Đại Kỷ Nguyên

Sư phụ tuyển chọn đồ đệ: Minh sư chân chính như đèn sáng, an bài đường đời cho đệ tử

Trên con đường cầu Đạo, có những người dành cả cuộc đời tìm thầy bái sư, nhưng cuối cùng vẫn không tìm được bậc minh sư chân chính. Lại có những người chỉ tình cờ mà được Thần Tiên điểm hóa, bước vào Đại Đạo. Vì sao lại như vậy?

Trong giới tu luyện có một cách nói, đó là: “Sư phụ tìm đồ đệ”. Các bậc chân sư mỗi khi truyền thừa đều tự mình đi tìm đồ đệ, yêu cầu đó phải là người có đức hạnh và phẩm đức xứng đáng để tiếp nhận đạo pháp. Nếu như không tìm được người xứng đáng, thì dẫu phải mang theo những tuyệt kỹ của mình xuống mồ họ cũng nhất quyết không tùy tiện truyền cho người bình thường. Như vậy, sư phụ tìm đồ đệ là lấy đức làm thước đo, lấy căn cơ làm tiền đề, và lấy ngộ tính làm yếu tố quyết định.

Trong các thư tịch cổ có rất nhiều ví dụ về “Sư phụ tìm đồ đệ”. Ví dụ như Na Tra vốn là Linh Châu Tử đầu thai, ở trong bụng mẹ suốt 3 năm 6 tháng, đến khi vừa chào đời đã được Thái Ất Chân Nhân thu nhận làm đồ đệ. Hay Trương Lương đời Hán, nhờ có tâm tính tốt mà được Hoàng Thạch Công ban tặng thiên thư. Hoặc câu chuyện Quỷ Cốc Tử tìm trò cũng là một huyền thoại. Tương truyền, một ngày Quỷ Cốc Tử đang ngồi trong hang thì bỗng có một luồng gió lạ thổi tới. Ông bấm tay và biết rằng trong tiếng gió thổi có chứa thiên cơ, rằng sự thịnh suy hay hưng vong của các nước chư hầu đều đặt vào trong tay của hai bậc kỳ tài, đó là Tô Tần và Trương Nghi. Ngay sau đó, Quỷ Cốc Tử bèn xuất sơn đi tìm kiếm hai bậc kỳ tài này, thu nhận làm đồ đệ.

Trong Dạ Đàm Tùy Lục của tác giả Hòa Bang Ngạch cũng có câu chuyện kể rằng:

Vào thời nhà Thanh có một binh lính tên là Y Ngũ, dáng người thấp nhỏ xấu xí, gia cảnh cũng vô cùng nghèo khổ. Y Ngũ luôn cảm thấy cuộc sống của mình quá bấp bênh túng thiếu, nếu cứ tiếp tục như thế thì sống trên đời còn có ý nghĩa gì đâu? Nghĩ vậy, cậu bèn rời khỏi kinh thành, một mình lang thang trong rừng vắng, trong đầu chỉ còn ý nghĩ muốn thắt cổ quyên sinh. Nhưng đúng lúc Y Ngũ định kết thúc cuộc đời mình thì bỗng nhiên một lão nhân xuất hiện.

Đúng lúc Y Ngũ định kết thúc cuộc đời mình thì bỗng nhiên một lão nhân xuất hiện. (Ảnh minh họa: sina.com)

Lão nhân hỏi: Có chuyện gì khiến cậu thống khổ đến mức muốn bỏ thân mình như vậy? Y Ngũ kể lại hoàn cảnh của mình, ông lão bèn cười lớn rồi giảng rằng: “Ngay cả cỏ dại còn muốn bảo vệ bản thân, thì cớ sao con người lại không thể bảo hộ lấy mình? Ta thấy cậu tinh lực dư thừa, nội tâm cũng tốt, đáng lẽ ra phải là một người hữu dụng mới phải. Ta có một quyển sách cậu hãy thử đọc xem, đảm bảo là đủ cho cậu có cái ăn cái mặc cả đời”.

Dứt lời, ông lão lấy từ trong tay áo ra một quyển sách nhỏ, trong đó ghi chép những điều huyền cơ thâm ảo từ xa xưa. Y Ngũ mở ra, chỉ liếc nhìn thoáng qua rồi lại trả lại cho ông lão. Cậu nói: “Cuốn sách này giống như ruộng đất cằn cỗi, đối với tôi thì cũng chỉ vô ích mà thôi”. Ông lão hỏi: “Vì sao vậy?”.

Y Ngũ nói: “Tôi thấy trong sách toàn là các loại thần chú này, thần chú nọ, muốn thực hành thì cũng phải bỏ công sức ra mà công phu luyện tập. Nhưng tôi nghèo túng thế này, đến túp lều tranh cũng phải đi thuê của người ta làm chỗ ở. Đói khát như thế, lo cho cái ăn còn chẳng xong, làm sao còn tâm trí để mà luyện với tập cho được?”.

Ông lão trầm tư một hồi rồi gật đầu nói: “Hoàn cảnh của cậu đúng là quá khó khăn, thật đáng để cân nhắc. Nhưng nếu cậu đồng ý đi với ta thì sẽ không có trở ngại nào cả. Cậu nguyện ý hay không?”.

Y Ngũ nói: “Tôi vốn dĩ không còn đường sống, mà bản thân cũng không muốn sống nữa, vậy còn lo sợ gì mà không thể đi được?”.

Thế là, Y Ngũ theo chân ông lão đi về hướng bên trái dọc theo con đường mòn hẻo lánh. Không lâu sau, trước mặt cậu xuất hiện một hồ nước lớn nằm giữa cánh đồng cỏ lau rộng bát ngát. Khuất sâu trong đám cỏ lau lại có một gian nhà nhỏ, mái nhà lợp bằng cỏ tranh, bên ngoài trông có vẻ thấp bé nhưng khi bước vào bên trong lại là một không gian rộng rãi, sạch sẽ, đồ đạc ngăn nắp gọn gàng.

Y Ngũ liền ở lại đây cùng lão nhân. Cậu không còn phải lo nghĩ đến cái ăn cái mặc, mỗi ngày hai bữa, cơm thịt đề huề, thời gian còn lại cậu chuyên tâm học tập. Chỉ sau bảy ngày cậu đã học xong pháp thuật, lúc ấy lão nhân và căn nhà cỏ tranh cũng đột nhiên biến mất, không còn thấy tung tích đâu nữa.

Đến lúc này Y Ngũ mới giật mình nhận ra: Thì ra, mình đã được tiên nhân chỉ bảo! Trong lòng vô cùng cao hứng, cậu quay trở lại căn phòng trọ lúc đầu của mình.

Trước đây Y Ngũ từng quen biết một nhóm bằng hữu, vốn là những kẻ khá giả lại thích tụ tập ăn chơi. Mặc dù tất cả họ đều sống sung túc đủ đầy nhưng lạ một điều là họ không muốn bỏ tiền túi của mình ra tiêu xài, mà chỉ nghĩ đến việc ăn không của người khác. Lần này Y Ngũ trở về, thần thái có chút khác lạ, cuộc sống cũng không còn bấp bênh như trước. Thế là, cả đám bạn bèn nói với cậu mấy lời ngon ngọt, ý là muốn được mời một bữa ra trò, Y Ngũ không suy nghĩ nhiều liền đáp ứng.

Lần này Y Ngũ trở về, thần thái có chút khác lạ, cuộc sống cũng không còn bấp bênh như trước. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Ngay sau đó, cả nhóm bạn cùng kéo nhau đến Phú Xuân lâu, bảy, tám người cứ thế mặc sức ăn uống thỏa thuê, tiêu xài hết 8.400 đồng. Trong nhóm ai cũng biết rằng Y Ngũ không phải là người có tiền, nên nháy mắt nhìn nhau xem cậu bạn nghèo kiết xu kia làm thế nào để trả nợ. Lúc này, một vị đại hán mặt sắt đen xì đi đến trước bàn, vái chào Y Ngũ rồi nói: “Chủ nhân nhà tôi biết rằng đại nhân đang ở đây đãi khách, nên đặc biệt sai tôi đưa tiền đến tặng cho đại nhân, thỉnh ngài hãy xem qua”. Nói xong ông ta lấy ra túi tiền đặt lên bàn rồi rời đi. Y Ngũ thử đếm tiền thì thấy vừa vặn đúng 8.400 đồng không thiếu một xu. Cả đám người mở to mắt nhìn nhau kinh ngạc, duy chỉ có Y Ngũ là không cảm thấy kỳ quái chút nào.

Sau khi rời Phú Xuân lâu, đám bạn lại cùng nhau dạo bộ trên đường phố. Bỗng họ thấy một kỵ sĩ cưỡi con ngựa trắng lớn phóng vượt ngang qua mặt. Y Ngũ liền đuổi theo, hai tay nhanh chóng bắt lấy chiếc hàm thiếc ngựa, rồi lớn tiếng quát: “Dừng lại!”. Vị kỵ sĩ kia nhảy xuống ngựa, run rẩy sợ hãi xin cậu nương tay. Y Ngũ tức giận nói: “Còn không mau mau đưa cho ta? Nếu còn chần chừ, đừng trách ta động thủ!”. Kỵ sĩ không còn cách nào, đành đưa tay vào trong ngực lấy ra một chiếc túi đưa cho Y Ngũ. Lúc này cậu mới thả tay ra, người kỵ sĩ cũng vội vã lên ngựa bỏ chạy.

Cả đám bạn vây quanh hỏi xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, ai cũng tò mò muốn biết chiếc túi mà Y Ngũ lấy được là thứ gì. Thì ra đó là một cái túi da nhỏ màu hồng cánh sen nhạt, cứ trướng lên giống như cái bào chứa đầy tiết niệu lợn, nhưng không rõ cụ thể đó là vật gì.

Y Ngũ nói: “Theo lời cổ nhân nói thì đây là túi súc khí, bên trong chứa hồn phách của trẻ con. Kỵ sĩ cưỡi ngựa kia chính là tà thần xấu xa, thường hay đánh cắp linh hồn con trẻ nhà người ta. Nếu như ta không kịp thời ngăn chặn, ắt sẽ có một đứa trẻ phải mất mạng. Vậy chúng ta hãy đi cứu đứa trẻ kia”. Đám người nghe những lời huyền hoặc mặc dù trong lòng bán tín bán nghi, nhưng vẫn tò mò đi theo Y Ngũ.

Không bao lâu cả đám bạn đến một ngõ hẻm, đây là một ngôi nhà nằm quay hướng về phía tây, cửa ra vào đóng kín, bên trong vang lên tiếng khóc lóc thảm thiết. Y Ngũ bèn lấy chiếc túi da ra, rồi đến bên khe cửa và mở miệng túi, từ bên trong túi xuất ra một làn khói đặc bay vào trong nhà. Ngay sau đó bên trong có người reo lên: “Nhìn kìa, hài tử đã tỉnh lại rồi!”. Tiếng khóc lóc kêu gào cũng không còn nữa, mà được thay thế thành tiếng cười vui mừng.

Từ đó, mọi người ai nấy đều coi Y Ngũ như thần tiên đến cứu khổ cứu nạn cho đời. Nhưng trong lòng Y Ngũ biết rõ, cậu chỉ đang tuân theo ý chỉ của sư phụ mà làm những việc nên làm.

Chứng kiến những điều kỳ diệu đó, mọi người ai nấy đều coi Y Ngũ như thần tiên đến cứu khổ cứu nạn cho đời. (Ảnh minh họa: bldaily.com)

Một ngày nọ, ở Nam Thành có vị đại quan, con gái của ông bị trúng tà đã nhiều ngày nay. Nghe nói Y Ngũ có phép thuật kỳ diệu, ông liền dùng hậu lễ mời cậu đến. Cô con gái đang ở trong phòng, biết rằng Y Ngũ đã đến, liền sợ hãi đứng ngồi không yên, sắc mặt xanh mét, tinh thần bàng hoàng hoảng hốt. Vừa nhìn thấy Y Ngũ, cô ta hồi hộp nín thở, lưng tựa vào góc phòng, hai tay giơ lên như muốn tự vệ.

Y Ngũ nhìn khắp phòng một lượt rồi bước ra ngoài nói với vị đại quan: “Bệnh của tiểu thư chính là do khí cụ đã thành tinh đang tác oai tác quái. Đêm nay tôi sẽ tìm cách bắt nó, mong đại nhân cứ yên tâm”. Vị đại quan rất vui mừng dặn người nhà phải làm theo lời Y Ngũ, hễ cậu cần thứ gì thì đều phải chuẩn bị sẵn sàng. Vào lúc canh một, Y Ngũ mở chiếc túi da mang theo bên người rồi lấy ra một thanh kiếm nhỏ bằng đồng, lưỡi kiếm sắc bén tỏa ra hào quang giống như sao chổi. Y Ngũ cầm thanh kiếm tiến vào phòng, còn đại quan cùng với người nhà đứng đợi ở bên ngoài. 

Một lúc sau, trong phòng vang lên tiếng tiểu thư đang chửi rủa, rồi tiếng va đập, tiếng đồ vật bị ném kêu loảng xoảng, lại có tiếng kim loại lao đi vun vút. Qua hồi lâu, khi mọi thứ yên tĩnh lại, lúc này mới nghe thấy Y Ngũ gọi: “Mau mau mang đèn đến!”. 

Trong nhà đại quan, từ nha hoàn cho đến cận vệ đều cùng chạy vào phòng thắp đèn lên. Lúc này, Y Ngũ đã đem thanh bảo kiếm thu vào trong túi, còn tiểu thư thì đang nằm bất động trên giường. Y Ngũ chỉ tay lên một vật và nói với đại quan: “Đây chính là thứ khí cụ thành tinh tác yêu tác quái, hiện tại tôi đã thu được tà linh của nó rồi”. Theo hướng dẫn của Y Ngũ, đám gia nhân trong nhà đặt vật đó lên đống củi rồi dùng lửa thiêu đốt, vật kia bỗng chảy ra một thứ dung dịch giống như máu mủ, toàn thân tỏa ra một thứ mùi kỳ lạ giống như mùi thịt nướng, liên tục qua hai canh giờ mới bị thiêu thành tro. Y Ngũ lại viết một câu chú ngữ bảo tiểu thư hãy nuốt vào bụng, sau đó bệnh của nàng lập tức khỏe trở lại. 

Đại quan rất cảm kích bèn biếu tặng Y Ngũ rất nhiều vàng bạc. Y Ngũ từ chối mãi không được, đành phải nhận. Cậu chỉ giữ lại một ít bạc làm vốn sinh nhai, còn lại đều mang ra phân phát cho những người nghèo khổ. 

Nhà phê bình đời Thanh là Lan Nham đã nhận xét rằng: Y Ngũ muốn quyên sinh nhưng không thành, ngược lại còn đắc được pháp thuật. Đây chính là Đạo gia đang tìm đồ đệ, đồng thời cũng dạy chúng ta cần phải hành thiện tế thế giúp đời. 

Câu chuyện Y Ngũ chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy tu luyện trong quá khứ là “Sư phụ tìm đồ đệ” chứ không phải đồ đệ tìm sư phụ. Bởi những người đức độ, có căn cơ, có phẩm hạnh luôn được các cao nhân coi sóc và bảo hộ. Cổ nhân vẫn khuyên nhủ hậu thế rằng làm người thì nên tích đức hành thiện, bớt tranh bớt giành, thì gặp dữ sẽ hóa lành, âu cũng là đạo lý vậy. 

Theo Soundofhope
Tuệ Liên biên dịch

Exit mobile version