Tác giả: Lan Âm
Bạn đã nghe câu chuyện “Nghìn vàng mua vách” chưa? Tương truyền rằng “Thi tiên” Lý Bạch cùng Đỗ Phủ, Cao Thích du lãm Lương Viên ở Tống Châu, Lý Bạch đã viết bài thơ thất ngôn trường thiên “Lương Viên Ngâm” ngay trên một bức vách trong Lương Viên. Về sau, cháu gái của cố tể tướng Tông Sở Khách đọc được bài thơ trên vách, ngưỡng mộ vô cùng, bèn bỏ ra nghìn lượng bạc mua lại bức vách đó, cất giữ bài thơ cẩn thận.
Hành động hào phóng tao nhã của Tông tiểu thư được truyền tụng thành giai thoại, đồng thời mang đến cho bản thân và Lý Bạch một mối nhân duyên mỹ mãn. Không chỉ Lý Bạch, các thi nhân đời Đường đề thơ lên vách trở thành một phong trào, các thi nhân trong quá trình du lãm, lữ hành, thích dùng thơ ca để bộc lộ những gì mình thấy và cảm ngộ, đồng thời đề tác phẩm lên tường của cung điện, hiên miếu, dịch trạm (trạm bưu điện), quán xá. Người ta thậm chí còn lập ra “thi bản” chuyên dụng để các thi nhân vung bút thành văn.
Đời Đường còn có một vị thi nhân, năm sinh năm mất không rõ, tự, hiệu không thấy trong sử liệu, tác phẩm lưu lại đời cũng không nhiều. Nhưng ông lại được người đời nhớ đến tên tuổi nhờ một bài thơ đề trên vách chùa.
Một buổi sáng sớm, vị thi nhân này bước vào ngôi chùa cổ, chiêm ngưỡng ánh bình minh rọi khắp rừng cây, tựa như Phật quang trang nghiêm; ông lại từ con đường nhỏ quanh co đi sâu vào thiền viện, thấy được thiền phòng ẩn mình trong rừng hoa. Cảnh sắc sơn thủy, tiếng chim hót như chuông ngân, tất cả đều tràn đầy thiền cơ, khiến người ta cảm thụ được sự thanh tịnh không tạp niệm.
Thi nhân đã viết lại trải nghiệm du lãm này lên vách chùa, đó chính là bài thơ đề chùa “Đề Phá Sơn Tự Hậu Thiền Viện” của Thường Kiến:
清晨入古寺,初日照高林。
曲徑通幽處,禪房花木深。
山光悅鳥性,潭影空人心。
萬籟此俱寂,但餘鐘磬音。
Thanh thần nhập cổ tự,
Sơ nhật chiếu cao lâm.
Khúc kính thông u xứ,
Thiền phòng hoa mộc thâm.
Sơn quang duyệt điểu tính,
Đàm ảnh không nhân tâm.
Vạn lại thử câu tịch,
Đãn dư chung khánh âm.
Dịch thơ
Ban mai thăm cổ tự,
Ánh dương chiếu rừng tùng.
Lối cong thông u xứ,
Thiền phòng hoa mộc thâm.
Chim chao nghiêng bóng núi,
Mặt đầm tịnh như tâm.
Vạn vật tựa thinh không,
Chỉ nghe tiếng mõ ngân.
Thưởng thức thi cảnh
Ngôi chùa Phá Sơn Tự nằm ở chân núi phía bắc núi Ngu Sơn, thành Thường Thục, tỉnh Giang Tô ngày nay, được cải tạo lại từ trạch viên do Nghê Đức Quang hiến tặng vào thời Nam Tề. Đến đời Đường, ngôi chùa đã là thắng địa du lãm sơn thủy. “Đề Phá Sơn Tự Hậu Thiền Viện” bắt đầu bằng hai câu đối hoàn chỉnh, miêu tả việc bản thân sáng sớm lặn lội đường xa, bái phóng Phật tự, và ngay khi đến chùa, đã được chiêm ngưỡng cảnh tượng tráng lệ của ánh nắng vàng rực rỡ chiếu khắp rừng cây.
“Thanh thần nhập cổ tự”, câu đầu điểm rõ thời gian và địa điểm du lãm, gợi ra hành tung của thi nhân, dẫn dắt người đọc theo góc nhìn của thi nhân để thưởng ngoạn phong cảnh chùa. “Sơ nhật chiếu cao lâm”, là cảnh tượng đầu tiên mà thi nhân thấy khi vào chùa: ngôi chùa cổ kính lâu đời, cách biệt trần thế, những tia nắng sớm chiếu rọi những hàng cây cao lớn xanh tươi. Phật gia gọi nơi tăng chúng tụ tập là “tùng lâm” (đạo tràng), câu thơ này thể hiện phong mạo của ngôi chùa cổ trong ánh bình minh, đồng thời tràn đầy sự sùng kính và khen ngợi của thi nhân đối với Phá Sơn Tự.
Thi nhân đi sâu vào chùa, đến thiền viện phía sau, cuộc du lãm cũng dần nhập vào giai cảnh. Câu “hàm liên” chuyển cảnh theo bước chân, thi nhân đi dọc con đường nhỏ quanh co, tiến về phía hậu viện hẹp thâm u và ninh tĩnh; ông bất ngờ phát hiện ra thiền phòng nơi các tăng nhân tu hành sinh sống, ẩn mình sau những khóm hoa dày đặc.
Về nguyên tắc, hai câu này nên đối nhau, nhưng thi nhân không tuân thủ nghiêm ngặt quy phạm của thơ luật, mà chú trọng thể hiện sự dung hợp hoàn mỹ giữa ý thơ và thiền cảnh. Đường cong ý vị cho sự gian truân của con đường tu hành, sự thông u ám chỉ sự thăng hoa tầng thứ tu hành, thiền phòng ẩn mình trong rừng hoa thâm xứ lại triển hiện nội hàm “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. Thi nhân dường như muốn nói với thế nhân rằng, tinh tấn tu hành, tầng thứ sẽ đề cao một cách bất tri bất cảm, có lẽ vào một thời điểm nào đó, đột nhiên phát hiện ra sự thăng hoa của cảnh giới.
Câu trên của liên này còn có các phiên bản khác nhau: có người nói là “khúc kính”, có người nói là “trúc kính”. ‘Khúc kính’ chú trọng biểu hiện sự quanh co không dễ của con đường thông u, thiền phòng trong rừng hoa càng mang đến cảm giác bất ngờ, trân quý; ‘Trúc kính’ chú trọng miêu tả cảnh của con đường, rừng trúc có bầu không khí u tĩnh thanh lương, trúc kính nơi thâm xứ tự nhiên trở thành con đường thông đến những cảnh đẹp nơi u thâm.
Cả hai phiên bản đều làm nổi bật sự tĩnh mịch và sâu thẳm của thiền viện, mang đến cho người ta cảm giác viễn ly trần tục, nhìn thấu tiên cảnh, thanh thoát và trong trẻo. Tuy nhiên, “khúc kính thông u” dường như được ưa chuộng hơn, cũng được lưu truyền đến ngày nay như một thành ngữ hoặc điển cố. Ví dụ, Giả Bảo Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” đề chữ cho Đại Quan Viên, đã trực tiếp mượn “khúc kính thông u xứ” để đề cho cảnh núi đá trắng.
“Sơn quang duyệt điểu tính, đàm ảnh không nhân tâm”. Câu “cảnh liên” chuyển bút, từ miêu tả cảnh sắc bên ngoài sang miêu tả cảm quan bên trong. Núi xanh u tĩnh, ban cho chim chóc tâm tình vui vẻ, khiến thi nhân thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng hót líu lo trong trẻo; Nước đầm trong như gương, phản chiếu chân thực hình ảnh của vạn vật, thi nhân lặng lẽ ngắm nhìn, dường như cũng loại bỏ được những dục vọng tư lợi, thay vào đó là cảm giác tĩnh lặng nhẹ nhàng như mặt nước phẳng lặng.
Khi du lãm sâu hơn, cảnh giới tinh thần của thi nhân cũng không ngừng thăng hoa. Trong hai câu này, “duyệt” và “không” là linh hoạt nhất, dùng tình cảm vui vẻ tràn đầy sức sống để tôn lên cảnh giới không minh tẩy tịnh những lo toan trần tục. Liên này dường như muốn thể hiện với thế nhân rằng, cái “không” của nhà Phật, không phải là sự tịch mịch hoang vắng thê lương không có sinh cơ lạc thú, mà là phóng hạ chấp niệm, câu thông với thiên địa vũ trụ, tức là sự tiêu diêu tự tại sau khi lĩnh ngộ triệt để. Liên này cũng được đánh giá cao, được “Hà Nhạc Anh Linh Tập” khen là lời “cảnh sách”.
