Theo lý luận của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất kỳ ai hay tổ chức nào nói gì, làm gì động chạm đến cái Đảng ấy, kể cả thiện ý nói lên sự thật, trừ ác dương thiện, đều bị chụp mũ là “làm chính trị”. Suy diễn kiểu này, đến Tôn Ngộ Không cũng “làm chính trị” cơ đấy.
Tây du ký* kể rằng, sau khi thầy trò Đường Tăng vượt nạn ở núi Bình Đính thì tiếp tục lên đường, một ngày kia đến Sắc kiến Bảo Lâm tự. Đêm hôm ấy, quốc vương nước Ô Kê hiện hồn về báo mộng cho Đường Tam Tạng, kể lại nỗi oan tình nhờ Tề Thiên Đại Thánh cứu giúp. Chuyện là cách đây năm năm, nước Ô Kê trời làm hạn hán, ngọn cỏ không mọc được, dân chúng chết đói rất thê thảm. Quốc vương tuy “cùng trăm họ đồng cam cộng khổ, tắm gội trai giới, ngày đêm thắp hương cầu đảo, trong vòng ba năm liền, mà trời vẫn đại hạn, sông cạn giếng khô”. Đang lúc nguy cấp, bỗng có một gã chân nhân ở núi Chung Nam tới, trổ tài hô gió gọi mưa, trong khoảnh khắc mưa như trút nước. Quốc vương cùng gã đạo sĩ kết làm anh em.
Hai năm sau, một ngày xuân ấm áp, nhà vua cùng gã chân nhân đang đi dạo trong vườn thượng uyển, hắn nổi lòng độc ác đẩy ông xuống giếng bát giác, ném đá tảng xuống, phủ đất kín, trên trồng một khóm chuối tiêu. Quốc vương chết đã ba năm nay, trở thành con ma chết đuối oan trái, còn gã chân nhân thì biến thành hình dáng quốc vương, chễm chệ trên ngai vàng.
Tôn Ngộ Không sau khi làm rõ ngọn ngành thì nhờ Bát Giới vớt xác quốc vương, lại mượn linh đơn của Lão Quân cứu ông hồi sinh. Sau đó, quốc vương cải trang làm người gánh hành lý cho Đường Tăng, cùng đoàn người vào chầu đổi điệp văn. “Hành Giả dẫn Đường Tăng đứng trước thềm ngọc trắng ưỡn thẳng người, chẳng nói chẳng rằng”, khiến ma vương đùng đùng nổi giận, tra hỏi cả đoàn. Ngộ Không trình bày rõ ràng gốc tích chuyện đi lấy kinh và tên họ từng người. Tây du ký, hồi thứ 39: “Một hạt linh đơn xin thượng giới, Ba năm vua cũ lại hồi sinh” có viết:
“Ma vương nghe xong, chẳng còn cách gì tra xét Đường Tăng, vặn vẹo Hành Giả nữa, đành trợn mắt hỏi:
– Lão hòa thượng kia, thoạt tiên chỉ một mình nhà ngươi rời phương Đông, sau thu nhận bốn người. Ba nhà sư kia có thể tha. Còn tên đạo nhân này chắc là man trá, không tha. Hắn tên là gì? Có dụ điệp không? Bắt hắn đi lấy cung ngay!
Hoàng đế sợ quá, run rẩy nói:
– Sư phụ ơi, khai thế nào bây giờ?
Tôn Hành Giả hích quốc vương một cái, nói:
– Ngài đừng sợ, để tôi khai thay cho.
Thế là Đại Thánh rảo cẳng bước tới, oang oang nói:
– Tâu bệ hạ, người đạo nhân này bị câm và điếc. Hồi nhỏ hắn đã từng sang phương Tây, quen thuộc đường lối, nên chúng tôi thu nhận, gốc gác lai lịch hắn tôi biết rõ cả, mong bệ hạ bớt giận, tôi xin khai thay hắn.
Ma vương nói:
– Mau mau khai ra cho thực, ta sẽ tha tội cho.
Hành Giả nói:
– Đạo nhân đây tuổi đã già,
Ngu si câm điếc cửa nhà nát tan
Nơi này vốn chính quê hương,
Năm năm trước gặp tai ương lụi tàn.
Trời đại hạn hán héo mòn,
Vua quan sĩ thứ lập đàn cầu mưa.
Đèn nhang thành kính sớm trưa.
Vậy mà muôn dặm mây mưa thấy nào.
Trăm họ cực khổ lao đao,
Núi Chung Nam có anh hào chân nhân
Hô mưa gọi gió thần thông,
Rồi sau vua bị hại ngầm thảm thương.
Đẩy thây xuống giếng trong vườn,
Cướp ngay ngôi báu trăm quan biết gì.
May ta đến, công quả to,
Hồi sinh cải tử thây kia dễ dàng.
Quy y tình nguyện một lòng
Cùng đoàn hòa thượng lên đường sang Tây.
Chân nhân vua giả không sai,
Quốc vương chính đạo nhân này đấy thôi.
Ma vương ngồi trên điện Kim Loan, nghe Hành Giả nói thế, sợ quá, tim đập thình thịch, mặt đỏ bừng bừng, vội vàng co cẳng định chạy, khốn nỗi trong tay không có binh khí, quay đầu nhìn thấy viên Trấn điện tướng quân, bên hông đeo lưỡi bảo đao đã bị Hành Giả dùng phép định thân, làm cho đứng ngây như tượng, bèn chạy tới cướp thanh bảo đao, rồi bay vụt lên mây chạy mất. Sa hòa thượng dậm chân tức tối. Bát Giới hò hét loạn xạ, oán trách Hành Giả chỉ là con khỉ nóng nảy:
– Anh nói in ít chứ, có phải bắt được nó rồi không? Nay nó bay lên mây, chạy mất rồi, thì biết tìm đằng nào?
Hành Giả cười, nói:
– Các chú chớ có la lối nhặng xị. Ta hãy gọi thái tử ra lạy cha, hoàng hậu ra lạy chồng đã nào.
Nói xong, lại niệm thần chú, giải phép định thân cho các quan tỉnh lại lạy vua, để cho họ biết rõ đây là hoàng đế thật, nói lại sự việc trước cho họ hiểu ra, rồi sau đó sẽ đi tìm bắt yêu quái. Đoạn Hành Giả dặn dò Bát Giới, Sa Tăng:
– Các chú cố gắng bảo vệ vua tôi cha con, hoàng hậu phi tần và sư phụ ta nhé!
Rồi chỉ nghe vèo một tiếng, đã chẳng thấy bóng dáng Hành Giả đâu cả.
Nguyên Hành Giả nhảy một phát đã lên tít chín tầng mây, căng mắt nhìn bốn phía tìm ma vương, thấy hắn đang chạy thoát về phía đông bắc, bèn đuổi tới gần quát vang:
– Quái vật kia, chạy đi đâu? Có lão Tôn đến đây!
Ma vương vội vàng quay đầu, tuốt bảo đao quát lớn:
– Tên Tôn Hành Giả khốn kiếp kia! Ta đến chiếm ngôi vua của người khác, can hệ gì đến nhà ngươi, tại sao nhà ngươi tới gây sự, tiết lộ việc cơ mật của ta?
Hành Giả cười khanh khách nói:
– Đồ quái vật khốn kiếp to gan kia! Lại có chuyện để nhà ngươi làm hoàng đế cơ à? Nhà ngươi đã biết lão Tôn thì hãy tránh cho xa, cớ sao còn gây rắc rối cho sư phụ ta, hỏi cung hỏi kiếc gì? Những lời ta vừa khai ra còn không phải chắc? Nhà ngươi chớ có chạy, có giỏi nếm một gậy của lão Tôn đây!”
Trong câu chuyện này, Tôn Ngộ Không đã vạch trần chân tướng của quốc vương giả, nêu rõ tội ác của yêu quái trước mặt văn võ bá quan, đánh nhau với ma vương, giúp quốc vương thật trở về ngôi vua, cũng là ‘can thiệp’ vào quốc sự. Tưởng tượng ma vương này là ĐCSTQ, thì với bộ lý luận của nó, Tôn Ngộ Không đúng là “phần tử phản động”, “chống Đảng”, “kẻ thù của nhân dân” rồi.
Quả vậy, ma vương trong truyện cũng nói với Hành Giả: “Ta đến chiếm ngôi vua của người khác, can hệ gì đến nhà ngươi, tại sao nhà ngươi tới gây sự, tiết lộ việc cơ mật của ta?”. Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, chỉ cần nhắm thẳng đường Tây Thiên là xong, sao còn lo chuyện bao đồng? Kỳ thực, người tu luyện chỉ một lòng hướng Phật, coi danh lợi, quyền lực tiền tài như mây khói, nói rõ sự thật không hề vì mảy may tư lợi nào. Trong hồi thứ 38: “Trẻ thơ hỏi mẹ hay tà chính; Kim, mộc thăm dò rõ thực hư”, khi Bát Giới vác được xác nhà vua về chùa, Đường Tăng xem thấy thân thể thần sắc nhà vua không thay đổi, chẳng khác gì lúc sống thì thương cảm, nức nở khóc đến lạc cả giọng. “Bát Giới cười khì khì nói:
– Hắn chết có liên quan gì đến sư phụ đâu, mà cũng chẳng phải ông cha của sư phụ, việc quái gì phải khóc?
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ ạ. Người xuất gia lấy từ bi làm gốc lấy phương tiện làm cửa. Tại sao trái tim con lại sắt đá thế?”.
