Người Trung Hoa cổ xưa coi việc tu thân dưỡng tính, làm theo lời dạy bảo của cổ nhân là điều quan trọng nhất trong đạo làm người. Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được người xưa tu thân dưỡng tính, tự giới luật và tìm sai sót như thế nào.
“Một động không bằng một tĩnh”, “Cầu người không bằng cầu mình”
Chuyện rằng, ngày nọ Tống Hiếu Tông Triệu Thận đến bái Phật tại chùa Thiên Trúc và chùa Linh Ẩn. Khi đó, có một vị hòa thượng pháp danh Tịnh Huy đi cùng ông. Bỗng hoàng đế nhìn thấy một ngọn núi bay tới, bèn hỏi hòa thượng: “Nếu đã bay tới, tại sao không bay đi?”. Hòa thượng đáp: “Một động không bằng một tĩnh”.
Khi đó, Tống Hiếu Tông lại nhìn thấy trong tay Bồ Tát Quán Âm cầm một chuỗi tràng hạt, lấy làm tò mò ông lại hỏi: “Tại sao trong tay Bồ Tát Quán Âm lại cầm tràng hạt? Nó có tác dụng gì?”
Hòa thượng cười đáp: “Là dùng để niệm Bồ Tát Quán Âm”.
Tống Hiếu Tông lại hỏi: “Tại sao Ngài lại niệm chính mình?”.
Ý Thiền Sư muốn nói: “Niệm Quán Thế Âm thực ra chính là tự học mình, chính là tự hoàn thiện mình.”
Bản thân chúng ta không biết trong tâm của chính mình có chứa một báu vật tiềm tàng vô tận. Mỗi khi gặp chuyện, người ta thường không tự giải quyết mà lại nhớ đến người khác, cầu xin những bậc thần linh, tự cho là như vậy có thể giảm bớt trọng trách của mình. Nhưng nếu cầu không được thì sao? Lòng sẽ thất vọng, thậm chí khi gặp những chuyện khác sẽ lùi bước. Thật là phương án sai lầm!
Khi chúng ta làm một việc gì, biến động càng ít thì tỷ lệ thành công càng lớn, nhưng chỉ khi biết rõ mình thì biến động ít nhất, cơ hội thành công là lớn nhất. Nếu ngay cả bản thân cũng khó mà khống chế được thì làm sao hy vọng được ở người khác? Bởi vậy, khi gặp chuyện không hay, ta nên cầu bản thân, nắm vững thái độ, ý chí kiên định, không kéo dài, không đợi người giúp đỡ, mọi việc đều dựa vào mình, nhất định có thể vượt qua khó khăn, thu được hiệu quả.
(Theo Sơn Đường Tứ Khảo)
Tại sao Kim Cương lại trừng mắt và Bồ Tát lại cau mày?
Tiết Đạo Hành (thi nhân nước Tuỳ đời Nam Bắc triều) một hôm tới du lịch tại chùa Khai Thiện ở Trung Sơn có từng hỏi một nhà sư: “Tại sao tượng Kim Cương trong chùa lại trừng mắt, tại sao tượng Bồ Tát lại cau mày?”.
Hòa thượng đáp: “Kim Cương trừng mắt là để hàng phục ma quỷ bốn phương. Bồ Tát nhíu mày là vì yêu quý và xót thương cho những sinh mệnh trong cõi người, cõi Atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh và cõi địa ngục”.
Tiết Đạo Hành nghe xong, ngẩn người như đang đăm chiêu suy nghĩ, ngơ ngẩn như mất hồn lát sau mới gật đầu thán phục.
(Theo Thế Thuyết Bổ)
Mỗi ngày tích góp đậu để tự răn mình
Theo ghi chép trong Tống Sử, Triệu Khái, tự Thúc Bình, là người Khu Thành, Nam Kinh. Ông thường ngày luôn tu tâm dưỡng tính, tự có yêu cầu nghiêm khắc với bản thân, thường lấy việc góp hạt đậu mỗi ngày để tự răn.
Trong phòng khách của Khang Tĩnh Công Triệu Khái, luôn đặt ba chiếc lọ: Một lọ trong đựng đậu nành, một lọ đựng đậu đen và một lọ để trống. Mỗi ngày, ông đều bỏ mấy hạt đậu vào chiếc lọ trống này.
Có người bạn thân lần nọ thấy ông làm vậy, lấy làm lạ bèn hỏi ông: “Tại sao lại bỏ đậu vào chiếc lọ này?”. Ông đáp: “Mỗi ngày khi tôi có niệm đầu thiện lương, sẽ bỏ một hạt đậu nành vào trong lọ, có niệm đầu xấu xa, sẽ bỏ một hạt đậu đen vào lọ. Mỗi ngày nhìn những hạt đậu đen này để tự răn và cảnh tỉnh bản thân. Ban đầu đậu đen sẽ nhiều hơn đậu nành, sau đó dần dần đậu nành sẽ nhiều hơn. Gần đây, những niệm đầu và suy nghĩ không tốt đều đã không còn nữa, nên cũng không cần bỏ đậu vào lọ”.
(Theo Khước Tảo Biên)
10 điều ghi nhớ: Quy tắc làm quan của Dương Đỉnh
Theo ghi chép trong Minh Sử, Dương Đỉnh tự là Tông Khí, người Hàm Ninh, tỉnh Thiểm Tây. Sau khi được thăng chức Thị Lang bộ Hộ, vì e sợ bản thân không thể hoàn thành chức trách nghiêm minh, ông viết 10 điều ghi nhớ dưới góc ghế ngồi để tự nhắc nhở bản thân như sau:
Cân nhắc khung hình phạt cần nhớ khoan dung, nhân ái.
Có người xúc phạm cần nhớ tha thứ, khoan nhượng.
Công việc cần ghi nhớ ưu tiên làm đầu.
Luận công trạng cần nhớ thoái nhượng, lùi về sau.
Khi ngồi cần nhớ những quy tắc ở ghế.
Khi đi đứng cần nhớ nhường đường.
Nổi tiếng rồi cần nhớ khiêm nhường, kín đáo.
Đối với chức vụ luôn tự ghi nhớ mình là người tầm thường.
Phẩm hạnh thường ngày cần ghi nhớ có đầu có cuối.
Từ quan cần nhớ trước thời hạn”.
(Theo Kiến Văn Lục)
Quy tắc giữ mình: Nói năng cẩn trọng, biết dừng đúng lúc
Trong Xuyết Canh Lục có ghi chép về một người tên Thiệu Đồng Nguyên. Để tự răn mình ông đã viết bốn chữ “NHẪN, MẶC (im lặng), THƯ (tha thứ) và THOÁI (Rút lui) rồi dán trên bàn. Muốn giữ an toàn và bảo vệ bản thân, nên học cách cẩn trọng trước khi nói. Cổ nhân quan niệm, chúng ta thường mất ba năm để học nói nhưng có lẽ cần dùng cả đời để học cách im lặng. Biết đủ và dừng lại đúng lúc chính là chuẩn mực hành vi hành xử cần có của mỗi người. Nội hàm thâm sâu của bốn chữ trên chính là nguyên tắc xử thế làm người chủ yếu của cổ nhân.
Nhân sinh ‘Tam thất’
Điển cố “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Trên đường sang nước Tề, Khổng Tử nghe thấy tiếng khóc rất đau đớn của một người, liền cưỡi ngựa lần tìm theo tiếng khóc. Ông nhìn thấy một người đang đeo liềm, buộc dây đay, ngồi ở đó đau khổ khóc không thành tiếng.
Lúc đó, Khổng Tử liền xuống xe, tiến về phía trước hỏi thăm thì được biết người đang khóc đó tên là Khâu Ngô Tử (còn gọi là Cao Ngư), trước đây từng làm quan nước Tề. Ông hỏi người đó vì sao lại khóc lóc thảm thiết như vậy, Khâu Ngô Tử liền kể về ba mất mát của chính mình.
“Thời niên thiếu tôi rất hiếu học, đi chu du khắp nơi, lúc trở về mới biết rằng cha mẹ đã qua đời, đây là mất mát lớn đầu tiên. Sau khi trưởng thành, tôi hầu hạ cho vua nước Tề. Vua sống nuông chiều bản thân, đánh mất sự ủng hộ của nhân sĩ mà tôi lại không thể làm tròn được trách nhiệm của thần tử, đây là mất mát thứ hai. Ngày hôm nay người bạn từ thuở thơ bé của tôi cũng bỏ tôi đi, không còn liên lạc nữa, đây là mất mát thứ ba”, Khâu Ngô Tử nói.
Sau đó, Ngô Khâu Tử nói một câu khiến người nghe đau nhói cõi lòng: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”. Cây muốn yên lặng nhưng ngọn gió điên cuồng không chịu dừng lại, phận làm con muốn phụng dưỡng chăm sóc mà cha mẹ đã không còn nữa.
Thời gian trôi đi không bao giờ quay trở lại, một khi đã rời xa thì mãi mãi không thể gặp lại nữa. Ngô Khâu Tử đau đớn hối hận vì bản thân không làm tròn trách nhiệm của người làm con. Câu nói: “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” từ đó được lưu truyền ngàn đời, thời khắc nhắc nhở trong lòng của những đứa con: Khi cha mẹ còn sống, cha mẹ như cây cao to lớn, che mưa chắn gió cho con cái. Khi cha mẹ mất đi, thân thể của con cái như bị cắt đi từng khúc, đau đớn tột cùng.
Bách hối kinh
Theo Thanh Dị Lục, thuở xưa có thư sinh người Mân Giang tên Lưu Ất, trong một lần đi uống rượu say từng gây gổ với bạn để tranh giành kỹ nữ. Sau khi tỉnh dậy, ông tự cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận. Do đó, ông đã trích lục tất cả những câu chuyện về tai họa và mất mát do uống rượu say được ghi chép trong các cổ thư, biên tập lại thành một cuốn sách có tên gọi “Bách hối kinh” để tự cảnh báo và nhắc nhở giới cấm chính mình.
Người trốn khỏi vòng tay mĩ nhân
Trong Kiến Văn Lục có ghi chép câu chuyện thế này. Chủ tướng Phiên Trấn nhận thấy thuộc hạ của mình Vương Tiến Đức người chính trực, thanh cao khác với mọi người. Vì muốn kiểm tra tư cách và hành vi của ông ta, nên đặc biệt gọi tới uống rượu, lại sai người chuẩn bị một căn phòng và sắp xếp một cô gái xinh đẹp trong đó.
Khi anh ta uống rượu tới hồi cao hứng và đã nhiều, chủ tướng bèn sai người đưa vào căn phòng nọ và sai người khóa trái cửa bên ngoài.
Vương Tiến Đức sau khi vào phòng, nhìn thấy mỹ nhân thì kinh hãi mà hét lớn, cả lại không thể mở bèn gắng sức phá cửa chạy một mạch tới chuồng ngựa dắt một con ra và chạy như bay khỏi nơi đó.
Tới năm Hồng Vũ thời Minh Thái Tổ, ông được phong làm Thái học sinh sau đó là giám sát viên Ngự Sử, có nhiều chiến tích và được người đời khâm phục.
Bốn vị thuốc tốt của đời người
Ta (Tô Đông Pha tự xưng) nghe nói, trong Chiến quốc sách có một phương thuốc, ta đã từng dùng nó, vô cùng hiệu quả, vì vậy đặc biệt ghi ra, Vị thuốc này gồm bốn vị:
Một là: Coi vô sự là hiển vinh
Hai là: Coi ngủ sớm là giàu có
Ba là: Coi đi chậm là ngồi trên xe
Bốn là: Coi bữa ăn muộn (kéo dài trì hoãn cơn đói) là ăn thịt.
(Theo Đông Pha Đề Bạt)
Theo Tuệ Miễn, Secret China
Kiên Định biên dịch