Học sinh đó nghĩ một lúc, đột nhiên minh bạch rồi cười. Sau đó, năng lực chịu đựng tâm lý của cậu ấy ngày càng mạnh, cậu ấy không còn sợ thi trượt nữa.

“Thưa thầy, em căng thẳng quá, thầy nghĩ lần này em thi đậu được không?” Tôi thường nghe một số học sinh hỏi tôi như vậy trước kỳ thi. Những học sinh này thường rất nghiêm túc trong học tập, bình thường tình huống hoàn thành tác nghiệp cũng ưu tú, nhưng họ đặc biệt lo lắng và thiếu tự tin trước kỳ khảo thí; Bình thường các kỳ thi trắc nghiệm nhỏ các em đều làm bài rất tốt, nhưng càng vào kỳ thi quan trọng thì các em càng căng thẳng.

Trong phòng thi, những học sinh như vậy thường căng thẳng đến mức lòng bàn tay đẫm mồ hôi, đứng ngồi bất an hoặc đầu óc trống rỗng, không giải được ngay cả nhiều câu hỏi thông thường, nhưng sau khi ra khỏi phòng thi, tư duy của các em lập tức trở nên rõ ràng, kiến thức lại tuôn chảy, quả là vô cùng đáng tiếc. Một hoặc hai lần như vậy, các em sẽ phát sinh tâm lý sợ hãi đối với các kỳ thi, ngày càng căng thẳng và lo lắng, và thành tích thi cử sẽ là một mớ hỗn độn, hoàn toàn không phù hợp với thành tích thông thường của các em.

Càng căng thẳng càng thi không tốt, càng kém tự tin

Có một cậu học sinh rất nỗ lực học tập, nhưng mỗi khi sắp đến kỳ thi là cậu ta lại rất bất an, khi tôi hướng dẫn ôn bài, cậu ấy đều hỏi tôi rất nhiều câu hỏi mà cậu ấy đã nắm vững. Tôi nói với cậu ấy: “Con không cần phải căng thẳng như vậy, câu hỏi khảo thí về cơ bản con đã học thuộc, con cũng gần như hoàn thành tốt các bài tập về nhà và câu hỏi thông thường. Kỳ thi này sẽ không quá khó đối với con.” Nhưng cậu ấy không cảm thấy được an ủi sau khi nghe tôi nói, mà còn trở nên lo lắng hơn, nói với tôi: “Thưa thầy, nếu đề thi lần này xuất hiện những dạng câu hỏi rất kỳ quái thì làm sao? Thầy có nghĩ rằng sẽ xuất hiện những dạng câu hỏi bình thường chưa học qua không?”

Tôi an ủi cậu ấy đừng loạn tưởng, hơn 80% câu hỏi của trường là những câu hỏi cơ bản, chiếu cố đến trình độ học tập của đại bộ phận học sinh. Nhưng cậu ấy vẫn nghe không ra, vẫn tâm thần bồn chồn lo lắng. Kết quả là, thành tích mỗi lần thi cử của cậu ấy đều kém xa so với mức bình thường. Tôi không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra như vậy, liền hỏi: “Con lần nào cũng căng thẳng về kỳ thi, chẳng phải là sợ thi trượt sao?” Cậu ấy thất vọng gật đầu, vì vậy tôi kể cho cậu ấy nghe câu chuyện về bảy lần khoa cử của Tăng Quốc Phiên.

Tăng Quốc Phiên bất khuất không nản chí, đã thành công trong lần thi thứ bảy

Tăng Quốc Phiên là một trong “Tứ đại danh thần” cuối triều đại nhà Thanh, ông bắt đầu tham gia khảo thí khoa cử từ năm mười bốn tuổi, sáu lần thi hương đầu đều không đạt, đến lần thứ bảy mới thi trúng. Khó có thể tưởng tượng những gian nan ông đã trải qua, nhưng Tăng Quốc Phiên đã từ trong thất bại mà đứng dậy, cuối cùng đạt đến thành công như thế nào?

Ở Trung Quốc cổ đại, nếu một người thi trượt ba lần, người đó sẽ bị hàng xóm đặt cho biệt danh là “lão đồng sinh”. Sau khi Tăng Quốc Phiên thi trượt nhiều lần, những lời chế giễu và chỉ trích của những người xung quanh khiến ông tâm tình phiền não và tự ti, ông càng khao khát thành công và muốn chứng minh bản thân trước mặt người khác. Khi ông 20 tuổi, cha của Tăng Quốc Phiên đã sắp xếp cho ông theo học tại Thư viện Hoành Dương Song Quế rất nổi tiếng đương thời, ông càng khắc khổ siêng năng, nhưng hai kỳ khảo thí khoa cử tiếp theo ông lại thất bại.

Cha của Tăng Quốc Phiên luôn cổ động ông, và bản thân ông cũng không nản lòng, âm thầm tự thề nguyện nhất định phải đạt được công danh. Ông tĩnh tâm lại, tổng kết những sai sót mình mắc phải trong sáu kỳ khảo thí khoa cử trước đó, thay đổi phương pháp học thuộc lòng trước đây, không ngừng trau dồi năng lực thơ ca của bản thân. Năm Đạo Quang thứ mười ba, Tăng Quốc Phiên tham gia khoa cử lần thứ bảy, trong kỳ thi ông đã hấp thụ giáo huấn từ những kỳ thi hỏng trước đây, không vội hạ bút, mà chỉ khi trong não đã hình thành đường lối văn chương hoàn chỉnh ông mới bắt đầu viết, cuối cùng thi đỗ tú tài. Vào năm thứ hai, Tăng Quốc Phiên tham gia khảo thí cử nhân, một lần là thành công, trở thành cử nhân thứ ba mươi sáu của tỉnh Hồ Nam. Vào năm Đạo Quang thứ mười tám, Tăng Quốc Phiên 28 tuổi đến Bắc Kinh để tham gia kỳ thi của triều đình, trúng tiến sĩ. Vì đương thời tuổi bình quân của tiến sĩ triều Thanh là 37 tuổi, do đó Tăng Quốc Phiên năm đó đã trở thành tiến sĩ rất trẻ.

Điển cố danh nhân đã giúp trẻ chuyển biến quan niệm

Sau khi nghe tôi kể về trải nghiệm thi cử của Tăng Quốc Phiên, cậu học sinh đó hỏi: “Không biết ông ấy khi quay đầu nhìn lại thấy mình năm đó khảo thí đã trải qua những cảm thụ gì?” Tôi cho học sinh đó xem lại hồi ức chín năm thống khổ vượt qua kỳ thi tú tài của Tăng Quốc Phiên: 

“Ta bình sinh khoa danh cực kỳ thuận toại, duy tiểu khảo 7 lần mới đỗ. Tuy nhiên mỗi lần không đỗ, ta không dám nói một lời phàn nàn oán thán, nhưng tự bản thân mình lấy làm thẹn vì thơ văn ở thi trường quá xú. Đến giờ nghĩ lại, nó như cái gai ở lưng…”
 

Tôi nói: “Ưu điểm của Tăng Quốc Phiên là ông ấy đã dũng cảm vượt qua thất bại, không bị sa lầy trong thất bại, điều này đòi hỏi một tâm lý cường đại vững vàng mới có thể đề kháng trước những thất bại trong chín năm đó. Sự thất bại nhỏ của con hiện tại so với ông ấy thì quá nhỏ bé không đáng nhắc tới đúng không?” 

Học sinh đó nghĩ một lúc, đột nhiên minh bạch rồi cười. Sau đó, năng lực chịu đựng tâm lý của cậu ấy ngày càng mạnh, cậu ấy không còn sợ thi trượt nữa. Ngay cả khi thất bại, cậu ấy sẽ từ trong đó mà tổng kết giáo huấn, tìm ra nguyên nhân, và thành tích của cậu ấy đã dần dần đạt đến mức mà cậu ấy nên có.

Đối mặt với một đứa trẻ có tâm thái không ổn định khi đối diện với kỳ thi như vậy, thực sự cần phải tìm ra bóng đen tâm lý thực sự trong tâm em ở đâu. Hãy tiếp tục động viên cậu ấy, cho cậu ấy năng lượng tích cực và sự khẳng định. Hãy cho cậu ấy biết những danh nhân cổ đại đã làm gì khi gặp phải tình huống giống như cậu ấy, để cậu ấy có phương hướng và động lực, không mãi mê mang trong cái vòng luẩn quẩn của chính mình, từ đó mới có được hiệu quả học tập tốt.

Tác giả: Vân Quyển, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch