Từ những bản nhạc giao hưởng của Beethoven, Schubert, Mozart… đến nhạc Rock của Heavy Metal, Led Zeppelin, Guns N’ Roses; từ những bức tranh thời Phục Hưng của Raphael, Leonardo Da Vinci, Titian… đến những bức ảnh khỏa thân thời hiện đại; từ bức tượng David trứ danh của Michael Langelo đến con búp bê ma Anabelle của phim kinh dị Hollywood; từ những kiệt tác văn chương của Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, William Shakespear, Victor Hugo… đến những tác phẩm văn học theo trường phái hiện đại và hậu hiện đại, những ngôn tình, đam mỹ… nhân loại chúng ta vẫn đang vô tư thụ hưởng những sản phẩm tinh thần mà chưa có mấy ai thực sự quan tâm xem ảnh hưởng của thông tin mà những tác phẩm âm nhạc, hội họa, hình ảnh và ngôn từ ấy lên sức khỏe tâm thần và thể xác của chúng ta như thế nào.
Bài viết dài kỳ này thử giải đáp những câu hỏi ấy theo một góc nhìn khác, trên cơ sở tổng hợp cả những khám phá gần đây của khoa học và những kinh nghiệm cổ xưa.
Kỳ 3: Vật thể hữu hình, tác động vô hình
Bất cứ ai dù đam mê hội họa hay không nếu từng may mắn được ngước lên vòm trần nhà nguyện Sistine ở Vatican để chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa của Michelangelo sẽ vô cùng chấn động vì sự kỳ vĩ và thù thắng, cũng như lòng sùng kính vô hạn với Đấng Sáng Thế mà công trình ấy mang lại cho linh hồn chúng ta.
Chúng ta cũng có thể đứng lặng nhìn không chán mắt trước bức tranh “Mùa thu vàng” của họa sĩ người Nga gốc Do Thái Levitan hay bức tranh “Rừng sồi” – kiệt tác được hoàn thành trong 30 năm của một danh họa Nga khác là Ivan Shishkin. Lòng chúng ta vừa thán phục tài năng của người họa sĩ, vừa rung động trước vẻ đẹp, sự vĩ đại của thiên nhiên. Trong giây phút ấy, tâm hồn chúng ta như có một dòng suối trong vắt tràn qua, gột rửa những bụi bặm, cuốn sạch những rác rến.
Nhưng ngược lại, những hình ảnh ma quái từ những bộ phim như “The Ring” hay “Búp bê ma Annabelle” hay những bức tranh dị dạng của các họa sĩ tâm thần khiến ta cảm thấy thực sự khó chịu bức bối không tả nổi, dường như chúng ta đang ở trong vòng vây của quỷ dữ. Có phải đó chỉ là chút đỏng đảnh của cảm xúc nhất thời? Câu chuyện khi đi sâu vào không chỉ đơn giản như thế.
Thí nghiệm của tiến sĩ Masaru Emoto cho nước nhìn thấy hình ảnh
Trong các kỳ trước, bạn đọc đã được chứng kiến những bức ảnh tinh thể nước khi nước tiếp xúc với âm nhạc, ngôn ngữ… Kỳ này chúng ta sẽ nhìn ngắm một vài bức ảnh tinh thể nước khi tiếp xúc với hình ảnh.
Tinh thể nước thể hiện hình ảnh rất đẹp khi nước nhìn thấy những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp: núi Phú Sĩ ở Nhật, rặng Rocky ở Mỹ.
Hay thể hiện đúng hình hài lá cây mùa thu:
Hay hình ảnh hoa sen trong tranh (hoặc ảnh):
Hay khi nhìn nhà độc tài Hitler sẽ cho ra một hình ảnh tinh thể nước thật ghê rợn chẳng khác gì ma quỷ, đối lập với hình ảnh tinh thể nước thật đẹp đẽ của mẹ Theresa từ bi:
Xin bạn đọc nhớ giùm, nước bên ngoài phản ứng thế nào với những hình ảnh này, thì nước bên trong cơ thể chúng ta (với 80% khối lượng cơ thể) sẽ phản ứng như thế.
Thử lý giải nguyên nhân
Bất cứ một vật thể nào đều mang năng lượng. Qua thực nghiệm Kirlian chúng ta biết năng lượng của vật thể qua các lớp hào quang của chúng (xin xem lại Kỳ 1). Người có hào quang của người, lá có hào quang của lá, đồ vật cũng có hào quang riêng của chúng. Đó là năng lượng. Năng lượng đó có thể tốt hoặc xấu. Nó cũng là một loại thông tin, giới tu luyện gọi đó là tín tức.
Một người lương thiện, dũng cảm, chính trực, từ bi sẽ có năng lượng tích cực và ta sẽ được thọ ích dù tiếp xúc trực tiếp hay ngắm ảnh, ngắm tranh của họ. Dân gian hay gọi thứ năng lượng hay tín tức đó là thần sắc của con người. Người có thần sắc của người thì vật cũng có thần sắc của vật.
Như vậy, người hay vật thể khi được chụp vào ảnh, vẽ vào tranh thì cái ta nhìn thấy được là hình ảnh, màu sắc của họ. Nhưng cái ta không nhìn thấy được chính là năng lượng, tín tức của họ. Thế là, cho dù ta nhìn thấy một người hay vật, hay ta chỉ thấy ảnh chụp của họ thì đồng thời ta cũng tiếp nhận cả năng lượng, tín tức họ mang theo. Và nước trong cơ thể ta sẽ phản ứng một cách tương ứng như đã trình bày như trên.
Bởi chúng ta biết rằng một đặc tính của nước là phản chiếu. Nước phản chiếu không chỉ hình ảnh mà cả linh hồn của vật thể. Chính là cái tín tức hay năng lượng của vật thể. Và cái tín tức đó nó có hình dạng của nó, cái hình dạng đó đã được tinh thể nước nắm bắt và mô phỏng như những kết quả ta thấy trong Kỳ 1. Như vậy thì, tinh thần cũng là năng lượng, cũng là vật chất.
Đấy là đối với ảnh chụp.
Còn với tranh vẽ thì ngoài tín tức của người hay vật được vẽ, nó còn có cả tín tức của người vẽ tranh lẫn vào trong đó. Tức là trong từng nét vẽ của họa sĩ mang cả tinh thần, tính cách, trải nghiệm cuộc đời, những nỗi hân hoan cho đến những vết thương tâm lý trong cuộc đời của người họa sĩ đó. Và năng lượng đó của người họa sĩ sẽ tác động một cách tích cực hoặc tiêu cực đến bức tranh và những người chiêm ngưỡng nó.
Tại sao khi nhìn ngắm những tác phẩm hội họa như kiệt tác của Michelangelo trên nóc vòm nhà nguyện Sistine thì trong lòng chúng ta dâng lên một cảm giác sùng kính thần thánh, chúng ta thấy mình bé xíu giữa mênh mông thế giới thiên thần trong tầng tầng lớp lớp vũ trụ phía trên. Ngay lúc ấy chúng ta sẵn sàng tin rằng, thực sự có một Đấng Sáng Tạo đã tạo ra con người và vạn vật. Người ta nói rằng, khi Michelangelo thực hiện tác phẩm trên, ông đã nhiều lần được nhìn thấy triển hiện của các vị Thần.