“Vạn lại thử câu tịch”, bài thơ viết đến hồi kết, đẩy thiền cảnh trong phong cảnh lên tầng sâu nhất. Vạn vật bao gồm cả bản thân thi nhân, dưới sự huân đào của Phật tự, dường như đều biến trở nên tịch tĩnh vô thanh. Cuối cùng, bài thơ kết thúc trong tiếng chuông khánh ngân nga không dứt, để lại cho người đọc dư vị vô cùng.
Trên bề mặt, thi nhân du lãm sơn thủy trong thiền viện, thực chất là cầu pháp tầm đạo trong sơn thủy, từ sơn thủy trước mắt mà cảm ngộ bản chất chân thật của vạn vật thế gian. Ông nội tâm bình tĩnh, tiến nhập vào cảnh giới thiền định, mới có thể làm được thanh âm vạn vật không lọt tai, chỉ nghe thấy Phật âm trang nghiêm thù thắng.
“Đề Phá Sơn Tự Hậu Thiền Viện” của Thường Kiến, nói là một bài thơ sơn thủy, không bằng nói là một bài thơ tu hành mang thiền ý vào sơn thủy. Quá trình ông trải nghiệm từng thắng cảnh của thiền viện, cũng là quá trình không ngừng đề cao tu vi cá nhân. Dấu chân của ông từ trần thế đến chùa cổ, tâm cảnh của ông từ phàm tục đến không tịch, ông tu hành trong du lịch, ngộ đạo trong sơn thủy, và dùng phương thức thi ý để lưu lại thế gian, khơi gợi linh tính tu thiền hướng Phật cho hậu thế.

Câu chuyện đằng sau thi nhân
Đời Đường có một cuốn tuyển tập thơ quan trọng tên là “Hà Nhạc Anh Linh Tập”, thu lục 24 vị thi nhân, tổng cộng hơn hai trăm bài thơ từ những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo thời Thịnh Đường. Tập thơ đặt tên tuổi lớn của Thường Kiến lên hàng đầu, đồng thời tuyển chọn mười lăm bài thơ. Thường Kiến tuy không phải là một nhà thơ nổi tiếng ở các đời sau, nhưng lại là một nhân vật quan trọng chiếm một vị trí trong thi đàn đời Đường.
Cuộc đời của Thường Kiến được ghi chép ngắn gọn trong “Đường Tài Tử Truyện”. Thường Kiến thời trẻ là một học trò dùi mài kinh sử, ngụ cư ở Trường An tham gia khoa cử. Ông từng thi trượt, thốt lên nỗi khổ “Xấu hổ làm kẻ lạc đường trong thời minh trị”; ông cũng có thể nhanh chóng vực dậy tinh thần, tiếp tục con đường đọc sách cầu quan, bày tỏ quyết tâm “Tạm đến Trường An độ một xuân” (“Lạc Địa Trường An”).
Cuối cùng vào năm Khai Nguyên thứ mười lăm (727), Thường Kiến đỗ đạt. Cùng ông đăng khoa còn có nhà thơ nổi tiếng Vương Xương Linh. Vận mệnh của ông cũng rất giống với Vương Xương Linh, nhiều năm không gặp thời, uy úy là chức quan duy nhất của Thường Kiến được ghi lại trong sử liệu. Con đường làm quan của Thường Kiến long đong lận đận như vậy, chẳng trách “Hà Nhạc Anh Linh Tập” than thở cho ông “Cao tài vô quý sĩ” (tài quý mà quan không cao), “Thường Kiến luân ư nhất úy” (Thường Kiến bị trôi xuống chức quan thấp nhất).
Như Thường Kiến đã nói trong “Tặng Tam Thị Ngự”: “Sĩ hiền thủ cô trinh, cổ lai giai cộng nan.” Tính tình cương trực, thanh cao khiến ông khó thi triển hoài bão trên quan trường, nhưng cũng giúp ông giữ được phẩm hạnh cao khiết và huệ căn quý báu.
Trong cuộc sống không có cơ hội báo quốc, Thường Kiến dồn linh tính, thi tâm vào danh thắng sơn thủy. Ông ôm chí hướng ẩn dật, phóng lãng cầm tửu, qua lại giữa các ngọn núi Thái Bạch, Tử Các, tìm kiếm một lối thoát khác cho cuộc đời, “Tiền chiêm vương trình xúc, khước luyến vân môn thâm” (Trước xem vương trình gấp, lại nhớ mây am sâu.) (“Bạch Hồ Tự Hậu Khê Túc Vân Môn”) Thế là, những bài thơ du ngoạn sơn thủy, tầm thiền hướng đạo ra đời.
Thường Kiến yêu sơn thủy, đặc biệt yêu những thắng cảnh sơn thủy ẩn mình trong những ngôi chùa cổ, những tịnh địa hẻo lánh nơi ẩn sĩ độc cư, để cảm thụ thiền lý, siêu thoát trần thế trong phong cảnh sơn minh thủy tú.
Ông qua đêm trong hành trình, chọn ở nơi bạn tốt. Ông từng đích thân đến thăm nơi ẩn cư của Vương Xương Linh, chân thành bày tỏ sự ngưỡng mộ, ca ngợi: “Tùng tế lộ vi nguyệt, thanh quang do vị quân. Mao đình túc hoa ảnh, dược viện tư đài văn.” – Trăng sáng giữa hàng thông, rải ánh sáng dịu dàng, xoa dịu tâm linh lữ khách; bóng hoa dưới chòi, rêu xanh trong vườn thuốc, tạo nên một môi trường thanh bần mà tao nhã, chính là sự ngoại hóa phẩm cách của Vương Xương Linh.
Ông thưởng thức âm nhạc, cũng phải chọn những môi trường tự nhiên như núi sâu, bờ sông, để tận hưởng cảm giác thuần khiết “Một dây thanh một lòng” (“Giang Thượng Cầm Hứng”). Tiếng nhạc đó, cũng phải xuất phát từ tay của những ẩn sĩ thanh cao. Như “Nghe Trương Sơn Nhân Đàn Cầm”, trong tiếng đàn có sự linh động và khí thế như hạc múa rồng ngâm: “Huyền hạc hạ trừng không, phiên phiên vũ tùng lâm. Cải huyền khấu thương thanh, hựu thính phi long ngâm” (Hạc đen từ trời xanh hạ xuống, nhẹ nhàng múa trong rừng thông. Đổi dây gảy tiếng thương, lại nghe tiếng rồng bay).
Sau khi từ quan, Thường Kiến lại ẩn cư ở Ngạc Chử, sau này qua đời ở núi Thái Bạch Tần Trung. Ông lĩnh ngộ được vẻ mỹ hảo của tu hành trong quá trình du lãm sơn thủy, trong thời gian ẩn cư cũng chuyên tâm tu tập đạo pháp, cũng nhờ thế mà được tiên nhân điểm hóa.
“Đường Tài Tử Truyện” và bài thơ “Tiên Cốc Ngộ Mao Nữ Ý Tri Thị Tần Cung Nhân” của Thường Kiến, đều ghi lại trải nghiệm kỳ lạ gặp tiên của ông. Một ngày, Thường Kiến hái thuốc trong núi, bỗng gặp một người phụ nữ bí ẩn toàn thân mọc lông xanh. Bà tự xưng là cung nhân thời Tần, hái lá thông trong núi, từ đó không đói không rét, thành tiên nhân, còn truyền lại bí pháp tu tiên cho Thường Kiến.
Hỏi rằng, một nhân sĩ yêu sơn thủy, có tiềm tâm tu hành, và có tiên duyên thâm hậu như Thường Kiến, sao có thể chìm đắm lâu trong nỗi thống khổ thất ý trên quan trường? Tâm thái và chí hướng của ông, sớm đã siêu việt phú quý công danh tục thế, điều truy tầm là cảnh giới cao hơn của sinh mệnh.
Chính là thơ như người, thơ ca của ông cũng thể hiện phong cách u tịch thanh tân huyền diệu. Các nhà phê bình thơ ca qua các thời đại khen ngợi thơ của Thường Kiến “u huyền”, “siêu phàm”, “thanh nhi tích”…, đều đề cao phẩm cách như thần tiên đằng sau con chữ. Do sơn thủy mà quên tục, do thiền đạo mà triệt ngộ, con đường làm quan của Thường Kiến là bất hạnh, nhưng ông lại từ đó mà phát hiện ra sơn thủy thiền ý và nhân sinh thi vị, từ đó không ngừng khám phá chân lý tuyệt đối của sinh mệnh.
- Trọn bộ Phẩm đọc thơ cổ
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch