Đại Kỷ Nguyên

Sông Tiền Đường, nơi Thúy Kiều tự vẫn và những điều chưa biết

Có một người phụ nữ Trung Hoa mấy trăm năm nay vẫn sống hoài trong trái tim mỗi người Việt Nam. ‘Tiếng kêu đứt ruột’ của nàng mãi mãi còn ám ảnh người đời sau, như tiếng thủy triều xé ruột bi ai của dòng sông nơi nàng gieo mình tự vẫn. Nàng là Vương Thúy Kiều, và dòng sông định mệnh kia chính là sông Tiền Đường.

Cái tên Tiền Đường chỉ xuất hiện trong “Truyện Kiều” vỏn vẹn 6 lần: trong báo mộng của Đạm Tiên, trong sự cứu vớt Kiều của Tam Hợp đạo cô và Giác Duyên, trong lời kể của người Hàng Châu… Nàng Kiều nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của viên quan Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng, Từ Hải bị giết, Kiều bị Hồ Tôn Hiến làm nhục rồi ép gả cho một tên thổ quan. Trên sông Tiền Đường, Kiều nhớ lời báo mộng thuở nào của Đạm Tiên: “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau,” bèn gieo mình tự vẫn:

Triều đâu nổi tiếng đùng đùng
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.

Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ Tiền Đường chỉ là dòng sông trong tâm tưởng của thi hào Nguyễn Du. Sau này tôi mới biết, nó hoàn toàn có thực trên bản đồ Trung Hoa. Ngày nay, những ai yêu mến nàng Kiều có thể thăm lại bến sông xưa: Sông Tiền Đường, tên cổ là Chiết Giang (sông Chiết), là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, bắt nguồn từ tỉnh An Huy, chảy ra vịnh Hàng Châu.

Tranh lụa Kiều của họa sỹ Ngọc Mai. (Ảnh: vanghe.blogspot.fr)

Cửa sông Tiền Đường loe như hình cái loa, khiến cho sóng từ Biển Đông vào vịnh Hàng Châu bỗng nhiên bị thu hẹp nên đột ngột dâng cao, mặt sông sủi bọt trắng xóa. Cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ vô cùng. Tương truyền, Thúy Kiều đã trầm mình tự vẫn chính tại đoạn sông này.

Sông Tiền Đường thời hiện đại. (Ảnh: aihuucongchanh.com)

 

Triều dâng ở sông Tiền Đường là một trong những kỳ quan thu hút nhiều khách du lịch đến Chiết Giang. (Ảnh: Internet)

Trong lịch sử, không ít tao nhân mặc khách đã du ngoạn qua đây, để lại những vần thơ bất hủ.

Năm Hi Ninh thứ tư (1071), Tô Đông Pha nhậm chức thông phán ở Hàng Châu. Năm đó ở Hàng Châu, gần đến ngày rồi mà kết quả thi vẫn chưa được công bố. Thí sinh xếp hàng dài đợi ngoài cửa, ngong ngóng vào trong phủ. Tô Đông Pha vì cảm thông với nỗi lòng của thí sinh mà viết bài thơ ‘Thúc thí quan khảo giảo hí tác’ (Thơ đùa giục các giám khảo). Trong bài thơ có câu: “Bát nguyệt thủy triều, tráng quan thiên hạ vô” (Dịch nghĩa: Thủy triều ngày 18 tháng 8, hùng vĩ nhất thiên hạ không nơi nào bằng). Từ đó, mỗi khi miêu tả vẻ hùng vĩ của thủy triều ở sông Tiền Đường, các tác giả thường trích dẫn câu: “Tráng quan thiên hạ vô” của Tô Đông Pha.

Mạnh Hạo Nhiên cũng có bài thơ “Cùng Huyện Lệnh Tiền Đường xem triều dâng trên Chương Đình,” ngôn từ phóng khoáng mà mãnh liệt:

Bách lí văn lôi chấn
Minh huyền thảm chuyết đàn
Phủ trung liên kị xuất
Giang thượng đãi triều quan
Chiếu nhật thu không quýnh
Phú thiên bột giải khoan
Kinh đào lai tự tuyết
Nhất tọa lẫm sinh hàn

Dịch nghĩa:

Từ trăm dặm đã nghe thấy tiếng sấm chấn động, liền vội ngừng tay đánh đàn, cưỡi ngựa từ trong phủ ra bờ sông để xem triều dâng, bầu trời mùa thu cao và rộng ngập ánh nắng, mặt biển trải rộng đến tận chân trời, sóng biển dâng lên kinh thiên động địa trắng xóa như tuyết, trong đình bỗng dưng lạnh như mùa đông.

Du khách đến Chiết Giang thăm lại sông Tiền Đường cũng có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan diễm lệ của Hàng Châu – thủ phủ tỉnh Chiết Giang. “Sức quyến rũ của Hàng Châu là núi sông hùng vĩ, suối hồ thơ mộng, cây rừng xanh tốt, tơ lụa mượt mà, thứ dân nho nhã chẳng khác gì Tô Châu.” Dân gian có câu rằng: “Trên có thiên đàng/ Dưới có Tô-Hàng”, ngầm chỉ vẻ đẹp thần tiên thơ mộng của Hàng Châu.

Hàng Châu có Tây Hồ non xanh nước biếc, dệt nên những thiên tình sử ngàn thu như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Ngưu Lang – Chức Nữ… Trên một đỉnh núi có tháp Lôi Phong, tương truyền là nơi cao tăng Pháp Hải dùng Phật pháp thần thông nhốt Bạch Xà năm xưa. Hàng Châu còn nổi tiếng với Linh Ẩn Tự và giai thoại về Tế Điên hòa thượng.

Hàng Châu cũng là điểm dừng chân của bao tao nhân mặc khách. Đê Tô và Đê Bạch nơi đây vốn được đặt tên theo hai nhà thơ nổi tiếng là Tô Đông Pha và Bạch Cư Dị.

Đến Hàng Châu, du khách có dịp ghé thăm miếu thờ đại tướng quân Nhạc Phi, bậc sĩ phu dũng liệt trung nghĩa tiếng thơm muôn đời. Trước mộ Nhạc Phi có vế đối:

Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch thiết vô cô chú nịnh thần

(Dịch nghĩa: Núi xanh may mắn được làm nơi chôn cất người trung lương/ Sắt trắng uổng thay đúc tượng tên nịnh thần – ám chỉ gian thần Tần Cối)

Tây Hồ – thiên đường trên mặt đất. (Ảnh: Internet)
Linh Ẩn Tự. (Ảnh: giacngo.vn)
Nhạc Mẫu viết bốn chữ “tận trung báo quốc” lên lưng Nhạc Phi. (Ảnh: Facebook)

Thăm lại sông Tiền Đường là thăm lại cuộc đời chìm nổi truân chuyên của người con gái năm xưa, cũng là dịp thăm lại cội nguồn của bao chứng tích văn hóa Thần truyền. Nhờ những trang thơ của đại thi hào Nguyễn Du, một dòng sông Trung Hoa đã đi sâu vào tâm khảm bao thế hệ người Việt. Di sản thiên nhiên, lịch sử và văn hóa truyền thống của Chiết Giang nói riêng và Trung Hoa nói chung đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, là những viên ngọc quý cần được gìn giữ trong kho tàng tinh hoa nhân loại.

Mã Lương tổng hợp và biên soạn

Xem thêm:

Exit mobile version