Khi nguyên mẫu là các vị Thần thì tác phẩm hội họa hay điêu khắc ấy sẽ chứa đầy năng lượng từ bi thần thánh. Bản thân họa sĩ hay nhà điêu khắc được Thần lựa chọn để thể hiện hình tượng của họ cũng phải là người có phẩm hạnh tốt, căn cơ lớn. Trong giới tu luyện có câu: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. Khi con người ta được ở gần một vị Thần, được trông thấy họ thì sẽ sinh ra thiện niệm, gột rửa được nhiều tà tâm, đồng thời cảnh giới tinh thần cũng được nâng lên cao hơn. Hào quang của các vị Thần sẽ quét đi bóng tối trong tâm hồn con người. Như vậy đối với cả người vẽ tranh, nặn tượng hay người xem tranh, xem tượng thần là đều có thọ ích rất lớn. Ấy là chính niệm, thiện niệm và trí huệ đều được tăng cường, còn nghiệp lực bản thân được trừ bỏ bớt đi. Nước trong cơ thể chúng ta cũng được tịnh hóa cao độ, trở nên hết sức thuần khiết, đẹp đẽ và đầy năng lượng.
Người ta nói chương trình biểu diễn Thần Vận (Shen Yun) hiện nay chính là có tác dụng ấy. Đó là tác giả lạm bàn chút chuyện bên lề. Tất nhiên ngoài hình ảnh, nó còn có yếu tố thần thánh của âm nhạc và ngôn từ.
Ở mức năng lượng thấp hơn là người tốt vẽ người tốt. Cả người vẽ lẫn người được vẽ đều đưa được năng lượng, tín tức tốt của mình vào trong họa phẩm. Hoặc một người tốt vẽ thiên nhiên tươi đẹp cũng là những tác phẩm tốt, như Levitan vẽ bức “Mùa thu vàng”:
Hay Ivan Shishkin vẽ “Rừng sồi”:
Vì thuận theo tự nhiên là cảnh giới cao của Đạo lý: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Vũ trụ, thiên nhiên cũng là sự sáng tạo của các vị Thần tối cao như Newton đã từng công nhận.
Vậy, nếu chủ đề ta vẽ lại là những gì xấu xa, ghê tởm, những con người độc ác thì sao? Thì năng lượng phá hoại, những tín tức xấu nó mang lại có tác hại kinh khủng với tinh thần và cuộc sống của con người, của người xem và kể cả người vẽ.
Một ví dụ tiêu biểu là bức “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse”, một trong những họa phẩm kinh dị nhất mà con người từng thực hiện. Tác giả của bức tranh này là họa sĩ người Pháp Théodore Géricault. Nội dung bức tranh nói về tai nạn của chiến thuyền Médusa của hải quân Pháp đã bị mắc cạn năm 1816 tại vùng bờ biển ngoài khơi Mauritani, một nước thuộc Tây Phi. Hơn 147 người đã trôi dạt trên một chiếc bè tự đóng sau khi Médusa bị mắc cạn, trải qua những ngày đói khát đến mức họ đã ăn thịt lẫn nhau một cách điên rồ. Để thực hiện bức tranh này, Géricault phải phác họa những xác chết trong nhà xác bệnh viện, nghiên cứu nét mặt người sắp chết trong bệnh viện, đem chân tay bị cắt đứt đến xưởng vẽ để nghiên cứu sự phân hủy… thậm chí ông ta còn mượn một thủ cấp đã bị cắt đứt từ một nhà thương điên và đặt nó trên mái nhà của ông trong vòng 14 ngày. Tất cả những điều này là để khiến cho bức tranh mô tả một cách chân thực nhất sự sa đọa và độc ác của con người khi ác tính trỗi dậy và hậu quả của nó.
Bức tranh đã tạo nên một sự ồn ào kinh khủng khi lần đầu đem ra triển lãm với rất nhiều tranh cãi. Họa sĩ Coupin Marie-Philippe de la Couperie, một họa sĩ Pháp, cùng thời với Géricault xác thực: “Ngài Géricault đã nhầm rồi. Mục tiêu của hội hoạ là nói những điều đẹp đẽ với tâm hồn và con mắt, thay vì gây ra cảm giác khó chịu gớm tởm như thế”.
