Đại Kỷ Nguyên

Tại sao người xưa ví quân tử như ngọc quý?

Người xưa cho rằng, bậc quân tử có chín điều cần suy tư thận trọng, còn ngọc quý có chín loại phẩm đức. Người xưa đeo những đồ trang sức bằng ngọc quý không phải vì để khoe khoang của cải, cũng không phải chỉ đơn giản để làm vật trang sức mà vì “Quân tử tỉ đức như ngọc(Tạm dịch: Đức của bậc quân tử được so sánh ngang với ngọc quý).

Trong Lễ kí – Ngọc tảo viết: “Cổ chi quân tử tất bội ngọc, quân tử vô cố, ngọc bất li thân”. Tạm dịch: Bậc quân tử khi xưa ai cũng đeo ngọc, và đó là vật bất ly thân của họ”.

Thế nào là bậc quân tử?

Trong Luận ngữ – Vi chính Tử Cống thỉnh Đức Khổng Tử về người quân tử: ‘”Quân tử bất khí”, tạm dịch: Người quân tử không phải đồ vật.

Khổng Tử viết: “Tiên hành kì ngôn nhi hậu tòng chi. Quân tử chu nhi bất bỉ, tiểu nhân bỉ nhi bất chu”. 

Tạm dịch: Điều một người quân tử cần làm được đó là làm được việc mình muốn nói, sau đó mới nói ra ý nghĩa của việc làm đó. Người quân tử lấy đạo nghĩa để đối đãi với mọi người, không vì lợi ích riêng mà kết bè kết phái câu kết với người khác.

Người quân tử lấy đạo nghĩa để đối đãi với mọi người, không vì lợi ích riêng mà kết bè kết phái. Ảnh minh họa

Trong Kinh Dịch có câu: “Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí“. Tạm dịch: Điều mà người quân tử truy cầu theo đuổi là ‘đại đạo’ vô hình, sẽ không vì ‘tướng’ (sự tác động của các nhân tố khách quan bên ngoài) quấy nhiễu và bó buộc mà bị tác động tới thân. Cho nên nắm giữ “lục nghệ” (lễ nghĩa, âm nhạc, cung tên, cưỡi ngựa, biết chữ, tính toán) cũng bất quá chỉ là sử dụng những loại dụng cụ cao quý, còn “bất khí” thì không chỉ giới hạn ở đó mà là để chỉ đạo đức tài nghệ cao quý của bậc sĩ phu.

Khổng Tử đối với việc trình bày và phân tích về người quân tử, ngay từ đầu đã dùng “đạo” để đánh giá phẩm chất đạo đực của họ ở mức độ cao, nghĩa là trước tiên đó phải là người có phẩm chất đạo đức cao độ. Còn những trình bày và phân tích sau này  điều có thể lý giải đều là cử chỉ lời nói cũng như vẻ biểu hiện bề ngoài cần có của bậc quân tử.

Khi Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về việc trị quốc, Khổng Tử trả lời chỉ cần lần lượt áp dụng theo đạo của “Năm nghi” là đầy đủ . Cái gọi là “Năm nghi” chính là chỉ năm thứ bậc đặc thù của con người. Năm thứ bậc đó là: người thường, người trí thức, quân tử, người tài đức, thánh nhân.

Trong Khổng Tử gia ngữ – năm nghi giải, Khổng Tử viết: “Sở vị quân tử giả, ngôn tất trung tín nhi tâm bất oán, nhân nghĩa tại thân nhi sắc vô phạt, tư lự thông minh nhi từ bất chuyên; đốc hành tín đạo, tự cường bất tức, du nhiên nhược tương khả việt nhi chung bất khả cập giả. Thử tắc quân tử dã”. 

Dịch nghĩa:

Khổng Tử nói: “Cái gọi là người quân tử chính là người mà trong lời nói ra nhất định có trung có tín mà nội tâm không có oán hận, thân có nhân nghĩa đạo đức mà không biểu hiện khoe khoang, suy xét vấn đề thông minh sáng suốt mà lời nói uyển chuyển. Cố gắng thuận theo đạo nhân nghĩa thực hiện lý tưởng của mình, từ đó không ngừng cố gắng vươn lên. Dáng vẻ ung dung của họ dường như rất dễ dàng để đạt được, nhưng không thể đạt tới cảnh giới của họ. Người như vậy chính là người quân tử.”

Trong Luận ngữ – Qúy thị, Khổng Tử viết: “Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa.”

Dịch nghĩa: Quân tử có chín điều lo nghĩ: Khi nhìn nhận cần suy xét xem có nên nhìn rõ nhìn thông suốt hay không; Khi nghe cần tự cân nhắc có nên nghe rõ hay không; cần tự suy xét xem thái độ sắc mặt của bản thân mình có ôn hòa hay không; cần tự xem xét xem dung mạo của bản thân có khiêm tốn hay không; Cần tự vấn xem trong lời nói của mình có đủ sự trung thành hay không; khi làm việc hành sự cần phải tự hỏi bản thân có cung kính nghiêm túc hay không; khi gặp điều nghi vấn cần tự vấn bản thân có nên hỏi người khác hay không; khi phẫn uất giận giữ cần phải tự hỏi nếu mình làm vậy có gây ra hậu họa gì không; khi đạt được lợi ích về tài chính cần tự vấn xem như vậy có phù hợp với nhân nghĩa hay không.”

‘Trung Dung’ viết: Đạo dã giả bất khả tu du ly dã; khả ly phi đạo dã; thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn, mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi; cố quân tử thận kỳ độc dã.

Dịch nghĩa:

Đạo là cái không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát; nếu có thể xa rời được, thì đã không phải là đạo. Bởi thế quân tử đặc biệt cảnh giác thận trọng ở chỗ người ta không nhìn thấy, lo lắng sợ hãi ở chỗ người ta không nghe thấy. Chẳng có gì rõ hơn vật che giấu, chẳng có gì làm hiển lộ chân tướng hơn những việc nhỏ bé. Cho nên người quân tử đặc biệt thận trọng khi chỉ có một mình mình vậy.

Tại sao đức của người quân tử được so sánh như ngọc?

Trong “Thuyết văn” Hứa Thận có viết: ‘Ngọc thạch chi mĩ hữu ngũ đức giả’ tạm dịch: Vẻ đẹp của ngọc cũng như người quân tử có năm đức: nhân, nghĩa, trí, dũng, khiết. Trong “Quản tử – Thủy đích” có câu: “Phu ngọc chi sở quý giả, cửu đức xuất yên.” Tạm dịch: Ngọc được con người trân quý quý trọng như vậy vì ngọc có chín loại phẩm chất đạo đức.

Quân Tử quý ngọc, ý luôn nhắc nhở bản thân giữ phẩm chất thanh cao như Ngọc, thường đeo miếng ngọc bên mình. Ảnh minh họa

Tóm lại dù trong bất kể cách so sánh nào người xưa đều thể hiện một cảnh giới “Ví phẩm đức của người quân tử cao quý như ngọc”.

Ngũ đức của ngọc quý là để ví với năm loại phẩm đức cần có của người quân tử. Vẻ đẹp thuần khiết và sự mềm mại trơn bóng của ngọc được ví như phẩm hạnh nhân đức cần có; nhìn kết cấu từ bên ngoài của ngọc có thể biết được nội tại bên trong đây là biểu hiện của tinh thần trượng nghĩa nghĩa khí được ví như phẩm hạnh trung nghĩa của người quân tử; bởi chất liệu cứng và tinh tế của ngọc có thể chế tác thành các loại nhạc cụ, thanh âm du dương thư thái của các loại nhạc cụ đó như lan tỏa ra bốn phương. Đây chính là biểu hiện cái trí cần có của người quân tử; Mặc dù độ cứng không quá lớn nhưng ở môi trường tự nhiên ngọc không dễ dàng bị uốn bị ép điều này cũng giống như ý trí không chịu khuất phục sự dũng cảm cần có của bậc quân tử; chất liệu tuy sắc bén có góc cạnh sắc nhọn nhưng không làm tổn thương tới người khác và sự thuần khiết của ngọc được ví như phẩm chất thuần khiết trong sạch của bậc chính nhân quân tử;

Trong Lễ Ký – Sính Nghĩa có ghi chép khi Tử Cống thỉnh giáo Đức Khổng Tử: ‘Tại sao người quân tử lại coi trọng ngọc mà coi nhẹ đá?’ Đức Khổng Tử có trả lời: ‘Phu tích giả quân tử bỉ đức vu ngọc yên: ôn nhuận nhi trạch, nhân dã; chẩn mật dĩ lật, tri dã; liêm nhi bất quế, nghĩa dã; thùy chi như trụy, lễ dã; khấu chi kì thanh thanh việt dĩ trường, kì chung truất nhiên, nhạc dã; hà bất yểm du, du bất yểm hà, trung dã; phu duẫn bàng đạt, tín dã; khí như bạch hồng, thiên dã; tinh thần kiến vu sơn xuyên, đích dã; khuê chương đặc đạt, đức dã. Thiên hạ mạc bất quý giả, đạo dã.  (thi ) vân: ‘ ngôn niệm quân tử, ôn kì như ngọc. ’ cố quân tử quý chi dã.”

Dịch nghĩa:

Phẩm chất đạo dức tốt đẹp của các bậc quân tử từ xưa tới nay vẫn luôn được so sánh với ngọc là bởi vì, sự ấm áp lại trơn bóng sâu lắng của ngọc, được so sánh với chữ Nhân; sự tròn vẹn chặt chẽ lại rắn chắc của ngọc, chỉ có thể so với Trí huệ; có góc cạnh mà không làm bị thương tới người, được so sánh như sự chính Nghĩa; ngọc sau khi gia công thành một miếng ngọc bội trang sức nghiêng mình, được so sánh với sự lễ phép; nhẹ nhàng gõ vào ngọc ta sẽ nghe thấy âm thanh trong trẻo du dương, vang vọng đến cuối cùng lại cao vút và dừng lại, âm thanh này được so sánh với sự êm ái dịu dàng của âm nhạc; vừa không bởi muốn phô trương những ưu điểm mà che dấu đi khuyết điểm, cũng không bởi chỉ nhìn khuyết điểm mà che mất đi ưu điểm, điều này được so sánh với sự Trung thành; vẻ rực rỡ lấp lánh trước sau như một của ngọc được ví như sự đáng tin cậy chữ Tín cao quý của người quân tử; ẩn sâu bên trong ngọc bội có khí sắc như trắng như hồng, được ví như sự tương thông với các tín tức tinh hoa của trời; vị trí cây cỏ xanh tốt của rừng núi nơi sản sinh ra ngọc quý lại giống như sự tương thông chắt lọc tinh hoa của đất. Đây chính là phẩm chất tao nhã đẹp đẽ của ngọc cũng chính bởi vậy mà người quân tử mới coi trọng ngọc như vậy.

Sự ôn hòa như ngọc của bậc quân tử

Trong Quốc phong, Tần phong, Tiểu nhung có câu : “Ngôn niệm quân tử, ôn kì như ngọc.” tạm dịch: Lời nói và suy nghĩ của bậc quân tử giống như ngọc quý. Khi nghĩ tới một người quân tử, trước tiên là nghĩ tới tác phong ôn hòa như ngọc quý của họ. Ý nghĩa ban đầu của từ “Quân tử” là “Quân chi tử” (nghĩa là con của bậc quân chủ). Vào thời nhà Chu, khi vua Chu phân đất phong hầu, lập nên các nước lân bang những chư hầu đó được gọi là quân vương, con của những bậc quân vương đó được gọi là ‘Quân tử’. Từ trước thời nhà Chu chữ ‘Quân tử’ là để gọi chung về những người có địa vị cao quý.

Vào thời kỳ Xuân Thu, “Quân tử” được gọi chung cho các bậc sĩ phu, người làm quan được gọi là quân tử, còn người dân bình thường thì được gọi là tiểu nhân.

Đức Khổng Tử cho rằng ‘bậc quân tử’ là hàm nghĩa chỉ những người có đạo đức. Theo quan điểm của Nho gia, ‘Quân tử’ không chỉ đơn thuần là chỉ những người có địa vị cao quý hoặc những bậc sĩ phu mà là người ‘Có những biểu hiện của một bậc thánh nhân, là người có nhiều tiêu chuẩn của lễ nghĩa’, là người có phẩm chất đạo đức cao thượng. Trong trường hợp này hàm ý chân chính của “bậc quân tử” là để chỉ những người đã không quan tâm đối với tiền tài và địa vị, là cảnh giới làm người ‘bần hàn mà vui vẻ, có đầy đủ những lễ nghi cần có’.

Trong Thi kinh – Vệ phong – Khấp áo có câu: “Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma.” tạm dịch: Sự nho nhã của một người quân tử cũng giống như một miếng ngọc quý đã được qua cắt gọt mài dũa một cách chi tiết cẩn thận.

Cũng chính là điều mà trong Tam Tự Kinh có viết: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí“. Tạm dịch: Một viên ngọc dù có quý giá nhưng không mài giũa thì không trở thành một dụng cụ tốt, Người không học thì không biết đạo nghĩa ở đời.

Phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bậc quân tử cũng  phải thông qua sự giáo huấn của bậc thánh hiền và sự tôi luyện sửa đổi trong cuộc sống mới có thể đạt được. Do vậy người quân tử thủ đức như ngọc, họ thường là những người hiểu lễ nghĩa và nắm rõ về lễ nghĩa.

Trong Lễ Ký – Khúc lễ thượng có viết: ‘Phu lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi dã’.

Dịch nghĩa: Người giữ lễ là người có thể xác định được thân hay sơ, giải quyết được hiềm nghi, phân biệt được đồng và dị, rõ ràng được đúng và sai. Người uyên bác thông tuệ lại có thể khiêm nhường, vui với việc lấy thiện hành thiện không buông lơi bê trễ, người như vậy được gọi là quân tử. Người quân tử không phải lúc nào cũng yêu cầu người khác nói mình tốt, cũng không cần yêu cầu người khác lúc nào cũng đối tốt với mình, có như vậy khi kết giao làm bạn mới có thể giữ được trước sau như một.

Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version