Đại Kỷ Nguyên

Tại sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng?

Tại sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng?

Ảnh minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái
Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Rừng mai với đặc sản trái mơ của chùa Hương, cùng tiếng chim hót thỏ thẻ nỉ non… Bầy chim vừa hót vừa mổ trái mơ trông như người dâng hương cúng bái trước bàn thờ Đức Phật. Đàn cá thong thả bơi lội trong suối Yến như đang muốn lắng nghe giảng kinh… Trong không khí đầy chất thiền và thơ như vậy, một tiếng chày kình (1) đủ làm vị khách chu du nơi bốn biển giật mình tỉnh mộng và tự hỏi lòng, phải chăng mình đã sống quá lâu trong nơi danh lợi chốn hồng trần…

Tiếng chuông chùa ấm áp, vang vọng, kéo dài trong không trung giống như làn sóng chấn động tâm trí, lưu truyền xa xăm. Vậy thì có khi nào chúng ta thắc mắc, rằng tại sao phải đánh chuông 108 tiếng?

Trong cuốn “Bách trượng thanh quy – Pháp khí” có ghi chép rằng: “Buổi sáng đánh chuông là để xua tan đêm dài, nhắc nhở người ta tỉnh dậy. Buổi chiều đánh chuông để mách bảo con người rằng trời đã tối rồi, thu xếp công việc đồng áng để trở về nghỉ ngơi. Tiếng chuông ngân dài, đánh ba hồi, mỗi hồi 36 cái, tổng cộng 108 tiếng chuông”.

Trong sách “Thất tu loại cảo”, học giả triều Minh là Lang Anh có ghi chép rằng: “Tiếng chuông mỗi buổi sớm đánh 108 tiếng, tượng trưng cho một năm. Một năm có 12 tháng, 24 tiết khí, 72 hậu (2), cộng các con số đó lại là 108”. Con số 108 tượng trưng cho sự vận động tuần hoàn không ngừng nghỉ.

“Kinh Dịch” cho rằng “9” (cửu – 九) ngụ ý là cát tường, 108 là bội số của 9 và cũng tượng trưng cho chí cao vô thượng. 

Phật giáo giảng rằng con người có 108 chủng phiền não, do đó đánh chuông 108 lần là để tận trừ những phiền não của con người. Thêm vào đó, tràng hạt cũng có 108 viên, niệm kinh hay trì chú cũng niệm 108 lần với ý nghĩa tương tự như trên, một lần niệm là trừ đi một phiền não.

Đạo giáo cho rằng Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát. Chỗ ở của Thần tiên trong Đạo giáo cũng có 36 động tiên và 72 phúc địa.

Trong tác phẩm “Thủy hử” thì 108 anh hùng Lương Sơn bạc cũng tượng trưng cho 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa sát. “Hồng Lâu Mộng” có 108 cây trâm vàng, cũng tượng trưng cho 108 người con gái đẹp.

Còn trong “Tây Du Ký” có một con số rất thú vị đó là 10 vạn 8 nghìn dặm (108.000 dặm). Đây là khoảng cách từ Đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn, cũng là một bước cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không. 10 vạn 8 nghìn gấp 1.000 lần con số 108. 10 vạn 8 nghìn là nhịp đập của quả tim người bình thường trong một ngày, thế thì quá trình đi đến Linh Sơn của thầy trò Đường Tăng phải chăng cũng là quá trình tu luyện tâm tính con người? Hỏi Phật ở nơi đâu, tu luyện như thế nào, chẳng phải phải tu cái tâm này hay sao? Giống như Ngộ Không trích từ “Đa Tâm Kinh” của Thiền sư Ô Sào để nhắc nhở Đường Tăng như thế này:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu
Linh Sơn tại tâm có xa nào
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp
Chân tháp tu hành tốt biết bao!

***

Tiếng chuông trầm ấm ngân vang, khiến người nghe có cảm giác bình yên đến kỳ lạ. Nào danh nào lợi, nào tình ái cuồng si, nào tranh nào đấu… khi đứng ở nơi thanh khiết mà nghe âm thanh tiếng chuông chùa thì những thứ đó nào có ý nghĩa gì đâu. Giữa chốn hồng trần cuồn cuộn, nghe một tiếng chuông chùa, đột nhiên ta muốn sống chậm lại và lòng bắt đầu tự hỏi: “Đời người cuối cùng là để làm gì đây?”.

Từ thời xa xưa, người ta đã có câu: “Có chùa tất có chuông”. Chuông được người tu hành coi là Pháp khí thức tỉnh lòng người khỏi cơn mê, hàng yêu phục ma cõi u giới. Cũng không ngẫu nhiên con số 108 có liên quan đến Phật gia và Đạo gia, liên quan đến những điều tu luyện, phải chăng đánh chuông 108 tiếng là nhắc nhở con người trở hãy tỉnh mộng thoát khỏi cơn mê, những vị khách tang hải hãy tìm về bản ngã chính mình? 

Mộ cổ thần chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách.

Kim kinh ngọc kệ, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân. 

(Chuông sớm trống chiều, thức tỉnh khách trần đang chạy theo danh lợi.

Kinh vàng kệ ngọc, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông)

Ghi chú:

(1) Chày đánh chuông giống hình con cá kình.

(2) Hậu: Một phép đặt lịch, cứ năm ngày gọi là một hậu.

Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình

Exit mobile version