Đại Kỷ Nguyên

Shouganai: Khái niệm không thể chuyển ngữ và lý do người Nhật luôn kiên cường trong thảm họa

Văn hóa Nhật Bản là một kho tàng của những triết lý sâu sắc, và ngôn ngữ cũng là một trong số đó. Có một từ tiếng Nhật không thể dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào cho đủ nghĩa, và đó là nét văn hóa có thể truyền cảm hứng cho chúng ta trong cuộc sống hối hả này.

Giống như nhiều ngôn ngữ khác, có một số từ trong tiếng Nhật không thể dịch ra được bởi ý nghĩa rất đặc thù, và “しょうがない” (shouganai) là một trong số đó. Bạn có thể nghe thấy một người làm công ăn lương lẩm bẩm từ này sau khi cửa tàu điện ngầm đóng lại ngay trước khi anh ấy vào được bên trong tàu, hoặc một bà mẹ đang cố gắng an ủi đứa con vừa mới làm rơi kem của mình trên vỉa hè. Tôi thích nghĩ về nó như một tiếng thở dài bởi vì đó thường là cách nó phát ra khi tôi nghe thấy nó.

Shouganai xuất hiện thường xuyên trong các cuộc trò chuyện hàng ngày và hiếm có ngày nào người Nhật lại không thốt ra từ đó. Có nhiều cách khác nhau để nói shouganai, tùy thuộc vào người đứng trước mặt bạn là ai. Nghĩa là cũng có các mức độ từ thân thiết, lịch sự cho tới kính trọng.

Ví dụ như khi đi chơi với bạn bè vào cuối tuần? bạn sẽ dùng shouganai như bình thường. Nhưng khi làm việc với lãnh đạo của bạn? Bạn sẽ phải lên mức lịch sự và dùng “ 仕 方 が ない” (shikataganai). Còn nếu dùng trà với Nhật hoàng thì bạn phải chuyển sang “いたしかたない” (itashikatanai) để hạ mình xuống.

Từ này được sử dụng trong những tình huống mà bạn không thể kiểm soát được, giống như nếu bạn bị mắc mưa mà không có ô. Theo tinh thần của Thần đạo hay Phật giáo, trung tâm của shouganai là lời nhắc nhở rằng, trong khi chúng ta không thể kiểm soát hoàn cảnh của mình, thì ta vẫn có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những tình huống trớ trêu đó.

Ảnh: Medium.

Không giống như những lời văng tục trong tiếng Việt hay tiếng Anh để giải tỏa căng thẳng khi gặp điều bất lợi. Shouganai không phải để bày tỏ thái độ bất bình, mà nó mang lại một quan điểm tốt, rằng bạn sẵn sàng chấp nhận một số thứ không nằm trong tầm kiểm soát của mình và có thể cảm thấy khá nhẹ nhõm đối với chúng.

Khi bạn phải làm việc với các cơ quan hành chính và phải chờ đợi rất lâu, đó là shouganai. Tại sao phải lo lắng và lãng phí năng lượng vào thứ gì đó bạn không thể thay đổi và kiểm soát? Bạn có thể mang theo một cuốn sách và tận dụng tốt nhất khoảng thời gian đó.

Shoganai giải thích vì sao người Nhật có thể đối phó với các tình huống xấu như thảm họa thiên nhiên mà không than khóc gì. Nó cũng giải thích làm thế nào nước Nhật phục hồi nhanh chóng sau chiến tranh khi hàng loạt thành phố bị phá hủy.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tâm lý shouganai có thể gây khó chịu khi diễn ra quá thường xuyên. Trong con mắt thế giới, tâm lý này có thể giống như một sự hèn nhát hoặc bi quan và triệt tiêu tâm lý đòi hỏi, đấu tranh vì quyền lợi chính đáng. Ví dụ như khi một người phụ nữ bị dòm ngó trên tàu, cô ấy sẽ không kiện cáo hay tìm sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, vì “đây là giờ cao điểm mà, chúng ta có thể làm gì được, hãy shouganai đi”.

Cũng có ý kiến cho rằng shouganai có liên quan tới tỷ lệ bỏ phiếu thấp trong vài năm qua ở Nhật Bản. Vì người dân đã bàng quan tới mức họ thậm chí không cố gắng nói lên ý kiến của mình.

Nhưng nếu tìm hiểu về triết lý trong Thần đạo và Phật giáo, bạn có thể tìm thấy những điểm tích cực trong văn hóa shouganai cho đời sống nhẹ nhõm, bớt mệt mỏi hơn. Rõ ràng trong cuộc đời sẽ luôn có những việc ngoài tầm kiểm soát của bạn. Không ai có thể có quá ba ngày may mắn, vui vẻ liên tục mà không có việc bất ngờ phiền toái nào xảy ra.

Cổ động viên Nhật Bản vừa khóc vừa nhặt rác sau trận thua của đội nhà (ảnh: Yle).

Shouganai không phải là buông xuôi, mà là sự khiêm nhường của con người khi biết rằng cuộc sống này còn được chi phối bởi các lực lượng vô hình hay các quy luật riêng của vũ trụ mà con người không thể thấy và nắm bắt. Chuyện gì xảy ra cũng đều là có nguyên do và ta ở trong hoàn cảnh nào cũng là bởi nó phải như vậy.

Việc mong mỏi những điều tốt đẹp đến với mình mà không sẵn sàng chấp nhận những điều phiền toái chẳng phải rất vô lý và vô lối sao? Đó chẳng phải là truy cầu dựa trên dục vọng muốn thoải mái, muốn thỏa mãn ham muốn của mình. Vì thế shouganai không phải là buông xuôi với tâm lý chán nản, bất mãn mà là buông bỏ với tâm lý chủ động và vui vẻ.

Thay vì lớn tiếng chửi rủa người vừa tạt đầu xe mình để vượt lên, bạn hãy shouganai vì họ có thể sẽ không vì lời chửi của bạn mà xin lỗi hay đền bù gì cho bạn. Hơn nữa khi ngay lập tức bộc phát phản ứng dữ dội chẳng phải chính tâm tình của ta đã bị kích động, khí huyết xung Thiên, cũng sẽ chẳng tốt cho sức khỏe. Thay vì la lối, đánh mắng con khi chúng làm rơi đồ ăn ra tấm thảm đẹp, hãy shouganai. Vì những đứa trẻ mới tập ăn không hề muốn làm thế và chúng cũng sẽ chẳng cẩn thận hơn nếu tâm lý phản kháng và tổn thương mạnh hơn sự học hỏi để rút kinh nghiệm.

Shouganai trong nhiều trường hợp chính là sự từ bi, và trong nhiều trường hợp lại là sự thấu hiểu nhân sinh và khiêm nhường, tự tại. Nếu chỉ khăng khăng chống lại hoàn cảnh, bày tỏ thái độ, trút bực tức lên người khác, chính ta sẽ nhận lại những điều tiêu cực từ sự chông chênh, bất ổn của mình. Trái lại, điềm tĩnh, bình ổn và nhẹ nhàng chấp nhận những cú sốc, giống miếng bông gòn dù bị đánh đập cũng chẳng sứt mẻ vỡ vụn như viên ngói, thì đó chẳng phải là vẫn có lợi hơn hay sao.

Bạn đã bao giờ shouganai chưa? Nếu có, hãy cho chúng tôi biết những khoảnh khắc shouganai yêu thích của bạn!

Thuần Dương
Theo Tokyoweekender

Bạn đang đọc bài viết: “Shouganai: Khái niệm không thể chuyển ngữ và lý do người Nhật luôn kiên cường trong thảm họa” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! 

 

Exit mobile version