Tất cả chỉ xuất phát từ lòng từ bi. Giảng chân tướng, cứu chúng sinh, đều xuất phát từ tâm từ bi, chứ không hề vì danh, lợi, quyền thế. Nhưng yêu quái với cảnh giới tâm tính thấp kém không thể lý giải nổi lòng từ bi của thầy trò Đường Tăng, cũng như Trung Cộng hiện nay vu khống, chụp mũ những người tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn đang làm rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công là “làm chính trị”. ĐCSTQ đã gây nên bao nợ máu trong lịch sử, từ thảm sát Thiên An Môn đến bức hại Pháp Luân Công, từ Đại Nhảy Vọt gây nạn đói lớn đến che giấu dịch viêm phổi Vũ Hán khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng… Những món nợ ấy sắp đến ngày kết toán. Những ai bị ĐCSTQ lừa dối, tin nghe theo lời vu khống mà thù hận Phật Pháp, thì sẽ chết theo nó vào ngày báo ứng đến. Người tu luyện chân chính chỉ quan tâm tới việc tu tâm dưỡng tính, lấy từ bi làm gốc, cứu độ thế nhân, so với mục đích cao thượng ấy thì ngai vàng chốn nhân gian thật là nhỏ bé lắm.
Thật vậy, khi yêu quái đã bị Bồ Tát thu phục, quốc vương nước Ô Kê được minh oan, ông chịu ơn trời biển của thầy trò Đường Tăng, cứ nhất mực mời Tam Tạng và Ngộ Không lên ngôi báu. Tây du ký, hồi thứ 40: “Trẻ thơ bỡn cợt lòng thiền rối; Vượn cắp đao về, Mộc mẫu trơ” có viết:
“Song hoàng đế không chịu lên ngôi, cứ khóc hu hu, quỳ xuống giữa thềm, nói:
– Tôi chết đã ba năm, nay nhờ ơn sư phụ cứu cho sống lại, đâu dám càn rỡ ngồi ngôi cao, xin mời vị sư phụ này lên ngôi cho. Tôi mang vợ con ra ngoại thành làm dân cũng đủ lắm rồi.
Tam Tạng cũng không chịu nhận, cứ khăng khăng một lòng đi lễ Phật cầu kinh. Nhà vua lại mời Hành Giả. Hành Giả cười, nói:
– Chẳng giấu gì các vị, lão Tôn này chịu làm hoàng đế, thì đã làm vua khắp cả chín châu vạn nước trong thiên hạ rồi. Nhưng chúng tôi làm hòa thượng nhàn tản lười biếng đã quen. Nếu làm hoàng đế, thì phải để tóc dài, tối chưa nằm canh năm đã dậy, nghe lời tâu báo, trong dạ chẳng yên, gặp năm mất mùa lòng lo canh cánh. Như thế chúng tôi chịu sao nổi? Ngài cứ việc làm hoàng đế của ngài đi, còn tôi làm hòa thượng của tôi, tiếp tục tu hành.
Quốc vương nài nỉ, nhường mãi chẳng được, đành bước lên ngôi báu, quay mặt về phương Nam, xưng trẫm, đại xá cho thiên hạ, ban thưởng cho các nhà sư chùa Bảo Lâm rồi cho về. Lại truyền mở cửa Đông các bày tiệc, thết đãi Đường Tăng. Một mặt lại sai triệu thợ vẽ, vẽ chân dung bốn thầy trò Đường Tăng, treo trong điện Kim Loan thờ cúng.
Bốn thầy trò đã giữ yên được nước, không muốn ở lâu, định từ biệt nhà vua lên đường sang phương Tây. Hoàng đế cùng hoàng hậu ba cung, thái tử, các quan mang bảo bối trấn quốc, vàng bạc, lụa là biếu sư phụ tạ ơn. Tam Tạng không nhận một ly, chỉ xin đổi điệp văn, rồi giục Ngộ Không dóng ngựa đi sớm. Quốc vương rất đỗi áy náy, bèn truyền đưa xa giá đến, mời Đường Tăng ngồi lên. Hai ban văn võ sắp hàng dẫn đường. Quốc vương cùng hoàng hậu ba cung, thái tử, cả nhà đích thân đẩy xe, tiễn thầy trò ra ngoài thành. Lúc ấy, thầy trò mới xuống xe loan, từ biệt mọi người. Quốc vương nói:
– Thưa sư phụ, bao giờ lấy kinh trở về, xin mời sư phụ quá bộ ghé chơi nước của quả nhân.
Tam Tạng nói:
– Đệ tử xin vâng.
Quốc vương nước mắt lã chã, cùng mọi người quay về. Cả đoàn bốn thầy trò lại tiếp tục bước trên con đường dài ngoằn ngoèo, một lòng một dạ đến Linh Sơn”.
Điều Đường Tăng và các đồ đệ của ông mong nghĩ chỉ là đến được Linh Sơn, tâm cảnh của người tu luyện là thuần khiết. Những người tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn hôm nay, dẫu đoạn thời gian này đang gắng sức nói rõ chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công, khuyên nhủ con người thoái ĐCSTQ, nhưng việc đó chỉ là tạm thời. Khi sự thật được làm sáng tỏ, ma vương bị thu phục, người dân lương thiện được sống đời vui vẻ, tự do, thì khi ấy đoàn người sẽ tiếp tục hành trình thỉnh chân kinh, bái yết Phật Tổ.
Ảnh minh họa: Phim Tây Du Ký 1986
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Thanh Ngọc