Đại Kỷ Nguyên

Tầm đạo trên núi Võ Đang (P.2): Năm con rồng làm mưa, núi thiêng hiện cung Thần

Hàng trăm hàng nghìn năm nay, trong trùng trùng lớp lớp các lầu quán chùa điện ẩn hiện giữa núi đá, rừng cây, mây trời, sông nước, Võ Đang – dãy núi dường như trường tồn cùng trời đất này, đã dần dần có dấu tích con người, rồi theo đó sinh ra vô số truyền thuyết và cảnh quan kỳ vỹ, thần diệu.

Tiếp theo: Phần 1.

Từ khi 5.000 chữ của Lão Tử truyền thế, đến những năm cuối thời Đông Hán, một tôn giáo lấy “Đạo” làm tín ngưỡng cao nhất đã xuất hiện ở vùng đất rộng lớn trung nguyên, đó là Đạo giáo. Người tu Đạo, luyện đan thái dược (hái thuốc) để dưỡng sinh, phục khí đạo dẫn để tu tiên, lập lễ chay tế lễ để cầu phúc, dành trọn một đời truy tìm đại đạo trong tâm. Sau khi Chân Vũ phi thăng (bay lên trời), Doãn Hỷ truyền kinh, càng ngày càng nhiều đạo sỹ coi núi Võ Đang là thánh địa tu hành, không quản gian nan tìm đến kết duyên với Đạo.

Những người tu Đạo đã từng ở chính nơi đây lấy hốc đá làm giường, lấy cỏ tranh làm am, họ cần mẫn tu Đạo trong hoàn cảnh thanh đạm cực khổ vô cùng, đã từng tý từng chút lấp đầy nỗi trống vắng nơi sơn thủy này. Thế là, trên những vách đá hiểm trở, trên đỉnh những ngọn núi đơn độc chót vót lởm chởm, những người tiên phong của các triều đại, các thời kỳ đã sẵn lòng vắt hết trí tuệ và tâm huyết, dựng lên những đạo quán hoặc bằng gỗ, hoặc đúc đồng phong thái, vô cùng đẹp và độc đáo.

Bởi vậy, Võ Đang từ một dãy núi hoang mịt mùng đã biến thành đạo trường khói hương hưng thịnh chốn nhân gian. Biến đổi lớn lao này là sự khéo léo tác hợp của lịch sử, hay là ý chỉ của Thần linh cõi xa xăm, hay là bản chân sinh mệnh của cổ nhân kính Thần tầm Đạo?

Chân dung Diêu Tư Liêm (Diêu Giản) trong “Tam tài đồ hội” (Tập tranh Tam tài). (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Trinh Quán cầu mưa, truyền kỳ nước Võ Đang

Đại Đường, một vương triều mà tất cả những người Hoa ngày nay đều gửi gắm tâm hồn, đã viết nét bút truyền kỳ đầu tiên xây dựng đền thờ hoàng gia trên núi Võ Đang, đã dâng lên lời chúc phúc đầu tiên của đế vương. Năm Trinh Quan thứ 8, lúc Đại Đường bước vào thời thịnh thế, quốc gia xuất hiện đại hạn, dân chúng khốn khổ. Thượng thiên, dường như có ý thử thách lần cuối cùng đối với vị hoàng đế thánh minh Đường Thái Tông đó.

Nước là nguồn gốc sinh mệnh. Đối với quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng dâu cày cấy dệt vải mà nói, một năm 4 mùa mưa thuận gió hòa có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp yên dân bình thiên hạ. Nếu mưa thuận theo thời, hạn hán lũ lụt không xảy ra – điều này được dân chúng coi là trời giáng hồng phúc. Đại thể từ thời Tam đại thượng cổ, các lễ tế lớn nhỏ cầu Thần ban mưa và cầu xin vụ mùa bội thu, đã trở thành phong tục truyền thống của từ bậc quân chủ cho đến thứ dân. Vì phúc chỉ của thiên hạ, Đường Thái Tông cũng phái người hành lễ khắp các danh sơn đại xuyên, nhưng vẫn không thấy ứng nghiệm.

Cuối cùng, Thái Tông phái Diêu Giản, Thái thú Quân Châu đức cao vọng trọng, lên Võ Đang lập đàn chay cầu mưa. Thế là trời giáng cơn mưa rào, những giọt mưa như lụa hội tụ thành dòng nước nhỏ róc rách, thấm ướt từng tấc đất, từ đó bách tính an cư lạc nghiệp, nền thịnh trị Đại Đường ứng với vận trời mà sinh.

Tại sao Thái Tông lại cầu xin ở Võ Đang? Mà Võ Đang tại sao lại linh nghiệm như thế?

Hoàng thất nhà Đường họ Lý vốn tôn phụng Lão Tử là “Thánh Tổ”, từ thuở đầu khai quốc, liền đưa Đạo giáo tôn lên vị trí cao nhất làm “Quốc giáo”, khắp cả nước từ trên xuống dưới tràn trề phong thái sùng Đạo thuần hậu, các sự tích hoàng thân tu Đạo, sửa nhà thành Đạo quán đã trở thành quá quen thuộc.  Mà đối với Chân Vũ Đại Đế mà Đạo giáo tín ngưỡng, các đế vương triều Đường càng thể hiện sự sùng kính vô thượng.

Trong hoàng cung nhà Đường, Huyền Vũ khuyết, Huyền Vũ lâu, Huyền Vũ điện, đều là những kiến trúc cung điện vườn thượng uyển đã được ghi chép trong sử sách, mà Huyền Vũ quán trong Tử Thần điện, lại chính là đền thờ chuyên thờ cúng thần Chân Vũ của hoàng tộc. Tên của Thần được chạm khắc cung kính ở nơi cao nhất của tòa kiến trúc to rộng, khi quân thần của các triều đại ngẩng đầu ngưỡng vọng, trời và người đã lặng lẽ câu thông.

Hoặc là hình thái thủy hỏa tương tế (nước lửa hỗ trợ nhau) của Võ Đang, đã gợi mở thánh tâm của đế vương. Đại lễ cầu mưa, không cầu Chân Vũ Thần ngồi trấn định Võ Đang, ngũ hành thuộc thủy thì cầu ai đây?

Ngũ Long Cung là 1 trong 8 cung sớm nhất trong quần thể kiến trúc núi Võ Đang, hiện nay còn lại các di tích cổng cung, bức tường đỏ 9 khúc, nhà bia, hồ suối, giếng cổ. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Năm con rồng làm mưa, núi thiêng hiện cung Thần

Các ngọn núi của Võ Đang quanh năm mây mù bao quanh, suối khe róc rách, dưới sự phù hộ của Chân Vũ Đại Đế, dường như tự nhiên chứa đựng tinh hoa của nước. Núi không bởi cao, có tiên nổi danh; Sông không bởi sâu, có rồng linh thiêng. Năm đó, khi Diêu Giản vào núi tế lễ, tận mắt chứng kiến Thần tích linh thiêng của sông núi Võ Đang. Kinh của Đạo giáo ghi, Diêu Giản gặp 5 vị Nho sinh trong núi, phong thái diện mạo khác thường, tự nhủ là “Ngũ khí Long quân”.

Long quân phụng mệnh của Chân Vũ Đại Đế, trông coi núi Võ Đang, vì thấy Diêu Giản chính trực quả dục, tế lễ thành kính, nên tấu thỉnh Đế mệnh, đến hiển linh làm mưa. Nói xong, sấm sét mưa rào khoảnh khắc trải khắp thiên hạ, không thấy bóng dáng 5 vị Nho sinh đâu cả.

Vậy Ngũ khí Long quân là Thần thánh phương nào?  

Trong “Võ Đang phúc địa tổng chân tập” có ghi chép, khi Chân Võ Đại Đế tu thành viên mãn ở núi Võ Đang, được 5 con rồng hộ tống bay lên, bái kiến Ngọc Đế. Sau đó, 5 con rồng theo Chân Vũ ở lại Võ Đang, trở thành Tín sứ của Chân Vũ, trông coi núi rừng và nhân gian.

Từ Diêu Giản trở đi, Võ Đang lưu truyền Thần thoại về rồng. Để tỏ rõ Thánh đức của Chân Vũ và Long quân làm mưa, Thái Tông giáng chỉ, xây dựng đền Ngũ Long Từ ở nơi Diêu Giản cầu mưa. Từ đó, núi Võ Đang có một ngôi đền của Hoàng gia. Người leo núi cầu mưa không ngớt, “Các đời cầu khấn, ứng như tiếng vọng”. Ngũ Long Từ cũng trở thành phúc địa của các đời đế vương cầu mưa, không ngừng được xây dựng mở rộng và gia phong.

Đường Thái tông Lý Thế Dân hạ chỉ xây dựng một ngôi đền hoàng gia ở núi Võ Đang – Ngũ Long Từ. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Tống Chân Tông nâng cấp đền lên quán, Nam Tống Hiếu Tông tặng bức hoành “Ngũ Long linh ứng quán”. Thời Nguyên thăng cấp quán lên cung, sau đó đổi tên thành Ngũ Long linh ứng cung, Đại Ngũ Long linh ứng cung, đến nay, ngoài cung, trên sườn núi còn lưu lại cái bia “Đại Ngũ Long linh ứng vạn thọ cung bi” thời đó dựng.

Cuối thời Nguyên, tuy bị chiến tranh hủy hoại, nhưng vào năm Vĩnh Lạc thứ 10 đời Minh, khi Minh Thành Tổ tu sửa quy mô lớn núi Võ Đang, cung quán được trùng tu, đồng thời đổi tên thành “Hưng thịnh Ngũ Long Cung”.

Ngày nay, Ngũ Long cung tọa lạc ở chân ngọn Ngũ Long Phong, chính là thời nay trùng tu, trong chính điện thờ phụng tượng Chân Vũ ngồi lớn nhất đúc đồng dát vàng. Tuy chúng ta không có duyên được thấy hình dáng chân chính của Ngũ Long Cung, nhưng ngược dòng lịch sử, vẫn có thể tưởng tượng ra vẻ huy hoàng của giai đoạn lịch sử mưa gió ngàn năm không phai mờ này.

Bức tranh “Trần Hy Di (Trần Đoàn) ngủ”, do họa sỹ Nhật Bản Hasegawa Tōhaku vẽ, lưu trữ ở Bảo tàng mỹ thuật Ishikawa Nanao. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Trần Đoàn ngủ say, cảm ngộ Thụy pháp trong Đạo

Từ thời Đường trở về trước, Võ Đang chỉ là một dãy núi có nhiều tiên khí, được gọi là “Đại diện của núi cao, cùng hạng với Ngũ nhạc”. Từ sau khi Trinh Quán cầu mưa linh nghiệm, Võ Đang dần dần được người đời tôn sùng, cùng với Đạo giáo phát triển hưng thịnh và cung quán được xây dựng, càng ngày càng nhiều đạo sỹ vào núi tu luyện, đến cuối đời Đường, sách “Động thiên phúc địa nhạc độc danh sơn ký” của  Đỗ Quang Đình đã đưa Võ Đang vào vị trí thứ 9 trong “72 phúc địa”.

Không chỉ riêng Ngũ Long Từ, người Đường còn xây dựng đền mới Thần Vũ Uy Công và rất nhiều các am, miếu đá ở Võ Đang, thờ phụng Chân Vũ Thần, và cũng là đạo tràng để người tu hành nương thân, kết duyên với Đạo.

300 năm Đại Đường chiến loạn đã đi xa, duyên kỳ ngộ giữa người và nước đã trở thành ký ức lịch sử, nhưng truyền thuyết về Thần Long vẫn chưa kết thúc. “Thập niên tông tích tẩu hồng trần, hồi đầu thanh sơn nhập mộng tần” (Mười năm dấu vết hóa bụi trần, quay đầu cứ mộng núi xanh ngân).

Thời loạn thế giao thời Đường Tống, có vị thư sinh tên gọi Trần Đoàn đã viết câu thơ này. Ông thi tiến sỹ không đỗ, trong binh mã loạn lạc cảm thấy công danh hư vô và sinh mệnh vô thường, liền nảy sinh chí hướng bỏ văn theo Đạo. Vừa may có hai vị cao đạo Tôn Quân Phảng, Chương Bì cư sỹ chỉ dẫn, nói rằng: “Núi Võ Đang có 9 thạch thất, có thể ẩn cư”.

Từ đó trở đi, trên ngọn Thanh Phong Võ Đang, lại có thêm một nhân vật Thần tiên không xuất thế. Trần Đoàn, tự Đồ Nam, hiệu Phù Dao Tử, vị này chỉ cần từ tính danh liền biết là đạo nhân có duyên đạo thâm sâu rồi, đến Võ Đang ở liền hơn 20 năm. Trong thời gian đó, ông phục khí tịch cốc, luyện thuật đạo dưỡng thần tiên, đắc linh khí non nước Võ Đang. Ông nghiên cứu sâu “Chu dịch”, viết các trước tác “Chỉ huyền thiên”, “Điếu đàm tập”, “Cửu thất hoàn đan thi” v.v.., đồng thời sáng chế Tử vi đẩu số và Vô cực đồ thuyết, giải thích sự tinh thâm huyền diệu của Đạo pháp, được người đời sau tôn là “Trần Đoàn lão tổ”.

Người đời Nguyên đã đánh giá ông là “Bậc dị nhân đời Tiền Tống”. Mà kỳ lạ nhất của ông là kê gối cao ngủ, khu vực lân cận núi Võ Đang đến nay vẫn lưu truyền câu ngạn ngữ dân gian “Bành Tổ tu hành 800 năm, chẳng bằng Trần Đoàn ngủ một giấc”. Tương truyền khi Trần Đoàn khổ tu ở núi Võ Đang, đã làm cảm động Ngũ khí Long Quân, được truyền thụ “Ngũ Long thụy pháp”, và căn cứ vào đó tự sáng tạo ra “Chập Long pháp thụy công quyết” thích hợp với dưỡng sinh tu hành, lưu lại cho người đời sau.

Môn Thụy công này chú trọng trước khi ngủ tĩnh tọa điều tức, ngủ yên như cây cung, nhắm mắt dưỡng thần mà ngủ, có thể ngủ trăm ngày thậm chí mấy năm không tỉnh. Trong giấc mơ ngủ dài dằng dặc, có lẽ linh hồn phiêu du bất tận, hoặc là đạo hạnh đột phá tinh tấn, mà duy chỉ có người tâm không tạp niệm mới có thể đạt đến cảnh giới kỳ diệu thiên nhân hợp nhất này. Sau này Trần Đoàn tu đạo thành công, Ngũ Long Thần lại hiển thánh, đưa ông bay đến Vân Đài Quán ở Hoa Sơn ẩn cư. Vị tiên đạo cao nhân này, lại tiếp tục câu chuyện truyền kỳ ở một ngọn núi tiên khác.

Tử Tiêu Cung núi Võ Đang. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Suối trong dâng điềm lành, viết tiếp truyền kỳ Võ Đang

Theo “Ngũ đức chung thủy thuyết” lưu truyền từ thời Chiến Quốc, vương triều nhà Tống họ Triệu hưng thịnh thay nhà Đường, được trời trao cho hỏa đức của ngũ hành, nên tự xưng “Hỏa đức chi thánh triệu” (Điềm lành thánh nhân của hỏa đức).

Từ Đường đến Tống, các đời đế vương đều sùng Đạo, hưng Đạo như trước, mở mang Đạo quán, thờ cúng các tôn thần Đạo giáo. Vì thủy có thể trấn hỏa, nên họ đã đưa Chân Vũ Đại Đế tôn lên địa vị “Xã tắc gia thần” (Vị thần của gia tộc, của xã tắc nhà Tống), để cầu được âm dương tương hòa, lộc nước dài lâu. Gia phong hiệu, tu đạo trường, Võ Đang vào đời Tống viết tiếp lịch sử làm người ta kinh thán.

Có lẽ là cảm ứng lòng thành của vua Tống, Chân Vũ Đại Đế đã hiển thánh vào tháng 4 nhuận năm Tống Thiên Hy thứ 2 (năm 1018), đã giáng hạ điềm lành cho vương triều mới. Theo “Tục tư trị thông giám trường thiên” ghi chép, bên đền Chân Vũ Từ của Hoàng thành bỗng nhiên phun lên dòng suối thần kỳ có mùi rượu thơm, người mắc bệnh uống vào liền khỏi. Thượng thiện nhược thủy (cái Thiện cao nhất như nước), nước nuôi dưỡng vạn vật, gột sạch dơ bẩn, dòng suối trong ngọt từ miếu này, có lẽ là món quà ấm áp nhất mà Thủy Thần Chân Vũ tặng người đời.

Từ xưa quân vương là thiên tử, là con của thiên thần, Chân Tông cảm kích rơi lệ, dâng lên Chân Vũ Đại Đế lòng thành kính và cảm ân sâu sắc nhất. Ông hạ lệnh ở nơi xuất hiện dòng suối ngọt, xây dựng một ngôi Tường Nguyên Quán để tỏ rõ Thánh tích, gia phong tôn hiệu cho Chân Vũ Thần là “Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân”. Sách “Đồ kinh” đời Tống còn cho rằng, trên núi Võ Đang, “Ngũ Long Quán tức nơi Chân Vũ ẩn cư”, Chân Tông gia phong ban tấm biển cho Ngũ Long Từ, nơi Chân Vũ Đại Đế ẩn cư, tôn là “Ngũ Long Linh Ứng chi quán”.

Trong khoảng thời gian đó, Đạo nhân đời Tống đã xuất bản các sách Đạo “Nguyên Thủy Thiên Tôn thuyết bắc phương Chân Vũ kinh”, “Thái Thượng thuyết Chân Vũ bản truyền diệu kinh”, “Chân Vũ khải Thánh ký” v.v…, đưa Thánh đức của Chân Vũ Đại Đế cần mẫn tu Đạo, hộ Thánh giúp đời lưu truyền rộng rãi ra thế gian.

Vào những năm Tuyên Hòa khoảng 100 năm sau, vì được Hỏa Thần báo mộng, Tống Huy Tông thành tín Đạo giáo ý thức được rằng cần thờ phụng Thủy Thần bằng thái độ thành kính hơn nữa. Ông hạ chỉ, tìm nơi bảo địa bối sơn diện thủy, phụ âm bão dương (dựa núi, hướng sông, cõng âm, ôm dương) dưới ngọn Triển Kỳ Phong trên núi Võ Đang, xây dựng một tòa Tử Tiêu Cung (cung mây tía). Tòa Đạo cung này, tuy bị hủy hoại một lần bởi hỏa hoạn cuối thời Nam Tống, nhưng vào đời Nguyên và Minh được trùng tu, mở rộng, trở thành tòa đình quan trọng cho quốc gia cầu phúc.

Sau Tử Tiêu Cung có Xử Long Vương Tỉnh, tương truyền có con rồng trắng cư trú. Những đạo nhân rất tin rằng, nếu người lấy nước có lòng thành kính, thì có thể lấy được nước thần diên niên ích thọ do Long Thần tặng. Cung Tử Tiêu thờ phụng Chân Vũ Đại Đế, trở thành nơi cư trú của Long Thần. Cùng với sự phát triển của triều Tống, núi Võ Đang lần lượt dựng lên các cung quán như Vương Mẫu Cung, Tử Hư Cung, Hự Thánh Quán, Ngọc Tiên Quán v.v… Võ Đang đã xứng danh trở thành phúc địa của tiên gia .

Mây bay mù quẩn mờ ảo, núi trống mưa rơi thanh thản, khe lặng suối reo tự nhiên, thậm chí nước giếng dưới thềm lặng lẽ tuôn, đều là sự phát triển không ngừng của tín ngưỡng và văn minh Chân Vũ, lại tăng thêm cho Võ Đang hơi thở nhân văn và đạo cốt tiên phong vô hạn. Võ Đang, không chỉ là cái tên của núi đá 800 dặm, mà là ngọn núi cao mà người trong thiên hạ cầu phúc, trừ tà, bái Thánh.

Nhưng đối với cõi hồng trần vạn dặm dưới núi Võ Đang mà nói, kính Trời thờ Thần và Thần ban phúc lành, dường như đã trở thành vòng tuần hoàn nhân quả tương hỗ, cùng chứng kiến sự hưng thịnh và phồn vinh của từng vương triều các thời đại.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch

Exit mobile version