Kẻ mê dục luyến hoa, kẻ miệng đào lưng liễu, chuông ngừng trà cạn thì ai nợ ai đều phải trả sạch…

Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.

Đọc truyện xưa để nhớ đạo xưa, người nay còn nhớ đạo xưa thì chẳng sợ suy đồi.

Phủ Từ Sơn có một kỷ nữ nổi tiếng họ Đào, tên Hàn Than, thông hiểu am luật và chữ nghĩa, được vua Trần Duệ Tông tuyển vào cung để ngày ngày hầu tiệc rượu, nối câu thơ. Sau vua Dụ Tông mất, Hàn Than phải ra ngoài phố, thường đi lại nhà quan Hành khiển là Ngụy Nhược Chân. Bà vợ quan không có con mà lại tính hay ghen, đã đón bắt nàng đánh một trận. Để trả thù, Hàn Than bán trâm vàng, thuê thích khách đến hành hung phu nhân, nhưng chưa kịp ra tay thì việc đã bại lộ. Tên thích khách bị khảo liền khai ra Hàn Than, nên ả phải trốn vội đến tu ở chùa Thầy. Vốn sáng dạ, chẳng bao lâu, ả đã thông làu kinh kệ.

Trong một cuộc gặp gỡ văn nhân địa phương tại am Cư Tĩnh, Hàn Than tỏ ý coi thường một cậu học trò trẻ tuổi, nên cậu này dò tìm tung tích, làm bài văn đem dán ở cổng chùa để bêu rếu ả. Hàn Than phải bỏ chùa Thầy, trốn thật xa đến chùa Lệ Kỳ ở Hải Dương, xin nương nhờ sư Pháp Vân và Vô Kỷ. Thầy Pháp Vân không nhận và bảo Vô Kỷ rằng:

“Người con gái này, nết không chuyên cần nguyện, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người; tuy sen hồng chẳng nhuộm bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt. Vậy ngươi nên liệu lời từ chối, đừng để hối hận về sau”.

Nhưng Vô Kỷ không nghe, cho ả ở lại, thầy Pháp Vân bỏ chùa lên núi Phượng Hoàng tu tại một am nhỏ.

Hàn Than ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa bỏ, “cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm”, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người mê đắm say sưa, chẳng khác trận mưa cứu hạn, chẳng còn để ý kinh kệ nữa, ham thú cái vui sướng trước mắt, nhưng vui quá hóa buồn. Năm Kỷ Sửu (1349), Hàn Than có thai rồi ốm, lay lắt từ mùa xuân đến mùa hạ, cuối cùng chết trên giường cữ. Vô Kỷ sau mấy tháng nhớ nhung mà sinh bệnh, lai rai đến nửa năm trời. Một đêm Hàn Than hiện về rủ Vô Kỷ cùng chết để được đầu thai bên nhau:

“Thiếp buổi trước ngàn dâu xế bóng, cửa Phật nương mình, đáng cười thay chưa dứt lòng trần, thêm ngán nỗi còn vương nợ nghiệt, đài Dao mệnh dứt, đến nỗi chia bày, sống còn chưa được thỏa yêu đương, chết xuống sẽ cùng nhau quấn quýt. Mong chàng hiểu câu lục như (1), bỏ giường thiền tứ đại (2), tạm rời cảnh Phật, về chốn suối vàng để thiếp được ngửa nhờ Phật lực, thác hóa đầu thai, đặng trả cho xong một cái nợ oan gia ngày trước”.

Nói xong thì không thấy đâu cả. Từ đấy bệnh Vô Kỷ ngày càng nguy kịch, sư thầy Pháp Vân nghe tin xuống chăm nhưng cũng không thể cứu vãn, đành trông nhau ứa nước mắt một lúc rồi Vô Kỷ chết.

Đêm Vô Kỷ mất, phu nhân nhà Ngụy Nhược Chân mơ thấy hai con rắn cắn vào mạng sườn và dưới nách bên phải mình, rồi bà mang thai sinh ra hai quý tử, đặt tên là Long Thúc và Long Quý. Hai đứa bé một tuổi đã biết nói, tám tuổi đã biết làm văn, được cha mẹ rất yêu quý.

Một hôm Nhược Chân đang ngồi hóng mát bên cầu thì gặp một vị thầy tu đi qua, dừng lại một lúc rồi hướng về phía nhà Nhược Chân nói: “Lạ thay tòa lâu đài thế kia mà rồi sẽ thành cái vực của thuồng luồng. Đáng tiếc! Đáng tiếc!”.

