Đại Kỷ Nguyên

Tài nữ gặp phải người chồng tệ bạc, cuối cùng dựa vào một bài thơ để tự cứu mình

Là một người con gái có dung mạo xinh đẹp, thông tuệ và giỏi thi từ, nhưng cuộc đời của nàng cũng lắm đa đoan. Câu chuyện ‘tự làm thơ cứu mình’ của nàng cũng được người đời truyền tụng.

Ngô Thục Cơ là người vùng Ngô Hưng, Chiết Giang, sống vào thời Nam Tống. Theo cách nói trong tác phẩm “Di Kiên Chí” của Hồng Mại, cha nàng là một tú tài, gia cảnh bần hàn, nhưng nàng tướng mạo xinh đẹp diễm lệ, thông minh sắc sảo lại biết ngâm thơ. Nàng được cha mẹ dạy bảo, từ nhỏ đã được hứa hôn cho vị tú tài của làng kế bên, nhưng còn chưa về nhà chồng, thì vị tú tài đã bị bệnh nặng, không lâu sau đã qua đời. Một năm sau, cha mẹ đã kiếm cho nàng một nơi nương tựa khác, bên nhà trai là một nhà giàu có. Ngô Thục Cơ lúc này lòng dã rối bời, ma xui quỷ khiến thế nào mà đã nhận lời.

Không ngờ sau khi về nhà chồng, mới phát hiện chồng là kẻ trăng hoa, suốt ngày trêu hoa ghẹo nguyệt, hơi một tý là thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nàng. Ngô Thục Cơ nghĩ đến bản thân yêu thích văn thơ, lại gả cho một người chồng vũ phu đốn mạt như vậy, liền lấy hết dũng khí đề nghị ly hôn. Nhưng chồng nàng dứt khoát không đồng ý, cuối cùng còn nhốt nàng lại, rồi tố cáo lên quan phủ, vu khống nàng không giữ đạo nghĩa gian díu với người đàn ông khác. Ngô Thục Cơ bởi vậy bị bắt nhốt vào ngục và bị kết án.

Có người chứng kiến cảnh này không thể nhìn tiếp được nữa, liền đi tố giác những hành vi gian dâm xấu xa của chồng nàng. Vụ án này rất chấn động, người chồng giàu có chèn ép hãm hại người vợ bần hàn địa vị thấp kém. Các quan viên trong quận khi đó đều rất quan tâm, hẹn nhau đứng ngoài theo dõi phiên xử. Khi thăng đường, vị quan phủ còn chuẩn bị rượu, và dẫn nàng đến chỗ ngồi. Phong thái của Ngô Thục Cơ khiến mọi người say mê, ai nấy cũng đều cảm thấy xót xa cho nàng.

Ngô Thục Cơ bị người chồng vũ cáo hãm hại phải ngồi trong ngục tối. Ảnh dẫn theo sns.91ddcc.com

Quan phủ trước tiên nói với nàng rằng: “Từ lâu, nghe nói cô tài hoa hơn người, nếu như hôm nay có thể ngẫu hứng làm một bài vịnh thật là hay, ta sẽ chuyển oan tình của cô lên quan Thái thú. Nhờ đó tội danh của cô sẽ được gỡ bỏ, hơn nữa còn trả lại phẩm hạnh trong sạch cho cô. Còn không thì tình cảnh của cô sẽ rất nguy hiểm”. Rồi vị quan lệnh cho quân lính mở gông xiềng trên người nàng, và cho nàng uống một chút rượu.

Khi đó, vừa khéo vào cuối mùa Đông, tuyết bắt đầu tan, những bông hoa mai nở rộ giữa tuyết lạnh như báo hiệu ngày Xuân sắp đến. Vị quan phủ đưa đề từ cho Ngô Thục Cơ, chính là muốn nàng dùng tình cảnh này viết thành một bài thơ. Nàng vừa nhấc bút, lập tức viết thành:

“Yên phi phi. Tuyết phi phi.
Tuyết hướng mai hoa chi thượng đôi. Xuân tòng hà xử hồi.
Túy nhãn khai. Thụy nhãn khai.
Sơ ảnh hoành tà an tại tai. Tòng giáo tắc quản thôi”.

Tạm dịch:

“Khói mù trời. Tuyết mù trời.
Tuyết đọng thành đống trên cành hoa mai. Xuân về từ nơi nào.
Say mắt mở. Ngủ mắt mở
Bóng hình vắt ngang nay còn đầu. Nghe tiếng sáo Khương thúc giục”.

Nỗi niềm oan khuất của nàng thể hiện trong từng câu thơ. Ảnh dẫn theo theqins.com

Phía trên liên tiếp dùng từ láy “phi phi” (mù trời), uyển chuyển nói lên nỗi niềm khao khát trong tâm, chờ đợi có được tự do. Nhưng tuyết đọng tích tụ trên cành mai, đè nặng thật khiến người ta thở không ra hơi, khiến người ta hoài nghi không biết mùa xuân có còn đến nữa hay là không? Thời tiết khắc nghiệt như vậy cũng ám chỉ hoàn cảnh nguy khốn mà bản thân đang gặp phải, không ai có thể dựa dẫm, mặc cho người ta lăng nhục, thật là mờ mịt biết bao.

Bên dưới trích dẫn câu “Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch, Giang Thành ngũ nguyệt lạc mai hoa” (Tạm dịch: Trong lầu Hoàng Hạc nghe tiếng sáo ngọc, Giang Thành dậy khúc “Lạc mai hoa”) của Lý Bạch; và câu “Nhất thành Khương quản xuy ô yên, ngọc khê dạ bán mai phiên tuyết” (Tạm hiểu: Một tiếng sáo Khương thổi nức nở, suối ngọc nửa đêm hoa mai trở mình dưới tuyết). Ở đây nàng như muốn kêu lên, nếu như hết thảy những lời vu cáo dời non lấp biển mà đến, bôi nhọ sự trong sạch của tôi, thế thì cứ để mặc cho họ lăng nhục chà đạp. Cho đến khi tấm thân này như cánh hoa mai rơi rụng, chết đi mới thôi vậy… đã  nói lên tấm tình mong muốn rửa sạch oan khiên.

Ngày hôm sau, quan viên đã đệ trình lên Vương Thập Bằng – Thái thú Hồ Châu khi đó. Vương Thập Bằng bèn lập tức trả tự do cho nàng. Dù cho Ngô Thục Cơ thông minh xinh đẹp lại tài hoa, nhưng trong xã hội coi trọng lễ giáo khi đó, một người phụ nữ khi đã bị bôi nhọ danh tiết, chính là sẽ không có ai nguyện ý đường đường chính chính cưới làm chính thất. Ngô Thục Cơ cuối cùng bán cho nhà họ Chu làm tiểu thiếp, thật khiến người đời thổn thức không thôi.

Hoàng Thăng – tác giả của cuốn “Đường Tống Chư Hiền Tuyệt Diệu Từ Tuyển” (tuyển tập những bài từ tuyệt diệu của các bậc hiền tài thời Đường Tống) khen ngợi thông tuệ của Ngô Thục Cơ là “vầng sao sáng trong hàng nữ lưu”, sự tài hoa của bà không hề thua kém Lý Thanh Chiếu. Tiếc rằng tập thơ từ của bà đã thất lạc, trước mắt trong “Toàn Tống Từ” chỉ còn lại bốn bài.

Tài danh của Ngô Thục Cơ, truyền tụng mãi đến đời nhà Thanh. Nghe nói những năm cuối triều nhà Thanh, làng Mã huyện Lộc Trại tỉnh Quảng Tây có một chàng thư sinh tên Mã Lương, ra ngoài thăm bạn, đến khi trời tối mới về lại nhà, trên đường gặp phải mưa to, liền xin tá túc ở nhà họ Mạc gần đó. Mạc gia nguyên là dòng tộc giàu có, cũng am hiểu văn thơ, bèn cùng với Mã Lương đối đáp thơ văn. Con gái của Mạc Công ở cửa sổ bên cạnh nghe thấy hết sức rõ ràng, bèn sinh lòng ái mộ Mã Lương. Nàng bước ra khỏi phòng yêu cầu được đối câu với Mã Lương. Nàng nói: “Đỗ Thi hán danh sĩ, phi Đường triều Đỗ Phủ chi Đỗ Thi”. Mã Lương bèn đối lại rằng: “Mạnh Tử Ngô Thục Cơ, khi Trâu Quốc Mạnh Kha chi Mạnh Tử“.

Đỗ Thi là Thái thú Nam Dương của thời Hán Quang Võ đế, là danh sĩ thời bấy giờ. Mạnh Tử được nhắc đến ở đây chính là văn nhân Ngô Thục Cơ đời nhà Tống, chứ không phải là Á Thánh Mạnh thái phu Mạnh Kha nước Trâu. Từ câu đối của hai người, có thể biết được mãi đến đời nhà Thanh, danh tiếng của Ngô Thục Cơ vẫn rất có tầm ảnh hưởng.

Theo NTDTV
Phi Long biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version