Đại Kỷ Nguyên

Đề Oanh dâng thư cứu cha, làm Hán Đế cảm động rớt nước mắt

Trong những năm đầu triều đại nhà Tây Hán (206 TCN đến 220 SCN), tồn tại “5 hình phạt”, 4 trong số đó là những nhục hình nghiêm trọng. Nó là một phần của hệ thống hình phạt được áp dụng rộng rãi trong triều đại nhà Tần. Sau đó được giữ lại trong triều đại tiếp theo, nhà Hán.

4 hình phạt có ảnh hưởng đến cơ thể đã được chấp nhận bởi quan lại như là sự trừng phạt thích hợp cho những người phạm tội hình sự, bao gồm: cắt cụt mũi, tai, hay chân tay hoặc xăm trổ khuôn mặt để biểu thị người đó đã từng phạm tội.

Tuy nhiên, do sự can đảm của một cô gái trẻ, những hình phạt tàn bạo và vô nhân đạo đó đã được bãi bỏ một cách “thần kỳ” dưới triều Hán Văn Đế, người con gái đó có tên gọi là Đề Oanh.

Đề Oanh là người trẻ nhất trong 5 người con gái của vị danh y Thuần Vu Ý. Ông từng giữ chức quan thái thương lệnh đất Tề, sau khi từ quan, nhờ tinh thông y thuật, tích cực chữa bệnh cứu người đã trở thành một danh y.

Thay vì chỉ điều trị cho giới quý tộc, Thuần Vu Ý lang thang đến các vùng nông thôn và chữa bệnh cho những người dân thường. Ông nổi tiếng là người có kỹ năng y khoa giỏi và được nhiều người tìm đến.

Thuần Vu Ý rất thực tế và khoa học trong khi nghiên cứu y học và thành thật về sai sót cũng như thất bại của mình trong lúc chẩn đoán và điều trị.

Lòng dũng cảm và đạo hiếu

Một lần, Ý không cứu sống được vợ của một người đàn ông rất giàu có. Người phụ nữ đã bị bệnh rất nặng và cơ hội sống sót là vô cùng nhỏ nhoi. Tuy nhiên, người chồng trong cơn đau buồn và phẫn nộ đã buộc tội ông, tuyên bố rằng việc điều trị của Thuần Vu Ý là nguyên nhân gây ra cái chết cho vợ mình.

Người đàn ông này rất có ảnh hưởng và nhanh chóng, cha của Đề Oanh bị buộc tội mà không có bất cứ cuộc điều tra nào. Ông bị giải đến kinh đô Trường An để đối mặt với hình phạt đáng sợ. Khi bị giải đi, Thuần Vu Ý nhìn lần cuối những người con gái của ông đang khóc lóc thảm thiết, ông than thở: “Sinh con không sinh con trai, gặp việc quan trọng chẳng có ích gì!

Đề Oanh nghe thấy điều này và quyết tâm cứu cha cô. Cô đi theo ông đến kinh thành, chịu đựng đói khát trên cuộc hành trình đầy gian khổ này.

Khi đã ở kinh thành, cô cầu xin một người viết thuê để soạn thảo một lá thư dâng lên Hoàng đế. Cô đã tự tay trao nó cho lính gác hoàng cung để nhờ họ tấu lên hoàng đế.

Khi hoàng đế biết khiếu nại được gửi bởi một cô gái rất trẻ nhưng kiên cường, ông đã muốn đọc nó ngay lập tức.

Cô nói trong bức thư: “Là một vị quan, cha thiếp luôn trung thành với nhiệm vụ của mình. Là một lương y, ông đã cứu được rất nhiều mạng sống, ông đã được ca ngợi bởi mọi người vì sự chân thật của mình. Nhưng bây giờ, ông phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm trọng do một lời buộc tội sai lầm.

Khi một người đàn ông bị những hình phạt đó, anh ta không thể trở lại với cuộc sống cũ. Khi một người đàn ông bị cắt cụt bộ phận nào đó, thậm chí nếu sau này anh ta được chứng minh mình vô tội, được trả lại sự trong sạch, thì anh ta vẫn là một người tàn tật, và không có cách nào để bù đắp lại những đau khổ mà anh ta đã phải trải qua và gánh chịu trước đây. Ngay cả nếu anh ta muốn bắt đầu lại, anh ta cũng không thể làm được nữa.

Thần thiếp đã nghe những câu chuyện về việc một đứa con trai sẽ có thể chuộc lại tội lỗi cho người cha. Là một người con gái, thiếp sẵn sàng trở thành nô tỳ của ngài cho đến hết phần đời còn lại để chuộc lại tội lỗi cho cha. Thiếp cầu xin ngài tha cho ông khỏi sự trừng phạt này, để ông có cơ hội làm lại một cuộc đời mới.”

Bức thư của Đề Oanh không chỉ yêu cầu sự tha thứ cho cha cô mà còn chỉ ra những bất công và tàn ác của nhục hình và hậu quả của nó đã cắt đứt cơ hội làm lại cuộc đời của những người bị kết án. Lý lẽ của cô thuyết phục đến nỗi các quan lại trong triều đã bị ấn tượng rất sâu sắc.

Hoàng đế vô cùng xúc động bởi lời khẩn cầu tha thiết của Đề Oanh. Ông cũng ngạc nhiên bởi sự dũng cảm của cô gái trẻ, khi cô sẵn sàng chịu đựng gian khổ để đi cùng cha mình và sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống nô tỳ để đổi lấy hạnh phúc cho ông ấy.

Hoàng đế rất cảm động xuống lệnh tha tội cho Thuần Vu Ý, từ chối nguyện vọng làm tỳ nữ của Đề Oanh và xóa bỏ loại nhục hình tàn khốc này. Đề Oanh vì việc này mà nổi tiếng khắp nước, do đó mà hình thành nên sự tích hiếu nghĩa Đề Oanh cứu cha được người đời ca tụng và lưu truyền mãi mãi.

Nhà sử học thời Đông Hán là Ban Cố trong “Vịnh sử” theo lối ngũ ngôn cổ thi khen rằng: “Trăm ông con trai vô dụng, chẳng bằng một nàng Đề Oanh“. Nhà thơ Cao Bá Quát của Việt Nam thời Nguyễn trong lúc trôi dạt ở Trung Quốc có viết bài thơ “Nàng Đề Oanh” ca ngợi tấm lòng hiếu thảo cùng hành động can đảm của Đề Oanh được hậu thế khen ngợi là làm thay đổi phép vua. Bài thơ như sau (Trần Văn Nhĩ dịch thơ):

Lời nói xoay trời, hư huyễn ư?
Phủ hình Tư Mã oán ngàn thu
Nhà tằm, lòng sợ không qua tội
Chỗ thấp, lệ rơi dám gửi thư
Cha bị ngậm oan đâu ít có
Trai mà vô dụng vẫn nhiều như
Hán triều, Văn Đế lòng khoan hậu
Hình khắc nhờ ai được loại trừ!

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Trà My biên dịch

Ánh Trăng hiệu đính

Xem thêm:

Exit mobile version