Nhược Chân sợ hãi, chạy theo hỏi, vị thầy tu nói “nhà ông chứa đầy khí yêu quái, nếu không là nghiệp báo kiếp trước thì tất là oan gia kiếp này, người ta đã ở trong nhà ông, chỉ năm tháng nữa thì cả nhà không còn sống sót một mống”.

Quan Nhược Chân bèn gọi tất cả người nhà ra cho thầy tu nhìn xem ai là loài quái gở, hai cậu con trai được gọi vào sau cùng, vị thầy liền gõ vào chậu rồi nức nở khen: “Quý hóa thay hai cậu con trai! Sau này làm nên sự nghiệp lững lẫy, vẻ vang cho nhà và danh giá với đời, tất nhiên là những cậu này”.

Nhược Chân biết rằng hai con mình là loài yêu quái đau lòng quá, đêm đó không ngủ được. Trong lúc thơ thẩn trong vườn, tình cờ nghe được Long Thúc nói với Long Quý:

“Trừ được chúng ta, duy có một sư cụ Pháp Vân. Còn những kẻ khác, ta chỉ giơ tay là cướp được bùa dấu của họ. Huống chi Nhược Chân đối với ta, tất vì tình cốt nhục mà không hiềm nghi gì cả, ta có thể yên ổn không lo ngại gì”.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Kinh hãi khi nghe thấy thế, hôm sau Nhược Chân vờ đi chút việc mà lên núi tìm sư Pháp Vân. Trải hơn một tháng mới tìm được chùa ở Lệ Kỳ, sư đồng ý giúp, bèn dựng đàn tràng làm phép. Mây đen, gió lạnh kéo tới, sư cầm tích trượng chỉ huy tả hữu, có lúc quát mắng, còn nghe tiếng khóc y ỷ, một lúc rồi trời đất cũng trở lại bình yên. Sáng hôm sau sư lấy một phiến đá bôi hùng hoàng (tên một vị thuốc) và viết mực lên, trao cho Nhược Chân, bảo về thấy loài yêu quái biến ra vật gì, thì ném đá này vào, mối thừa của tai họa sẽ dứt được hết.

Nhược Chân về nhà, thấy người nhà đang than khóc vì hai con trai cùng dắt nhau xuống giếng mà chết, xác đang ở trong vườn nam, chỉ đợi ông về thì đem mai táng. Ông hỏi trước lúc chết chúng có nói gì không, người nhà kể: “Chúng chỉ phàn nàn là giá chậm độ mấy tháng nữa thì công việc xong, không ngờ bị kẻ cuồng tăng làm hại”.

Nhược Chân mở nắp quan tài thấy hai con rắn vàng, lấy hòn đá ném vào thì chúng liền nát ra tro cả. Vợ chồng sắm nhiều vàng lụa đến tạ ơn sư cụ Pháp Vân thì chỉ thấy am rong rêu phủ, không tìm thấy vết tích nào.

Trong phần lời bình cuối truyện, Nguyễn Dữ trách kẻ tu hành không giữ cho đúng phép, gian dâm buông thói tà dục, chẳng những dối người lại còn dối Phật, chẳng những hại người còn hại mình.

Ông cũng trách vị quan say mê má thắm, có vợ mà vẫn qua lại với phường dâm đãng: “Thế còn Nhược Chân thì hẳn là không có lỗi chăng? Đáp rằng làm quan mà như thế, còn gì gọi là chính gia được nữa! Mầm vạ mọc lên, suýt nữa hãm vào bước nguy khốn, chính mình làm mình chịu, không đáng lấy làm lạ chút nào”.

Người khởi nghiệp tà dâm, như Hàn Than, Vô Kỷ, Nhược Chân lẫn bà vợ ác đánh người cuối cùng đều phải chịu nghiệp báo, kẻ chết mất xác, kẻ mất con. Nợ ai thì người đó tới tìm đòi, dù có dưới hình dạng khiến ta phải yêu thương, gần gũi nhất. Nhân quả báo ứng vốn công bằng, chẳng lưu chút tình nào mà cả nể, châm chước cho. Mầm vạ mọc lên, chính là từ hạt ta đã gieo trồng.

(1) Lục như: Kinh Kim Cương ghi mọi sự đều có phép biến ứng như mộng, như ảo, như bào (bọt nước), như ảnh (bóng), như lộ (sương), như điện (chớp), gọi là lục như (6 cái như).

(2) Tứ đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong tạo nên vạn vật.

Các đoạn trích trong bài, từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988).

Video: Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến

videoinfo__video3.dkn.tv||342483c0f__