Géricault dựng xưởng vẽ ngay bên kia đường bệnh viện Beaujon. Tại đây ông bắt đầu rơi vào tâm trạng buồn thê lương. Ông bị ám ảnh bởi câu chuyện đang vẽ đến nỗi luôn luôn sợ hãi và né tránh mọi người. Sau khi vẽ xong bức tranh một thời gian ngắn thì ông qua đời.
Một họa sĩ khác bạn ông, Eugène Delacroix, được chọn làm mẫu để vẽ nhân vật trong tranh đang ngồi thẫn thờ buồn bã, đầy thất vọng, tay phải chống lên má, tay trái buông xuôi trên thân thể đứa con nằm trên đùi. Chính Delacroix cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện kinh hãi này. Ông kể: “Géricault cho tôi xem bức Chiếc bè của chiến thuyền Méduse ngay khi ông đang còn vẽ dở dang. Bức tranh đã gây một ấn tượng rất mạnh và khủng khiếp đối với tôi, đến nỗi khi ra khỏi phòng tranh, tôi bắt đầu chạy như một thằng điên không dừng lại cho tới khi về đến nhà và chui tọt vào phòng mới thôi”.
Vậy nên ta mới nói: vẽ ai và ai vẽ đều quan trọng
Thế thì, nếu người được vẽ là những người bệnh nặng, những người có nghiệp lực lớn, những người có tư tưởng xấu… và ta treo tranh của họ trong nhà, thì nghiệp lực đó, những tư tưởng xấu đó, bệnh tật tai họa đó sẽ tuôn ra như một vòi nước không khóa đi khắp nhà và vận vào những người sống trong ngôi nhà đó.
Nếu người vẽ là bệnh nhân tâm thần, thì tác phẩm của họ lấy đâu ra tư tưởng trong sáng, năng lượng tích cực? Những bức tranh ấy nhìn vào là gây ám ảnh, hoảng loạn, hoang tưởng, những ảo ảnh ma quỷ. Nếu đem về treo trong nhà chẳng khác gì rước ma quỷ về sống chung. Bạn đọc chắc đã từng biết về trường hợp các họa sĩ bị tâm thần phân liệt vẽ những bức tranh quái gở. Và có những bức tranh bị ma ám như bức “Cậu bé khóc”, bức chân dung Bernardo de Gálvez, “Cậu bé và con búp bê”, “Người đàn ông đau khổ”, v.v.
Hoặc một trường hợp có vẻ ít phức tạp hơn. Họa sĩ không bị tâm thần, nhưng ông ta vẽ những bức tranh xấu xí, phản cảm, vụng về thô thiển, v.v. thì tín tức của bức tranh ấy có gì tốt cho người thưởng lãm? Chỉ là thứ cảm xúc rối rắm, thô tục và giả tạo. Vậy mà có những bức tranh như vậy đã được bán với giá rất cao làm chúng ta không còn có thể hiểu nghệ thuật đương đại đang đi về đâu. Trong nhiều trường hợp chúng khiến chúng ta liên tưởng đến bộ quần áo mới của ông vua ngu xuẩn và những tên thợ may bịp bợm trong tác phẩm văn học “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của nhà văn Andersen. Có thể có lúc đứng trước những bức tranh ấy ta hết sức tần ngần mà không dám thốt lên một lời bình luận vì sợ mang tiếng ngu xuẩn không hiểu được tư tưởng của những “thiên tài”.
Làm sao mà nghệ thuật đã đến nỗi ấy?
Sự xuống dốc của tư tưởng sáng tác
Hội họa, điêu khắc của thời kỳ Phục Hưng châu Âu đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của hội họa truyền thống, bởi vì từ bố cục, kết cấu, tỷ lệ, sắc thái cho đến kỹ thuật vẽ, chất liệu màu… đã được hoàn thiện, đã trưởng thành. Nhưng điều quan trọng là tư tưởng sáng tác của các họa sĩ, điêu khắc gia đang ở thời kỳ đỉnh cao. Đề tài sáng tác của họ là các Chính Thần nên họ có được chính niệm rất tốt. Các tác phẩm đều từ trên lý tính, từ trên chính niệm mà sáng tác. Chẳng hạn có những quy tắc hội họa về tỷ lệ hình học, độ sáng tối, màu sắc, bố cục, kết cấu mà họ phải tuân thủ, không có một chút gì được gọi là phá cách.
Chẳng hạn, Raphael, một trong ba thiên tài hội họa của thời kỳ Phục Hưng (Leonardo Davinci, Michelangelo, Raphael) thì khi vẽ ông luôn tuân theo tỷ lệ vàng (một số vô tỷ 1,6180339…). Tỷ lệ vàng hiển hiện khắp nơi trong các bức tranh của ông như bức “Học viện Athen”.
Hay như tỷ lệ vàng hoàn mỹ về thân thể người trong bức “Matruvian Man” của Leonardo DaVinci hay bức “Chúa Trời tạo ra Adam” của Michelangelo trên vòm trần nhà nguyện Sistine.
Thời ấy, vẽ Thần là phải giống Thần, từ hình dáng, màu sắc, sự cân đối đến thần khí từ bi và oai nghiêm là phải y như thật. Vẽ người vẽ vật cũng như vậy. Cho nên các bức họa mới sống động và tràn đầy chính khí. Trong khi vẽ các vị Thần, người họa sĩ trong tư tưởng phải hết sức nghiêm túc, thành kính và trong sạch, không được có những ý nghĩ hoang đàng không đứng đắn. Bởi vì con người thì làm sao giấu được các vị Thần? Tư tưởng con người có gì, các vị Thần đều biết. Con người có đủ tư cách vẽ họ hay không là đã đều qua sự lựa chọn của các Thần. Do vậy ta mới có những tác phẩm để đời như bức bích họa của Michelangelo nói trên hay như bức “Đám cưới tại Cana” của Paolo Veronese, bức “Trường học Athens” của Raphael, bức “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo DaVinci, bức “San Zaccaria Altarpiece” của Giovanni Bellini, bức “Pesaro Madonna” của Titian, v.v.
Chính là, nghệ thuật Phục Hưng ở thời kỳ đỉnh cao bởi vì tư tưởng và chính tín vào Thần của xã hội châu Âu cũng đang vào thời kỳ đỉnh cao.
Hết đỉnh cao thì sẽ đi xuống
Nhưng nghệ thuật gia cũng là một con người và chịu ảnh hưởng bởi quan niệm đạo đức văn hóa của xã hội mà họ đang sống. Mặt khác, người nghệ sĩ luôn luôn phải tìm tòi để sáng tạo. Nhưng con đường sáng tạo quả thật hết sức hẹp và gian nan, chỉ đi chệch một bước là ra khỏi quỹ đạo của chính niệm.
Đó là khi người nghệ sỹ bắt đầu truy cầu những cảm giác lạ để sáng tác. Họ vứt bỏ các quy tắc, các quy phạm để tìm những thứ lạ, thứ mới và phản lại những nguyên tắc của hội họa truyền thống. Có nhiều người còn cố làm ra những thứ khác biệt để thỏa mãn “tự ngã”, phóng túng bản thân. Như vậy, một tác phẩm mà về kỹ thuật không có được sự tuân thủ nghiêm túc những kỹ thuật vẽ truyền thống về hình dáng, màu sắc, luật sáng tối, tỷ lệ, bố cục… Về ý tưởng lại phóng túng buông tuồng vẽ những thứ quái dị không có chính niệm thì chẳng đẹp, cũng chẳng tốt và cũng không mang lại điều gì tích cực cả. Các danh họa thời Phục Hưng vẽ Thần đẹp bao nhiêu thì sau này có nhiều họa sĩ vẽ xấu bấy nhiêu. Những bức tranh mũi vẹo mắt lồi, chân mọc ra đằng sau, trên đầu có sừng, khắp người là máu me bẩn thỉu, hoặc không có mắt không có mồm, những bức tranh ba phần người, ba phần robot, bốn phần quái vật, v.v. chẳng phải ma là gì? Người ta hay nói: “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Khi không có được chính niệm sáng tác thì những thứ xấu hữu hình cũng như vô hình cũng đến ám nhập vào đầu óc của “người sáng tác” và kết quả là chúng ta có những bức hình rối rắm, ngu xuẩn hay bị ma ám như trên.
Kể cả khi người ta không vẽ những thứ dị hợm quái lạ đó thì họ có đủ bản lĩnh và đạo đức để mang năng lượng trong sáng vào bức tranh không?
Tỷ như khi vẽ người mẫu khỏa thân. Có được bao nhiêu người họa sĩ có đủ sự bình tĩnh và trong sáng, không có bất kỳ một ý nghĩ dâm ô nào về cơ thể thiếu nữ trước mắt họ?
Có bao nhiêu người mẫu khỏa thân hoàn toàn không có những ý nghĩ bậy bạ trong khi làm mẫu?
Câu chuyện không hề đơn giản trong một xã hội hiện đại quá nhiều cám dỗ và sa ngã.
Bức tranh sẽ là nơi nhận hết những tư tưởng đó.
Người xem chúng ta sẽ hứng hết những tín tức xấu đó từ bức hình. Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn nước trong cơ thể mình phản ứng như thế này trước những bức họa ma quỷ.
Câu chuyện yêu ma trong tranh vẽ cũng có thể hại người
Theo “Bác vật chí”, lúc Hiếu Văn Đế của nước Ngụy lên ngôi, trong thành nước này có một người tên là Nguyên Triệu, có thể sử dụng 9 phép thuật để tiêu diệt yêu quái.
Vào thời gian ấy, trong làng Nghiệp có cô con gái của một người lính. Năm 14 tuổi, cô mắc một loại bệnh quái lạ, mấy năm rồi vẫn chưa khỏi. Đã có khoảng vài chục người lần lượt đến chữa bệnh cho cô, nhưng chữa không được. Khi cha của cô gái đến gặp Nguyên Triệu để nhờ chữa bệnh cho con, ông thú nhận rằng ông hay dẫn con gái đến bức tường phía Đông của chùa Hoàng Hoa ở Vân Nam để cầu xin ân huệ từ bức bích họa vẽ các Thần ở đó. Nhưng con gái ông lại rất sợ những kẻ này. Từ đó cô ấy mắc bệnh. Nguyên Triệu nói rằng đó là yêu tinh đội lốt vị Thần. Ông ta dùng phép thuật triệu vị Xuân Phương Đại Thần này đến. Hắn thú nhận rằng: “Đúng là tôi được vẽ mà thành hình, là hình dạng của thần, nhưng lúc thân thể tôi được thành hình thì cái tình cũng được hình thành, mà cái tình này khiến cho tôi say mê người con gái này, yêu ma dựa vào tư tưởng xấu này nhập vào làm tôi trở nên thế này”.
Nguyên Triệu đã làm phép hóa vị thần này thành tro bụi. Phần vẽ Xuân Phương Đại Thần trong bức tranh cũng biến mất. Từ đó, cô gái mới khỏi bệnh.
Khi quan niệm về đạo đức và cái đẹp phản đảo
Nhiều bức tranh, bức hình phản cảm lạ thay đang được mua bán với mức giá trên trời, trong khi chất lượng của chúng đang ở dưới địa ngục. Những “nghệ sĩ” “sáng tác” ra những tác phẩm đó có nhiều khi còn được tung hô là những thiên tài. Đến một lúc, người ta cũng mất khả năng phân biệt giữa điên rồ và sáng tạo.
Thật là những quan niệm nguy hiểm.
Mà đâu chỉ có tranh ảnh. Đồ chơi cũng vậy. Trang phục cũng thế. Những thứ xấu xí dị hợm đang được coi là sáng tạo, gây cảm hứng, là đẹp. Những thứ đẹp thực sự, những thứ có đạo đức, có chính khí lại đang bị lạnh nhạt, thờ ơ, héo hắt với những quan niệm phản đảo của người đời.
Khi con người ta coi cái không đẹp là đẹp thì đạo đức đã xong rồi.
Hãy nói về thế giới đồ chơi cho trẻ nhỏ. Bên cạnh những đồ chơi đáng yêu trong sáng, thuần thiện và truyền thống như búp bê Matryoshka, ngựa gỗ, những cô tiên răng, chú bé Peter Pan, nàng Bạch Tuyết… thì những thứ đồ chơi lạ quái gở cũng đang chiếm lĩnh không gian gia đình và tâm trí tuổi thơ. Những thú nhồi bông ma quái, búp bê có em bé, kỳ lân biển đâm xuyên chim cánh cụt, chiếc kéo có hình thù một cô gái xấu xí cởi trần, những con quái vật dị dạng, thậm chí cả đồ chơi tạo hình đống phân bò, v.v. Những thứ đồ chơi đó thì gây được thiện niệm gì? Thẩm mỹ gì? Tai hại hơn là những tín tức, năng lượng nó mang lại là gì?
Tại sao có những thứ đồ chơi như con búp bê Annabelle cũng được sản xuất và đi vào những bộ phim giải trí để phát tán ra khắp thế giới. Những con búp bê ma ấy đang làm mưa làm gió trong tư tưởng của con người ngày nay, chúng được dùng để gây cảm hứng cho những người đi tìm cảm giác ma quỷ.
Sự thực là những hình hài đáng kinh hãi của chúng chính là nơi trú đóng thích hợp cho ma quỷ, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Và chúng đang hoành hành tác oai tác quái như những gì người ta đã ghi nhận được từ khắp nơi trên thế giới.
Ấy là vì ma tính của con người đang phát tác, chính khí đang suy vi và quan niệm đang biến dị.
Thay cho lời kết
Bạn đọc thân mến, như vậy là chúng ta đã đi từ những thí nghiệm của tiến sĩ Masaru Emoto về sự tạo thành tinh thể nước khi nước được tiếp xúc với các hình ảnh. Và vì con người chúng ta cũng là nước nên thân thể vật chất của chúng ta cũng phản ứng tương tự với các hình ảnh xấu hoặc tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng bất cứ một hình ảnh nào cũng mang một năng lượng và tín tức tác động đến tư tưởng chúng ta.
Bài viết muốn nhắn nhủ với người đọc rằng: Những hình ảnh mà chúng ta tiếp xúc hoàn toàn không phải là vô thưởng vô phạt, mà trong khi chúng ta không ngờ, chúng sẽ cải biến đời sống tinh thần của chúng ta. Chúng ta càng tiếp xúc với chúng nhiều bao nhiêu thì chúng lại càng thâm nhập và cải biến chúng ta nhiều bấy nhiêu. Khi chúng ta đã có nhận thức đó rồi, người viết tin rằng chúng ta tự có cách bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Đối với những quan niệm biến dị, những tín tức ma quỷ, điều quan trọng là chúng ta phải nhận mặt được chúng và tiến hành phủ nhận, tẩy chay chúng. Khi quan niệm đã được chính lại, thì ma tính sẽ không còn đất dung thân.
Đồng thời, ta hãy tăng cường tiếp xúc với những hình ảnh tốt để nuôi dưỡng thiện niệm và năng lượng tích cực cho tinh thần và cuộc sống của chúng ta. Ấy là vì, như các cụ ta đã luôn nhắc nhở mà chúng ta có khi quên mất: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Bình Nguyên