách, hờn giận mọi thứ thì sớm đã bị những lỗi buồn u uất che mờ tâm trí mình, không tìm đâu nổi một ngày vui. 

Nếu như luôn giữ được một trái tim yêu thương thì nhất ngôn nhất hành, mỗi từng cử chỉ của bạn đều thể hiện ra tình yêu và sự ấm áp. Tâm người chứa điều gì, cuộc đời họ cũng sẽ phản ánh điều ấy. Người luôn chất chứa niềm oán hận hay ác niệm trong tâm thì thường luôn nghĩ đến chuyện bất bình, trí tuệ không thông. 

Chân thành là nguyên tắc đầu tiên để kết giao bằng hữu 

Là người, quan hệ với nhau hãy lựa chọn chân thành. Muốn người khác đối tốt với bản thân thì trước tiên hãy học cách thành thực với họ, thành thực một cách không tính toán. Một người chân thành thì khí chất đoan trang, tính tình rộng rãi.  

Cần kiệm có thể sinh tài 

Có người kiếm được đồng tiền, tiêu dăm ba ngày là chẳng còn bao nhiêu. Nhưng cũng có người chăm chỉ, tằn tiện, cần kiệm như con ong chăm chỉ. Sống giữa ngày nắng thì phải nghĩ đến ngày mưa, đang trong lúc đủ đầy thì đừng quên ngày khó nạn. Xưa nay người thành công đều luôn có đức tính chuyên cần ấy. 

(Ảnh minh họa: blogradio.vn)

Khoan dung dưỡng khí 

Một người hiểu được đạo khoan dung thì tấm lòng cũng rộng mở bao la, không kì kèo hơn thiệt, cũng không chiếm phần lợi về mình. Họ không tìm niềm vui ở những điều lợi mình, hại người như vậy. Cuộc sống càng so đo thì càng chật vật, kể cả vật chất lẫn tinh thần. Sống ở đời, lùi một bước biển rộng trời cao, nhường người một bước thì thêm bạn bớt thù. Khoan dung với người chính là gieo phúc báo cho mình vậy. 

Yên Ba

Xem thêm: